Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Xu hướng > Tính năng nào bị hạn chế khi Zalo bắt đầu thu phí? Telegram có gì (...)

Tính năng nào bị hạn chế khi Zalo bắt đầu thu phí? Telegram có gì hay?

Thứ Ba 2, Tháng Tám 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Như đã thông báo từ trước, Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1.8.2022, ứng dụng này sẽ bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Để có thể sử dụng “thoải mái”, người dùng cần phải mua 1 trong 3 gói trả phí gồm Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đ/ngày) và Elite (55.000 đ/ngày).

Điều đáng nói, thay vì mở rộng dịch vụ để áp dụng cho thuê bao và giữ nguyên những gì vốn có trên bản miễn phí như nhiều ứng dụng OTT khác đang làm, Zalo "bóp" khá nhiều tính năng đối với phiên bản không sử dụng gói thuê bao:

  • Thứ nhất, người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký của bạn. Người dùng cần kết bạn để tài khoản ấy có thể xem và bình luận trên nhật ký.
  • Thứ hai, mỗi tài khoản chỉ hiển thị 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
  • Thứ ba, mỗi tài khoản được phản hồi 40 cuộc hội thoại từ người lạ mỗi tháng. Khi vượt quá hạn mức này, người dùng vẫn có thể đọc được tin nhắn người lạ gửi tới cho mình, chỉ có điều không thể tiếp tục trả lời.
  • Thứ tư, mỗi tài khoản Zalo mặc định sẽ có tối đa 1.000 bạn. Khi đã đạt hạn mức 1.000 bạn, người dùng không thể thêm bạn mới hay chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người khác.
  • Thứ năm, tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username. Tính năng username sẽ mặc định tắt đối với tài khoản Zalo cá nhân thông thường.
  • Thứ sáu, mỗi tài khoản được mặc định có 5 mẫu tin nhắn nhanh. Nếu muốn thêm mẫu tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những mẫu tin nhắn nhanh cũ.

Để có thể sử dụng không giới hạn các tính năng này như trước đây, người dùng phải chuyển sang gói Zalo OA (Zalo Official Account) doanh nghiệp. Khác với các tài khoản truyền thống, người dùng sẽ phải trả phí, với 3 gói tùy chọn, gồm dùng thử (10.000 đồng/tháng), nâng cao (59.000 đ/tháng) và premium (399.000 đ/tháng). Trong đó, gói dùng thử chỉ có thể đăng ký 1 lần duy nhất (chỉ dùng trong tháng).


Trao đổi với báo chí, đại diện Zalo nhiều lần khẳng định việc này "nhằm giúp người dùng quản lý quyền riêng tư tốt hơn". Đa phần, ý kiến người dùng đều tỏ ra bức xúc và cho rằng, chất lượng của Zalo chưa xứng đáng để thu phí. Nhiều người cho biết, đã xoá Zalo chuyển sang app mới. Trong đó app được người dùng ưu tiên cài đặt hơn cả sau khi "rời" Zalo đó là Telegram.

Động thái thu phí của Zalo diễn ra ngay sau khi Telegram cũng triển khai gói Premium với nhiều tính năng nâng cao. Việc người dùng chuyển từ Zalo qua Telegram có thể vì một số lý do sau:

  • Thứ nhất, động thái thu phí của Zalo diễn ra ngay sau khi Telegram cũng triển khai gói Premium với nhiều tính năng nâng cao. Nhưng trong khi Zalo đang giới hạn những tính năng cũ của người dùng không trả phí thì bản thu phí Telegram chỉ tăng thêm tính năng cho người dùng chứ không giới hạn các chức năng cũ.
  • Thứ hai, về lưu trữ tin nhắn, nếu như người dùng Zalo thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất dữ liệu từ hình ảnh đến các file thì với Telegram kể cả nhắn từ rất lâu, đều được lưu trữ và tìm kiếm lại dễ dàng.
  • Thứ ba, trong khi Zalo chỉ cho người dùng đăng nhập trên 1 thiết bị thì Telegram có thể cho người dùng đăng nhập trên bất kỳ thiết bị nào và người dùng có thể dễ dàng quản lý thiết bị đang đăng nhập ở đâu, như thế nào. Bên cạnh đó, Zalo giới hạn file gửi là 1 GB thì Telegram cho phép lưu trữ đến 2GB. Telegram có nhiều bot có thể lấy thông tin; người dùng có thể thay đổi hình nền chat với nhau, tạo bộ sticker...
  • Thứ tư, về độ bảo mật thông tin, các tin nhắn trên Telegram đều được mã hóa đầu cuối. Tất cả tin nhắn đều được lưu trữ vào máy chủ, khiến cho các ứng dụng bên thứ ba không thể truy cập và cũng như là sử dụng.

Tuy vậy, khi người dùng chuyển sang dùng Telegram cũng sẽ tồn tại một số điểm yếu:

  • Thứ nhất, do máy chủ của Telegram ở nước ngoài. Vì vậy, trong những lần Việt Nam bị đứt cáp quang dẫn đến đường truyền không ổn định, khi người dùng gửi file, tải ảnh mất rất lâu thời gian.
  • Bên cạnh đó, người dùng Telegram cũng rất dễ dàng bị mạo danh tài khoản hoặc bị thêm vào các hội nhóm có dấu hiệu lừa đảo.

Theo LĐ và VT 1/8/2022