Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Tìm thấy một thành phố Ai Cập dưới biển 2300 năm

Tìm thấy một thành phố Ai Cập dưới biển 2300 năm

Thứ Tư 3, Tháng Tám 2022, bởi Cong_Chi_Nguyen

Sau nhiều năm kiên trì tìm kiếm, dò xét khắp khu vực rộng lớn ngoài khơi bờ biển Ai Cập (Egypt) tại Vịnh Abu Qir ở phía tây nam cửa sông Nil, cuối cùng nhà khảo cổ học người Pháp Franck Goddio đã nhìn thấy một khuôn mặt khổng lồ bằng đá hiện ra trong bóng tối nhập nhoạng của đáy nước Địa Trung Hải... Goddio với nhóm cộng tác của ông đã tình cờ phát hiện được ở độ sâu 9m cả một thành phố cổ có tên kép Ai Cập và Hy Lạp là Thonis-Heracleion từng bị coi là mất tích.

Thonis-Heracleion biến mất hoàn toàn từ hàng nghìn năm trước hoá ra lại ở tại một vị trí ngày nay chỉ cách bờ biển 2,5 km và cách Sân bay Borg El Arab của thành phố Alexandria 32 km về phía đông bắc. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng sự mất tích của nó có liên quan đến những thảm họa thiên nhiên liên tiếp. Theo họ, một cơn địa chấn khổng lồ và cú bồi tiếp bằng những đợt sóng thần cao tới 100m đã gây ra sụt lún và nhấn chìm dưới đáy biển tất cả thành phố mà mãi tới nay mới lại tìm ra.


Phần lớn hiện vật bằng kim loại, các tượng thần linh cùng đồ chế tác khác bằng đá granit và diorit tìm được dưới đáy nước đã bảo tồn trong trạng thái khá tốt. Chúng mang lại cho ta cái nhìn hiện thực về những gì đã tồn tại ở một trong những thành phố cảng lớn nhất của thế giới vào thời kỳ khoảng 2300 năm trước. Trong số vô vàn di vật mò được dưới đáy nước có tới 64 con tàu, 700 chiếc mỏ neo, một kho báu đầy tiền vàng, những bức tượng cao gần 5m, và trên hết là phế tích của một ngôi đền khổng lồ, với những chiếc quan tài bằng đá chứa nhiều động vật ướp xác được đưa đến đó như lễ vật hiến tế cho Amun-Gereb, vị thần tối cao của Ai Cập.


Amun là cha của Khonsou một dũng sĩ được người Hy Lạp gọi là Herakles, tiếng Anh và Pháp là Hercules. Khonsun được thờ từ đầu tại đền Thonis sau khi thành phố ra đời vào thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên. Về sau, trong thời kỳ thành phố phát triển cực thịnh giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 4 TCN, một ngôi đền lớn dành riêng cho Amun đã được xây ở khu trung tâm. Vua Ai Cập Nectanebo I cho tôn tạo và mở rộng ngôi đền này vào thế kỷ thứ 4 TCN. Còn có các thánh địa xung quanh dành riêng cho thần Osiris và các vị thần khác nổi tiếng về khả năng chữa bệnh kỳ diệu đã thu hút khách hành hương từ khắp nơi đến đây.


Đến thế kỷ thứ 2 TCN, sau khi Thonis-Heracleion bị ảnh hưởng bởi nhiều thảm họa, thành phố Alexandria do Alexander Đại đế thành lập đã thay thế nó thành hải cảng chính của Ai Cập. Cảng cũ từng đóng một vai trò chính trị và kinh tế rất quan trọng vì đã kiểm soát hoạt động buôn bán và thu thuế xuất nhập khẩu của các thương thuyền quốc tế chở hàng bằng đường biển qua lại Ai Cập. Tuy nhiên trong quá khứ nó bị coi là một thành phố chỉ có trong truyền thuyết vì sự biến mất không còn dấu tích.


May mắn rằng một tấm bia được tìm thấy nguyên vẹn ở đáy biển đã chỉ ra đó là một thành phố duy nhất được biết đến với cả tên Ai Cập và Hy Lạp. Tên Ai Cập của nó là Thonis (Tȝ-ḥnt). Các nhà khảo cổ học cho biết ban đầu nó được xây dựng trên một số hòn đảo nhỏ liền kề ở cửa sông Nil. Nó được giao cắt bởi các kênh đào với một số bến neo đậu thuyền riêng biệt. Các cầu cảng, ngôi đền và toà tháp được nối với nhau bằng phà, cầu và phao. Trong số các hiện vật quý nhất đang trưng bày tại Bảo tàng Grand Egyptian Museum ở thủ đô Cairo có một bức tượng khổng lồ bằng đá granit đỏ của thần sinh sản Hapi và một bức tượng đồng của thần Osiris, vua âm phủ.


Tên Heracleion (Hράκλειον) được đặt để kỷ niệm một nhân vật thần thoại Hy Lạp nổi tiếng vì có sức khoẻ kỳ lạ và số phận nghiệt ngã mà người Việt quen gọi là Héc-quyn, con riêng của thần Zớt vị chúa tể trên đỉnh Olympia. Hera, chị ruột và vợ của thần Zớt, đã hành hạ mẹ con Héc-quyn và chàng đã phải tới tận Châu Phi để lập một trong 12 kỳ tích theo đòi hỏi của Hera. Cuối cùng chàng lại chết vì sự ghen tuông của vợ mình nhưng được đón lên Olympia và trở thành bất tử.


7544 NCCông