Người Mường
MườngTổng quan
Dân tộc Mường chủ yếu sống tập trung ở các thung lũng dọc hai bờ sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Ba Vì) và khu vực trung lưu của sông Mã, sông Bưởi (các huyện Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc của Thanh Hóa). Theo số liệu năm 2019 tổng số có 1.452.095 người. Họ tự xưng là Mol (Mon, Mwon, Mwal, Mul, Mọi…tùy từng địa phương), có nghĩa là “người”.
Người Mường nói tiếng Mường, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt–Mường, trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Theo các nhà dân tộc học, người Mường có quan hệ gần gũi với người Kinh nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về sự chia tách Việt–Mường thành Kinh và Mường (xin xem thêm mục Tham khảo).
Trước kia các dòng họ lang đạo (Đinh, Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi mường có các lang cun, dưới lang cun có các lang xóm hoặc đạo xóm (Ậu đạo), cai quản một xóm. giúp việc cho nhà lang, hưởng lộc của lang. Cuộc cải cách hành chính năm 1831 đã phá bỏ cơ cấu tổ chức này, thành lập các xã, do lý trưởng đứng đầu. Mặc dù vậy, chế độ nhà Lang vẫn tồn tại song hành cho đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cư trú
Người Mường sống định canh, định cư. Họ trồng lúa nước và làm thêm nương rẫy. Nghề phụ trong những tháng nông nhàn là dệt vải, đan lát, ươm tơ và khai thác lâm sản. Phương tiện vận chuyển truyền thống của phụ nữ Mường là gùi. Đòn gánh có mấu hai đầu, đòn sóc cũng hay được sử dụng. Nước suối được chứa trong ống nứa dài 1 mét đưa về nhà bằng đón gánh.
Mỗi làng của người Mường có vài chục nóc nhà. Mỗi nhà thường có hàng cau, vườn mít. Nhà sàn truyền thống là kiểu 4 mái, người ở phần trên sàn, dưới gầm nhốt gia súc, gia cầm, để cối giã gạo và các công cụ sản xuất. Khi làm nhà mới, dựng cột bếp, người Mường có tục làm lễ nhóm lửa. Gia chủ lấy bẹ chuối cắt hình 3 con cá to, kẹp vào thanh nứa buộc lên bếp, ở cột cái đặt thêm quả bí xanh. Trước lúc đun nấu ở nhà mới, gia chủ làm lễ nhóm lửa xin thần bếp đặt 3 hòn đầu rau và hòn đá cái. Đêm đó gia chủ mời mọi người uống rượu cần dưới ánh sáng của ngọn lửa không bao giờ tắt trên bếp.
Gia đình
Trai gái Mường tự do tìm hiểu, ưng ý thì báo cho cha mẹ làm lễ cưới. Lễ cưới phải tuân thủ các quy trình sau: ướm hỏi, lễ bỏ trầu, lễ xin cưới, lễ cưới lần thứ nhất, lễ đón dâu. Trong ngày cưới, ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai khoảng ba, bốn chục người (nội, ngoại, bạn bè) mang lễ vật sang nhà gái tổ chức cưới. Chú rể mặc quần áo đẹp, chít khăn trắng, gùi một gùi cơm đồ chín (10 đấu gạo), trên miệng gùi có 2 con gà trống thiến luộc. Trong lễ đón dâu, cô dâu đội nón, mặc váy áo đẹp, ngoài cùng khoác áo dài màu đen thắt hai vạt phía trước. Cô dâu mang về nhà chồng 2 chăn, 2 đệm, 2 gối to để biếu bố mẹ chồng cùng hàng chục gối con để nhà trai biếu họ hàng.
Trong gia đình có người sinh nở, người Mường rào cầu thang chính bằng phên nứa. Trẻ con lớn 1 tuổi mới đặt tên. Hai ba thế hệ sống chung trong một mái nhà là phổ biến. Con cái lấy họ cha. Con trai trưởng có quyền thừa kế và được coi trọng.
Khi người vợ sắp sinh, chồng phải chuẩn bị nhà cửa, làm bếp riêng ở gian trong và quây phên thành buồng kín cho vợ đẻ. Khi vợ sắp đẻ, người chồng đi báo tin cho mẹ vợ và chị em họ hàng nội ngoại để đến nhà, cùng nhau chờ đợi. Bà đỡ cắt rốn cho trẻ sơ sinh bằng cật nứa lấy từ đầu dui trên mái nhà. Con trai dùng cật nứa ở dui mái nhà trước, con gái ở dui mái nhà sau. Cuống rốn của tất cả các con trai, con gái được đựng trong ống nứa, vì họ nghĩ rằng, làm như thế, lớn lên anh em sẽ yêu thương nhau.
Ngày sinh con, gia đình tổ chức ăn mừng, mời thầy Mo đến cúng. Đẻ được từ 3 đến 7 ngày có nhiều anh em, bà con đến tặng quà. Bà ngoại mừng cháu bằng vài vuông vải tự dệt. Gia đình khá giả tặng vòng bạc đeo cổ. Người đẻ thường ăn cơm nếp với lá tắc chiềng (thuốc chống sài), uống với nước lá thuốc. Từ 7 – 10 ngày ở cữ phải sưởi bên bếp lửa. Sau 1 tuổi, trẻ mới được đặt tên.
Ma chay
Khi có người già hoặc người bệnh bị chết, con trai thường cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình mới nổi chiêng phát tang. Thi hài được liệm nhiều lớp vải và quần áo rồi mới đặt trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng. Tang lễ do thầy Mo chủ trì. Con trai chống gậy tre là bố mất, chống gậy gỗ là mẹ mất. Người Mường có tục lễ quạt ma là một nghi lễ độc đáo. Khi tế, những người là dâu trong họ của người quá cố, phải mặc bộ đồ quạt ma, gồm váy đen, áo ngắn, áo chùng trắng, yếm đỏ, hai tay đeo vòng hạt cườm, tay phải cầm quạt cọ múa, tay trái cầm que gậy, đầu đội mũ quạt trang trí tua hạt cườm, phía trước đặt một chiếc ghế mây.
Sau khi lấp đất chôn quan tài, người Mường lấy 4 viên đá to đẹp đẽ đánh dấu mộ. 2 viên đặt ở đầu và cuối, 2 viên đặt ở 2 bên. Đó là đá đánh dấu mộ nhưng cũng liên quan tới tục thờ đá, dựng cự thạch có từ tín ngưỡng xa xưa của dân tộc này và của nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đống Thếch là một khu mộ cự thạch nổi tiếng.
Trang phục
Người Mường trước kia vận trang phục nam và trang phục nữ không cầu kỳ. Trang phục nam là áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới và đôi khi có thêm túi ngực. Đàn ông Mường cắt tóc ngắn, quấn khăn trắng. Quần nam Mường là quần lá tọa, ống rộng, dùng khăn thắt giữa bụng. Lễ hội thì dùng áo lụa tím hoặc vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác áo chùng đen, cài cúc nách.
Trang phục nữ độc đáo: khăn đội đầu trắng, yếm, áo cánh màu trắng, thân ngắn, xẻ ngực, váy dài đến mắt cá chân gồm thân váy và cạp váy. Cạp váy là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và tỉ mỉ với nhiều nét hoa văn mang đậm nét văn hóa truyền thống Đông Sơn. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt, bộ xà tích 2 hoặc 4 dây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.
Sinh hoạt khác
Trò chơi dân gian của người Mường gần gũi với mọi đối tượng của cộng đồng: Thi bắn nỏ, đánh đu, ném còn (có cả ở người Thái). Trò chơi lứa tuổi thiếu niên có đánh cá cắt, trò cò le, trò đánh chó hoặc buôn chó, trò đánh măng, trò chăm chỉ, chằm chăn…
Lịch cổ truyền của người Mường làm bằng 12 thẻ tre, tương ứng với 12 tháng. Trên mỗi thẻ có khắc ký hiệu khác nhau để biết tính toán, xem ngày, giờ tốt xấu. Người Mường Bi còn có cách tính khác, đó là ngày lùi, tháng tới. Tháng Giêng lịch Mường Bi ứng với tháng 10 của lịch Mường Vang, Thàng, Đông. Lễ hội diễn ra quanh năm: Lễ sắc bùa, lễ xuống đồng, hội cầu mưa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới.
Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú: nhiều thể loại thơ dài, truyện cổ, dân ca, ví, tục ngữ. Người Mường hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của người Mường. Ngoài ra còn có nhị, sáo, trống, khèn lú. Người Mường Phú Thọ còn dùng những ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà, tạo thành những âm thanh mà người Mường ở đây gọi là “đâm đuống”. Tuy nhiên, người Mường có di sản đặc sắc nhất là sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, truyền thuyết về Đức Thánh Tản Viên, hát Xắc bùa và nghệ thuật Cồng chiêng.
Nhà ở
Người Mường sống trong nhà sàn, và họ rất chú trọng đến hướng nhà. Theo quan niệm cổ truyền nhà phải dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng… Nhà sàn của họ có hình con rùa như sử thi “Đẻ đất đẻ nước” mô tả:
“Bốn chân làm nên cột cái/ Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui/ Nhìn qua đuôi làm trái/ Nhìn lại mặt nhà mà làm thang cửa sổ/ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài/ Muốn làm mái thì trông vào mai.
Nhà sàn của người Mường ở Hòa Bình phổ biến là có 4 mái (2 mái đầu hồi và 2 mái dài). Sàn nhà thấp giống sàn nhà người Thái. Nhà sàn người Mường Thanh Sơn, Yên Lập, Phú Thọ lại là nhà 2 mái, mái đốc vẩy gần sát sàn. Nhà sàn người Mường không có thềm bên ngoài như nhà sàn người Thái. Sàn thường được làm bằng bương, pha thành dát ghép lại, hoặc bằng gỗ. Từ mặt đất lên sàn cao từ 2 – 2,5 m. Nhà sàn người Mường thường có từ 3 đến 5 gian. Thảng hoặc có từ 7 đến 12 gian là những nhà đông con, khá giả. Cầu thang được bắc ở bên trái.
Không gian nhà của người Mường được chia thành gian nhà gốc dành cho nam giới. Đây là không gian linh thiêng, nơi đặt bàn thờ trong những ngày lễ quan trọng như hôn lễ, ma chay thì nam giới và những người có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống. Gian thứ hai, kế theo gian gốc là nơi dành cho nam giới ngủ nghỉ. Đây cũng là nơi để thóc và đặt bếp. Người Mường thường có hai bếp. Một bếp để nấu nướng thức ăn và dùng cho phụ nữ, trẻ em ngồi sưởi. Một bếp khác ở gian gốc dùng cho đàn ông sưởi, đun nước uống và tiếp khách. Gian cuối cùng là dành cho phụ nữ sinh hoạt, chứa đồ dùng sinh hoạt, nơi sửa soạn cơm nước.
Tham khảo
NCCong tổng hợp theo Từ Chi, Phạm Quốc Quân, Trần Quốc Vượng