Giáo dục di sản bảo tàng trong kỷ nguyên mới
museumTheo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta hiện có 162 bảo tàng công lập và ngoài công lập, lưu trữ hơn 3 triệu hiện vật, phản ánh toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa con người Việt Nam.
Tuy vậy, các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ bảo tồn các giá trị mà chưa phát huy mạnh mẽ trong đời sống như gắn kết với du lịch, trở thành không gian học tập, mở rộng hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên.
Riêng với công tác giáo dục di sản, thời kỳ công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội mà nếu tận dụng tốt, sẽ giúp cho việc học lịch sử của học sinh, sinh viên trở nên dễ dàng hơn, sinh động và cuốn hút hơn. Từ thực tế này, cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 3089 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng.
Bên cạnh chú trọng ưu tiên bố trí các nguồn lực cho các bảo tàng vào công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu số để thuận tiện cho nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu của nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các sở, các bảo tàng phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo địa phương tổ chức các chương trình phù hợp, qua đó giáo dục cho học sinh kiến thức về lịch sử dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, thấm nhuần tư tưởng “dân ta phải biết sử ta” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn vào thực tế giáo dục hiện nay không khó để nhận ra, nhiều trường học còn ít chú trọng trang bị kiến thức lịch sử văn hóa cho học sinh. Việc đưa kiến thức di sản vào chương trình giảng dạy chính thức, thậm chí là ngoại khóa còn bị xem nhẹ, hoặc nếu có thì vẫn dừng lại ở mức độ sơ sài, hình thức, kiểu làm cho có.
Có một thực tế là chúng ta từ lâu đã để lãng phí nguồn học liệu đa dạng phong phú về di sản văn hóa từ bảo tàng. Do đó, sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là thật sự cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước.
Ngược lại, ngành giáo dục cũng đạt được các mục tiêu mới trong giáo dục con người hoàn thiện, không chỉ cung cấp kiến thức cho việc thi cử mà còn giúp học sinh mở rộng tầm nhìn, kiến thức về văn hóa lịch sử, khơi gợi lòng tự tôn dân tộc trong lớp trẻ.
Ðể đạt được những mục tiêu này đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, trước tiên các bảo tàng cần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để làm cơ sở dữ liệu cung cấp đến các đối tượng một cách tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp, hấp dẫn.
Thời gian qua ở một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, nhiều trường học có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đưa di sản văn hóa vào chương trình giảng dạy, sử dụng cơ sở dữ liệu từ các bảo tàng.
Trong các giờ học về di sản văn hóa, các em học sinh được đến thăm bảo tàng, nghe các nhà văn hóa nói chuyện về lịch sử, trải nghiệm không gian văn hóa qua công nghệ thực tế ảo. Từ những buổi học như vậy, các em có ý thức giữ gìn di sản văn hóa của địa phương, của đất nước. Những điển hình làm tốt cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều trường học chú trọng vào việc đầu tư, phối hợp với các bảo tàng góp phần nâng cao hiểu biết cho giới trẻ về di sản văn hóa.
Cùng với đó, các bảo tàng cần chủ động và linh hoạt mang di sản văn hóa đến nhà trường thông qua nhiều kênh, xây dựng các chương trình dành riêng cho từng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng các em được học.
VQ, ND 19/8/2022