Ai cần Triết học?

Dưới đây là diễn từ của nhà văn Ayn Rand đọc ngày 6-3-1974 trong một buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự Mỹ West Point

Vì tôi là nhà văn, nên ta hãy bắt đầu với một câu chuyện cực ngắn. Giả sử bạn là phi hành gia. Tàu vũ trụ của bạn bỗng nhiên mất kiểm soát và rơi xuống một hành tinh xa lạ. Khi bạn lấy lại bình tĩnh và thấy rằng mình không bị xây xát gì nhiều thì ba câu hỏi đầu tiên đập vào đầu bạn sẽ là: Tôi đang ở đâu? Làm sao tôi có thể biết được điều đó? Và tôi nên làm gì?

Bạn nhìn quanh thấy toàn là những thứ cây cối lạ lùng, vẫn có không khí để thở tuy ánh mặt trời có hơi xám hơn và lạnh hơn so với ánh mặt trời trong trí nhớ của bạn. Bạn ngẩng đầu lên nhìn bầu trời rồi bất giác dừng lại. Một cảm giác kì lạ xâm chiếm bên trong bạn: nếu như bạn không nhìn thấy gì, bạn sẽ thôi phải biết rằng bạn có lẽ đang ở rất rất xa với Trái đất và không có cách nào để trở về đó nữa; rằng một khi bạn không biết gì về nó, bạn sẽ tuỳ ý tin vào bất cứ điều gì bạn muốn bạn tin – và rồi bạn bỗng cảm thấy một niềm hy vọng lờ mờ vừa dễ chịu nhưng cũng vừa tội lỗi một cách khó hiểu.

Bạn ngoái nhìn những công cụ mang theo: chúng có thể đã bị hư hại nhưng bạn không biết ở mức nào, có nghiêm trọng hay không. Bạn ngừng lại, một nỗi sợ hãi bất ngờ chạy loạn khắp cơ thể: Làm sao bạn có thể tin tưởng vào những công cụ này chứ? Làm sao bạn có thể tin chắc là chúng sẽ không lừa dối bạn? Làm sao bạn có thể biết liệu chúng có sử dụng được hay không trong một thế giới khác? Thế là bạn vứt chúng đi.

Lúc này bạn bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại không chút khát khao làm bất cứ một việc gì? Dường như sẽ an toàn hơn rất nhiều nếu bạn chỉ ngồi đợi, đợi xảy ra một điều gì đó chưa biết; tốt hơn hết là đừng mó máy đến con tàu vũ trụ mà làm gì – bạn nhủ thầm. Rồi từ đằng xa tiến lại chỗ bạn một vài sinh vật; bạn không hề biết liệu chúng có phải là người hay không, ngoại trừ việc chúng cũng đi bằng hai chân. Chính chúng – bạn quyết định – sẽ là người nói cho bạn biết phải làm việc gì.

Kể từ đó bạn không còn biết lắng nghe ai khác.

Chắc bạn đang nghĩ đây chỉ là câu chuyện trên mây? Bạn nghĩ là bạn sẽ chẳng đời nào rơi vào hoàn cảnh như thế mà cũng sẽ chẳng có phi hành gia nào phải như vậy hết? Vâng, có thể là không. Nhưng đó lại chính là cái cách mà đa số loài người chấp nhận để sống cuộc sống của họ, ngay ở đây, trên Trái đất này.

Cho đến lúc họ đủ già để hiểu những câu hỏi đó, đa số loài người vẫn tin rằng họ đã biết câu trả lời. Tôi đang ở đâu ư? Ừ thì ở New York City. Làm sao để tôi biết điều đó ư? Nó hiển nhiên vậy mà. Tôi nên làm gì ư? Đến đây thì họ sẽ ngập ngừng – mặc dù câu trả lời thường sẽ là: làm bất cứ việc gì mà mọi người làm. Vấn đề duy nhất ở đây có vẻ như là họ không có chút gì chủ động, tự tin hay hạnh phúc với những câu trả lời đó – và dường như họ đã đang phải trải qua một nỗi sợ hãi vô lý và một mặc cảm tội lỗi mơ hồ mà họ không thể giải thích hay vứt bỏ chúng.

Họ không bao giờ khám phá ra một điều rằng những vấn đề đó có nguồn gốc từ ba câu hỏi họ chưa thực sự trả lời được – và rằng chỉ có duy nhất một ngành khoa học có thể trả lời giúp họ ba câu hỏi đó: đó là triết học.

Triết học là ngành khoa học nghiên cứu bản chất của (sự) tồn tại, con người và mối liên hệ giữa con người và tồn tại. Khác với những ngành khoa học đặc thù đi giải quyết những khía cạnh cụ thể, triết học đi giải quyết những khía cạnh trừu tượng trên của cái vũ trụ mà tất cả mọi thứ đang tồn tại trong đó. Trong địa hạt nhận thức, những ngành khoa học đặc thù có thể được coi như là những cây cối mọc lên chính từ “đất mẹ” triết học.

Triết học sẽ không nói cho bạn, tỉ dụ những việc như bạn có đang ở New York City hoặc Zanzibar hay là không (tuy nó sẽ cho bạn những phương tiện để trả lời). Nhưng đây sẽ là thứ nó nói cho bạn biết: bạn có đang ở trong một vũ trụ được vận hành bởi những quy luật thiên nhiên và vì vậy mà (vũ trụ) ổn định, bền vững, tuyệt đối [1] và khả tri hay không? Hay là bạn đang ở trong một mớ hỗn độn, một vương quốc của những điều huyễn hoặc không thể giải thích, một núi bòng bong không thể tiên đoán, bất khả tri mà trí óc bạn bất lực không thể nắm bắt? Liệu mọi thứ bạn thấy quanh mình có là thực hay chỉ là ảo ảnh? Liệu chúng có tồn tại độc lập với người quan sát chúng hay chúng chỉ là những tạo tác của chính người quan sát chúng? Chúng là khách thể hay chủ thể của ý thức con người? Chúng có như chúng-đang-là – hay chúng có thể bị thay đổi chỉ vì một hoạt động của ý thức trong bạn, như một ước nguyện chẳng hạn, hay không?

Có thể nói, bản chất những hành động và hoài bão của bạn sẽ là khác nhau, vì tập hợp câu trả lời mà bạn chấp nhận (cho những câu hỏi trên) là khác nhau. Những câu trả lời này chính là phạm vi của siêu hình học – nhánh căn bản của ngành triết học có nhiệm vụ nghiên cứu sự tồn tại, hoặc nói theo cách của Aristotle là, “tồn tại-như là-tồn tại”.

Cho dù kết luận cuối cùng bạn đạt được là gì đi nữa, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu thiết yếu đó là phải trả lời câu hỏi hệ quả: Làm sao tôi biết được điều đó? Vì con người không phải là giống loài toàn năng - không thể mắc sai lầm, nên bạn sẽ phải khám phá những thứ mình cho là có thể xem như là tri thức và cách làm sao để chứng minh sự hợp lẽ của những kết luận từ bạn. Liệu con người lĩnh hội được tri thức thông qua một quá trình lý tính – hay chỉ là nhờ sự phát lộ đột nhiên từ một sức mạnh siêu nhiên nào đó? Liệu lý trí có phải là một cơ quan cho phép phát hiện và hợp nhất cái vật chất được cung cấp bởi giác quan con người – hay nó chỉ là thứ được nuôi dưỡng bởi những ý tưởng mang tính bẩm sinh được cấy vào đầu óc con người ta từ trước khi được sinh ra đời? Liệu lý trí có đủ khả năng để nhận biết được thực tại – con người liệu có thực sở hữu một số những cơ quan nhận biết khác có khả năng vượt trên cả lý trí? Liệu con người có thể đạt đến sự chắc chắn – hay sẽ mãi rơi trong vực thẳm của sự nghi ngờ?

Và cũng có thể nói, mức độ tự tin cũng như thành công của bạn cũng sẽ khác nhau tùy theo tập hợp câu trả lời mà bạn chấp thuận cho những câu hỏi trên. Những câu trả lời này là địa hạt của nhận thức luận, lý thuyết về tri thức, có nhiệm vụ nghiên cứu các phương tiện nhận thức của con người.

Siêu hình học và nhận thức luận là hai nhánh làm cơ sở lý thuyết cho triết học. Nhánh thứ ba – luân lý học – có thể coi như là một nhánh dụng công của triết học. Luân lý học không áp dụng cho tất cả mọi thứ tồn tại trên đời – nó chỉ áp dụng cho loài người – nhưng nó lại áp dụng vào tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người: tính cách, hành động, giá trị [2] con người và quan hệ của con người với tất cả sự tồn tại. Luân lý học, hay còn gọi là đạo đức học, xác định một bộ luật các giá trị dẫn dắt những hành động và lựa chọn của con người – những lựa chọn và hành động sẽ chi phối đường hướng cuộc đời con người.

Người phi hành gia trong câu chuyện của tôi đã không biết mình nên làm gì vì anh ta đã từ chối trả lời câu hỏi anh ta ở đâu và bằng cách nào anh ta biết điều đó. Bạn cũng sẽ giống anh ta – sẽ không thể biết bạn nên làm gì - cho đến tận khi nào bạn biết được bản chất của cái vũ trụ mà bạn đang đối mặt là gì, biết được bản chất các phương tiện nhận thức là gì và biết được bản chất của chính bạn là gì. Trước khi bạn đi vào luân lý học, nhất quyết bạn phải trả lời cho bằng được những câu trả lời mà siêu hình học và nhận thức luận đã đặt ra cho bạn: liệu con người có phải là giống loài có lý trí, có khả năng đối mặt được với thực tại – hay anh ta chỉ là một thứ quái dị mù quáng một cách bất lực – một hạt bụi nhỏ nhoi bị mớ hỗn độn của vũ trụ xoay vần? Tùy thuộc vào câu trả lời của bạn mà bạn có thể tiếp tục xem xét những câu hỏi tiếp theo của luân lý học: cái gì là tốt/xấu đối với con người – và tại sao? Liệu mối quan tâm chủ yếu của con người nên là làm sao để tìm được lạc thú - hay là - làm sao để thoát khỏi khổ đau? Liệu con người nên coi sự thỏa mãn bản thân hay là nên coi sự tự hủy hoại bản thân như là mục đích của cuộc đời? Liệu con người nên đi tìm hạnh phúc hay là kiếm sự tự hy sinh bản thân?

Tôi không hề cần phải chỉ ra những hệ quả khác nhau của hai tập hợp câu trả lời trên. Vì bạn có thể thấy chúng ở khắp mọi nơi – ngay bên trong bạn và xung quanh bạn.

Những câu hỏi mà luân lý học trả lời cũng sẽ quyết định đến cách người ta đối xử với người khác như thế nào. Và cũng chính nó sẽ quyết định tới nhánh thứ tư của triết học: chính trị học – nhánh có nhiệm vụ xác định những nguyên tắc của một hệ thống xã hội đúng nghĩa. Như là một ví dụ cho chức năng của triết học, triết học chính trị sẽ không nói cho bạn biết khí gaz nên được hạn chế cho mỗi người một lượng khoảng bao nhiêu và vào ngày nào trong tuần – nó sẽ chỉ nói cho bạn biết liệu chính phủ có được quyền thiết lập bất cứ hạn chế nào lên bất cứ thứ gì hay không mà thôi.

Nhánh thứ năm và cũng là nhánh cuối cùng của triết học là mỹ học, nhánh khoa học nghiên cứu nghệ thuật dựa trên cơ sở siêu hình học, nhận thức luận và luân lý học. Nghệ thuật giải tỏa những nhu cầu – nhu cầu nạp năng lượng sống – cho ý thức con người.

Giờ thì một vài người trong số bạn có thể hỏi lại, như nhiều người đã từng hỏi, rằng: “Nhưng mà tôi chưa bao giờ suy nghĩ những thứ trừu tượng như thế cả - tôi chỉ muốn giải quyết những vấn đề cụ thể, chi tiết và có thực trong đời sống thôi – tôi cần quái gì đến triết học cơ chứ?” Câu trả lời của tôi là: Cần (triết học) để có khả năng giải quyết được những vấn đề cụ thể, chi tiết và có thực trong đời sống – ví dụ như cần để có thể sống được trên Trái đất này vậy.

Các bạn cũng có thể nói – như đa số người ta vẫn nói – rằng bạn chưa hề bị triết học tác động đến một chút nào hết. Tôi sẽ yêu cầu bạn kiểm chứng lại điều đó ngay. bạn đã bao giờ nghĩ hay nói những câu đại loại như thế này chưa? “Đừng quả quyết thế - Không ai có thể kiên định bất cứ điều gì”. Nếu có thì bạn đã mượn nó từ David Hume (và rất nhiều triết gia khác), cho dù có thể bạn chưa từng nghe đến tên ông ấy trong đời. Hay như: “Cái này chỉ có thể thực hiện trên lý thuyết thôi, không áp dụng thực tế được đâu!” – thì bạn mượn nó từ Plato. Hoặc: “Đó thật là một việc làm đáng ghê tởm, nhưng con người mà, không ai hoàn hảo trên thế giới này cả” – bạn mượn từ Augustine. Hoặc: “Điều đó có thể đúng với bạn, nhưng với tôi thì không!” – đó là bạn mượn từ William James. Hoặc: “Tôi không thể chịu đựng nó thêm nữa! Không ai có thể chịu đựng bất cứ thứ gì họ làm cả!” – bạn mượn từ Hegel. Hoặc: “Tôi không thể chứng minh được nó đúng, nhưng tôi cảm thấy nó đúng” – bạn mượn từ Kant. Hoặc: “Theo logic thì là vậy, nhưng logic không thể áp dụng thực tế được đâu” – bạn mượn nó từ Kant. Hoặc: “Nó thật xấu xa, vì nó thật ích kỷ” – bạn vẫn mượn nó từ Kant. Hoặc liệu bạn đã từng nghe những nhà hoạt động chính trị hiện đại nói như thế này chưa: “Hành động trước, nghĩ sau đi!” – bạn biết sao không: họ mượn nó từ John Dewey.

Một vài người khác cũng có thể nói: “Chắc chắn rồi, tôi đã từng phát biểu những điều đó ở những thời điểm khác nhau, nhưng tôi không cần phải lúc nào cũng phải tin vào chúng. Vì nó có thể đúng ở ngày hôm qua nhưng ngày hôm nay thì không.” – đó là mượn từ Hegel. Họ có thể nói: “Sự kiên định là con yêu tinh của những cái đầu nhỏ bé” – thì họ đã tiêm nhiễm nó từ một cái đầu siêu nhỏ bé đó là Emerson. Họ có thể nói: “Nhưng người ta không thể thỏa hiệp và mượn những ý tưởng khác biệt nhau từ những triết thuyết khác biệt vì lợi ích chốc lát được đúng không?” – Họ mượn nó từ Richard Nixon – người mượn nó từ William James.

Bây giờ thì hãy tự vấn lại mình: nếu như bạn không có hứng thú đối với những thứ tư tưởng trừu tượng, tại sao bạn (và mọi người khác) vẫn cảm thấy buộc lòng phải sử dụng chúng? Sự thực là những tư tưởng trừu tượng kia, chúng là những tích hợp về khái niệm của vô số những thứ cụ thể; và sự thực là nếu như không có những tư tưởng trừu tượng kia, bạn sẽ không bao giờ có thể giải quyết được những vấn đề cụ thể, riêng biệt và có thực trong đời sống. Khi đó, bạn sẽ chỉ như một đứa bé mới sinh, mà với nó, mọi thứ đều là những hiện tượng độc nhất vô nhị, không hề có liên hệ đến nhau mà thôi. Sự khác biệt giữa trạng thái tinh thần của một đứa bé và của bạn nằm chính ở số lượng những tích hợp khái niệm mà trí óc của bạn có thể thực hiện.

Bạn không thể không cần đến sự tích hợp những quan sát, những trải nghiệm, tri thức của bạn vào những ý niệm trừu tượng hay những nguyên tắc khái quát. Lựa chọn duy nhất của bạn đó là giá trị đúng sai của những nguyên tắc kia hay liệu chúng có hiện thân cho những phán đoán lý trí, có ý thức của bạn hay chúng chỉ là những chiếc thùng chứa những khái niệm mà bạn không biết rõ nguồn gốc, chân trị, hoàn cảnh hay hệ quả của nó được gom lại ngẫu nhiên; và chính chúng, rất có thể một ngày, sẽ bị bạn vứt đi không thương tiếc một khi bạn thực sự hiểu vấn đề.

Nhưng những nguyên tắc khái quát mà bạn chấp nhận (một cách có ý thức hoặc vô thức) đó có thể xung đột nhau hoặc thậm chí phủ định nhau. Khi đó, chúng cũng cần một sự tích hợp nào đó. Cái gì sẽ tích hợp chúng? Chính là triết học. Mỗi một hệ thống triết học chính là một thế giới quan của tồn tại được tích hợp. Vì bạn thuộc về loài người nên sự thật là bạn sẽ không thể không cần đến triết học. Lựa chọn duy nhất của bạn là nên để bạn quyết định nền triết học của bạn bằng một quá trình tư duy lý tính, có ý thức và có cân nhắc logic một cách nghiêm cẩn; hay là để mặc cho vô thức của mình chất chồng những đống tạp nhạp của những kết luận vô lý, những tổng quát sai lầm, những mâu thuẫn mơ hồ, những khẩu hiệu vô hồn, những ao ước bất định, những nghi hoặc và sợ hãi quăng vào với nhau một cách ngẫu nhiên nhưng lại được vô thức của bạn tích hợp thành một thứ triết học hỗn tạp, một thứ mặc cảm nặng nề, khô cứng – giống như xiềng xích chằng chịt ở nơi đáng lý ra phải để cho đôi cánh lý trí của bạn tung bay.

Bạn có thể nói, giống như nhiều người khác, rằng đâu dễ để lúc nào cũng làm theo được những quy tắc trừu tượng. Đúng, nó không dễ. Nhưng bạn có biết rằng - thực hiện theo những quy tắc trừu tượng mà không biết bản chất của chúng còn khó hơn gấp bội lần không?

Vô thức của bạn giống như một cỗ máy tính vậy - dĩ nhiên cỗ máy trừu tượng này còn phức tạp hơn tất cả những cỗ máy thực thụ mà con người có thể nghĩ ra – và chức năng chính của nó là tích hợp các ý niệm mà bạn có. Ai lập trình cho nó? Chính là ý thức của bạn. Nếu như bạn để mặc nó, nếu như bạn chưa đạt tới bất cứ một khái niệm chắc chắn nào, vô thức của bạn sẽ được lập trình một cách ngẫu nhiên – và bạn sẽ có trong mình sức mạnh của những ý niệm mà bạn không hề biết là bạn đã chấp nhận chúng. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, cỗ máy tính của bạn sẽ vẫn hằng ngày, hằng giờ cho ra những “thành phẩm” trong hình hài những xúc cảm – chúng nhanh như chớp sẽ làm nhiệm vụ ước đoán, tính toán những thứ xung quanh bạn tùy theo giá trị mà bạn chọn (một cách vô thức). Nếu như bạn lập trình cỗ máy của bạn bằng tư duy có ý thức, bạn sẽ biết được bản chất những giá trị và cảm xúc của bạn. Nếu bạn không làm điều đó, kết quả theo đó cũng sẽ là ngược lại.

Rất nhiều người, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, hùng hồn cho rằng con người không thể sống nếu chỉ dựa vào logic, rằng luôn có yếu tố cảm xúc trong bản chất của anh ta, và rằng họ luôn tin tưởng để cho cảm xúc của họ đưa đường chỉ lối cho họ. Đó, người phi hành gia trong câu chuyện ban đầu của tôi cũng giống như vậy đó. Trò cười ở anh ta và những người giống anh ta là ở chỗ những giá trị và cảm xúc của con người lại được quyết định bởi thế giới quan căn bản của họ. Lập trình viên cuối cùng cho vô thức của anh ta chính là triết học – ngành khoa học mà những nhà cảm xúc luận cho là bất lực trong việc ảnh hưởng hay hiểu thấu những điều diệu kì phức tạp của cảm xúc.

Chất lượng đầu ra của cỗ máy vô thức được quyết định bởi chất lượng của đầu vào. Nếu như vô thức của bạn được lập trình một cách ngẫu nhiên thì đầu ra của nó chắc chắn sẽ có cùng một đặc tính tương ứng. Chắc bạn đã từng nghe đến thuật ngữ trong ngành máy tính: “gigo” – viết tắt của “garbage in, garbage out” (tạm hiểu: đầu vào là rác thì đầu ra cũng sẽ là rác). Công thức này cũng vẫn đúng khi áp dụng cho mối quan hệ giữa tư duy của một người và cảm xúc của anh ta.

Một người bị chi phối bởi cảm xúc thì giống như một người bị chi phối bởi một cái máy tính mà những “bản in thành phẩm” của nó thì anh ta không thể nào đọc được. Anh ta không hề biết liệu chương trình của nó chạy có đúng hay là sai, liệu nó sẽ đưa anh đến thành công hay là dìm anh xuống thất bại, liệu nó có thực sự nghe lời anh không hay là nó đang ngấm ngầm đưa đường cho quỷ dữ. Tóm lại anh ta sẽ bị mù lòa từ cả hai phía: một phía là thế giới ngoại tại xung quanh anh ta và một phía là chính thế giới nội tại bên trong anh ta. Anh ta sẽ không thể nắm bắt được thực tại hay những động cơ hành động của anh ta. Suốt đời anh ta sẽ chỉ biết co quắp trong nỗi kinh hãi từ cả hai thế giới đó. Xúc cảm không phải là công cụ để nhận thức. Những người không có hứng thú với triết học thường chính là những người cần đến xúc cảm một cách cấp thiết nhất, và đa số họ lực bất tòng tâm để mặc cho nó trói buộc.

Tuy nhiên sự thực là kẻ bảo rằng không thích thú gì với triết học vẫn ngày ngày hấp thu các quy tắc của nó từ bầu không khí văn hóa xung quanh như: trường phổ thông, đại học, sách vở, báo chí, phim ảnh, ti vi v.v.. Ai đã khơi dòng cho những giai điệu văn hóa đó chảy trong đời sống? Chẳng ai khác ngoài một nhúm người được gọi là: triết gia! Số triết gia đó được phân làm hai loại: môn đệ và thủ lĩnh. Các môn đệ thường là người đi theo một ít kẻ gọi là thủ lĩnh cho dù vô tình hay hữu ý. Trong hai trăm năm qua, dưới ảnh hưởng của Immanuel Kant, trào lưu thống trị trong triết học đã được định hình và phát triển duy chỉ vì một mục đích: giải cấu trúc trí óc con người trong sự tin tưởng vào lý trí của anh ta. Ngày nay, chúng ta đang được chứng kiến đỉnh cao huy hoàng của trào lưu đó.

Khi bỏ quên lý trí, con người sẽ nhận ra không chỉ có việc cảm xúc của họ không thể đưa đường chỉ lối được mà họ còn không thể cảm thấy bất cứ cảm xúc nào ngoài sự kinh hãi. Việc bùng phát tệ nạn sử dụng ma túy trong giới trẻ được giới thiệu như là một xu hướng của những người lao động trí óc ngày nay – minh chứng cho một trạng thái nội tại vượt quá giới hạn chịu đựng của những con người bị cướp đi phương tiện nhận thức, những con người đang kiếm tìm cho mình một sự giải thoát thực tại – giải thoát khỏi nỗi kinh hãi khi nghĩ đến sự bất lực của họ trước thực tại. Hãy nhìn những người trẻ tuổi đó và quan sát nỗi khiếp sợ sẽ đánh mất sự độc lập cá nhân của họ. Hãy quan sát khát khao rồ dại luôn muốn mình “thuộc về”, luôn muốn mình gia nhập một tổ chức, bang hội nào đó của họ. Đa số họ chắc chắn chưa bao giờ nghe đến từ triết học nhưng họ chắc chắn cảm nhận được sự bức thiết cần những câu trả lời căn bản cho những câu hỏi mà họ chưa từng dám đặt ra cho mình – và họ hy vọng rằng bang hội của mình sẽ nói hộ cho họ biết họ phải sống như thế nào. Họ luôn sẵn sàng để bị thôi miên bởi bất cứ một nhà pháp thuật, một ‘guru’ [3] hay một kẻ độc tài nào. Một trong những việc làm nguy hiểm nhất đối với một con người đó là để sự tự chủ tinh thần của mình phải đầu hàng trước những kẻ khác: cũng giống như phi hành gia của tôi, anh ta không biết liệu những sinh vật lạ có phải là người hay không nữa, cho dù chúng cũng đi bằng hai chân.

Bây giờ bạn có thể hỏi: nếu triết học xấu xa đến thế thì liệu người ta nghiên cứu nó phỏng có ích lợi gì? Và nhất là, tại sao người ta phải đi nghiên cứu những học thuyết triết học sai lạc một cách hiển nhiên, chẳng có nghĩa lý gì và chẳng có liên hệ gì với thực tế cuộc sống?

Câu trả lời của tôi là: Để tự bảo vệ mình – để bảo vệ cho chân lý, công bằng, tự do hay bất cứ giá trị nào mà bạn có thể đã từng có hoặc có thể sẽ có.

Không phải tất cả mọi triết gia đều là quỷ dữ, cho dù sự thật là, đặc biệt trong lịch sử thời hiện đại, rất nhiều trong số họ là vậy. Hơn thế, nơi cội rễ của mọi thành tựu văn minh loài người, như khoa học, công nghệ, sự phát triển, tự do – nơi cội rễ của tất cả những giá trị mà chúng ta đang được thừa hưởng ngày hôm nay, trong đó có sự ra đời của Hợp chúng quốc Hoa Kì này, bạn sẽ tìm thấy đóng góp to lớn của một con người, người đã sống cách chúng ta hơn hai ngàn năm trước: hiền triết Aristotle.

Nếu như bạn chỉ cảm thấy buồn chán khi đọc những lý thuyết gần như vô giá trị của một số triết gia nào đó, tôi sẽ đồng cảm sâu sắc với bạn. Nhưng nếu như vì thế mà vứt hết chúng đi, bảo rằng: Tại sao tôi phải nghiên cứu những cái của nợ ấy một khi tôi biết chúng vô nghĩa? thì ạn đang nhầm lẫn rồi đấy. Chúng vô nghĩa, nhưng bạn sẽ không thể biết chúng vô nghĩa một khi bạn còn chưa chấp nhận tất cả hệ luỵ của chúng, chấp nhận tất cả những cụm từ “nam châm” xấu xa được tạo tác bởi những triết gia đó, một khi bạn còn chưa có khả năng phủ định chúng.

Cái sự vô nghĩa đó giải quyết một trong những vấn đề cốt lõi nhất về tồn tại của con người- đó là vấn đề sống-hay-chết. Nơi cội rễ của tất cả mọi triết thuyết đáng chú tâm đến đều có một vấn đề chính đáng – theo cái nghĩa là có một nhu cầu đích xác của ý thức con người mà một số triết thuyết cố gắng soi rõ nó trong khi một số khác thì lại phức tạp hóa, phá vỡ và ngăn cản con người ta khám phá ra nó. Cuộc chiến của những triết gia là cuộc chiến vì tư duy con người. Nếu như bạn không am hiểu những triết thuyết của họ, bạn sẽ rất yếu đuối và dễ bị tổn thương ngay cả đối với kẻ kém cỏi nhất trong số họ.

Cách tốt nhất để nghiên cứu triết học đó là phương pháp thường được áp dụng khi đọc truyện trinh thám: theo dõi mọi dấu vết, manh mối và ẩn ý để khám phá ra ai là kẻ sát nhân và ai là nhân vật chính. Tiêu chí để phát hiện ra nó gồm 2 câu hỏi: Tại sao và Bằng cách nào. Nguyên lý đã cho có vẻ như là đúng – thế thì vì sao? Nếu như một nguyên lý khác có vẻ như là sai – thì vì sao và làm cách nào để chứng minh nó sai? Bạn sẽ không dễ tìm ra được mọi câu trả lời ngay lập tức, nhưng cứ liên tục đặt câu hỏi như vậy, bạn sẽ dần dần có được một đức tính vô giá: khả năng tư duy căn bản.

Không gì được ban tặng cho con người một cách tự nhiên, kể cả tri thức lẫn sự tự tin, sự bình tĩnh nội tại hay cả phương pháp đúng đắn để sử dụng tư duy của mình. Tất cả những giá trị mà con người cần hay muốn có đều phải được khám phá, học hỏi và thu nạp – ngay cả cách đứng hay ngồi cho đúng tư thế cũng vậy. Nhân tiện đây, tôi muốn chia sẻ một điều đó là tôi luôn ngưỡng mộ phong thái của các học viên trường West Point này, cái phong thái cho thấy sự kiêu hãnh của con người và sự làm chủ cơ thể nghiêm túc của anh ta. Vâng, luyện tập triết học cũng sẽ cho con người phong thái của một trí thức – cái phong thái cho thấy sự làm chủ lý trí nghiêm túc và tự hào của con người.

Trong chính nghề nghiệp của bạn – khoa học quân sự, chắc hẳn bạn biết tầm quan trọng của việc phát hiện ra dấu hiệu vũ khí, chiến lược và chiến thuật của quân địch – và sự hệ trọng của việc chuẩn bị đối phó. Triết học cũng như vậy: bạn phải luôn am hiểu tường tận những quan điểm của kẻ địch và phải luôn sẵn sàng đáp trả lại, bạn phải luôn biết được lập luận cơ bản của họ và có khả năng phản bác chúng.

Trong chiến tranh, bạn sẽ chẳng bao giờ cử người của bạn đến chỗ có bẫy mìn: thay bởi đó, bạn sẽ nỗ lực hết sức để tìm ra vị trí những bẫy mìn đó. Vâng, hệ thống của Kant chính là bẫy mìn lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử triết học – tuy nhiên, nó lại đầy những lỗ trống đến mức một khi bạn đã nắm trọn các thủ thuật của nó trong tay, bạn có thể dễ dàng phủ định nó và bước qua ‘xác’ nó một cách an toàn tuyệt đối. Và, một khi nó đã bị phủ định thì những học thuyết ít mùi Kant hơn – những thuộc cấp của ‘đại tướng’ Kant, những hạ sĩ quan, những binh nhì hay lính đánh thuê triết học của thời đại ngày nay – sẽ tự ngã quỵ theo phản ứng dây chuyền vì sự vô trọng lượng của chính chúng.

Có một lý do đặc biệt giải thích tại sao các bạn, những lãnh đạo tương lai của quân đội Hoa Kì, cần phải được “vũ trang triết học” ngay từ hôm nay. Đó là vì các bạn chính là mục tiêu của một cuộc tấn công đặc biệt do những thành phần cuồng đạo theo Chủ nghĩa Tập thể của Kant hay Hegel thống trị khắp các kinh viện hàn lâm của chúng ta ngay ở thời điểm hiện tại. Các bạn chính là quân đội của đất nước nửa tự do cuối cùng trên trái đất này, và chính vì thế mà các bạn bị buộc tội là công cụ cho Chủ nghĩa Đế quốc. Chủ nghĩa Đế quốc – đó chính là cái tên được đặt cho chính sách ngoại giao của đất nước này, đất nước chưa bao giờ dính líu đến những cuộc hành binh quân sự, đất nước chưa bao giờ hưởng lợi lộc từ hai cuộc chiến tranh thế giới, những cuộc chiến mà nó không hề phát động, tuy đã bước vào và giành chiến thắng. (Nhân tiện, phải nói rằng đó là một chính sách quá rộng lượng một cách ngờ nghệch, việc khiến cho đất nước này đã phải lãng phí sự giàu có của nó để giúp đỡ cho cả những đồng minh lẫn kẻ thù của nó.) [...]

Ngày nay, tình thương cho những kẻ yếu đuối cùng sự quan tâm sướt mướt đến những người thiệt thòi, đau khổ hay lầm lỗi chính là vỏ bọc che giấu sự căm thù của chủ nghĩa Kant lên những người thuần khiết, mạnh mẽ, có khả năng, thành công, đức hạnh, tự tin và hạnh phúc. Một thứ triết học sinh ra để hủy hoại lý trí của con người phải là một thứ triết học căm thù con người, căm thù cuộc sống cũng như mọi giá trị của con người. Căm thù những thứ tốt đẹp vì sự tốt đẹp của chúng chính là đặc trưng ‘vĩ đại’ của thế kỉ 20. Đây chính là kẻ thù mà bạn phải đối mặt.

Để đối phó với cuộc chiến sinh tử này, các bạn cần được trang bị những loại vũ khí đặc biệt. Và các bạn phải chiến đấu với sự am hiểu tuyệt đối những động cơ của bạn, sự tự tin tuyệt đối vào bản thân và một sự kiên định tuyệt đối với sự đúng đắn về đạo đức của cả hai điều đó. Chỉ có triết học mới có thể cung cấp cho bạn những loại vũ khí đó. Nhiệm vụ tôi đặt ra cho mình trước các bạn đêm nay không phải là rao rảng triết học của tôi mà đơn thuần chỉ là nói một chút về triết học như trên mà thôi. Tuy nhiên, tôi đã ngầm nói ra chính triết học của tôi một cách không hiển ngôn cho bạn trong từng câu chữ. Vì một lẽ rằng không ai trong chúng ta và không một phát ngôn nào có thể thoát khỏi những tiền đề triết học. Vậy lợi ích cá nhân của tôi trong vấn đề này là gì? Tôi có thể đủ tự tin nghĩ rằng nếu như các bạn chấp nhận tầm quan trọng của triết học và chấp hành nhiệm vụ xem xét nó một cách có phê phán, thì sau rốt, các bạn sẽ chấp nhận triết học của tôi. Nói một cách chính xác thì tôi gọi nó là Chủ nghĩa Khách quan [4], nhưng nôm na thì các bạn có thể hiểu tôi đang nói đến một thứ triết học dành cho sự sống trên trái đất này. Sẽ thấy nó sáng rõ nếu như các bạn đọc những cuốn sách của tôi, đặc biệt là cuốn Atlas nhún vai.[...]

Các bạn đã chấp nhận mạo hiểm cuộc sống của mình để bảo vệ đất nước này. Tôi sẽ không xúc phạm các bạn bằng cách bảo rằng các bạn hiến dâng nó vì mục đích của người khác – đó không phải là một đức hạnh trong đạo đức học của tôi. Trong đạo đức học của tôi, bảo vệ một đất nước đồng nghĩa với việc cá nhân một người nào đó không sẵn lòng chịu sống cuộc đời nô lệ cho bất cứ kẻ thù nào, dù là ngoại bang hay nội xâm. Đây mới chính là một đức hạnh vĩ đại. Một vài người trong số các bạn có thể không nhận ra nó một cách có ý thức. Tôi muốn giúp số đó nhận ra nó.

Quân đội của một đất nước tự do có một trách nhiệm vĩ đại: quyền sử dụng vũ lực, nhưng không phải với vai trò là công cụ để cho những cuộc xâm lược hay những cuộc hành binh tàn khốc – giống như những quân đội của những quốc gia khác đã từng có trong lịch sử của họ - mà chỉ với vai trò là công cụ để tự bảo vệ một đất nước tự do, nó đồng nghĩa với việc bảo vệ các quyền cá nhân của con người. Nhiệm vụ này cần đến lòng nhiệt thành và niềm kiêu hãnh cao nhất. Không một quân đội nào khác trên thế giới có được điều kiện điều đó, các bạn thì có.[...]

*Ayn Rand (1905 – 1982): nữ triết gia, tiểu thuyết gia (tác giả của 2 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Atlas nhún vai” (Atlas Shrugged) và “Suối nguồn” (The Fountainhead) người Mĩ gốc Nga Do Thái, được xem như là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, chủ nghĩa cá nhân thế kỉ 20. Người khai sinh ra học thuyết Chủ nghĩa Khách quan (Objectivism). Triết học cùa bà nổi tiếng vì công kích triết học Kant một cách kịch liệt và cực đoan.

[1Tuyệt đối: tuyệt đối ở đây có thể hiểu theo nghĩa như xác định, chắc chắn. Siêu hình học của Ayn Rand cho rằng “thực tại là tuyệt đối, tồn tại là tuyệt đối và một hạt bụi cũng là tuyệt đối” (Lời của nhân vật Galt trong cuốn “Atlas nhún vai”: tr173).

[2Giá trị: Theo Luân lý học của Ayn Rand, “giá trị là thứ con người ta hành động để nắm lấy và/hoặc giữ lấy và đức hạnh (virtue) chính là hành động mà con người thực hiện để làm cái việc nắm lấy và/hoặc giữ lấy giá trị. Giá trị tiền giả định một câu trả lời cho câu hỏi: giá trị của ai và cho cái gì?. Giá trị tiền giả định một tiêu chuẩn, một mục đích và một thúc ép hành động khi phải đối mặt với một sự lựa chọn (alternative). Nơi nào không có sự lựa chọn, nơi đó không thể có giá trị.” (vẫn lời của nhân vật Galt trong “Atlas nhún vai” tr121).

[3Guru: chuyên gia hàng đầu hay bậc thầy trong một lĩnh vực khoa học công nghệ nào đó.

[4Có thể tóm tắt Chủ nghĩa Khách quan của Ayn Rand gồm: Siêu hình học: thực tại khách quan (Objective Reality); Nhận thức luận: lý tính (Reason); Luân lý học: Lợi ích vị kỷ (Self-interest); Chính trị học: Chủ nghĩa Tư bản với thị trường tự do (Capitalism).