Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Kinh tế > Kinh tế số Việt Nam hấp dẫn thuộc top đầu trong khu vực

7614

Kinh tế số Việt Nam hấp dẫn thuộc top đầu trong khu vực

Thứ Hai 14, Tháng Mười Một 2022, bởi CTV

Những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới theo hướng có lợi cho các nền kinh tế “thâm dụng” công nghệ và làm giảm vị thế của các nền kinh tế “thâm dụng” tài nguyên khoáng sản, hay “thâm dụng” lao động.

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2022, 83% các quỹ đầu tư kỳ vọng số lượng dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn 2025-2030. Việt Nam, Indonesia và Philippines được đánh giá là ba thị trường có cơ hội phát triển tốt đối với kinh tế số. Thị trường kinh tế số Đông Nam Á vẫn sẽ được dẫn dắt bởi Indonesia, tuy nhiên Việt Nam đang có sự bứt tốc và tiệm cận vị trí thứ 2 cùng với Thái Lan.


Sự tăng trưởng nổi bật của khu vực Đông Nam Á đang được hỗ trợ bởi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Tính riêng trong năm 2021, khoảng gần 2.700 dự án nhận được đầu tư với tổng vốn 26,7 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước đến nay. Chia theo thị trường, Singapore chiếm tỷ trọng cao nhất (46%), tiếp đến là Indonesia (34%) và Việt Nam (10%).

Động lực tăng trưởng chính của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đến từ thị trường thương mại điện tử. Với sự tăng trưởng đột biến trong suốt thời gian đại dịch, ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 65% giá trị GMV năm 2022) và dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong những năm tiếp theo mặc dù tốc độ tăng sẽ giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, các ngành khác trong nền kinh tế số như dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm, du lịch và giải trí cũng sẽ ghi nhận mức độ tăng trưởng tốt.

Bên cạnh các ngành nghề truyền thống trong nền kinh tế số, một số mảng khác cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý ở thị trường Việt Nam như các sản phẩm SaaS hay các dự án Web3. Trong đó các dự án liên quan đến Web3 đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ cộng đồng công nghệ Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn trong ngành như FPT, VNG.

Cũng theo chia sẻ của các quỹ đầu tư, Việt Nam đang được xem là thị trường tiềm năng với 83% các quỹ đều có kế hoạch tăng số lượng dự án đầu tư trong giai đoạn 2025-2030, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi chung của khu vực liên quan đến quy mô dân số, đặc điểm nhân khẩu học…, Việt Nam cũng được đánh giá cao về chất lượng và chi phí nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Tiềm năng phát triển của kinh tế số đang đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư, nhất là với các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain hoặc các lĩnh vực vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng như các sản phẩm công nghệ cho giáo dục và sức khỏe.


7614 KTSG 14/11/2022