Trang nhà > Lịch sử > Cổ đại > Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra
7627
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra
Chủ Nhật 4, Tháng Mười Hai 2022, bởi
Phần lớn công chúng biết đến cái tên Cleopatra thông qua bộ phim cùng tên ra mắt năm 1963 của Joseph L. Mankiewicz [1] với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao màn bạc Elizabeth Taylor [2]. Kịch bản phim được chuyển thể từ cuốn sách "Cuộc đời và thời đại của Cleopatra" xuất bản năm 1957 của Carlo Maria Franzero, nhà văn và nhà báo người Ý. Cả cốt truyện và bộ phim được hư cấu và gán cho nhân vật nữ hoàng Ai Cập cổ đại Cleopatra VII, trong đó bà ta đã giết tất cả các chàng trai đến cầu hôn.
Huyền thoại vây quanh Cleopatra, đặc biệt trong các mối tình với hai vị Tổng tài La Mã là Anthony và Caesar. Nhà văn Cassius Dio người cổ La Mã viết: "Ngay khi Caesar nhìn và nghe thấy bà ấy nói, ông đã bị mê hoặc ngay lập tức". Cái chết của nữ hoàng ở tuổi 39 là một giai thoại huyền bí khác. Tương truyền sau khi nghe tin Ai Cập bại trận, bà viết bức thư tuyệt mệnh gửi cho lính canh rồi tự sát bằng cách để rắn độc cắn. Tuy nhiên, các học giả ngày nay cho rằng nọc rắn không tác dụng nhanh đến vậy, có thể Cleopatra đã chết vì uống thuốc kịch độc và tình tiết con rắn được thêm vào cho thêm rùng rợn.
Theo lịch sử, Cleopatra sinh năm 69 TCN, cha gốc Macedonia và mẹ là người Hy Lạp. Chị gái Berenice mới là người đầu tiên được vua cha Ptolemy XII chọn làm nữ hoàng nhưng đã chết sớm và cô em lên ngôi vào năm 17 tuổi. Là hậu duệ của dòng họ Ptolemy vốn chỉ nói tiếng Hy Lạp nhưng bà lại biết tới 9 thứ tiếng, trong đó có ngôn ngữ của Ai Cập cổ đại mà bà đã học được cả cách đọc thứ chữ tượng hình rất khó này. Bà còn biết các thứ ngôn ngữ của người Hy Lạp, Parthia, Do Thái, Medes, Troglodytes, Syria, Ethiopia và Ả Rập. Quả thực bà là một trường hợp thông minh ham học hiếm thấy trong triều đình của những kẻ phần lớn có nguồn gốc võ biền.
Ngoài ngôn ngữ, Cleopatra còn học các môn địa lý, lịch sử, kinh tế học, thiên văn học, ngoại giao quốc tế, toán học, giả kim thuật, y học, động vật học và các ngành khác. Bà đã cố gắng tiếp cận tất cả các kiến thức đỉnh cao trong thời đại của mình. Bà dành nhiều thời gian làm việc trong một loại phòng thí nghiệm cổ xưa. Bà đã viết một số cuốn sách liên quan đến thảo dược, mỹ phẩm và bao gồm cả các cách làm đẹp. Thật không may, tất cả các tác phẩm của bà vào năm 391 đã cháy rụi trong trận hỏa hoạn khủng khiếp tại Thư viện thành phố Alexandria.
- Tượng Galen tại quê hương Pergamon
Từ giữa thế kỷ thứ II dưới thời Đế chế La Mã có nhà bác học Galen [3] đã nghiên cứu các công trình của Cleopatra và có thể sao chép một số công thức do bà nghĩ ra. Một trong những biện pháp chăm sóc và phục hồi sức khoẻ mà Galen từng khuyên dùng cho bệnh nhân của mình là loại kem bôi đặc biệt bào chế từ thảo dược có thể giúp những người đàn ông bị hói mọc lại tóc.
Cleopatra rất quan tâm đến việc chữa bệnh bằng thảo dược, và nhờ kiến thức phong phú về ngôn ngữ của mình, bà đã tiếp cận được nhiều trang sách viết trên papyrus [4] mà về sau đã bị thất lạc. Ảnh hưởng của bà đối với khoa học và y học đã được biết đến nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Cơ đốc giáo ở quanh Địa Trung Hải. Không còn nghi ngờ gì nữa, Nữ hoàng là một nhân vật có một không hai trong lịch sử cổ đại của nhân loại.
7627 NCCong 04/12/2022
[1] L. Mankiewicz: 1909-1993, đạo diễn điện ảnh, nhà soạn kịch bản và sản xuất phim người Mỹ đã đoạt 2 giải Oscar cho kịch bản và đạo diễn các phim A Letter to Three Wives và All About Eve.
[2] Elizabeth Taylor: 1932-2011, diễn viên điện ảnh, doanh nhân, nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ gốc Anh.
[3] Galen hoặc Galen xứ Pergamon, tên la-tin Aelius Galenus hoặc Claudius Galenus: 126-219, dược sĩ, bác sĩ phẫu thuật và triết gia nổi tiếng người Hy Lạp.
[4] Papyrus: một thứ “giấy cói” do người Ai Cập cổ làm ra từ loại cây cói túi mọc nhiều ven sông Nil.