Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Ứng dụng > Một số thành công mới trong thương mại, du lịch và xuất bản điện tử

7647

Một số thành công mới trong thương mại, du lịch và xuất bản điện tử

Thứ Ba 3, Tháng Giêng 2023, bởi Cong_Chi_Nguyen

Thương mại điện tử

Theo Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Hoạt động TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối hàng hóa quan trọng. Với tốc độ tăng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT. Các chương trình này hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa qua TMĐT và tạo thói quen mua sắm này đối với người tiêu dùng.

Các chương trình hợp tác xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMĐT quốc tế lớn như Amazon, Alibaba đã được triển khai. Thông qua đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.

Du lịch thông minh

Theo số liệu Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM công bố, trong năm 2022 có hơn 3.900 lượt khách quốc tế đến tthăm TP.HCM. Trạm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch đã tiếp nhận 4.300 lượt yêu cầu hỗ trợ từ du khách nội địa lẫn quốc tế. trong đó đã xử lý hơn 1.800 lượt yêu cầu (kể cả 9 trường hợp báo mất tài sản hoặc lừa đảo).

Nhằm giúp du khách tiếp cận các góc nhìn thực tế của các điểm đến, Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố lên kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, ứng dụng vào công tác quảng bá du lịch thông qua bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D-360 độ.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông thành phố mới đây đã ra mắt cổng thông tin 1022 - nhánh số 8 để cung cấp thông tin về các sản phẩm du lịch, tin khuyến mãi tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... đến du khách tham quan thành phố. Cổng thông tin này hoạt động bất kể các ngày nghỉ lễ, Tết từ 7h30-20h30.

Xuất bản điện tử

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, số lượng xuất bản phẩm điện tử ước đạt con số 3.200, với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.

Một số thị trường mới của ngành như: Sách nói có doanh thu gần 100 tỷ đồng, sách tinh gọn có trên 4.000 sản phẩm ở các nền tảng, như: Waka, VoizFM, Fonos, Reavol… Điều này cho thấy sách nói và sách tinh gọn là hai thị trường tiềm năng của xuất bản điện tử nên được đầu tư phát triển trong thời gian tới.

Nếu như năm 2018, cả nước mới chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia thị trường sách điện tử thì đến nay đã có 19 nhà xuất bản đăng ký phát hành sách trên nền tảng số. So với khu vực, con số này chưa phải là lớn, nhưng cũng cho thấy triển vọng phát triển của ngành Xuất bản nước ta.

Vai trò của Zalo

Càng ngày Zalo càng trở nên phổ biến. Trong quý 1/2021, Zalo đưa ra con số 64 triệu người sử dụng thường xuyên, tăng thêm 4 triệu người đều đặn so với một năm trước đó. Tương đương hơn 65% dân số đất nước ta đang sử dụng Zalo thường xuyên cho mục đích liên hệ, làm việc và học tập.

Một báo cáo của Decision Labs năm 2021 cũng cho thấy Zalo đã vượt mặt trang Facebook và YouTube, trở nên mảng xã hội rộng rãi của GenZ với tỷ lệ dùng lên đến 94% ở mảng Social Platform trong năm quý 1/2021. Cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ này lần lượt với Zalo, Facebook và YouTube lần lượt là 84%, 95% và 72% . Ở GenY, trong năm 2021, Zalo hiện đang xếp trên YouTube với 88%.

Theo thông tin từ công ty VNG, trong năm 2021, Zalo đã có thời điểm đạt 2,2 tỷ tin nhắn một ngày, 322 triệu phút gọi một ngày. Doanh thu từ dịch vụ thông báo Zalo đã tăng mạnh từ 1,5 tỷ đồng năm 2020 lên 10,6 tỷ đồng năm 2021 và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt hơn 28 tỷ đồng, tương đương 102 triệu đồng/ngày.


7647 NCC 03/01/2023