7662
KI TÔ GIÁO COI TRỌNG NGÔN NGỮ
ChristianityNgôn ngữ và tư duy làm cho loài người khác hẳn mọi loài động vật. Hai chức năng này đồng thời xuất hiện ở con người và gắn chặt với nhau như hình với bóng. Ngôn ngữ ban đầu là tiếng nói, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành loài người và kết nối họ thành cộng đồng xã hội. Quan điểm này được thể hiện trong các kinh điển Ki Tô giáo viết từ dăm nghìn năm trước. Có thể nói, Ki Tô giáo là tôn giáo quan tâm sớm nhất, nhiều nhất đến ngôn ngữ và có nhiều cống hiến quan trọng trong lĩnh vực này, góp phần phát triển nền văn minh loài người.
Ngay câu mở đầu sách Phúc âm trong Kinh Tân Ước [Gospel, John 1:1] đã khẳng định quan điểm đúng đắn: Ngôn ngữ tồn tại ngay từ khi bắt đầu hình thành con người trên Trái Đất –– điều đó chứng tỏ các nhà sáng lập đạo Ki Tô đã nghiên cứu rất sớm về ngôn ngữ:
“Vào lúc bắt đầu [tạo ra thế giới] thì đã tồn tại Lời nói, và Lời nói ở cùng Chúa Trời, và Lời nói chính là Chúa. Cái đó tồn tại cùng với Chúa vào lúc ban đầu”.*
Ở đây “Lời nói” (hoặc “Lời”) được viết hoa “Word” để nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng: Lời nói chính là Chúa Trời (God). Kỳ thực câu này là nhận xét rút ra từ câu chuyện chép trong Sáng Thế Ký Genesis của Kinh Cựu Ước viết trước Tân Ước mấy nghìn năm: Khi Đức Chúa Trời God Jehovah bắt đầu tạo ra thế giới, tức tạo ra muôn loài trên Trái Đất, Ngài xuất hiện dưới hình thức một lời nói vang lên từ trên cao vời vợi: “Hãy có ánh sáng! Let there be light!” Lời Ngài vừa dứt, ánh sáng lập tức bừng lên, xua tan bóng tối trên Trái Đất, làm ra ngày và đêm. Chúa Trời bắt đầu sáng tạo muôn loài, riêng Adam thủy tổ loài người được tạo ra sau cùng từ bụi đất theo hình ảnh của Ngài và đặt vào trong vườn Eden, cho phép ăn tất cả các thứ trong vườn trừ Trái cấm. Sau đó Ngài làm cho Adam ngủ mê, lấy xương sườn tạo ra vợ Adam là Eve.
Đọc Kinh Thánh, có thể thấy là bất cứ khi nào gặp đối tượng cần giao tiếp, Chúa Trời không bao giờ để lộ hình hài của mình, Ngài chỉ hiện ra dưới hình thức âm thanh của Lời nói; muôn loài trên thế giới đều hiểu rằng Lời đó chính là Chúa Trời. Ngài dùng lời nói để thể hiện sự có mặt, sự tồn tại của mình. Chưa sinh vật nào từng nhìn thấy Chúa Trời, tất cả chỉ nghe thấy tiếng nói của Ngài. Đó là một tồn tại vô hình, dùng lời nói để thể hiện mình có mặt.
Đức Jehovah là Đấng Sáng Tạo, một sức mạnh siêu tự nhiên vô hình, vô hạn và vĩnh hằng, không thể giải thích được bằng ngôn ngữ bình thường. Các tác giả Cựu Ước thật khôn ngoan khi diễn tả Chúa Trời bằng Lời: bởi lẽ đã là Đấng Siêu nhiên thì Ngài không thể có hình hài cụ thể như mọi vật trong thiên nhiên. Nếu Chúa Trời là một thực thể, thì thực thể đó có hình thù ra sao? Giống loài người ư? Giống một loài vật nào đó ư? –– Không được, vì như thế thì còn đâu là siêu nhiên nữa? Chúa Trời chỉ có thể dùng lời nói để thể hiện sự tồn tại của mình. Đây là cách trình diễn Ngài hợp tình hợp lý nhất. Lời nói ấy thể hiện ý nghĩ của Chúa Trời, Lời nói đồng nghĩa với Chúa Trời –– ngôn ngữ quan trọng như thế đấy!
Adam, Eve cũng như toàn bộ con cháu của họ, tức nhân loại, đều nghe hiểu lời Chúa. Như vậy nghĩa là loài người thời nguyên thủy nói cùng một ngôn ngữ của Chúa, và dùng ngôn ngữ thể hiện ý nghĩ của mình. Tuy thế, như mọi kẻ cai trị khác, Chúa Trời chỉ muốn kẻ bị trị luôn ngu đần ngoan ngoãn vâng lời bề trên, vì thế Ngài cho phép Adam và Eve ăn trái cây của tất cả các loài cây trong vườn, trừ cây Tri Thức và cây Sự Sống, bảo họ là ăn vào thì sẽ chết. Nhưng nhờ biết tư duy, loài người luôn chống lại việc bị áp đặt các ràng buộc, cấm đoán, luôn nghi ngờ mọi lời răn, luôn tìm đến chân lý. Lại thêm loài rắn tinh khôn biết là Chúa Trời nói dối. Bị rắn mách bảo và cám dỗ, bà Eva dám chống lại lệnh cấm của Chúa Trời, cả gan hái trái cây Tri thức, ăn trước vài miếng rồi đưa cho ông Adam ăn theo. Rốt cuộc chẳng ai chết cả, thậm chí đau bụng cũng không. Ngược lại, hai người trở nên có trí tuệ, thể hiện ở chỗ họ biết xấu hổ khi thấy mình ở truồng, và biết lấy lá cây đan thành quần áo che chỗ kín. Khi phát hiện họ phạm tội làm trái lệnh cấm, Chúa Trời đã trừng phạt bằng cách đuổi ngay họ ra khỏi vườn Eden, tránh để họ kịp ăn trái cây Sự Sống –– vì ăn vào thì sẽ sống mãi. Tuần trăng mật ngắn ngủi của Adam và Eve trong vườn Eden trên Thiên giới kết thúc. Từ đó trở đi hai vị tổ tông ấy xuống hạ giới, tự lao động kiếm sống và sinh con đẻ cái, làm nên loài người, và cuối cùng ai cũng phải chết.
Nhưng loài người luôn có xu hướng chống lại ách áp bức, thống trị. Ban đầu, do tất cả nói cùng một ngôn ngữ nên mọi người hiểu nhau và sống yên lành. Sau khi bị cơn đại hồng thuỷ dìm chết gần hết, loài người chung sức xây dựng tại vùng Lưỡng Hà một toà tháp dự kiến sẽ vươn đến Thiên giới, gọi là Tháp Babel, nhằm tránh bị ngập lụt và để cuối cùng ai cũng được lên thiên đường. Chúa Trời nghĩ rằng tháp này xây dựng xong thì loài người sẽ không còn chịu sự cai trị của Ngài nữa, vì thế Ngài chia nhỏ nhân loại ra làm nhiều dân tộc, mỗi dân tộc nói một ngôn ngữ khác nhau. Do không hiểu nhau, loài người không thể hợp tác xây tiếp toà tháp mà phân tán đi các nơi. Cũng vì thế người ta không còn sống yên lành như trước mà tranh giành quyền lợi, quyền lực, đến mức đánh giết nhau, gây ra chiến tranh, thậm chí chiến tranh thế giới.
Tóm lại, bất đồng ngôn ngữ chẳng những làm cho việc xây Tháp Babel bất thành, loài người bắt đầu sống trong thời đại chia rẽ giữa các dân tộc, khiến cho thế giới rối loạn, bất an. Tất cả những sự việc trên cho thấy ngôn ngữ tiềm ẩn một sức mạnh to lớn, có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống loài người. Từ xa xưa, các nhà sáng lập Ki Tô giáo đã sớm nhận thức được điều đó và ghi vào Kinh Thánh như một bài học để lại cho đời sau mãi mãi ghi nhớ.
Ki Tô giáo luôn coi ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất để truyền bá giáo lý. Trong quá trình truyền giáo, các giáo sĩ luôn tìm cách làm cho ngôn ngữ trở nên hoàn thiện, có thể diễn đạt chính xác lý lẽ cao siêu, xa lạ của tôn giáo này. Hầu như các giáo sĩ truyền bá đạo Ki Tô đều là những nhà ngôn ngữ học, đến đâu họ cũng học bằng được tiếng nói và chữ viết (nếu có) của nơi đó để giảng dạy giáo lý bằng tiếng địa phương, thậm chí còn làm cả chữ viết cho ngôn ngữ bản xứ. Bằng cố gắng ấy, họ đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới, nhất là các vùng lạc hậu, qua đó đẩy nhanh bước tiến của văn minh nhân loại.
Như một ngẫu nhiên lịch sử, dân tộc Việt Nam may mắn được hưởng thành quả lao động trí tuệ của các đại diện nền văn minh Ki Tô giáo. Đầu thế kỷ XVII, một nhóm giáo sĩ Thiên Chúa giáo Dòng Tên từ Vatican đến nước ta truyền giáo đã dầy công nghiên cứu dùng chữ cái Latin ghi âm cho chữ Nôm, một loại chữ vuông do tổ tiên ta làm ra từ 5 thế kỷ trước, có tính chất biểu âm và biểu ý dựa trên nền tảng chữ Hán. Sau vài chục năm quên mình nghiên cứu sáng tạo, các vị giáo sĩ ấy đã thực hiện thành công việc phiên âm hóa, Latin hóa chữ Nôm, qua đó làm ra một loại chữ biểu âm Latin hóa có thể ghi được bất kỳ ngữ âm nào trong tiếng Việt, về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Từ đó trở đi, dân tộc ta được làm chủ loại chữ viết tiên tiến nhất trong vùng, cơ bản thực hiện được yêu cầu nói thế nào viết thế ấy và viết thế nào đọc thế ấy, lại rất dễ học, dễ viết, dễ dùng.
Chữ Quốc ngữ là một thành tựu vô giá về ngôn ngữ và văn hóa của văn minh Ki Tô giáo trao tặng cho dân tộc ta. Học giả Phạm Quỳnh nhận định: Chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ người Việt Nam. Đúng thế, sau khi chữ Quốc ngữ được phổ cập, dân tộc ta có được chiếc chìa khóa vạn năng mở toang kho tàng trí tuệ của tổ tiên mình và của toàn nhân loại. Biết bao thư tịch cổ chữ Hán, chữ Nôm và các loại chữ nước ngoài được chuyển thành chữ Quốc ngữ, giúp cho tư duy người Việt được giải phóng và phát triển như vũ bão Chỉ sau hơn một trăm năm, nền văn minh Việt như được chắp đôi cánh thần kỳ đã bay vút lên tầng cao chưa từng thấy, điều mà chữ Nho và chữ Nôm trong nhiều thế kỷ tồn tại không thể làm được.
*Ghi chú: “In the beginning was the Word and the Word was with God and the Word was a God. This one was in the beginning with God”. Câu tiếng Anh này lấy từ sách “New World Translation of the Holy Scriptures”, Japan, 2013.
Nguyễn Hải Hoành
BTV: NCC 07/02/2023