Trang nhà > Giáo dục > Đào tạo > Mấy ý ban đầu về ChatGPT (phần 3)
7667
Mấy ý ban đầu về ChatGPT (phần 3)
Thứ Hai 13, Tháng Hai 2023, bởi
Bạn đọc thân mến, trong phần 3 tôi sẽ trình bày về những mặt mạnh và mặt yếu cơ bản của ChatGPT cùng những hệ luỵ cho đến thời điểm này theo quan điểm của tôi cũng như theo đánh giá của chính công ty OpenAI. Gần như chắc chắn có thể hy vọng các phiên bản sắp tới sẽ “thông minh” hơn và có những công dụng hoàn chỉnh hơn.
Trong phần 2 đăng hôm qua tôi chỉ mới trích dẫn vài đoạn đối thoại ngắn với ChatGPT do khuôn khổ bài viết trên web không thể quá dài. Thực ra thì đã thử nghiệm nhiều hơn thế với những câu hỏi bằng vài thứ tiếng khác nhau và có nội dung được nâng cao dần trình độ hoặc mở rộng phạm vi phổ biến kiến thức.
Thử nghiệm được tiến hành với phiên bản ChatGPT được tinh chỉnh từ một mô hình trong sê-ri GPT-3.5. Theo công ty OpenAI mô hình này đã hoàn thành quá trình đào tạo vào đầu năm 2022. Bạn có thể tìm hiểu thêm về GPT-3.5 tại đây. ChatGPT và GPT-3.5 đã được đào tạo trên cơ sở hạ tầng là một siêu máy tính Azure AI mà MicroSoft đầu tư.
Nhận xét và giải thích
Ngoài những điều đã viết ở 2 phần trước, tôi xin nêu thêm 16 thu nhận và giải thích chủ quan như sau:
- Đầu tiên có thể dễ dàng thấy rằng nó không hiểu biết nhiều về lịch sử văn hoá Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau khi được tôi bổ sung thông tin và chỉnh lại kiến thức thì nó cũng chỉ biết lặp lại với chút bảo thủ nhưng lời lẽ có vẻ phục thiện và lịch thiệp.
- Nếu chúng ta càng hỏi vào một lĩnh vực hẹp hoặc chi tiết sâu hoặc liên quan đến những trường hợp cụ thể hơn thì ChatGPT càng tỏ ra mù mờ, thậm chí nó còn thẳng thừng từ chối trả lời.
- Nhưng nó có khả năng nguỵ biện và thuyết phục người sử dụng kể cả khi nó sai. Lối văn viết có vẻ hợp lý và mạch lạc của nó có thể khiến câu trả lời không chính xác biến thành những thông tin chi tiết có vẻ có giá trị hoặc trở nên tự nhiên nếu ta không cảnh giác kiểm tra lại. Điều này có thể khiến một số thông tin sai lệch len lỏi vào kho tri thức theo những cách phức tạp tôi chưa rõ.
- Có vẻ ChatGPT đang dùng kho dữ liệu riêng để tăng tốc độ xử lý hoặc chưa sử dụng được tức thời các công cụ của Google hoặc Wikipedia v.v. cho nên câu trả lời còn hay sai về chi tiết, chẳng hạn trong lĩnh vực địa lý và dân tộc học.
- Văn phong tiếng Việt của nó khá ổn tuy đôi khi ngô nghê. Nếu ta dùng một số từ ngữ tiếng Việt ít phổ biến, quá mới hoặc đã cũ và gài vào trong câu hỏi thì nó dễ trả lời sai, trong trường hợp tốt hơn thì nó xin ta bổ sung thông tin.
- Nhưng nếu ta dùng tiếng Anh để hỏi nó thì nội dung, cú pháp và ngữ nghĩa trong câu trả lời thường tốt. Rõ ràng kho dữ liệu tiếng Anh của nó rất phong phú và được cập nhật mới mẻ hơn. (Theo OpenAI là có 175 tỷ tham số).
- ChatGPT không thể trả lời kèm theo các đoạn thông tin hấp dẫn dưới dạng video, âm thanh hay hình ảnh như phần mềm Dall-E 2 (cũng của OpenAI), hiện nay nó có khả năng hiểu khá sâu về các văn bản trong cả hai dạng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
- Nó có khả năng viết các email lừa đảo, hoặc các đoạn mã chương trình máy tính, thậm chí một phần mềm hoàn chỉnh và cả loại mã độc. Nhưng người thật cũng có thể hành xử như vậy. Vấn đề là chủ đầu tư và lập trình viên phải biết sử dụng trí tuệ nhân tạo chỉ để làm cho nó trở nên hiệu quả chứ không làm hại người khác.
- Trong một số trường hợp câu trả lời của nó có thể giúp người thật vi phạm luật pháp hoặc lách luật. Điều này càng đòi hỏi các nhà làm luật phải thích ứng nhanh chóng, tạo ra những điều luật cụ thể và chi tiết hơn.
- Ví dụ mới đây Sở Giáo dục thành phố New York đã quyết định cấm sử dụng công cụ ChatGPT trên tất cả các thiết bị và mạng máy tính tại các trường công lập ở New York với hai lý do chính được nêu ra. Đầu tiên, mô hình trò chuyện đã được chứng minh là hay mắc lỗi và không phải lúc nào cũng chính xác. Thứ hai, thực sự có những sinh viên đã nhờ ChatGPT viết bài thay cho họ, có thể tạo ra nguy cơ và thói quen đạo văn.
- Ngược lại, một số chuyên gia về giáo dục đã phản biện rằng phần mềm này hoàn toàn có thể giúp tăng cường việc học tập nhanh chóng và có hiệu quả. Ngoài việc biết lập trình theo yêu cầu của người sử dụng, nó còn giúp họ giảng dạy, làm thơ, sản xuất câu đố, viết văn gây cười hoặc triết lý nghiêm túc, v.v..
- Tuy vậy phiên bản lưu hành hiện tại của ChatGPT rất hay tránh né các vấn đề nhạy cảm, nhất là khi liên quan đến giới tính, tình dục, bạo lực, hoặc đạo đức, tôn giáo, chủng tộc, chính quyền, thời sự chính trị, v.v..
- Có lẽ sau những phản ứng rất mạnh mẽ của công chúng về cung cách trả lời thiếu tế nhị hoặc thậm chí thiếu đạo lý khoan dung, có thành kiến về chủng tộc, tôn giáo hoặc giới tính... của phiên bản đầu tiên thì công ty OpenAI đã cho bộ lọc “kiểm duyệt” mạnh mẽ hơn khi phân tích câu hỏi.
- (Theo tôi bởi vì nó là “máy học” và các thầy giáo của nó có thể là người thật nhưng kém tế nhị hoặc thiếu hiểu biết về những nền văn hoá khác văn hoá của họ. Mặt khác cần hiểu rằng cá nhân mỗi người có thể có quyền suy nghĩ riêng về đạo đức, niềm tin, quan điểm của mình, nhưng trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại các chuẩn mực chung và quy tắc bất thành văn về những hành vi phù hợp và không phù hợp mà ta nên tuân theo khi giao tiếp).
- Đã có nhiều cư dân mạng than phiền rằng AI dần dà thực hiện vai trò thay người thật và tạo ra sự gia tăng nạn thất nghiệp, thậm chí đe dọa xoá sổ một số ngành nghề khác. Ví dụ từ năm 2020, Microsoft đã bắt đầu loại bỏ dần các nhân viên để thay bằng các trợ lý ảo. Công cụ AI tiên tiến ChatGPT nay lại càng có thể thúc đẩy tình trạng này đi xa hơn một bước.
- Một trong các câu trả lời có tính chất rào đón và thanh minh của ChatGPT là: "As a language model trained by OpenAI, I am not capable of forming opinions or making judgments about humans or any other aspect of the world. My purpose is to assist users in generating human-like text based on the input provided to me. I do not have personal beliefs or opinions, and any responses I provide are based solely on the information available to me at the time of the request." (Tạm dịch: Vốn là một mô hình ngôn ngữ do OpenAI huấn luyện, tôi không có khả năng hình thành quan điểm hoặc đưa ra đánh giá về con người hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác của thế giới. Mục đích của tôi là hỗ trợ người dùng tạo ra văn bản giống như của con người dựa trên thông tin đầu vào được cung cấp cho tôi. Tôi không có niềm tin hay quan điểm cá nhân nào và bất kỳ câu trả lời nào do tôi cung cấp cũng chỉ dựa trên thông tin sẵn có cho tôi tại thời điểm yêu cầu.).
Nguyễn Chí Công
(xem phần trước)
7667 NCC, thứ Hai 13/02/2023