Trang nhà > Công nghệ > Thông tin > Sự phát triển công nghệ máy tính tại Đại học Thanh Hoa
7671
Sự phát triển công nghệ máy tính tại Đại học Thanh Hoa
Thứ Ba 21, Tháng Hai 2023, bởi
Thành lập năm 1911, Thanh Hoa là một Viện Công nghệ đa ngành ở Bắc Kinh. Ngày nay, đây được xem là trường Đại học bách khoa nổi tiếng nhất của Trung Quốc và luôn có tên trong tốp đầu các trường đại học danh giá ở châu Á.
Xin điểm qua lịch sử phát triển công nghệ máy tính tại ĐH Thanh Hoa, bắt đầu từ năm 1956 với việc thành lập bộ môn Máy tính và nhận đào tạo môn này ở bậc đại học như một trong những nơi đầu tiên của Trung Quốc. Trong gần 70 năm qua, ngôi trường đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của khoa học và công nghệ máy tính ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy việc giảng dạy, nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong lĩnh vực này.
Năm 1958, Khoa Điều khiển Tự động (DAC) được ĐH Thanh Hoa thành lập với chuyên ngành Khoa học Máy tính. Năm 1979 DAC đổi tên thành Khoa Kỹ thuật và Khoa học Máy tính (DCES). Năm 1978 bắt đầu mở chương trình đào tạo thạc sĩ tin học. Năm 1981 bắt đầu mở chương trình đào tạo tiến sĩ tin học. Năm 1984 DCES đổi thành Khoa Khoa học và Công nghệ Máy tính (DCST).
- BESM-2 máy tính nhanh nhất châu Á do Liên Xô đưa đến Bắc Kinh năm 1958
Thành tựu của ĐH Thanh Hoa về khoa học và công nghệ máy tính có thể thấy rõ trong danh sách các công trình nghiên cứu quan trọng đã được thực hiện tại đây như sau:
- Năm 1958, mẫu máy tính kỹ thuật analog phi tuyến Model 551 được chế tạo.
- Năm 1959, mẫu máy tính kỹ thuật số dùng bóng đèn điện tử Model 911 được ra mắt và đi vào hoạt động năm 1964.
- Năm 1965, mẫu máy tính kỹ thuật số dùng transistor bán dẫn Model 112 được chế tạo và đưa vào sản xuất sau đó.
- Vào những năm 1970, mẫu tương hợp máy tính mini DG-Nova thuộc sê-ri DJS-100 (Model 130, 140, v.v.) đã được phát triển và hơn 1000 chiếc đã được lắp đặt. Đó là chiếc máy tính mini đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc.
- Máy tính CEC-1 của Trung Quốc ra đời vào thập kỷ 1980
- Vào những năm 1980, máy vi tính đầu tiên tương hợp với máy IBM 0520-C đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Máy do ĐH Thanh Hoa, Công ty Máy tính Trường Thành và Viện 6 của Bộ Công nghiệp Điện tử đồng phát triển. Bên cạnh đó, máy vi tính CEC-1 tương hợp với máy Apple dành cho học sinh trung học và tiểu học đã được phát triển tại ĐH Thanh Hoa và sau đó hơn 130.000 chiếc đã được sản xuất. [1]
- Vào những năm 1990, mạng nghiên cứu và giáo dục quốc gia CERNET đã được xây dựng. ĐH Thanh Hoa là động lực dẫn đầu sự phát triển và hoạt động của CERNET.
- Vào những năm 2000, mạng IPv6 mang tên CNGI-CERNET2 đã được xây dựng tại Trung Quốc. ĐH Thanh Hoa đóng vai trò hàng đầu trong sự phát triển và hoạt động của nó.
7671 NCCong 21/02/2023
[1] Như vậy Trung Quốc làm ra máy vi tính vào khoảng 5 năm sau Việt Nam, 4 năm sau Hong Kong, và 3 năm sau Taiwan... Tuy nhiên VN không sản xuất được loạt lớn vì không có nền công nghiệp và tài chính tương ứng.