Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Chuyển đổi số > Báo cáo quý 1/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông

7675

Báo cáo quý 1/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Thứ Ba 7, Tháng Ba 2023, bởi Cong_Chi_Nguyen

Tại hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý 1/2023 vừa tổ chức, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ước tính đến hết tháng 2/2023, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam đạt 20,6 tỷ USD tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng- điện tử ước đạt khoảng 8,2 tỷ USD tăng 4% so với cùng kỳ. Trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021.

Số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với năm 2021; trong đó, có 44.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

Trong suốt 5 năm qua, doanh thu công nghiệp ICT Việt Nam liên tục tăng trưởng cao. Riêng kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; xuất siêu hơn 26 tỷ USD (trong khi xuất siêu hơn 4 tỷ USD năm 2021).


Doanh thu của lĩnh vực an toàn thông tin mạng tăng 33,5%, đạt 252,8 tỷ đồng; lợi nhuận cũng ghi nhận mức tăng trưởng 33,1% đạt 20,22 tỷ đồng; nộp ngân sách tăng 50,6% với 21,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa với nước ngoài là 45,1% (giảm 10,1%), số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực an ninh mạng là 103 (tăng 12%), số lao động làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin là 3.492 lao động (tăng 10,6%). Lĩnh vực này cũng ghi nhận số địa chỉ IP nằm trong mạng botnet là 382.606 địa chỉ (giảm 51,9%) nhưng có tới 1.687 cuộc tấn công mạng (tăng 33,9%) so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 2 là 5.869.305 chứng thư số (tăng 23,18%); Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 2 là 1.992.024 chứng thư số (tăng 17,89%). Đóng góp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu phí duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số với giá trị lũy kế từ đầu năm của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đạt 10.791.761.000 đồng; lũy kế số nộp ngân sách nhà nước từ đầu năm 2023 đến 20/2/2023 đạt 1.618.764.150 đồng.

Đối với chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ, tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động tháng 2/2023 là 538.534 chứng thư số tăng 30,47% so với cùng kỳ năm 2022.


Về chính phủ số, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đủ điều kiện hiện nay là 74,72% tăng 4,36% so với tháng 1/2023 (15 bộ, ngành và 55 tỉnh/thành phố đã công bố và gửi danh mục dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ toàn trình) và hướng đến mục tiêu 2023 là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình.

Số bộ ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 là 19/22 bộ ngành và 63/63 tỉnh/thành phố xây dựng, cập nhật kiến trúc 2.0. Đã có 4/22 bộ ngành và 62/63 địa phương ban hành nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số (còn tỉnh Phú Yên). 100% số bộ ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số.

Cũng trong quý 1, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt hơn 111 triệu giao dịch tương ứng với khoảng 12,95% so với mục tiêu năm 2023 (đạt tối thiểu 860 triệu giao dịch qua NDXP); tổng số từ khi khai trương đến nay hơn 1,276 tỷ giao dịch. Tại 63/63 tỉnh/thành phố của cả nước đã thành lập 71.836 Tổ Công nghệ số cộng đồng. Có 334.896 thành viên tham gia Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố, và 48/63 tỉnh/thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.


Về Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs), Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng cổng thông tin “một chạm” tại địa chỉ OneTouch để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tổ công nghệ số cộng đồng và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm của công dân số. Nền tảng này được khai trương từ đầu tháng 4/2022, tính đến 21/2/2023 đã có hơn 17,5 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch.

Hiện tại, riêng Bộ Thông tin và Truyền thông có 262 thủ tục hành chính; số dịch vụ công là 274 và tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến 31%. Thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống văn bản điều hành và hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử. Bộ cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2/2023 là xây dựng và công bố danh mục các bộ dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) để huy động các doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu, đóng góp vào việc xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.


7675 TTTT 6/03/2023