Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > An ninh > Dùng trí tuệ nhân tạo làm giả cuộc gọi có hình ảnh để lừa đảo

7676

Dùng trí tuệ nhân tạo làm giả cuộc gọi có hình ảnh để lừa đảo

Thứ Bảy 11, Tháng Ba 2023, bởi CTV

Hiện nay, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại thông thường không còn lạ lẫm. Nhiều kẻ gian đang chuyển sang sử dụng cách mới với những hình ảnh, video đã được ăn cắp trước đó rồi xử lý bằng lồng ghép, bóp méo âm thanh và làm giả hình ảnh để lấy lòng tin nạn nhân. Thông thường, các cuộc gọi có hình ảnh này rất ngắn, chỉ kéo dài vài giây rồi kẻ gian lấy lí do mạng chập chờn, đi ngoài đường… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.

Dùng phần mềm trí tuệ nhân tạo Deepfake có thể làm cho hình ảnh khuôn mặt của một người A với chất lượng cao được thay thế hoàn toàn bằng khuôn mặt của một người B khác. Ảnh nén của A được đưa vào phần mềm để chỉnh sửa và tái tạo lại khuôn mặt của B với biểu cảm và vị trí trong không gian theo khuôn mặt của A. Quá trình này được thực hiện liên tục hàng triệu lần (với tốc độ chip ngày nay) trên mọi chi tiết đến khi cho ra sản phẩm “thật” nhất.


Hiện kẻ gian có thể bị xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Dường như thế chưa đủ sức răn đe nên việc lừa đảo trên mạng còn có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình. Đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường links lạ thì cần làm “chậm lại” và không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức. Đó chính là cách đơn giản nhất để tránh sập bẫy.

Khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh chính xác người đang liên hệ với mình là ai với thời gian tối thiểu trên 30 giây hoặc gặp mặt trực tiếp. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Các cuộc gọi lừa đảo tuy xuất phát từ số điện thoại trong nước và nhắn chuyển tiền đến tài khoản trong nước nhưng khó lần ra dấu vết, bởi vì trong hầu hết mọi trường hợp, thông tin được dùng để tạo số điện thoại và lập tài khoản ngân hàng đều là mạo danh.

Kẻ gian không bao giờ sử dụng tài khoản ngân hàng chính chủ. Thay vào đó, chúng mua lại hàng loạt tài khoản ngân hàng, hoặc lập ra từ thông tin đi thuê, mượn. Ví dụ, một số chợ đen trên Telegram có rao bán các tài khoản ngân hàng với giá từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng.

Một số đường dây lừa đảo thường tìm đến những người nhẹ dạ như sinh viên, người già, để lấy thông tin đi tạo tài khoản ngân hàng, sử dụng cho mục đích lừa đảo. Sau khi nạn nhân nạp tiền, kẻ gian lập tức chuyển đổi qua các loại tiền số trên sàn giao dịch để tránh bị lần dấu vết. Chúng cũng có thể mua đồ trên các trang thương mại điện tử, sau đó bán lấy tiền.

Kẻ gian thường sử dụng dịch vụ gọi điện từ Internet (VOIP), hoặc sim rác để che giấu danh tính, vị trí. Sim rác là sim được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước và có thể sử dụng ngay sau khi mua mà không cần đăng ký với nhà mạng.

Từ sim rác, kẻ gian có thể gọi điện, nhắn tin lừa đảo, cũng như tạo ra hàng loạt công cụ phục vụ lừa đảo như tài khoản trên phần mềm chat, tài khoản ví điện tử. Đặc thù của điện thoại di động là vị trí thay đổi liên tục và dễ dàng tiêu hủy sim sau một thời gian sử dụng, do đó dẫn đến khó khăn khi truy tìm kẻ gian.


7676 - 10/03/2023