7682 FED, BRIC and the Financial Crisis

TẢN MẠN T3

money

1. FED đang đứng trước vấn đề nan giải

a. Những năm đầu 1980s lạm phát phi mã lên tới 15%. FED nâng lãi suất lên mức hơn 19%. Biện pháp mạnh tay này đã đè được lạm phát xuống.

Nhưng giá phải trả không nhỏ: cuối 1980s đầu 1990s hơn 500 ngân hàng phá sản. Được cái lúc ấy lạm phát đã hạ thấp xuống mức dưới 3-4%, lãi suất cũng kịp hạ về mức 3-4%. Tuy nhiên lo ngại lạm phát vẫn như vẫn còn đe dọa nên nửa sau 1990s FED lại đẩy lãi suất Fed funds lên 7% để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% rồi mới hạ liên tục - lúc này tôi đã tham gia thị trường và theo dõi nên nhớ khá rõ là đã dự báo đúng đầu 2000s sẽ xuống.

Lạm phát như nhiễm khuẩn gây sốt. Táng kháng sinh diệt khuẩn hạ sốt là phác đồ duy nhất. Khác nhau ở liều lượng.

Dù kháng sinh gây đau loét dạ dày tý chút.

b. Những năm 2007-2008 lạm phát lại ngóc đầu nên lãi suất được đẩy lên ngưỡng 6% chống lạm phát.

Tiền tệ thắt chặt làm lộ diện Sub-Prime Mortgage Loan cực độc hại đã kích hoạt GFC 2008. Hệ thống ngân hàng thực sự chao đảo.

May lúc ấy lạm phát cũng đã bị chế ngự. Nên từ 2009-2011 FED chỉ lo cứu hệ thống ngân hàng khi 2008 có 25 ngân hàng tổng tài sản 374 tỷ $ sụp, 3 năm 2009-2011 có tới 389 ngân hàng tổng tài sản 303 tỷ $ sụp đổ.


Hết nhiễm khuẩn hết sốt, đến lượt lo chữa loét dạ dày. Nói chung chữa lạm phát chỉ có mỗi thắt chặt tiền tệ, như nhiễm khuẩn uống kháng sinh. Phản ứng dây chuyền: lạm phát tăng => tăng lãi suất => các ngân hàng sụp đổ. Hai cái đầu gần như đồng thời. Khủng hoảng ngân hàng luôn chậm 1 nhịp sau khi lạm phát đã được dẹp (H.1).

c. Tiền tệ dễ dãi bơm vô tội vạ bởi NHTW như FED sau GFC 2008 và đặc biệt sau đó với khẩu hiệu chống Covid.

Covid bị đẩy lùi, hoạt động kinh tế năng động trở lại vòng quay vốn tăng cao, sự kiện Ucraina, chuỗi cung ứng mới không kịp thiết lập và Green Transformation rất “đúng lúc” đẩy giá năng lượng lên cao kích hoạt lạm phát đục thủng 10% khắp các nền kinh tế lớn. Tuy lạm phát thấp hơn 1980s nhưng đến nay rõ là chưa được chế ngự trong phạm vi toàn cầu.

Thế là lại nhiễm khuẩn, lại sốt.

d. Tất nhiên chống lạm phát - hạ sốt - phải ưu tiên vì nó nhanh và lạm phát tàn phá tất cả nền kinh tế. Chống lạm phát chỉ mỗi một phác đồ “kháng sinh”: thắt chặt chính sách tiền tệ. Tức là giảm tiền trong lưu thông, tăng lãi suất.


Mỗi cái khổ: Trước đây các NHTW bao gồm FED đã bơm tiền ào ạt vào thị trường bằng cách đẩy quy mô Bảng TKTS của mình lên chóng mặt suốt nhiều năm qua (mà không cần tăng M0 vốn phải qua các quy trình phức tạp) thông qua mua bán các loại trái phiếu, tín phiếu quy mô rất lớn (H.2 - Việc này tôi viết đã nhiều).

Nếu rút tiền trong lưu thông là kích hoạt sụp đổ hệ thống rất nhanh bởi mất thanh khoản. Chỉ tăng lãi suất là chấp nhận được.

Chính sách tăng lãi suất nhanh chống lạm phát ngay lập tức kích hoạt sự sụp đổ của 3 ngân hàng SVB, Silvergate và Signature tổng tài sản gần 330 tỷ $, đẩy nhanh quá trình phá sản của Credit Suisse và báo động đỏ với Deutsch Bank, Commerzbank và gần 10 ngân hàng khu vực khác của Mỹ. Bức tranh đầu 2008 như lặp lại làm dấy lên lo ngại việc các ngân hàng sẽ sụp đổ tiếp theo hiệu ứng domino do mất thanh khoản thị trường.


Dù hệ thống ngân hàng bây giờ mạnh hơn 2008, các đại gia ngân hàng không lo ngay ngáy như 2008, nhưng giới quản lý thị trường lo ngại là có căn cứ (H.3).

Lại tái phát loét dạ dày đe doạ thủng.

e. Chưa bao giờ FED gặp tình trạng nan giải thế này: vừa chống lạm phát cao vừa cứu trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cùng 1 lúc. Sự kiện này dường như chưa hề có. Như bệnh nhân vừa loét dạ dày vừa bị sốt cao so nhiễm khuẩn nặng: ưu tiên chữa dạ dày thì chết vì nhiễm khuẩn, ưu tiên chữa nhiễm khuẩn thì thủng dạ dày. Mà thuốc dạ dày thì thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, còn kháng sinh chống khuẩn lại làm loét dạ dày.

Thế là FED chọn đi giạng háng: Cho uống kháng sinh liều rất cao (tăng lãi suất mạnh nhanh) nhưng thỉnh thoảng nghỉ để uống thuốc dạ dày (bơm thanh khoản cứu trợ hướng đích. Có thể bơm trực tiếp hay gián tiếp qua các Ngân hàng mạnh). Mà tôi gọi nó là chính sách “Thắt lưng nới bụng”: tăng lãi suất mạnh nhưng rút tiền từ lưu thông chậm, thỉnh thoảng bơm ngược lại cứu thanh khoản. Chắc chắn chính sách này sẽ làm cuộc chiến chống lạm phát kéo dài. Dù có lý của nó.

Và rõ là FED đang loay hoay trong không gian hẹp của hành động khi hai bên hai mối đe doạ, nếu không nói là lúng túng.

Một mặt FED vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục giảm từng bước Bảng TKTS của mình, tiếp tục sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát.

Mặt khác việc các ngân hàng lớn như SVB, Silvergate, Signature, Credit Suisse đổ vỡ và Commerzbank, Deutsche Bank cùng các ngân hàng cỡ nhỏ vừa lung lay làm dấy lo ngại khủng hoảng thanh khoản.


Thế nên thỉnh thoảng FED phải làm ngược là bơm morphine thanh khoản giảm đau hệ thống. Cụ thể chỉ 2 tuần cuối tháng 3 đã bơm gần 409 tỷ $ (H.4).

Có lẽ là việc cần thiết để chống ngộp thanh khoản chống rút tiền hàng loạt cả hệ thống.

Chính sách Thắt lưng nới bụng đang bị thử thách.

f. Các NHTW với khách hàng là các NHTM đang là những tay chơi ALM lớn mà trùm là FED: rủi ro lãi suất và thanh khoản trở nên nguy hiểm cho cả hai.


Để đẩy quy mô Bảng TKTS bơm tiền ra thị trường, FED phải phát hành và mua bán Trái phiếu, Tín phiếu quy mô lớn như đã nói (H.2). FED cũng mua bán kỳ hạn lung tung xèo nên cũng bị Gap kỳ hạn - không biết CRO của FED là ai (H.5).

Để đến khi bắt đầu thu hẹp quy mô Bảng TKTS mới tý chút cỡ 7% (H.4) đã lòi ra khoản lỗ 44 tỷ $ (H.6). Trái phiếu FED nắm giữ cũng chịu rủi ro lãi suất như trăm họ mà thôi!


Chả khác gì đám đồng hội đồng thuyền là các NHTM-NHĐT. Gậy ông lại đập lưng ông! Trò chơi ALM chả dễ.

Không biết IFRS của FED thế nào và Tài khoản AOCI (Accumulated Other Comprehensive Income) của FED ra sao nhỉ! Chắc thê thảm lắm. Mới bán 7% TA đã lỗ cụ nó chừng ấy. Chắc AOCI phải âm không dưới 600 tỷ $.

Nhưng các bạn đừng lo cho FED. Họ in được tiền mà.

Và những năm trước họ đã lãi nhiều. Mà họ cũng không coi đấy là lỗ. Đó là chi phí vận hành để bình ổn thị trường.

2. Green Transformation

Tôi vẫn bảo Green Transformation là trò chơi chính trị và ép non vì hiện chưa kinh tế và người trả giá vẫn là dân nên kiểu gì cũng diễn ra: các đại ca Âu Mỹ dùng vũ khí USD, EUR ép cả thế giới phải làm đề tiêu diệt vũ khí dầu lửa của đám Nga, Trung Đông lắm dầu khó bảo. Nhưng bọn ấy cũng quẫy chứ chả ngồi yên.

a. Châu Âu và Mỹ vẫn đang thúc đẩy đầu tư vào Green Transformation (GT). Các cánh cửa tiếp cận nguồn vốn USD và EUR với các DN không đáp ứng ESG và chuyển đổi xanh khép lại. Và quá trình GT đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Ví dụ nhỏ: New York thảo luận cấm bếp gas trong những ngôi nhà mới. Nếu được thông qua NY sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ thông qua luật cấm sử dụng khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch khác trong các tòa nhà mới để đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải nhà kính. GT đã đến bếp các gia đình.

b. Mỹ Âu đóng cánh cửa của họ thì mấy ông OPEC+ và Trung Quốc mở các cánh cửa khác. Amin Nasser - CEO của Saudi Aramco - đến thăm Trung Quốc và được mời nghỉ ở biệt thự số 18 Điếu Ngư Đài là nơi Trung Quốc mời các quốc khách là Nguyên thủ hàng đầu đến thăm chính thức ở, nơi mỗi vật phẩm trang trí đều là quốc bảo ngàn năm tuổi của Trung Quốc. Đã ai vào đó chưa nhỉ? Nơi ấy không dành cho khách du lịch.

Trong chuyến thăm đó Saudi Aramco đã mua 10% cổ phần của Rongsheng Petrochemical Co. (RPC), một tổ hợp dầu mỏ tư nhân khổng lồ, với giá khoảng $3,6 tỷ và Saudi Aramco đảm bảo cung cấp 480.000 thùng mỗi ngày cho nhà máy lọc dầu của RPC ở tỉnh Chiết Giang.

Trước đó một ngày, Aramco với China North Industries Group Corp. (nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Trung Quốc và là cổ đông 51%) đã ký một thỏa thuận thành lập công ty xây dựng một khu phức hợp lọc hóa dầu khổng lồ ở tỉnh Liêu Ninh. Để đổi lấy việc mua 30% cổ phần của nhà máy lọc dầu này, Nasser hứa Aramco sẽ cung cấp tới 70% lượng nguyên liệu dầu thô, tương đương 210.000 thùng, mỗi ngày.

Ấy là Saudi Arab sốt ruột vì Nga, Iran, gần đây Iraq… đang trở thành các nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.

Việc mở rộng các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu của khối OPEC+ dự kiến ​​sẽ tập trung ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số khu vực của Châu Á.

Nasser đã chọn đúng thời điểm.

c. Các nỗ lực thoát đồng USD hoặc ít nhất phương án 2 bên cạnh USD đang được đẩy mạnh hơn. Các nỗ lực chủ yếu đổ vào xây dựng nền tảng Thanh toán để tạo niềm tin cho Lưu trữ Giá trị. Đơn vị xác định giá thì là chủ quyền quốc gia rồi, không bàn.

Tự tin đồng USD thì đang quá khỏe nên người Mỹ vẫn tỉnh bơ đầy tự tin. USD đang là vũ khí tấn công nên không thèm thủ? Hay đang có mưu gì chứ chả ngồi yên thế?

Cuộc chiến này mới khoái. Vì nó cân não. Tất nhiên đường còn dài, dăm ba chục năm là ngắn.

Chỉ trong tháng 3/2023:
- Brazil và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thực hiện tất cả các giao dịch thương mại trong tương lai bằng đồng tiền quốc gia của họ.
- Ấn Độ thanh toán dầu của Nga bằng các loại tiền rupee, dirham của UAE, và ruble Nga. Ấn Độ đẩy mạnh quốc tế hóa đồng rupee và đã thực hiện giao dịch thanh toán rupee với Nga, Iran, Bangladesh, Malaysia và sắp chốt deal với Brazil.
- Arab Saudi trở thành đối tác đối thoại với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc lãnh đạo và bán dầu cho Trung Quốc bằng NDT, bao gồm bán dầu tại Sở Giao dịch dầu khí Thượng Hải.
- Tập đoàn Total Energies Pháp mua 65.000 tấn LNG từ CNOOC Trung Quốc lần đầu tiên bằng nhân dân tệ (NDT) tại Sở giao dịch Dầu Khí Thượng Hải.
- CBDC thì cả Trung Quốc lẫn Nga lẫn Ấn Độ lẫn vô vàn chú lẻ tẻ đang làm. Vụ này sẽ còn hay.
- Đùng 1 cái OPEC+ giảm khai thác 1 triệu thùng dầu/ngày đi đầu là Saudi Arab (500.000 thùng), UAE, Kuwait… chơi đổ dầu vào lửa. FED phải chùn tay tăng lãi suất hút Petro USD về ngay. Quả phản công này khá bất ngờ. Thị trường hàng hoá (Commodities) vẫn hấp dẫn. Vàng thính nhất.

3. Tóm lại thế là thế nào?

Cứ liều dự báo thế này:

a. Lãi suất: cả ECB lẫn FED lẫn BoE đều sẽ còn tăng. Nhưng dịu dàng hơn. Bóng ma khủng hoảng ngân hàng cũng đã góp phần thắt chặt tiền tệ. Mức lãi suất Fed fund tôi đã từng dự báo 6%-7% (thay vì 4,5%-4,75% như 1 số dự báo trước đó) nay có thể hạ xuống bớt 0,5% còn 5,5%-5,75% cho năm 2023 bởi các số liệu việc làm và nguy cơ suy thoái tại Mỹ… cộng với dầu lửa phản công.

Phải hạ sốt bằng mọi giá!

b. Khủng hoảng ngân hàng thế giới: chắc sẽ không xảy ra bởi các bài học 2008 còn tươi. Nhìn cách ứng xử với Credit Suisse thì thấy: quy mô và cách can thiệp là khủng bố. Luật lá ngân hàng sẽ chặt hơn. Làm ngân hàng sẽ ngày càng buồn vì bị trói chân trói tay ngày càng chặt, hở ra là ăn chửi và thành tội đồ lãnh đạn hộ người khác. Dù bọn chửi dân ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng chả hiểu quái gì về những giá trị các NHTM đem lại cho đồng tiền cả.

c. Thế giới đang vận động mạnh Các quân cờ đang tích cực đi chuyển.
Tiền tệ và chính trị đang hợp lực hai mũi giáp công. Các B/S đang được tái cơ cấu trong một cuộc cờ vây trong chính trị và đấu ALM trong tiền tệ.

Nước Mỹ và châu Âu, những tay chơi đang thống lĩnh thị trường, đi những nước đầu tiên trong cuộc chiến tiền tệ chống Nga chứ không phải Trung Quốc. Giúp Trung Quốc lại được quay về phong cách chơi quen thuộc của họ.

Và kỳ lạ hơn: trong chiến tranh Lạnh, phương Tây chống Liên Xô nhưng không chống người dân Liên Xô. Người dân Liên Xô khá tự do đi sang Tây Âu Mỹ (còn được mời gọi là khác để chứng kiến sự ưu việt của phương Tây) nếu chính phủ Liên Xô cho phép (hồi ấy rất khó xin hộ chiếu nước ngoài). Chính họ là những người đem các thông tin xác thực về cuộc sống và hàng hoá Phương Tây vào Liên Xô, góp phần làm tan vỡ ảo tưởng “Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ” và chiến thắng của Mỹ trong chiến tranh Lạnh. Không những vậy Liên Xô còn bị tố cáo là đã “dựng bức màn sắt” ngăn người dân tự do đi lại.

Còn nay một bức rào dựng lên ngăn cản người Nga đi lại, mua bán. Tài sản các Oligarkh đơn giản là bị tịch thu hay phong toả. Châu Âu dựng bức màn sắt, không phải Nga! Vì sao? Có gì đó sai sai thiển cận ở đây.

Rất lạ! Hungary cuối năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ 2014, Ba Lan giữa 2017, Gruzia 2022 và Israel đầu 2023 có gì chung không mà thấy quen nhỉ? Chờ tin về Israel từ Hong Kong.

Ngoại giao Trung Quốc tự nhiên tấp nập như Bố Già làm đám cưới con gái:

Chỉ trong ngày 31/3 ông Tập tiếp 2 Thủ tướng Singapore, Malaysia và Tổng thống Tây Ban Nha. Ngay đó là Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch EU. Tất đều thăm chính thức.

Tổng thống Iran sắp thăm Saudi Arab sau khi Trung Quốc thu xếp giảng hoà hai quốc gia thù địch. Trung Quốc hoà giải được Iran với Israel nữa thì quả là lợi hại.

Kể cũng lạ… ông Tập Cận Bình sang Nga nói chuyện gì mà báo chí toàn thế giới đưa tin nhạt toẹt, mạng mẽo cũng thế luôn. Toàn những thứ vớ vẩn. Chả nhẽ ông Tập rảnh sang chơi cho vui?

Nhưng chắc chắn 1 điều: Ucraina không là mục đích chuyến đi. Đọc và nghe giới ngoại giao nói là rõ. Vì bây giờ đó là câu chuyện cấp bộ trưởng. Không những vậy cảm giác rằng Trung Quốc cần chuyến đi này hơn là Nga.

Ngay sau đó Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông vốn ủng hộ chủ quyền Nhật Bản đối với 4 đảo Kurils - lãnh thổ phương bắc, nay tuyên bố trung lập không ủng hộ bên nào. Tin không được tích cực lắm cho Việt Nam.

Không biết đã nói chuyện gì mà nghe nói ông Tập Cận Bình trước lúc rời Moscow cầm tay ông Putin bảo rằng: 这是百年变局的一部分,我们共同来推动。Google dịch (ai biết tiếng Hoa kiểm tra lại giúp): “Đó là một phần của thay đổi trăm năm có một và chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy điều đó”.

7682 Lý Xuân Hải 08/04/2023