Trang nhà > Bạn đọc > Nhàn đàm > THỬ BÀN VẤN ĐỀ DẤU THANH ĐIỆU TRONG CHỮ QUỐC NGỮ
7685
THỬ BÀN VẤN ĐỀ DẤU THANH ĐIỆU TRONG CHỮ QUỐC NGỮ
Thứ Tư 12, Tháng Tư 2023, bởi
Tiếng Việt cũng như tiếng nói của một số dân tộc châu Á thường có thanh điệu. Đặc điểm này gây phức tạp cho các loại chữ viết biểu âm (chữ ghi âm) dùng để ghi các thứ tiếng ấy. Chữ biểu ý (chữ ghi ý, ví dụ chữ Hán) không có vấn đề này. Thực ra tiếng Pháp, Bồ Đào Nha… cũng có trọng âm và chữ viết của họ cũng có dấu thanh điệu (dấu giọng). Như tiếng Pháp viết café, có dấu sắc. Tiếng Bồ có cả dấu ngã (˜).
Tiếng Việt có 6 thanh điệu, khi viết tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ cần ghi 5 dấu giọng: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Tiếng Trung Quốc (tiếng Hán/ Hán ngữ) có 4 thanh điệu, khi viết chữ Hán (là loại chữ biểu ý, không biểu âm) thì không có vấn đề dấu thanh điệu, nhưng khi viết chữ phiên âm Hán ngữ thì phải ghi dấu thanh điệu. Việc này cực kỳ quan trọng, có học giả Trung Quốc nói phương án phiên âm Hán ngữ không có dấu thanh điệu thì chẳng khác gì quan Thái giám (viên quan bị thiến mất vật quan trọng nhất để phân biệt đàn ông).
Trong thế kỷ XVI-XVII, các giáo sĩ người Âu khi đến châu Á truyền giáo đều ngay lập tức tìm cách dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng bản xứ, nhằm thuận tiện cho việc học tiếng. Năm 1605, giáo sĩ Matteo Ricci sau khi phát hiện được quy luật phát âm của tiếng Hán, đã làm ra phương án phiên âm Hán ngữ đầu tiên trong lịch sử, dùng chữ cái Latin để ghi âm đọc của chữ Hán. Phương án này có dùng dấu thanh điệu.
Năm 1617 giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina đến Việt Nam truyền giáo, ông đã nhanh chóng học nói tiếng Việt và viết chữ Nôm, sau đó bắt đầu nghiên cứu dùng chữ cái Latin để ghi âm đọc của chữ Nôm. Các giáo sĩ khác đến Việt Nam sau Pina đã tiếp tục công trình nghiên cứu đó. Họ đều là giáo sĩ Dòng Tên, đều là những học giả thông thái, rất quan tâm tới ngôn ngữ học, đi tới đâu cũng nghiên cứu, học tập ngôn ngữ người bản xứ.
Cuối cùng họ biên soạn tập thể được bản thảo bộ Từ điển Việt-Bồ-La. Năm 1651 giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang bản thảo này về in tại Roma (rất tiếc là không in được phần chữ Nôm), đánh dấu sự ra đời loại chữ viết tiên tiến nhất trong lịch sử nước ta, và cũng là tiên tiến nhất trong vùng, về sau được gọi là Chữ Quốc ngữ Việt Nam.
Tiếng Việt, tiếng Hán khi được phiên âm hoá bằng chữ cái Latin đều gặp vấn đề nên dùng ký hiệu như thế nào để thể hiện dấu thanh điệu (dấu giọng). Ai cũng muốn thể hiện dấu này bằng chữ cái Latin, vì như thế viết được thuận tiện hơn, nhất là khi đánh máy chữ rất khó đánh dấu thanh điệu (cũng như những chữ cái có dấu phụ, như các chữ ă, â, đ, ê, ơ, ô, ư trong chữ Quốc ngữ). Nhưng thực tế cho thấy, dù là phương án phiên âm Hán ngữ của Ricci hay chữ Quốc ngữ Việt Nam, đều phải dùng dấu giọng dưới dạng không phải là chữ cái Latin. Tại sao lại "phải" như vậy? Phải chăng là vấn đề thói quen?
Hình thức dấu thanh điệu của chữ Quốc ngữ đã được các giáo sĩ bàn cãi nhiều trong các kỳ nghỉ họ gặp nhau ở Macao. Điều đó chứng tỏ họ đã nghiên cứu rất kỹ và ngày nay chúng ta chẳng thể sửa được, kể cả những người chê dấu thanh điệu “rắc rối, kém mỹ quan”. Xin nhớ họ chỉ có dăm mười người, làm việc đơn độc không có tổ chức như một Viện hoặc Uỷ ban, truyền giáo là công việc chính của họ, phiên âm chữ Nôm chỉ là việc ngoài giờ. Và họ chẳng có phương tiện, thiết bị nào để làm việc như chúng ta ngày nay.
Năm 1955, Uỷ ban Cải cách chữ viết Trung Quốc khi nghiên cứu làm phương án phiên âm Latin hoá chữ Hán có đề ra nhiệm vụ tham khảo chữ Quốc ngữ của Việt Nam. Một Uỷ viên của Uỷ ban này là ông Quý Tiễn Lâm, đại học giả hàng đầu Trung Quốc đưa ra nhận định: “Chữ viết của Việt Nam sau khi được phiên âm hoá thì đầu đội mũ, chân đi giầy, rất nực cười”.
Ở đây ông Quý muốn nói chữ Nôm của người Việt Nam sau khi được phiên âm hoá và Latin hoá thành chữ Quốc ngữ đã phải viết thêm dấu thanh điệu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) ở trên và dưới chữ, trở thành thứ chữ Latin được “đội mũ, đi giầy”, trông rất buồn cười. Ông Quý thuộc phái phản đối việc phiên âm hoá chữ Hán, ông muốn nói Việt Nam đã không thành công trong việc cải cách chữ viết, Trung Quốc chớ có bắt chước.
Nhưng dù chê chữ Quốc ngữ Việt Nam “nực cười” vì phải dùng dấu thanh điệu như thế nhưng chính Phương án phiên âm Hán ngữ do Uỷ ban Cải cách chữ viết Trung Quốc tập trung lực lượng cả nước nghiên cứu trong 3 năm (ban hành năm 1958) cũng vẫn phải dùng tới 3 dấu thanh điệu và 1 dấu phụ, nghĩa là vẫn phải “đội mũ, đi giầy”. Điều đó chứng tỏ dấu thanh điệu là tất yếu đối với chữ phiên âm của ngôn ngữ có thanh điệu.
Sau này giới học giả ở ta có đề ra phương án “Chữ Telex” dùng chữ cái Latin để thay cho các dấu phụ (ă thay bằng aw, â = aa, đ = dd, ê = ee, ô = oo, ơ = ow, ư = uw) và dấu thanh điệu (dấu sắc thay bằng thêm chữ cái s, dấu huyền = + chữ f, dấu hỏi – chữ r, dấu ngã = + chữ x, dấu nặng = + chữ j). Như thế sẽ hoàn toàn bỏ được dấu phụ và dấu thanh điệu. Phương án này chủ yếu dùng trong thông tin điện báo nhưng không dùng trong văn bản viết tay, đánh máy hoặc in. Hình như cũng chưa ai đưa ra giải thích về vấn đề này?
Trong hơn trăm năm qua, một số người đã đưa ra phương án sửa chữ Quốc ngữ nhưng đều không thành công, không được đa số nhân dân ta ủng hộ, bị chê là chỉ làm phức tạp thêm.
Đa số dân ta cho rằng cho dù chữ Quốc ngữ còn một số điểm chưa hoàn hảo nhưng nếu dùng đúng chính tả thì vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu ghi được 100% ngôn ngữ nói của dân tộc Việt, cơ bản thực hiện “nói thế nào viết thế ấy”, “viết thế nào đọc thế ấy”.
Nên nhớ rằng trên thế giới không có ngôn ngữ viết nào hoàn hảo tới mức thực hiện được các yêu cầu đó, chữ Quốc ngữ đã thực hiện được các yêu cầu này ở mức cao hàng đầu. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.
Sau khi biết đại học giả Quý Tiễn Lâm chê chữ Quốc ngữ Việt Nam “nực cười”, tôi đã viết bài phản bác (xem bài “Sao lại nói chữ Quốc ngữ Việt Nam ‘rất nực cười’ ” đăng trên tạp chí Văn hoá Nghệ An số 353 ngày 24/11/2017 hoặc trên trang web nghiencuuquocte.org ngày 11/12/2017) và nhấn mạnh các dấu thanh điệu trong chữ Quốc ngữ là một sáng tạo thành công của nhóm giáo sĩ khởi đầu là Francisco de Pina.
Nguyễn Hải Hoành
7685 NHHoành 12/04/2023