7686 Nguyễn Hải Hoành
Có một người Việt Nam từng làm Tể tướng Trung Quốc
Trung HoaTrong nhiều vương triều ở Trung Quốc thời xưa, Tể tướng 宰相 là chức vụ quan lại hành chính cao nhất, có thể coi tương đương với chức Thủ tướng thời nay.
Chắc ít người biết rằng từng có một người Việt Nam được vua Đường phong làm Tể tướng. Đó là ông Khương Công Phụ (730 ?-805) sống vào thời Trung Đường.
Sách sử Tân Đường Thư ghi: Khương Công Phụ, tên chữ Đức Văn 姜公輔,字德文, người huyện Nhật Nam, Ái Châu, quận Cửu Chân. [nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa]. Từ điển Bách Độ cho rằng tổ tiên Khương Công Phụ là người Hán, quê ở Thiên Thủy, Lũng Tây (nay là tỉnh Cam Túc, Trung Quốc). Có tài liệu cho rằng gia tộc họ Khương này về sau chuyển đến Nam Hải (Quảng Đông). Thời nhà Đường, họ sang Giao Châu (tức Việt Nam) định cư ở đất Ái Châu, trở thành người Việt. Khương Công Phụ học giỏi, thi Hương đỗ, được cử sang Trung Quốc dự thi Tiến sĩ, lại đỗ cao. Ông được triều đình nhà Đường ban chức tước.
Cựu Đường Thư viết « Khương Công Phụ, không rõ người ở đâu. » Đỗ Tiến sĩ, làm chức Hiệu Thư lang 校書郎, sau được triệu vào Hàn Lâm (viện) làm Học sĩ. Cựu Đường Thư nhận xét : Khương Công Phụ 才高有器識,每對見言事,德宗多從之. Tạm dịch : Tài cao, có độ lượng, thấy vấn đề gì thì đều trình tấu vua, phần lớn được Hoàng đế Đường Đức Tông [tức Lý Thích, 742-805, tại vị 779-805] nghe theo.
Tân Đường Thư cũng viết “公輔有高材,每進見,敷奏詳亮,德宗器之” Công Phụ có tài cao, mỗi lần bệ kiến (vua), đều trình tấu tường tận rõ ràng, được Đức Tông coi trọng.
Theo sách Nho học nam truyền sử 儒學南傳史 của Hà Thành Hiên 何成軒: năm Kiến Trung thứ ba (năm 782) Tiết độ sứ Chu Tỷ 朱泚 làm phản, chống lại triều đình nhà Đường. May sao Khương Công Phụ đã dự kiến sẽ xảy ra việc đó, ông nhắc nhà vua đề phòng. Đức Tông định bỏ kinh đô chạy về Phượng Tường, nơi có Tiết độ sứ Trương Ích 張鎰 trung thành với nhà Đường. Khi ấy Khương Công Phụ lại phát hiện dấu hiệu bất ổn của tướng lĩnh ở Phượng Tường, ông trình lên nhà vua. Đức Tông quyết định chạy về Phụng Thiên [thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay]. Quả nhiên mấy hôm sau một tướng ở Phượng Tường nổi loạn, giết Trương Ích, theo Chu Tỷ. Nhờ không đi Phượng Tường nên Hoàng đế tránh được nguy hiểm...
Thấy Khương Công Phụ thông tuệ, có mưu lược, nhiều lần sáng suốt dự đoán đúng tình hình, cứu được triều đình nhà Đường nên sau khi đến Phụng Thiên, Đức Tông phong ông làm Gián Nghị Đại Phu 諫議大夫, tương đương chức Tể tướng.
Được Hoàng đế giao trọng trách trong lúc đang có nguy biến, điều đó chứng tỏ Khương Công Phụ rất trung thành với triều nhà Đường, được coi là một nhà Nho tiêu biểu hồi ấy.
Thời gian Khương Công Phụ nhậm chức Tể tướng cũng là thời kỳ mâu thuẫn giữa vương triều nhà Đường với các thế lực cát cứ ở nhiều phiên trấn đang ngày càng gay gắt, quan tướng nhiều nơi nổi lên chống lại triều đình. Xảy ra Loạn nhị Đế tứ Vương là vụ nổi loạn lớn nhất trong lịch sử nhà Đường. Khương Công Phụ kiên quyết đứng về phía vương triều trung ương của Hoàng đế Đức Tôn, ủng hộ sự thống nhất đất nước, phản đối chia rẽ, cát cứ.
Tiếc thay, ông tại vị chỉ mới được nửa năm đã bị bãi chức Tể tướng. Nguyên nhân là trên đường triều đình đang di chuyển chạy loạn thì công chúa Đường An chết, nhà vua muốn làm tang lễ thật trọng thể. Khương Tể tướng đã can gián Hoàng đế, ông nói: Trong khi đang đi đường thì việc tang nên làm đơn giản tiết kiệm để có lợi cho quân sĩ. Lời khuyên can ấy làm nhà vua nổi giận, mắng ông là kẻ « bán sự ngay thẳng để lấy danh tiếng ».
Mới đầu Khương Công Phụ bị giáng xuống làm Tả Thứ Tử, sau chuyển làm Hữu Thứ tử, cuối cùng xuống làm Tuyền Châu Biệt giá. Năm Trinh Nguyên thứ 8 (năm 792) Khương Công Phụ về Tuyền Châu 泉州 (miền nam tỉnh Phúc Kiến ngày nay) và sống cuộc đời Đạo sĩ ở đây cho đến hết đời.
Nhà thơ nổi tiếng đời Trung Đường là Liễu Tông Nguyên 柳宗元 ca ngợi Khương Công Phụ 以奇策取相位。好諫諍,免. Tạm dịch: Nhờ có kế sách kỳ diệu mà giành được chức Tể tướng. Hay thẳng thắn can gián mà bị miễn chức. Câu này đã vạch rõ nguyên nhân Khương Công Phụ bị miễn chức.
Hồi ấy ở Tuyền Châu có Tần Hệ 秦系 một vị cao sĩ người Thiệu Hưng (Triết Giang) ở ẩn trong ngọn phía tây dãy núi Cửu Nhật. Ông giỏi làm thơ, ngọn núi ông ở được dân vùng này gọi là Ngọn Cao sĩ.
Khương Công Phụ ở ngọn núi phía đông, kết bạn với Tần Hệ. Ngọn núi này được dân chúng gọi là Núi Khương Tướng 姜相峰. Hai người thường chu du khắp nơi, uống rượu họa thơ với nhau rất tâm đắc. Sách Tân Đường thư, Tần Hệ liệt truyện có chép chuyện ấy.
Khương Công Phụ qua đời vào năm đầu tiên của niên hiệu Vĩnh Trinh thời vua Đường Thuận Tông (năm 805). Vì vợ con ông đều ở Việt Nam nên cao sĩ Tần Hệ đứng ra lo liệu hậu sự cho ông. Hai chục năm sau khi Khương Công Phụ qua đời, Tần Hệ cũng rời núi Cửu Nhật bỏ đi đâu không ai biết.
Tuy làm Tể tướng chỉ có nửa năm nhưng do có tài mưu lược và lòng trung thành tuyệt đối với triều đại nhà Đường – được coi là Thịnh thế Thiên triều, tức vương triều thịnh trị nhất trong lịch sử Trung Quốc, – nên Khương Công Phụ được người nước này rất coi trọng.
Nhà thơ Liễu Tông Nguyên đời Đường và Thái Thú Tuyền Châu Vương Thập Bằng đời Tống đều có thơ văn chia buồn về việc Khương công từ trần.
Khương Công Phụ sinh thời làm được khá nhiều văn thơ nhưng đều thất tán, hiện chỉ giữ được một bài Phú và một bài Sách (tạm hiểu là bài văn luận bàn thời cuộc), nhưng cả hai đều được coi là thuộc loại hay nhất văn đàn Trung Quốc thời ấy.
Hai bài Bạch vân chiếu xuân hải phú 白雲照春海賦 [1] và Đối trực ngôn cực gián sách 對直言極諫策 [2] của Khương Công Phụ đều được chép trong sách Toàn Đường văn 全唐文, quyển 446 và quyển 745. Đáng tiếc là nửa sau bài Phú bị mất, chỉ giữ được nửa đầu, khoảng hơn 300 chữ. Bạch vân chiếu xuân hải phú lời văn rất có khí thế, thể hiện tình cảm sâu đậm của tác giả, có giá trị văn học nghệ thuật rất cao, chiếm địa vị quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, được gọi là An Nam thiên cổ văn tông 安南千古文宗.
Toàn Đường văn còn viết: nếu xét từ góc độ lịch sử tư tưởng học thuật thì Đối trực ngôn cực gián sách có giá trị cao hơn rất nhiều so với Bạch vân chiếu xuân hải phú. Đọc bài Sách này có thể thấy rõ tư tưởng chính trị và quan điểm học thuật của Khương Công Phụ, qua đó có thể hiểu qua về tình hình Trung Quốc thời Đức Tông trị vì. Bài Sách đó là tác phẩm hoàn chỉnh duy nhất hiện còn của Khương Công Phụ, cũng là bài chính luận sớm nhất trong nền văn học Việt Nam.
Một tài liệu do Tổng hội Liên nghị tông thân họ Khương Trung Hoa viết cho rằng nguyên quán của Khương Công Phụ là ở vùng Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, đời ông cha di cư sang Việt Nam. Có lẽ vì thế mà tờ Đông phương Tảo báo của tỉnh Cam Túc mới cử phóng viên đến dự lễ tưởng niệm Khương Công Phụ và đưa tin về vị Tể tướng tài ba này trong bài Khương Công Phụ Tể tướng triều nhà Đường là người Việt Nam. Bài báo cho biết :
Ngày 10/4/2011, nhân tiết Thanh minh, Hội những người họ Khương ở Trung Quốc đã tổ chức hoạt động tưởng niệm Tể tướng Khương Công Phụ tại nơi an táng ông – Núi Cửu Nhật, Tuyền Châu. Nhân dịp này, phóng viên Đông Nam Tảo Báo đã theo Giám đốc Sở Bảo quản di tích Cửu Nhật Sơn đến viếng mộ Tể tướng Khương.
Tuyền Châu là nơi Khương Công Phụ sống 14 năm cuối đời, trong đó có 13 năm ông ở ẩn trên núi Cửu Nhật. Ngôi mộ này từng được trùng tu vào các đời Nam Tống, Minh, Thanh. Hiện còn thấy bên mộ có một đôi dê đá làm vào đời Tống, một đôi sư tử đá làm vào đời Thanh. Giám đốc Sở cho biết năm 2010 người ta mới phát hiện ngôi mộ này đồng thời có hai tấm bia. Một bia mộ được dựng trong lần trùng tu đời nhà Thanh. Đó là tấm bia hiện còn thấy dòng chữ Khải thô Đường Tướng quốc Trung túc Khương công phong huỳnh 唐相國忠肅姜公封塋. Một tấm bia khác ẩn phía sau bia nói trên, không có chữ nhưng hình vòm có chạm trổ hoa văn. Theo giới thiệu, bia chí này muộn nhất dựng từ đời Nguyên, rất có thể là bia chí đầu tiên của ngôi mộ.
Năm 1983, mộ Khương Tướng công được đưa vào diện di tích lịch sử được bảo vệ cấp huyện của huyện Nam An, nay là thị trấn Nam An.
Phía sau ngôi mộ này khoảng trăm bước có một vách đá thiên nhiên, trên khắc nhiều dòng chữ lớn kiểu chữ Lệ, chép sự việc trùng tu mộ đời Nam Tống (1127-1279).
Hàng năm vào dịp tiết Thanh minh, những người họ Khương ở Triết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Sơn Đông, Hồ Bắc, Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông đều đến Tuyền Châu viếng mộ Tể tướng Khương Công Phụ. Họ hy vọng sẽ có ngày các hậu duệ ở Việt Nam của Khương Tướng công sẽ đến đây viếng mộ ông [3].
Nguyễn Hải Hoành
[1] Lời văn một phần bài Phú này đăng ở đây
[2] Bài Sách đăng ở đây
[3] Việc này có lẽ nên làm, Nhà nước ta nên giúp liên hệ với phía TQ cho đại diện hậu duệ Khương Công Phụ sang viếng mộ ông vào dịp tiết Thanh minh. Nghe nói trước đây khi TQ san mộ Hồ Nguyên Trừng (an táng ở Bắc Kinh), họ có thông báo ai là hậu duệ ông thì đến nhận hài cốt, nhưng phía VN ta không có ai sang.
Nguồn:
7686 Hai_Hoanh 15/04/2023