Sơ qua tình hình học và dùng chữ Hán ở nước Nhật

Hán

Giới thiệu

Người Nhật dùng loại chữ viết hỗn hợp gồm chữ Kana (gồm chữ Hiragana và chữ Katakana), chữ Hán (tên Nhật là Kanji) và chữ Romanji (chữ Latin). Trong đó Kana và Romanji thuộc loại chữ biểu âm (phonograph), chỉ có một số chữ cái, dễ học dễ dùng. Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý (ideograph), khó học hơn cả vì nhiều chữ, chữ lại lắm nét, học chữ nào biết chữ ấy. Hầu hết chữ Hán xuất xứ từ Trung Quốc, có một số chữ Hán do người Nhật tự tạo, gọi là “Hoà chế Hán tự”.

Chữ viết của người Nhật thuộc loại chữ viết phức tạp và khó nhất thế giới, lại có quan hệ phụ thuộc vào chữ Hán Trung Quốc, ảnh hưởng tới tinh thần dân tộc. Chữ Hán nhiều nét, nhiều chữ, cho nên rất khó nhớ, người Nhật biết điều đó. Nhưng vì chữ Hán có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ viết của họ nên họ rất chịu khó học chữ Hán. Tỷ lệ biết chữ Hán của người Nhật rất cao. Thế nhưng trước đây họ sử dụng quá nhiều chữ Hán, là gánh nặng trong học tập.

Từ thế kỷ XIX bắt đầu có phong trào đỏi bỏ chữ Hán, yêu cầu chỉ dùng chữ Kana. Nhưng các kiến nghị bỏ chữ Hán đều không được Nhà nước chấp nhận, bởi lý do bỏ chữ Hán sẽ gây ra đứt gãy văn hoá , tức không thừa kế được di sản văn hoá chữ Hán của tổ tiên người Nhật. Năm 1873, một số học giả dẫn đầu là Fukuzawa Yukichi kiến nghị hạn chế số lượng chữ Hán tối thiểu mà người bình dân Nhật cần phải biết, nhằm mục đích giảm gánh nặng học tập cho người dân.

Cuối cùng, sau sự kiện bại trận trong Thế chiến II, dưới áp lực từ bên ngoài, chính quyền Nhật đã tiếp thu kiến nghị trên và tổ chức nghiên cứu, ban hành quy định về tổng số chữ Hán được dùng trong hệ thống văn bản nhà nước và xã hội, các ấn phẩm như báo chí, sách…, các phương tiện truyền thông.

Năm 1946 Chính phủ công bố “Đương dụng Hán tự biểu” gồm 1850 chữ Hán. Sau đó tăng dần tổng số chữ Hán. Tháng 10/1981 công bố “Thường dùng Hán tự biểu” gồm 1945 chữ. Hiện nay là 2136 chữ. Theo quy định, người Nhật chỉ được dùng những chữ Hán đã ban hành trong biểu trên. Trường hợp cần đến chữ Hán ngoài biểu này thì dùng chữ Kana diễn giải.

Chữ Hán trong giáo dục

Ngành giáo dục kiểm soát chặt chẽ tình hình dạy và học chữ Hán ở các cấp học, bảo đảm học sinh học được những chữ Hán cần thiết nhưng không gây áp lực ảnh hưởng tới sức khoẻ. Năm 1958 Bộ Giáo dục Nhật ban hành “Biểu chữ Hán thường thấy tại các lớp học” gồm 881 chữ Hán trong tiếng Nhật, là tổng số chữ Hán yêu cầu học sinh tốt nghiệp Tiểu học cần biết. Năm 1977, Biểu này tăng lên 996 chữ. Năm 1989 tăng lên 1006 chữ. [1]

Phân chia lượng chữ Hán cần học của các cấp học như sau:

  • Tốt nghiệp Lớp Một Tiểu học cần biết 80 chữ;
  • Tốt nghiệp Lớp Hai Tiểu học cần biết thêm 160 chữ, tức tổng số 240 chữ;
  • Tốt nghiệp Lớp Ba Tiểu học cần biết thêm 200 chữ, tức tổng số 440 chữ;
  • Tốt nghiệp Lớp Bốn Tiểu học cần biết thêm 200 chữ, tức tổng số 640 chữ;
  • Tốt nghiệp Lớp Năm Tiểu học cần biết thêm 185 chữ, tức tổng số 825 chữ;
  • Tốt nghiệp Lớp Sáu Tiểu học cần biết thêm 181 chữ, tức tổng số 1006 chữ.

Tổng số 1006 chữ Hán này gọi là “Chữ Hán giáo dục”.

Tiếp đó, trong 3 năm Phổ thông cơ sở ở Nhật, học sinh cần học thêm khoảng 600 800 chữ Hán, trong đó chữ nhiều nét nhất có 23 nét.

Chữ Hán trong xã hội

Người Nhật chính thức tiếp nhận chữ Hán từ thế kỷ III sau CN và trong gần 2000 năm qua đã sáng tạo được một di sản văn hoá văn học chữ Hán rất phong phú, không người Nhật nào muốn từ bỏ di sản ấy. Vì thế họ rất quý trọng chữ Hán và hăng hái học tập, sử dụng chữ Hán, sáng tạo nhiều hình thức xúc tiến việc học và dùng chữ Hán trong cộng đồng xã hội.

Năm 1992 họ thành lập “Hội Kiểm định Năng lực chữ Hán”, hàng năm tổ chức 3 lần sát hạch kiểm định năng lực biết chữ Hán của mọi người (gọi tắt là “Hán kiểm”). Ai muốn sát hạch thì tự nguyện tham gia. Trình độ biết chữ Hán chia làm 11 bậc (cấp), thấp nhất là bậc 10, cao nhất là bậc Một:

  1. Bậc 10 tương đương trình độ lớp 1 Tiểu học (80 chữ Hán);
  2. Bậc 9 tương đương trình độ lớp 2 Tiểu học (160 chữ Hán);
  3. Bậc 8 tương đương trình độ lớp 3 Tiểu học (200 chữ Hán);
  4. Bậc 7 tương đương trình độ lớp 4 Tiểu học (640 chữ Hán);
  5. Bậc 6 tương đương trình độ lớp 5 Tiểu học (825 chữ Hán);
  6. Bậc 5 tương đương trình độ lớp 6 Tiểu học (1006 chữ Hán);
  7. Bậc 4 tương đương trình độ lớp 1 Phổ thông cơ sở (1300 chữ Hán);
  8. Bậc 3 tương đương trình độ lớp 2 Phổ thông cơ sở (1600 chữ Hán);
  9. Bậc 2 tương đương trình độ tốt nghiệp Phổ thông Trung học (1945 chữ Hán thường dùng cộng 274 chữ Hán dùng cho tên người);
  10. Bậc 1 chuẩn [có thể gọi là Bậc 1 dự bị]: biết 3000 chữ Hán (chữ Hán thường dùng, ngoài ra còn đọc hiểu “Chữ Hán Hoà chế” tức chữ Hán do người Nhật tự tạo);
  11. Bậc 1 (cao nhất): biết 6000 chữ Hán, viết được “Chữ Hán Hoà chế” và biết chữ Hán cổ.

Năm 2010 có 2,32 triệu người tham gia sát hạch “Hán kiểm”, trẻ nhất 3 tuổi, già nhất 101 tuổi.

Tóm lại, một người Nhật bình thường phải nhớ được khoảng 3000 chữ Hán (2136 chữ Hán thường dùng cộng thêm 863 chữ dùng để đặt tên người). Yêu cầu như vậy là rất cao, đòi hỏi học suốt đời.

Tỷ lệ sử dụng trong Nhật ngữ hiện đại: chữ Hán Hoà chế – 33%; chữ Hán – 49%; - chữ ngoại lai – 18%.

Nguyễn Hải Hoành

21/6/2023

[1Tại Trung Quốc, năm 2013 Nhà nước ban hành “Biểu Chữ Hán quy phạm thông dụng”, có 8105 chữ; chia 3 cấp: - Cấp 1 là “Chữ Hán thường dùng” có 3500 chữ; - Cấp 2 gồm 3000 chữ; - Cấp 3 gồm 1605 chữ (chữ dùng trong văn Văn ngôn và họ tên người, địa danh…). Mọi người trong cả nước chỉ được dùng những chữ Hán có trong Biểu trên.

Đối chiếu tiếng Anh: chữ Thông dụng — Common words; chữ Thường dùng — Everyday words.