Nhà văn Nhất Linh (1905-1963)
Nhà văn, nhà báo thành công với bút danh Nhất Linh lại là một chính khách thất bại, cuối cùng phải tự sát ở Sài Gòn.
Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, sinh ngày 25-7-1905 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông nội là Nguyễn Tường Tiếp, làm tri huyện Cẩm Giàng, gọi là Huyện Giám, rồi về hưu tại đây. Cha là Nguyễn Tường Nhu làm Thông Phán, gọi là Thông Nhu, hay Phán Nhu, mất năm 1918 khi mới 37 tuổi, để lại 7 người con:
Nguyễn Tường Thụy, sau là tổng giám đốc bưu điện
Nguyễn Tường Cẩm, kỹ sư canh nông, giám đốc báo Ngày Nay
Nguyễn Tường Tam
Nguyễn Tường Long, tức nhà văn Hoàng Đạo
Nguyễn Thị Thế
Nguyễn Tường Lân (Vinh), tức nhà văn Thạch Lam
Nguyễn Tường Bách, bác sĩ, chính khách lưu vong
Gia đình Nhất Linh sống ở Cẩm Giàng, một huyện nhỏ. Khi cha mất, cả nhà lâm vào cảnh khó khăn. Từ bé đã tiếp xúc với những người nông dân, điều đó ảnh hưởng đến văn học của anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam sau này.
Nhất Linh học tiểu học ở Cẩm Giàng, học trung học tại trường Bưởi, Hà Nội. Năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi có bài Bình Luận Văn Chương về Truyện Kiều trên Nam Phong Tạp Chí.
Cuối 1923, Nhất Linh đậu bằng Cao tiểu nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên phải làm thư ký ở sở tài chính Hà Nội, làm quen với Tú Mỡ và viết cho tờ Nho Phong. 18 tuổi, Nhất Linh lấy vợ là Phạm Thị Nguyên.
1924, ông tiếp tục học ngành Y và Mỹ Thuật, nhưng chỉ một năm rồi bỏ. 1926, Nhất Linh vào Nam, gặp Trần Huy Liệu và Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh nên hai người này bị bắt, Nhất Linh trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường du học.
1927, Nhất Linh sang Pháp du học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản. 1930, ông đậu bằng Cử nhân Lý-Hóa và trở về nước trong năm đó.
Tự Lực Văn Đoàn
Trở về nước, Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Đạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng thiếu tiền chưa ra được báo thì giấp phép quá hạn, bị rút. Từ 1930 đến 1932, ông dạy học tại trường Thăng Long và Gia Long, ở đó ông quen biết với Trần Khánh Giư (Khái Hưng).
1932, cùng một số người khác, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai. Ông chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích lễ giáo phong kiến, hô hào "Âu hóa" và đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhất Linh làm giám đốc kiêm quản lý tờ báo Phong Hóa. Kể từ 22-9-1932, báo Phong Hóa ra tám trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.
1933, Nhất Linh thành lập Tự Lực Văn Đoàn gồm có:
Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam)
Khái Hưng (Trần Khánh Giư), còn gọi là Nhị Linh
Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long)
Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân)
Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ)
Ngoài ra có Nguyễn Tường Mạnh, hiện là Giám đốc Công ty CP XDTLTD Quảng Nam và đang ở tại nhà thờ họ Nguyễn. Về sau thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu - em của Khái Hưng. Còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ với Tự Lực Văn Đoàn như: Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ. Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là báo Phong Hóa.
1936, tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Đạo viết bài châm biếm Tổng đốc Hoàng Trọng Phu. Tờ Ngày Nay, trước ra kèm với Phong Hóa, tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12-1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo. Ngày Nay cũng là tờ báo hậu thuẫn mạnh mẽ cho tân nhạc trong những năm đầu hình thành.
Đường chính trị
Nhất Linh từng là chủ bút những tờ báo lớn như Phong Hóa, Ngày Nay... Ông là người thành lập Tự Lực Văn Đoàn và là cây bút chính của nhóm, để lại nhiều tiểu thuyết có tiếng như Đoạn tuyệt, Bướm trắng, Đời mưa gió. người sáng lập Đại Việt Dân chính đảng, Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân Chính đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt Quốc dân đảng) và từng làm Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp của CT Hồ Chí Minh.Nhật thua, Nguyễn Tường Tam hoạt động chính trị và phải trốn sang TQ vì chống Việt Minh thất bại. 1951, về nước mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn, tuyên bố bỏ chính trị. 1953, lên sống tại Đà Lạt. Tuy nhiên trong Quốc dân đảng vẫn tồn tại phái Nguyễn Tường Tam, cạnh tranh với hai phái khác.
1958, rời Đà Lạt về Sài Gòn, ông mở giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản. 1960, ông lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng rồi bị gọi ra toà án ngày 8-7-1963. Đêm 7-7 tại nhà riêng, Nguyễn Tường Tam uống thuốc độc tự tử.
Tiểu thuyết
Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng, 1934)
Đời mưa gió (cùng Khái Hưng, 1934)
Nắng thu (1934)
Đoạn tuyệt (1934-1935)
Lạnh lùng (1935-1936)
Đôi bạn (1936-1937)
Bướm trắng (1938-1939)
Xóm cầu mới (1949-1957). Trường thiên, viết dở dang.
Giòng sông Thanh Thủy (1960-1961). Trường thiên, tác phẩm cuối cùng, gồm ba tập:
Ba người bộ hành
Chi bộ hai người
Vọng quốc
Tập truyện
Nho phong (1924)
Người quay tơ (1926)
Anh phải sống (cùng Khái Hưng, 1932 - 1933)
Đi Tây (1935)
Hai buổi chiều vàng (1934-1937)
Thế rồi một buổi chiều (1934-1937)
Thương chồng (1961)
Tiểu luận
Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961)