Bản tin 19-1-2024

computer

FPT công bố kết quả kinh doanh 2023

Ngày 19/1, Tập đoàn FPT đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông.

Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước.

Khối Công nghệ (bao gồm Dịch vụ Công nghệ thông tin trong nước và Dịch vụ Công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 31.449 tỷ đồng và 4.161 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,1% và 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023 mang ý nghĩa lịch sử với FPT khi doanh thu từ Dịch vụ Công nghệ thông tin tại nước ngoài chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng 28,4%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.782 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, vẫn giữ được đà tăng trưởng cao 43,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho Chuyển đổi Số.

Viettel Post khai trương Tổ hợp chia chọn thông minh đầu tiên của VN

Đây là tổ hợp chia chọn có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam với việc sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).

Đây là lần đầu tiên một công ty logistic ở Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV. Hệ thống này được sử dụng nhằm thay thế con người trong việc chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Hàng trăm robot được sử dụng ngày đêm tại Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đặt tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Đây là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistic lớn trên thế giới sử dụng.

Nhờ được tự động hóa ở mức cao, tỉ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự.

Quản lý giám sát vận hành khu tổ hợp là hệ thống NOC theo dõi hành trình của từng đơn hàng thời gian thực. Hệ thống giám sát thông minh gồm công nghệ Digital Twin, camera AI, kiểm soát trạng thái của toàn bộ hệ thống thiết bị và hoạt động khai thác hàng hóa, phát hiện và cảnh báo về các hành vi bất thường, giúp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Hệ sinh thái logistics bao gồm phần mềm quản lý kho vận, hệ thống app/web, chuỗi giải pháp công nghệ chuyển phát giám sát trọng lượng, giám sát băng tải, khóa thông minh… đều được phát triển bởi đội ngũ 100% kĩ sư, chuyên gia người Việt, hoàn thiện trong hơn 6 tháng. Trong khi đó, với các hệ thống có quy mô tương tự, các doanh nghiệp lớn trên thế giới mất khoảng 2 năm triển khai để có thể đưa vào sử dụng thực tế.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, sự kiện khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistic thông minh. Thời gian tới, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng logistic quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistic của khu vực và thế giới, tham gia thực hiện mục tiêu đến năm 2025, ngành logistic sẽ đóng góp 5-6% vào GDP.

Việt Nam vào Top Ten thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử

Chia sẻ thông tin tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí cuối năm, tổ chức chiều 18-1 ở Hà Nội, đại diện Bộ Công thương cho biết, hoạt động thương mại trong nước năm 2023 đã khai thác rất hiệu quả sức mua của thị trường, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả tương đối ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường…

Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống là chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... thì năm 2023, TMĐT ở nước ta đã phát triển thành kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng TMĐT. Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%, được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Sơ kết Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Ngày 18-1-2024, Bộ GD-ĐT sơ kết Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đến nay đã có 92.629 máy tính bảng (ctừ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông)c được phân bổ cho học sinh của 24 tỉnh, thành.

Năm học 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg. Để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, các địa phương đã triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn vì thiếu trang thiết bị cần thiết như máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet…

Trong bối cảnh đó, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ra đời. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận máy tính, tiền và phân bổ cho các địa phương trao cho học sinh. Theo đó, 92.629 máy tính bảng đã được phân bổ cho học sinh của 24 tỉnh, thành.

Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận và phân bổ tiền cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh, với số tiền 513 tỷ đồng; huy động trong ngành giáo dục được 156,92 tỷ đồng (62.768 máy); 35.639 máy tính và máy tính bảng; 33.209 điện thoại thông minh và 101.733 thiết bị khác từ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục. Bên cạnh đó, TPHCM tài trợ 72.000 máy cho học sinh của thành phố. Một số nguồn khác cũng đang được tiếp tục huy động theo như cam kết của các nhà tài trợ.

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa nhân văn của chương trình trong giai đoạn II, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ TT-TT báo cáo Thủ tướng để hoàn thành triển khai thực hiện giai đoạn I, tiếp tục phân bổ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam đúng kế hoạch của Chương trình “sóng và máy tính cho em” (theo quyết định về việc phân bổ máy tính bảng thuộc chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 cho các tỉnh, thành).

CTV 19/1/2024