NGHĨA TRANG DANH NHÂN NOVODEVICHY

Nga

Nếu có dịp ghé thăm nước Nga, ngoài những danh lam thắng cảnh đã được biết đên qua sách vở, qua quảng cáo bởi các công ty du lịch như: điện Klemly, Quảng trường đỏ, Cung điện mùa Hè, Cung điện mùa Đông, Viện bảo tàng nghệ thuật Ermitage, Nhà thờ Chánh tòa Vasily Blazhenny, St, Peterbua… thì còn một điểm nữa cũng không nên bỏ qua đó là Nghĩa trang danh nhân Novodevichy,

Nhiều người nói: đã đi du lịch thì phải đến những điểm đáng đến là danh lam thắng cảnh để chụp ảnh, check in tung lên Facbook thì mới oách, ai lại vào nghĩa trang đầy âm khí mà làm gì? Xin thưa bạn đã nhầm.


Nghía trang danh nhân Novodevichy là nơi yên nghỉ cuối cùng của rất nhiều nhân vật tên tuổi của Nga từ lãnh tụ chính trị, nhà thơ , nhà văn, nhà soạn nhạc, khoa học gia, kịch nghệ, tài tử điện ảnh , v.v... những con người mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống xã hội của nước Nga và nhân loại suốt mấy thế kỷ qua.

Ngay tại cổng, danh sách những người yên nghỉ được xếp theo thứ tự ABC...năm sinh, cũng như năm mất. Nghĩa trang không u uất, nặng nề bởi khói hương và những nấm mộ lô nhô. Tất cả đều là những bia mộ, trên mộ chí là các pho tượng bán thân hoặc tỷ lệ 1/1. Có cảm nhận đây là sự yên nghỉ, phút tĩnh lặng sau những tháng năm làm việc căng thẳng của kiếp làm người với bộn bề công việc, để rồi sau đó, tất cả về đây, ẩn mình trên khối đá hoa cương, dưới diện mạo vĩnh cửu, sau khi hóa thân vào sắc vàng của cây, trong tiếng gió rì rào, của hàng bạch dương, hàng phong, những cây dẻ, cây sồi... Có thể nói rằng, đây là công viên nghĩa trang với những tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó. Hầu hết các mộ chí đều là những kiệt tác về nghệ thuật, mà dưới lòng đất, kẻ yên nghỉ sẽ thỏa nguyện vì người đời biết đến mình qua dấu ấn cá nhân, qua công việc cụ thể mà các điêu khắc gia, phối hợp cùng các kiến trúc sư đã dựng lên chân dung chân dung người nằm xuống bằng những khối đá quý, đủ sắc màu qua cảm xúc và tri ân, long biết ơn với người đã khuất...

Ai đã từng đi du lịch theo tour thì đều biết rằng chương trình đã lên sãn, thời gian đến tham quan từng điểm rất sát sao, tóm lại là bị lùa như “lùa vịt” vậy. May mắn cho mình là được hướng dẫn viên thông cảm, tạo điều kiện thả cho mình ghé thăm nghĩa trang danh nhân Novodevichy vài giờ đồng hồ trong thời gian đưa đoàn thăm quan nơi khác rồi quay lại đón mình sau.

Bước vào nghĩa trang ngay phía bên phải cổng dọc theo con đường đầy lá và hoa, được cắt tỉa gọn gàng, tỷ mỉ như công viên, đập vào mắt là chân dung Yury Nikulin một danh hài, diễn viên nổi tiếng của Liên Xô cũ những năm 60’, 70’ của thế kỷ trước đang ngồi ưu tư bên cạnh chú chó nhỏ. Nghệ sĩ, trước khi mất đi, đã có ước nguyện mang theo chú chó yêu quý bên mình, vì vậy, nghệ nhân đã tạc tượng chú chó yêu thương bên cạnh ông. Bức tượng tỷ lệ:1/1 đã lột tả được công việc của người mất và đem lại cảm xúc mãnh liệt đối với người viếng thăm.

Và kia là khối tượng có màu màu đá đen - trắng tương phản đó chính là mộ của Khorutsop người kế nhiệm Stalin làm tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô cũng là người đã hạ bệ và xóa bỏ tệ sùng bái cá nhân đối với nhà độc tài Stalin, bởi vậy mà khi ông đương nhiệm thì ở Việt Nam gọi ông là “xét lại” kéo theo biết bao hệ lụy đối với giới quân sự, trí thức bất đồng chính kiến với cái gọi là “xét lại” lúc bấy giờ.

Bên trong hàng rào hoa văn bằng sắt rất đẹp là khối hình tháp nhọn, nơi an nghỉ của Nhà văn Anton Chekhov tác giả của những vở kịch bất hủ "Hải âu", tiểu thuyết "Người trong bao"... nghe nói ông là cư dân nổi tiếng đầu tiên tại đây. Tuy chỉ sống 44 năm trên cõi đời nhưng những tác phẩm của ông lại là bất tử.

Thật bất ngờ và xúc động khi đứng trước phần mộ của tác giả “Thép đã tôi thế đấy”. Cuộc đời nhà văn Nikolai Ostrovsky là biểu tượng của niềm tin và nghị lực vượt lên số phận. Đó là bức phù điêu tạc gương mặt và hình dáng ông. Nhà văn, với ánh mắt sáng, gương mặt kiên định, ngồi nghiêng trên giường bệnh, bên cạnh là cây bút, cuốn sách và chiếc mũ Hồng quân... Không chỉ bao thế hệ thanh niên Liên Xô mà ngay nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã gối đầu giường tác phẩm này của ông với câu nói nổi tiếng: ““Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình...”

Ô kìa, một bức tượng trông gần gũi mà thấy lại quen quen. Thì ra đây là ngôi mộ của diễn viên Nga lừng danh đã gắn bó với rất nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, qua những bộ phim để đời. Đấy là mộ của Vyacheslav Tikhonov người đóng vai sĩ quan tình báo Stierlitz hoạt động trong lòng phát xít Đức trong series phim "17 khoảnh khắc mùa xuân". Đó là một bức tượng đồng được dựng lên trên mộ, tỷ lệ 1/1, với một cái nhìn điềm đạm nhưng trìu mến. Đấy là Tikhonov vẫn đầy chất đàn ông và lãng tử, Tikhonov của những vai diễn kinh điển, Tikhonov của "17 khoảng khắc mùa xuân" đã đi vào lịch sử như là một trong những loạt phim truyền hình hay nhất của Liên Xô được chiếu trên truyền hình Việt Nam vào những năm 70 của thế kỷ trước.

Đập vào mắt mình là một ngôi mộ được thiết kế trong mô hình quốc kỳ Nga đang tung bay bằng đá ba màu xanh, đỏ, trắng, lại gần thì ra đó là một ngôi mộ rất đặc biệt: nơi an nghỉ của Boris Eltsin, Tổng thống đầu tiên của nước Nga, người mà có việc làm đầu tiên trên cương vị Tổng thống là giải tán và cấm chỉ mọi hoạt động của đảng cộng sản, người có công tìm ra cho nước Nga một Putin để chèo lái đất nước được như ngày hôm nay. Một con người vĩ đại đã đưa nước Nga chuyển hướng trượt ra khỏi quỹ đạo XHCN để vươn lên khi mất đi cũng về nơi đây yên nghỉ với một mảnh đất khiêm tốn, chợt chạnh lòng nghĩ đến các chính khách Việt ta khi qua đời chiếm dụng hàng mấy hecta cho phần mộ của mình mà thấy buồn thay.

Thời gian có hạn không thể lưu lại nơi đây để thăm hết được rất nhiều những chính trị gia khác, như nhà ngoại giao Kollontay và Gromyko, những nhà văn lớn như Gogol, các nhà soạn nhạc vĩ đại như Prokofiev hay Shostakovich, các nhà thơ Xô viết như Mayakovsky, hay đạo diễn Eisenstein, nữ anh hùng thời chống phát xít Đức Zoya... cũng nằm ở đây. (Nghe nói họa sĩ Issac Levitan cũng được an nghỉ tại đây mà thời gian ít quá tìm mãi không ra).

Có khi nào đó, ở thế giới bên kia, trong một đêm vắng lặng của nghĩa trang Novodevichy, bỗng vang lên tiếng hát của giọng opera bất hủ Shalyapin, tiếng đọc thơ của Mayakovsky, tiếng kéo cello của Rostropovich, và rồi cùng lúc, vang lên tiếng tranh luận giữa Khorutxop và Eltsin về nguyên nhân Liên Xô sụp đổ để kéo nước Nga bước vào một khúc quanh định mệnh của lịch sử, mà ở đó, Eltsin là người lèo lái con tàu?....

Chỉ có một điều chắc chắn rằng sau khi viếng thăm nghĩa trang danh nhân Novodevichy mình đã được các tiền nhân của nước Nga truyền cho chút linh khí để vững bước trên chặng đường còn lại của cuộc đời, và mình luôn tin rằng nơi đây không phải là cõi chết, mà nó là chốn du ngoạn cuối cùng nhưng bất tử của kiếp làm người.

(Chợt nghĩ ở Việt Nam cũng có một nghĩa trang danh nhân ở Mai Dịch, chả biết đến bao giờ thì được dịch.)

Tạ Trí 31/1/2024