Trang nhà > Công nghệ > Chuyển đổi số > Bản tin 1-3-2024
Bản tin 1-3-2024
Thứ Sáu 1, Tháng Ba 2024, bởi
2 tháng nhập khẩu hơn 11 tỷ USD cho máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
Tính chung từ đầu năm đến 15/2/2024, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nói trên đã đạt hơn 11,34 tỷ USD, tăng 14,83% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 1,5 tỷ USD).
Đây là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất và cũng là nhóm hàng đầu tiên đạt quy mô kim ngạch chục tỷ USD (tính cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu). Tính từ đầu năm đến 15/2, xuất khẩu nhóm hàng này đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD. Như vậy là nhập siêu hơn 4 tỷ USD chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm nay.
Theo thống kê sơ bộ do Tổng cục Hải quan vừa công bố, chỉ riêng nửa đầu tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu gần 2,8 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm hơn 28,1% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ các thị trường ở châu Á. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2,62 tỷ USD (cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường hết tháng 1/2024), tăng 16,6% (tương ứng tăng 372 triệu USD) so với cùng kỳ 2023. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng này.
Tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc đạt 2,23 tỷ USD, giảm 18,5% (tương ứng giảm 507 triệu USD); Đài Loan (Trung Quốc) đạt 1,16 tỷ USD, tăng 47,8% (tương ứng tăng 376 triệu USD); Nhật Bản đạt 857 triệu USD, tăng 24,9% (tương ứng tăng 171 triệu USD)…
Khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Nội vụ) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); đồng thời, tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số cơ quan, địa phương để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 61 điều, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 giảm 01 chương và 07 điều. Trong đó, ghép Chương III và Chương IV thành Chương III (mới); bỏ 12 điều, bổ sung 08 điều, tách, nhập 11 điều thành 08 điều mới và sửa đổi các điều còn lại. Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.
Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật).
Về lưu trữ tài liệu điện tử, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về bảo đảm an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ điện tử hoặc đối với tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, chuyển đổi số trong công tác lưu trữ là xu hướng tất yếu đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện, trong đó có Việt Nam. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy, chỉ một số ít tài liệu được lưu trữ điện tử), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.
Đồng thời, chỉnh lý quy định về lưu trữ tài liệu số để bảo đảm lưu trữ an toàn như thể hiện tại Điều 33 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Điều 21 của dự thảo Luật đã quy định lập tài liệu lưu trữ dự phòng đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng nặng. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định chuyển tài liệu số sang tài liệu giấy để lưu trữ.
Về lưu trữ tư, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu. Cụ thể: quy định tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng quyết định việc áp dụng quy định của Luật Lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ tư (khoản 4 Điều 3); chỉnh lý quy định về chính sách của Nhà nước đối với lưu trữ tư, trong đó bổ sung một số chính sách để phát triển hoạt động lưu trữ tư như thể hiện tại Điều 45 của dự thảo Luật.
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện kinh doanh trong Luật. Ý kiến khác đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, hoạt động dịch vụ lưu trữ (bao gồm: Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu; tư vấn nghiệp vụ lưu trữ) là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ, nhất là tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ.
Mặc dù Luật Đầu tư hiện hành không quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ như thể hiện tại Điều 50 và Điều 51 của dự thảo Luật.
Quan tâm đến nhóm chính sách về chuyển đổi số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị bổ sung vào Điều 5 của dự thảo luật cụm từ “khuyến khích chuyển đổi số”, bởi nếu chỉ quy định về lưu lưu trữ Việt Nam hiện đại chưa đủ. Đồng thời, cần bổ sung quy định về số hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu vào trong Điều 10. Ngoài ra, cần có quy định về việc kết nối, chia sẻ tư liệu quý giữa các cơ quan để phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ; rà sát các cụm từ về xác thực số tại Điều 30; các hệ thống thông tin của kho lưu trữ số và hệ thống thông tin lưu trữ của các tài liệu và tín hiệu số tại Điều 32… để đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa luật sửa đổi với các công ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…
Về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phân cấp phân quyền là chủ trương đúng đắn, nhưng cần đảm bảo tính tập trung thống nhất trong hoạt động lưu trữ. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các lưu trữ Đảng, lưu trữ lịch sử của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao từ trung ương đến địa phương.
Cần có các quy định về việc các cơ quan này định kỳ báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ, kịp thời chia sẻ kết nối thông tin, dữ liệu về cho cơ quản lý nhà nước, để làm gia tăng giá trị tài liệu lưu trữ cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống lưu trữ quốc gia.
Về nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc lưu trữ điện tử có đặc thù riêng, tuy nhiên đó cũng là một phần trong hoạt động lưu trữ nói chung, do vậy, trước hết cần có quy định rằng nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử phải được thực hiện theo quy định chung về nghiệp vụ lưu trữ, để đảm bảo các nguyên tắc chuyên môn cơ bản trong lĩnh vực này.
Cảnh báo đường dây lừa đảo giả danh Công an, Viện kiểm sát gọi điện
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về đường dây giả danh Công an, Viện kiểm sát gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.
Trước đó, ngày 6/2/2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 32 đối tượng trong đường dây giả danh Công an, Viện kiểm sát gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.
Các thành viên trong đường dây lừa đảo hoạt động qua công ty của nước ngoài, được tổ chức thành 3 tuyến D1, D2 và D3.
Trong đó, D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa SIM, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.
Khi nạn nhân tin tưởng, cuộc gọi của nạn nhân được chuyển cho nhóm D2 tự xưng là Điều tra viên thuộc Bộ Công an hoặc Kiểm sát viên của Viện kiểm sát. Nhóm D2 thông báo với nạn nhân giấy tờ tùy thân của họ đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội và yêu cầu phối hợp điều tra, đồng thời đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản. Sau khi biết nạn nhân dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản để "cơ quan chức năng" xác minh.
Sau khi nạn nhân cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…, những thông tin này sẽ chuyển cho D3 (đối tượng cầm đầu đường dây), yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP; rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào ngân hàng của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.
Trước đó, vào ngày 17/1/2024, bà T. (SN 1965), trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.
Sau đó, bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong Video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Bà T. đã chuyển 1,4 tỉ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Để phòng tránh “sập bẫy” lừa đảo, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi lạ có dấu hiệu đáng ngờ; không làm theo yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng; đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng...
NCCong 1/3/2024