Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > Bản tin tháng 5-2024

Bản tin tháng 5-2024

Chủ Nhật 26, Tháng Năm 2024, bởi Cong_Chi_Nguyen

Ngăn chặn lừa đảo trên mạng, tạo dựng niềm tin số cho người dùng

Tại hội thảo về “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức mới đây, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi với thủ đoạn tinh vi; lợi dụng công nghệ mới, nhất là AI, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Thống kê riêng năm 2023, thiệt hại trên thế giới lên đến 1.026 tỷ USD, tương đương với 1,05% GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin, năm qua Cổng đã ghi nhận 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022; tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Qua đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Công an chỉ rõ hoạt động của đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu đa số là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn nước láng giềng và thực hiện các hành vi phạm tội. Các phương thức, thủ đoạn của chúng rất tinh vi, sử dụng công nghệ Deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng để gọi điện, kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán...

Thông tin thêm về tình trạng này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết trong năm 2023, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc lừa đảo, với tổng số tiền thiệt hại lên tới gần 2.500 tỷ đồng.

Chỉ ra 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay giống như những ma trận, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng quốc gia Việt Nam, cho rằng hiện nay người dùng lên không gian mạng đang phải đối mặt với các hình thức lừa đảo giăng bẫy khắp nơi. Không những thế, các đối tượng lừa đảo còn kết hợp nhiều hình thức khác nhau, sinh ra các tổ hợp biến thể, tạo ra số lượng hình thức lừa đảo rất lớn.

88% lao động tri thức Việt Nam sử dụng AI trong công việc

Microsoft vừa công bố báo cáo "Đưa AI vào công việc" tại Việt Nam, cho thấy trí tuệ nhân tạo, nhất là AI tạo sinh (Generative AI) đang được nhiều người lao động cũng như lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm sử dụng.

Khảo sát trên được thực hiện từ 31.000 người lao động ở 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy tỷ lệ sử dụng Generative AI tại nơi làm việc tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua. Những công cụ phổ biến được người lao động sử dụng là ChatGPT, Copilot, GitHub Copilot.

Trung bình cứ 4 người được khảo sát có 3 người đang sử dụng AI, tương đương 75%. Riêng Việt Nam, số liệu của Microsoft cho thấy 88% số người được khảo sát nói có sử dụng AI tại nơi làm việc, cao hơn mức của thế giới. Trong số này, hầu hết người dùng Việt cho biết AI là cách để họ bắt đầu và kết thúc ngày làm việc.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu rõ: "Nhiều nhân viên nói họ đang vật lộn để theo kịp tốc độ và khối lượng công việc. Do đó, AI là công cụ hiệu quả giúp họ tiết kiệm thời gian, tăng cường khả năng sáng tạo và cho phép họ tập trung vào các nhiệm vụ chính".

Microsoft cũng nhận thấy xu hướng người lao động tại Việt Nam đang tự trang bị cho mình các công cụ AI để sử dụng, thay vì chờ đợi việc triển khai từ công ty, tổ chức. Số liệu cho thấy khoảng 70% người dùng ở mọi thế hệ đang sử dụng các công cụ AI cá nhân cho công việc.

Trong khi đó, với cấp quản lý, 89% lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam tin công ty của họ cần áp dụng AI để duy trì tính cạnh tranh, nhưng gần một nửa lo ngại về việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn triển khai cụ thể.

Theo Microsoft, việc các nhân viên chủ động dùng AI mà thiếu chiến lược chung có thể dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI trên phạm vi rộng, đồng thời làm tăng nguy cơ mất an toàn thông tin dữ liệu của công ty.

Đánh giá việc người lao động Việt sử dụng AI nhiều hơn mức trung bình thế giới, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng AI hiện không chỉ được dùng cho các công việc đơn giản như dịch tài liệu, tóm tắt, hay soạn thảo email, mà ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Tuy nhiên, việc khuyến khích sử dụng AI từ các cấp lãnh đạo lại thấp và thực tế này đang ngược với thế giới.

9/10 nhà trường ở Việt Nam được kết nối internet

Chiều 24-5, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện công bố báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu 2023 cho khu vực Đông Nam Á do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức. Báo cáo có chủ đề "Công nghệ trong giáo dục: công cụ cho những đối tượng nào?". Ấn phẩm khu vực thuộc báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO).

Theo báo cáo, công nghệ đang thay đổi cách thức tổ chức giáo dục ở Đông Nam Á. Ở cấp độ khu vực, Đông Nam Á đã đặt ưu tiên cao cho công cuộc cải cách công nghệ vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện có khoảng 400 triệu người dùng internet trong khu vực. Với gần 3 triệu lượt người đăng ký, Indonesia, Philippines và Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng số người học mới cao nhất ở Coursera, một nền tảng học trực tuyến mở quy mô lớn.

Hiện tại, xét trung bình, 9/10 nhà trường ở Việt Nam được kết nối internet, và các mục tiêu cấp quốc gia đã được đặt ra là đạt 100% kết nối trong nhà trường đến năm 2025. Trong đại dịch Covid-19, khả năng học sinh từ các hộ nghèo nhất được học từ xa ít hơn 34% so với học sinh từ các hộ giàu nhất; giữa thành thị và nông thôn cũng còn khoảng cách lớn trong vấn đề này.

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker nhận định, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc tích hợp công nghệ trong giáo dục, làm sáng tỏ những lợi ích mà công nghệ mang lại, cũng như những thách thức, hạn chế của nó. Mặc dù công nghệ đã được chứng minh là hữu ích để đảm bảo tính liên tục của giáo dục ngay cả trong thời kỳ đại dịch, nhưng các câu hỏi về mức độ và cách thức công nghệ tác động đến việc học cũng đáng được nghiên cứu và tìm hiểu thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam, Bộ GD-ĐT trong quá trình hoạch định chính sách luôn coi công nghệ là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển giáo dục. Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", phê duyệt Đề án "tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT”.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình 20% trong 10 năm qua

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tại hội nghị thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Amazon 2024 chủ đề “Tinh hoa hàng Việt Cất cánh toàn cầu”, diễn ra ngày 24/5.

Đánh giá cao hoạt động xuất khẩu thông qua TMĐT, bà Nguyễn Thị Minh Huyền thông tin, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang là xu hướng tất yếu giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị trưởng xuất khẩu và tăng trưởng doanh số.

Đáng chú ý, TMĐT Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% trong 10 năm qua. Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Với vai trò là sàn TMĐT, ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam ghi nhận, 5 năm qua số lượng doanh nghiệp Việt bán hàng trên sàn tăng 300%, số lượng doanh nghiệp bán hàng đạt doanh thu 1 triệu USD/năm tăng gấp 10 lần.

Trong 5 năm qua, các sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong top các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon.

Bắt nhóm sản xuất, phát tán mã độc đến hàng nghìn người để chiếm đoạt tài sản

Ngày 24/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” do Lê Nguyễn H.N. (28 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng đồng bọn thực hiện.

Thông tin ban đầu, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (gọi tắt là Phòng An ninh mạng) Công an TP Đà Nẵng phát hiện một nhóm có hành vi phát tán các tập tin chứa mã độc nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác. Qua đấu tranh, xác định Lê Nguyễn H.N. thuê căn hộ tại Khu đô thị FPT, sau đó mua sắm hàng chục thiết bị máy tính cấu hình cao và tuyển 8 người này làm việc.

Lê Nguyễn H.N. chỉ đạo nhóm này sử dụng các tài khoản mạng xã hội LinkedIn (đã thu thập sẵn) để đăng bài viết quảng cáo sản phẩm, tuyển dụng, kêu gọi đầu tư. Khi có người dùng Linkedin khác bình luận vào bài viết thì nhóm này sẽ nhắn tin theo kịch bản có sẵn, gửi tập tin có chứa các đường dẫn tự động tải mã độc nhằm dẫn dụ người này bấm vào để xem nội dung.

Nếu người dùng mở tập tin thì mã độc sẽ tự động thu thập dữ liệu trong thiết bị điện tử của người dùng như địa chỉ IP, cookie, tài khoản, mật khẩu. Sau đó, nhóm này sử dụng các dữ liệu trên để chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook của nạn nhân rồi sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính.

Theo xác minh ban đầu, từ tháng 5/2023 đến khi bị cơ quan công an phát hiện, Lê Nguyễn H.N. cùng đồng bọn đã phát tán các tập tin đến hàng chục nghìn người dùng mạng xã hội Linkedin và chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook có giá trị cao của cá nhân, doanh nghiệp trong nước và các quốc gia trên thế giới.

Xem tiếp: Bản tin tháng 4-2024