Trần Chiến
Nhà tôi ở đó
Trần ChiếnPhần 1
Năm 1957 tôi về Hàng Buồm, học vỡ lòng chỗ Chợ Gạo, gần nhà tắm công cộng, kho xay xát đầy bụi trấu. Lớp tầng hai ồn nhưng sáng sủa, bàn khoét lỗ để lọ mực, rãnh tròn đặt bút nhoe nhoét mầu tím, ngăn dưới vừa chiếc cặp. Thầy Dũng vạm vỡ mặc bộ ka ki phi viên phấn trúng ngay đứa ngủ chẩy dãi. Tôi được khen biết đọc báo sớm, chắc Nhân dân hay Thời mới, vào lớp một nghe nói thầy đang ở trên rừng vì “xỏ nhầm giầy’. Chị em tôi chả thích chỗ mới chật hẹp, ngột ngạt, nên đi bộ về chỗ cũ ở xóm Hạ Hồi chơi. Con ngõ ấy trổ nhiều “đầu” ra phố khác, tĩnh lặng, toàn biệt thự hai tầng thấp thoáng dưới bóng cây. Đến đoạn từng trải mới biết cảm giác trẻ con của mình rất “khôn”, chuyển từ khu “ở lầu Tây” đến chỗ “ăn cơm Tầu”. Dầu sao thì cũng trở thành “người phố cổ” rồi, cái “danh xưng” nhiều người lấy làm tự hào, với mình thật đến lắm cực đoan nghịch ngược.
- Vịt quay, phố Hàng Buồm. Photo ©NCCong 2016
Ký ức đến đoạn nhù nhòa, mang máng giữ lại những địa chỉ của Hàng Buồm 300 mét. Số 8 nhà Thanh Hóa bán nước mắm, đồng mốt hay đồng rưỡi đều đong duộc tre, đâu gần đình Tử Dương rất khiêm nhường. Số 22 hội quán Quảng Đông thênh thang lợp ngói âm dương, hình như có vòi nước công cộng ngoài hè, hôm nào chảy thành ngày hội. Đình Quan Đế thờ ông tướng Tầu thời Tam quốc, người đi khai hoang những năm sáu mươi về “nhảy dù” chật cứng. Số 19 trước mặt là Hội Hoa liên (Liên hiệp Hoa kiều), gốc si và cơm nguội cuốn nhau giờ vẫn còn, trở thành “cây di sản” của con phố gần như không có cây. Gần nhà bà Phùng tổ phó tổ len là hiệu sách Trung Văn. Tôi hay lê la “xem” truyện tranh Triệu Tử Long ngời ngời qua khung kính, còn vì có quạt trần và nền gạch hoa mát rượi. Nhà Mỹ Kinh nổi tiếng số 74 hôm khai trương treo chục tấm bảng, phân chia thành “sào”, “nướng”, “hấp”. Ngày tôi tốt nghiệp cấp một, bà chị xong cấp hai, cả nhà sang ăn mừng, nhớ nhất món cá bỏ lò. Rồi dãy bảng hạ xuống, quốc doanh ăn uống bán phở là chính, bát chín hai hào rưỡi, tái ba hào. Đề phòng mậu dịch viên quay vòng vé, người mua nhận “xèng” nhôm đục lỗ lồng dây thép, tuần tự theo hàng tiến vào bếp nhận bát phở. Đứng thế rất mỏi, căng thẳng vì tay phải giữ xèng, không thể chạy đi đâu, nhưng luyện được thói kiên nhẫn. Chiến tranh lan về, Mỹ Kinh thêm “phở không người lái”, “bánh bao bất nhân”.
Qua đoạn cắt Hàng Giầy là một trời ẩm thực. Tôi chả biết cao lâu Đông Hưng Viên cụ Tô Hoài kể ở đâu, chỉ nhớ cơm tám giò chả Đại Lợi bên lẻ, thịt quay Vạn Thành số 108 mấy chị em đứng bán da mịn màng như bôi mỡ. Chiều đi học về, gà vịt quay đỏ ối chạy ra vỉa hè, dao thớt côm cốp xong lùa vào lá sen, thêm kiệu muối. Thành ngữ “Rốn ông Tầu Hàng Buồm” hẳn bắt đầu từ đây. Nhân Hòa Đường, Trung Hòa Đường…, mấy hiệu thuốc Bắc dao cầu thuyền tán rộn rã. Giữa quy thục quế tỏa hương, ông lang chậm rãi xem mạch kê đơn, dón dén cân tiểu ly rồi xoành xoạch gẩy bàn tính. Sang những năm tám mươi, đây lại là thủ đô bánh kẹo, rượu ngoại, đồ nguội, cán bộ công tác nước ngoài về thường đem pho mát “Bò cười”, rượu Napoleon, Mao Đài ra đổ. Truyện ngắn “Vĩnh biệt Giôn ny Oan cơ” báo Văn nghệ kể ông hàng nọ thích đánh dấu vào chai rượu đem bán, ngày đẹp trời nhận ra “nó” quay lại với mình, chả hiểu đã được biếu bao lần.
Giữa thế giới ẩm thực ấy lại có một địa chỉ văn hóa, rạp Kim Môn số 88. Đoạn chiếu phim tôi không rành, chỉ hay sau thành Nhà Văn hóa thành phố. Chiến tranh hết, nhu cầu hưởng thụ trở lại, đây là một trong vài địa điểm khiêu vũ mở sớm nhất, thanh lịch chứ không quần bò mũ cối. Số 76 có ngách nhỏ, tổ phục vụ bán nước sôi năm xu phích hai lít rưỡi. Tôi chỉ biết đấy là đình Bạch Mã, không ngờ là một di tích lớn trong Thăng Long tứ trấn, chiếm chỗ trọng trong tâm thức người Hà Nội. Chính điện tối, ông từ khô đét lừ lừ ra vào giữa khói hương. Cậu tôi sinh năm 1926 kể áp Tết đến đây lau dọn đồ thờ “rất sợ”, sáng mồng Một thì cả nhà bên Hàng Đường sang lễ. Vậy có phải cụ ngoại tôi đi làm ăn, đem bài vị từ quê Hải Dương lên thờ trong đình? Những đình đền chùa khác có chỗ “phối thờ” thế không? Khu phố cổ (nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là “cũ”) có vài chỗ thờ Tổ nghề, như nhuộm vải bên Hàng Đào, đồ da ngõ Hàng Hành. Ắt hẳn chúng chứng kiến giai đoạn thị dân chuyển từ bán nông bán thương sang buôn bán thuần túy.
Hàng Buồm đâu 126 số nhà, số 63 của tôi “đúng giữa phố” lồi hẳn ra, vỉa hè đằng trước rộng chỉ 80 phân. Ngoài cùng là ông thợ may, hiệu Đức Hạnh quần áo trẻ con nổi tiếng ở Hàng Trống. Phía trong là tổ đan len, các bà tay nhoay nhoáy miệng kháo rào rào. Cả chạ người nên lắm rệp, vài tháng đổ nước sôi và thuốc DDT vào khe phản, hòm len. Nhà tôi chủ yếu ở gác ngoài, sàn lim cọt kẹt, giếng giời giữ thoáng và câu hàng lên, mái có ngói kính. Nhìn cây xà lim võng oằn xuống rất kinh, chả biết sập lúc nào. Không nước, bắc ống cao su lắp vào vòi nhà ông lang Chính Đại số 65 cho chảy vào phuy, mùa đông tắm rất tốn nghị lực. Cống thấm, bếp và nhà xí chung, đi vệ sinh thành cực hình “tế nhị”. Trong cùng là ông Nghề bốc vác, đám con trai đông đúc luôn ồn ĩ. Chả hiểu sao ngần nấy mét vuông lại nhồi được bao nhiêu hộ, nhân lên những người là người. Sau này có môn “Hà Nội học”, mới biết đấy là nhà ống “đặc trưng phố cổ”. Nhưng vẫn phân vân “buồm” đây là vỉ buồm đậy thúng xôi, rượu nếp hay lá buồm trên con thuyền, như Tây gọi Rue des Voiles.
Hàng Buồm là phố của Hoa kiều và người nghèo, các bà già trông không tinh tế, sang trọng như bên Hàng Trống, Hàng Bạc. Bà Tống lũn cũn hay cười, bàn chân bó bé tẹo. Phố xá xung quanh đọng lại cơ man “di tích”. Tường đầu Hàng Giầy quảng cáo giầy “đơ cu lơ”. Qua phở Vui là chàn xì dầu luôn thum thủm, quán lục tào xá có con ngựa đá, hiệu cắt tóc. Vợ con Hoàng Công Khanh sống vất vả, hàng ngày từ ngõ Nội Miếu sang nhà tôi đan len. Ông nhà thơ này đang ở tù ta, đợt tù Tây là Sơn La những năm bốn mươi, bị lao nên chung cachot với Tô Hiệu.
Lãn Ông có hội quán Phúc Kiến, các ông lang người Hành Thiện, Cầu Bây xem mạch, dân Ninh Hiệp buôn thuốc sống. Ngõ Sầm Công có bàn thờ Sầm Nghi Đống. 50 Đào Duy Từ, chừng trăm năm trước ông ngoại tôi cùng hai ông Nguyễn Quang Oánh, Đỗ Thận lập Sán Nhiên Đài, rạp chèo đầu tiên diễn trên sân khấu hộp của Hà Nội. Dãy trên cùng đắt nhất ngồi ghế mây, rồi ghế gỗ, sau cùng là vé đứng, lổn nhổn con sen thằng ở đi gánh nước tranh thủ thưởng thức. Kim Lan, Kim Phụng, Chuông vàng, Quảng Lạc…, đến lắm rạp mọc lên, các bà đang xem xụp lạy Quan Công râu dài mặt đỏ trên sân khấu. Tạ Hiện có hàng chim quay ngon nổi tiếng tôi chưa được xơi, chỉ nhớ chảo mỡ sôi, người Hoa cho miếng bột nhào vào nở phình thành thanh quẩy. Lại một ông quắt queo đeo hòm gỗ “vẽ” chữ Tây Cacahuete bán rong lạc rang húng lìu.
*
Nhà ống xây gạch từ đầu thế kỷ trước, chắc hẳn gắn với giai đoạn người Pháp bình định xong Bắc Kỳ, toàn quyền Paul Doumer bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa. Thị dân từ quê ra, cắt đuôi “bán nông”, còn lại phần thương nhân, nhưng quần tụ theo gia tộc cho giống làng. Mỗi nhà riêng một không gian với cửa hàng, giếng giời, gác để hàng, gian thờ, chỗ ở của bố mẹ và các con, trong cùng là bếp, hố xí, giếng…, nề nếp theo tinh thần gia trưởng. Sát sạt, đấu lưng vào nhau, cứ thế tạo thành những ô phố, vừa là gạch nối vừa là dấu phân biệt quê – tỉnh.
Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Đất Thánh tơi bời đạn lửa đến mùa xuân năm 1947. Hàng Buồm nhiều người Hoa được hai bên Việt Pháp thỏa thuận là khu phi quân sự. Đất lành nhiều người đến nương náu, cao lâu tiệm hút hiệu thuốc Bắc vẫn mở.
Đấy là nghe kể lại, chứ khu phố tôi lớn lên, còn nhớ thì khổ quá, ai cũng khổ thành quen, chả kêu ca “phản biện” như giờ. Những năm sáu mươi các đợt dân mới đến theo thời cuộc, người khai hoang bỏ về thì chật ních, chen chúc. Là “đặc sản kiến trúc” đấy, lại gắn câu “phố cổ nhà khổ”. Sập sệ, ngột ngạt, chung chạ nhiều chủ, cả số nhà mỗi công tơ điện nên cãi cọ thường xuyên. Dột nát, xà gỗ đỡ mái chôn vào tường vôi ăn mủn nhưng có tiền cũng không thể sửa, vì bên dưới nhà nước quản lý trên gác vẫn của tư nhân. Kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng người gốc Trần Nhật Duật đưa ra phương án “Khoét”. Các ô phố giữ lại mặt tiền, bên trong xây nhà cao ưu tiên dân “bản địa”. Nhưng khoét khó quá nên “đặc sản” còn đến nay.
Bên trong nhà chen chúc, đụng chạm, xửng cồ rồi chửi bới. Cô thiếu nữ xinh xắn sáng ra đứng cửa nhà xí chung nhăn nhó vò giấy. Tinh thần gia trưởng mai một, chị em dâu cạnh khóe nhau vì bát mỡ qua đêm vơi đi. Ngoài đường không còn vỉa hè, tha hồ đi bộ đánh võng. Gốc bàng bên quán nước bên xe bát bảo lường xà, tối đổi ca chí mà phù, dễ chết non vì bếp than tổ ong. Thỉnh thoảng xác chuột vứt ra, không kịp thối vì bánh xe đã chế biến thành “bánh đa”.
Nhiều nỗi thế nhưng phố cổ tấc đất tấc kim cương, mét vuông vỉa hè nuôi cả nhà. Trường học tốt nhờ thầy giỏi, lớp nhồi 60 đứa. Và ăn ngon, nhãn vải đầu mùa cốm đầu nia phục vụ tận mồm, các mợ đầu “thời thị trường” còn thon thả, bán hàng dăm năm đã ra eo bánh mỳ. Những Đồng Xuân Bắc Qua, Hàng Bè, Hàng Da đắt thật nhưng miếng rau miếng thịt đều nõn nà.
Kêu khổ mà ít người dời đi, sống theo triết lý “Ăn nhiều chứ ở thì mấy”. Tặc lưỡi thế chứ thật lắm nỗi khổ không kêu được. Sáng đang ôm vợ đầu giường lộc cộc guốc hàng xóm “đi ngoài”. Bữa tươi phải giấu chú em - nhà nghèo hơn. Nên hục hặc dẹp lại, điều đình thay đổi ngôi nhà ống dù diện tích teo vài mét vuông. Nhu cầu riêng tư đẻ ra con ngõ rộng gần mét ngăn từng hộ, đủ chỗ cho gánh nước, xe đạp qua. Trẻ con lại có “tiện ích” khác. Tối ấy chơi trốn tìm, tôi chạy đại vào ngõ rất kín nhưng đầy muỗi, đôi thanh niên đang chổng mỏ vào nhau. Phía trong lộc cộc, ngọn đèn bão đỏ quạch lừ lừ, ông đổi thùng hắng giọng đi ra. Tôi không chịu nổi mùi thối vùng ra ngoài, chả hiểu sao anh chị ấy trụ lại kiên cường được. Sau ngõ đến “phong trào” gác xép, trổ vào tường mủn, cạnh dây điện ải. Có nhà trên dưới điều đình lấp giếng giời, tăng được diện tích nhưng bên dưới tối cả ngày, ít khí thở. Đáng được gọi “kỷ nguyên mới” là “nền văn minh toa lét”. Sau năm 1975, nhiều người đi miền Nam ra thấy khu phụ đáng được coi là khu chính, bỏ cả cây vàng cải tạo bếp và chỗ vệ sinh. Nhưng phải đến khi Phần Lan giúp mấy nhà máy nước thì xu hướng này mới thành “cao trào”. Với nhiều người có tuổi ở phố cổ, “nước Phần Lan” là một biểu tượng hạnh phúc.
Thời chiến thì tôi không ở nhà, chả rõ hiệu sách Trung văn bên kia đường biến mất lúc nào. Hội quán Quảng Đông thành trường mẫu giáo Tuổi thơ, Hội Văn học nghệ thuật thế chỗ Hội Hoa liên. Năm 1978, Hoa kiều rục rịch ra đi, để lại bí truyền làm quẩy, bẻng, quay thịt cho vài nhà Việt. Tôi mất bạn thân Sơn “trắng”. Nhà bà Phùng tổ phó tổ len ở lại vì dâu rể Việt cả. Nhiều gia đình khó khăn, thương binh liệt sĩ được phân vào chỗ trống. Dường như nạn kiều về cố quốc có số phận kém may mắn hơn số chạy sang nước khác. Không được tin tưởng chăng, là thị dân mà nhiều nhà bị đưa về các nông trường cao su hẻo lánh. Sau này có người Hoa “cũ” quay lại, tần ngần nhìn mái ngói xưa rồi vào hội quán cũ, đền Quan Đế thắp hương.
Chật ninh ních. Mùi, vị, tiếng ồn, bụi bậm…, cái gì cũng đặc sệt quá mức, áp đảo người ta. Nhưng cái khổ khó kêu ca là quan hệ trong nhà ngoài ngõ, cứa vào tâm não từng bữa ăn, giấc ngủ. Là di sản, bảo tồn sự “cổ kính” nên có quy định không được lên cao tầng, ai “đánh lẻ” được nhất thiết phải giữ lại mặt tiền. Nhà ống thú vị với tư cách di sản kiến trúc “Ba sáu phố phường”, chứ là nơi ở thì thiếu nhiều điều kiện quá. Mỗi cá thể muốn mơ ước, phát triển cứ phải “ở bầu thì tròn” thì vẫn là “thị dân non”. Khu phố cổ như chàng trai đang thì, sức sống cơ thể, khát vọng làm ăn hừng hực khiến “áo” chật căng chỉ chực rách. “Rách” thế nào chưa hình dung được.
**
Bánh cuốn Phượng ở Đào Duy Từ, hẹp lòng, sáng ra phải chờ vì đông trẻ đi mẫu giáo. Một dạo không thấy đâu, rồi bất ngờ gặp lại, chỗ mới dưới cây xà cừ tỏa bóng xuống di tích Ô Quan Chưởng. Bà Phượng nối nghề mẹ, đã “kinh qua” bếp than, dầu hỏa rồi ga, giờ cũng có tuổi, pha nước chấm khiến khách muốn húp đến hết. Cái lưỡi nô dịch con người ta đến kinh. Tôi thỉnh thoảng quay lại phố cổ chỉ để ăn món ấy tay nấy nấu. Phở Vui Hàng Giầy, phở Sướng ngõ Trung Yên đã ninh xương nồi điện cả, nhưng các thức vẫn phải cân cẩn thận. Đang ăn ngẩn ra, hình như thiếu hơi than ngột ngạt, thực khách sao có thể vừa và húp vừa hóng điện thoại, phí công phu người nấu.
Rồi thả bộ ra Hàng Buồm, quán nước ông cụt tay bên Hội quán Quảng Đông cũ. Cốc chè ba nghìn không tệ, đủ để chiêm nghiệm chốn xưa của mình. Phố xá sạch, cây vẫn ít nhưng sinh hoạt chậm hơn, mặt người chừng không hằn bộ dạng quần ngư tranh thực bằng trước. Xe du lịch loại vừa loe lóe tránh nhau từ tốn. Tây rất nhiều, bọn “ba lô” từng cặp tay trong tay, vợ chồng già “đánh võng” nhường nhau khoảnh vỉa hè. Hoàn Kiếm đang trở thành khu du lịch sầm uất, khách sạn gần Bờ Hồ phòng nghìn đô một đêm. Nhưng “cổ”, “cũ” của Hà Nội quyến rũ hẳn không phải ở sự tinh tươm sang trọng như bên u Mỹ, mà cứ phải lộn xộn, mất trật tự tý. Bên Lương Ngọc Quyến, đầm non ưa ngồi phệt hút thuốc, tu bia Heineken chai cạnh “dòng” cống không đến nỗi nặng mùi, cho thế mới đúng kiểu. Hội quán, đền Quan Đế thành chỗ trưng bày, tham quan, đền Bạch Mã vẫn nghi ngút khói hương để biển đừng mặc cũn cỡn. Tạ Hiện thành “phố không đêm”, thuê nam thanh nữ tú rành tiếng Anh, Pháp, Ý chạy bàn. Cuối tuần, các ban nhạc thay nhau chơi ở ngã tư Hàng Buồm – Mã Mây. Số 50 Đào Duy Từ kén khách hơn, bỏ khá tiền mới xem được nhóm Xuân Hoạch diễn ca trù.
Đấy là những gì nhìn thấy. Ngắm những ngôi nhà xây mới, vẫn không được cao quá, trong đó có số 63 “của mình”, tôi đoán cơ cấu dân cư đã đổi theo hướng ít chủ đi. Người có tiền mua từng phần rồi một mình sở hữu cả nhà, thậm chí vài nhà. Cũ kỹ nguy hiểm ít hơn, tầng nào cũng đủ tiện nghi, tối thiểu là khu vệ sinh. Sống trong “ngôi nhà kim cương” ấy con người ta được phong lưu hẳn. Thời thế cũng chiếu cố những hộ bình thường trong nhà ống cổ điển, khi người ta sắp xếp được với nhau, để mỗi cá thể có không gian riêng, “méo mó có hơn không”.
Mà thôi, cứ chiêm nghiệm thế này khéo mình còn già hơn phố cổ.
T.C. 2024