Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > Đầu tháng 6-2024

Đầu tháng 6-2024

Thứ Tư 12, Tháng Sáu 2024, bởi CTV

Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện có phải điểm sáng?

Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng này đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (năm 2016 chiếm 10,7%; năm 2017 chiếm 12,2%; năm 2018 chiếm 12,1%; năm 2019 chiếm 13,7%, năm 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 15% và năm 2023 chiếm 16,2%).

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2011-2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt các năm là: năm 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7% và năm 2023 ước tính tăng 3,2%.

Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam vào năm 2023 (đạt 57,3 tỉ đô la Mỹ, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỉ đô la Mỹ).

Công nghiệp điện tử là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nếu một quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ tốt, công nghiệp điện tử có thể xem là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, vì xuất khẩu sản phẩm cuối cùng của nhóm sản phẩm này sẽ lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế thông qua sử dụng đầu vào là các sản phẩm phụ trợ từ các ngành khác trong nước.

Điều này dường như không hoàn toàn đúng với nền kinh tế Việt Nam, khi sản phẩm trong nước làm đầu vào, làm chi phí trung gian cho sản xuất của nhóm ngành công nghiệp này cơ bản là điện, nước, một chút bao bì và các phí dịch vụ khác. Nhóm ngành công nghiệp này cơ bản do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện.

Và dù do các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước thực hiện thì sản xuất các sản phẩm này cơ bản là gia công lắp ráp; hàm lượng giá trị gia tăng và nhất là hàm lượng giá trị gia tăng (cơ bản là thu nhập của người lao động Việt Nam) mà phía Việt Nam nhận được là rất thấp.

Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành, xuất khẩu nhóm sản phẩm này 100 đô la Mỹ thì chỉ lan tỏa đến thu nhập của người lao động Việt Nam khoảng 14 đô la Mỹ, phần cơ bản lan tỏa đến sản xuất của các nước mà phía Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và cả kỹ thuật để làm chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất nhóm sản phẩm này.

Hàm lượng sáng tạo (R&D) của phía Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị của nhóm sảm phẩm này gần như không có gì. Tuy có những người Việt Nam có vị trí rất cao đối với quốc tế về khoa học trong lĩnh vực điện tử, trí tuệ nhân tạo nhưng đều không thể đóng góp được gì mặc dù có thể họ rất muốn.

Nói vậy không có nghĩa là phản đối FDI, có FDI thì số tiền nhận được dù ít cũng còn hơn không có gì (14% x 57,3 tỉ đô la Mỹ = khoảng 8 tỉ đô la Mỹ). Vấn đề là nếu có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp nội sản xuất được các sản phẩm phụ trợ làm đầu vào cho nhóm ngành công nghiệp này mà không phải nhập khẩu thì có thể hàm lượng thu nhập mà phía Việt Nam hưởng lợi thông qua sự lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều. Và như vậy chính sách cần hướng đến để các doanh nghiệp nội phát triển không tụt hậu quá xa so với các doanh nghiệp FDI về công nghệ, về phương thức quản lý, về sự nghiêm túc trong công việc…?

Như hiện nay thì chưa thể xem tăng trưởng và cơ cấu của xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện là điểm sáng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động. (KTSG Online 12/6/2024)

Quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ

Ngày 12/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp "Một số cập nhật về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử". Đây là vấn đề nóng được các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia quốc tế quan tâm chia sẻ quan điểm.

Tại hội thảo, bà Phạm Quế Anh (chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ) phân tích khá cụ thể về cơ hội và thách thức đối với người người tiêu dùng (NTD) khi tham gia thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới.

Trên thực tế, thương mại truyền thống giao dịch chỉ bó hẹp diễn ra trong các cửa hàng, chợ, siêu thị, hoặc tại tư gia của NTD. Nay khi thương mại điện tử bùng phát nhanh, tạo ra cơ hội cho NTD, có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hoá, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng.

Thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn: không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi/nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán... Nguồn thông tin vô tận, cho phép NTD có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. NTD không được kiểm tra chất lượng hàng hóa, bởi vậy họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác.

Thanh toán qua Internet hàng hóa được gửi đến cho NTD, thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD). Do đó, NTD cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hoá.

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Người tiêu dùng (CPRC) cho biết, có tới 83% người Úc đã từng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi một trang web hay ứng dụng điện thoại lợi dụng thiết kế giao diện gây ảnh hưởng tiêu cực đế quyền lợi NTD.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đề cập và đánh giá cao đến các điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 (thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010).

Để hài hòa với các cam kết quốc tế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ, ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng ban, Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đề cập đến những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Đáng chú ý, Luật mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm. Quy định 7 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, được ưu tiên bảo vệ.

Ở góc độ kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ NTD, bà Sita Zimpel - Giám đốc Dự án ASEAN SME, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ cho hay, năm 2023, ASEAN cũng ra mắt Bộ hướng dẫn Bảo vệ NTN trong thương mại điện tử.

“Các nỗ lực trên là rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về bảo vệ NTD, hướng tới hài hòa hóa các quy định pháp luật giữa các quốc gia trong khu vực và qua đó thúc đẩy thương mại bền vững” - bà Sita Zimpel nhấn mạnh. (Thời báo Tài chính Việt Nam 12/6/2024)

Hà Nội tiên phong xử phạt xe khách trá hình qua dữ liệu GPS

Với quyết tâm đẩy lùi, tiến tới triệt xóa vấn nạn xe hợp đồng lách luật, đưa đón khách như xe tuyến cố định vào nội thành, gây mất trật tự, an toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội là đơn vị đầu tiên giám sát, thu thập thông tin, xử phạt xe khách trá hình qua dữ liệu GPS do Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp.

Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính 209 trường hợp; xử phạt gần 12 tỷ đồng, tước 64 giấy phép lái xe, 141 phù hiệu kinh doanh vận tải. Trong đó, thông qua dữ liệu GPS đã xử phạt 118 trường hợp bao gồm cả xe khách liên tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch.

“Đặc biệt, chúng tôi đã tiến hành theo dõi, phát hiện 24 xe hợp đồng hoạt động có hành trình, thời gian cố định đưa đón khách như xe tuyến cố định”, ông Cao Văn Hiệp thông tin.

Ông Cao Đình Kim Anh, Đội trưởng Đội Thanh tra cơ động cho biết, việc sử dụng thẻ GPS để đăng nhập vào Hệ thống giám sát hành trình là cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian làm việc trong ngày của tài xế. Điều này liên quan trực tiếp đến sức khỏe, điều kiện làm việc của người lái xe, qua đó, ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện an toàn khi người lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Dựa trên dữ liệu GPS do Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã theo dõi, thiết lập hồ, kiên quyết xử phạt vi phạm của xe khách trá hình. Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyến cho hay: “Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng bước đầu công tác xử lý đã cho hiệu quả tích cực. Lãnh đạo sở đã quán triệt các phòng ban, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xử lý vi phạm qua dữ liệu GPS, tổng hợp những khó khăn, báo cáo để Sở Giao thông vận tải đề xuất lên TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, điều chỉnh”.

Ngoài xe khách trá hình, xe taxi đăng ký ngoại tỉnh về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội cũng nằm trong tầm ngắm của Thanh tra Giao thông vận tải. Thông qua dữ liệu GPS, lộ trình, hoạt động của các xe này sẽ được giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó đối với các vi phạm được xác định qua dữ liệu GPS khác như: Chạy quá tốc độ, lái xe quá thời gian quy định, không truyền tín hiệu GPS… Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng xử phạt rất mạnh.

Theo lực lượng chức năng, việc xử lý vi phạm của xe khách trá hình qua dữ liệu GPS vẫn còn rất gian nan. Ví dụ như quy định: “Một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu cuối trùng lặp” nhưng điểm đầu cuối lại được xác định cụ thể trên một tuyến đường phố, hay một ngõ hẻm, nhiều đoàn xe khách trá hình luân phiên nhau thay đổi vị trí đón trả khách trong cùng một khu vực, chỉ cần không trùng lặp điểm đầu cuối là sẽ lách được quy định.

Do đó, để quản lý chặt chẽ hơn cần phải quy định điểm đầu cuối của lộ trình xe hợp đồng theo tỉnh, thành phố, hoặc tối thiểu là khu vực quận, huyện mới có căn cứ vững chắc hơn xử lý vi phạm.

Ngoài ra, một trong những bất cập hiện nay là việc theo dõi dữ liệu GPS do Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp khá khó khăn do hệ thống chạy rất chậm. Với số lượng hàng chục nghìn xe hợp đồng, để thu thập và thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm quy định về lộ trình mất rất nhiều thời gian.

Mặt khác, với lỗi vi phạm không truyền dữ liệu GPS, doanh nghiệp và lái xe thường viện dẫn rất nhiều lý do để phản ứng, gây cản trở công tác xử lý vi phạm như báo hỏng liên tục, hoặc mượn cớ xe không vận hành, GPS không hoạt động. Thiếu dữ liệu GPS khiến việc theo dõi, thống kê lộ trình, thời gian hoạt động của xe hợp đồng không đầy đủ, dẫn đến thiếu căn cứ xử phạt.

Đối với hình thức giám sát, xử phạt qua dữ liệu GPS, trước mắt Sở Giao thông vận tải Hà Nội vẫn sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên về lâu dài Bộ Giao thông vận tải cần có những cải thiện về hệ thống kỹ thuật để thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác hơn nữa. Bên cạnh đó cần điều chỉnh những quy định còn bất cập, lấp mọi lỗ hổng trong luật mà xe khách trá hình có thể lợi dụng, ví như quy định về điểm đầu cuối.

Hà Nội với vai trò tiên phong, đã áp dụng xử phạt xe khách trá hình qua dữ liệu GPS; các tỉnh, thành phố có dòng xe đối lưu cũng cần tích cực vào cuộc. Thực tế, còn khó khăn nhưng hình thức giám sát, xử phạt này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, cần đẩy mạnh trên toàn quốc. (Tuổi trẻ Thủ đô 11/6/2024)

Sinh viên gen Z cần có ’sức đề kháng’ khi tham gia mạng xã hội

Chiều 11-6, Báo Pháp Luật TP.HCM và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp tổ chức talkshow “Sinh viên Gen Z tự tin hòa mình vào mạng xã hội”.
Tham dự talkshow có PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM.

Đồng thời, chia sẻ trực tiếp về các vấn đề mạng xã hội tại talkshow còn có hai nhà báo của Báo Pháp Luật TP.HCM là nhà báo Đỗ Văn Thiện (Trưởng ban Media) và nhà báo Nguyễn Thanh Tùng (Trưởng ban Kinh tế - Đô thị).
sinh viên Nguyễn Anh Quân hỏi: "Trong các bài viết trên fanpage có những bình luận tiêu cực về thầy cô thì có xử lý được không?".

Trả lời câu hỏi này, nhà báo Thanh Tùng cho rằng trong hội nhóm sinh viên, việc nói xấu giảng viên là không tránh khỏi, việc có xử lý được hay không tùy theo mức độ của những bình luận đó. Nếu thực sự việc nói xấu làm ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, bản thân giảng viên thì giảng viên đó cần thu thập lại chứng cứ như chụp màn hình các bình luận... và liên hệ cơ quan thanh tra truyền thông để yêu cầu vào cuộc và xử lý theo quy định.

Nhà báo Đỗ Thiện cũng góp ý thêm, không chỉ sinh viên xúc phạm giảng viên mà ngược lại, nếu sinh viên bị giảng viên xúc phạm, làm ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm cũng hoàn toàn được xử lý theo pháp luật. Bởi mọi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm.

Một sinh viên khác đặt câu hỏi: "Em có một số anh chị bị người trên mạng dùng ảnh nóng, nhạy cảm để tống tiền, vậy cần phải làm gì và xử lý như thế nào?".

Về vấn đề này, nhà báo Đỗ Thiện nêu thực tế rằng hiện nay có tình trạng phổ biến là sử dụng công nghệ ghép hình vào cảnh nóng, thông tin tiêu cực… rồi đi phát tán. Và đặc biệt là hiện nay xuất hiện nhiều ứng dụng để thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân. Sinh viên cần thận trọng khi dùng mạng xã hội.

Ở góc độ pháp lý, nhà báo Thanh Tùng cho rằng có hai dạng sử dụng ảnh nóng trên mạng, một là bị ghép để tung lên; hai là là bị tung ảnh nóng của người đó thật nhằm cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác...

Theo nhà báo, người tung ảnh nóng trong cả hai tình huống nêu trên đều là vi phạm pháp luật.

"Do đó, đầu tiên nạn nhân cần thu thập chứng cứ như chụp màn hình, trích video để lưu trữ và thông báo, tố cáo với công an nơi cư trú để được tiếp nhận giải quyết. Tùy vào mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp" - nhà báo cho hay.

Tại talkshow, nhà báo Đỗ Thiện đã có tham luận thú vị về “Sinh viên Gen Z trước những cơ hội và thách thức trong giai đoạn mạng xã hội bùng nổ: Bức tranh truyền thông hiện nay và những kỹ năng cơ bản sinh viên cần có”.

Nhà báo cho rằng gen Z là những người sinh ra trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội hiện nay thu hút lượng lớn giới trẻ tham gia với nhiều mục đích khác nhau như mua sắm, tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ, xem thông tin qua video, nắm bắt tin tức.

Trong một cuộc khảo sát tháng 8-2022 với một bộ phận giới trẻ gen Z ở khu vực châu Âu, 60% người được hỏi cho biết họ không bao giờ đọc báo mà họ hầu như đọc và theo dõi thông tin thông qua mạng xã hội.

Nhà báo nhấn mạnh những khái niệm sinh viên cần nắm và cần biết khi sử dụng mạng xã hội. Bởi vì nếu không hiểu rõ thì bất cứ ai, ngay cả những người làm báo chuyên nghiệp, những trí thức cũng mắc bẫy và bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Cụ thể đó là phát ngôn không phù hợp, bắt nạt trên mạng, tin giả, thông tin sai lệch do vô tình hoặc do cố ý tạo ra.

Theo nhà báo, một số tác động đằng sau các bài viết trên mạng, có thể vì yếu tố văn hóa, yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế (để kiếm tiền, kinh doanh) hoặc những yếu tố khác (tôn giáo, bệnh tâm thần…). Vì vậy, nếu sinh viên chưa hiểu rõ bản chất vấn đề thì cần tập tư duy phản biện, tránh vội tin và phụ thuộc thông tin trên mạng xã hội.

Trong tham luận của mình, nhà báo Nguyễn Thanh Tùng cũng đã có những chia sẻ về những kiến thức pháp luật “bỏ túi” để sinh viên sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc.

Theo nhà báo, hiện nay có nhiều nền tảng mạng xã hội đang được giới trẻ sử dụng phổ biến như Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo, Instagram… Trong đó, việc phát trực tiếp trên mạng ngày càng phổ biến và có những Facebooker thu hút lượng lớn người theo dõi, tạo nên những “cơn địa chấn truyền thông”.

Do đó, nhà báo khuyến cáo sinh viên cần có “sức đề kháng” với các thông tin trên mạng xã hội, cần biết giới hạn an toàn và không an toàn, nắm rõ các quy định pháp lý để không xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Cụ thể, sinh viên phải biết chọn lọc thông tin khi phát ngôn, sử dụng mạng xã hội. Tránh viết bài, bình luận với những vấn đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc, tôn giáo; tránh phát tán thông tin, bình phẩm các thông tin liên quan mà mình chưa hiểu rõ; tránh xúc phạm hay phỉ báng cá nhân hoặc tổ chức khác…Tránh tham gia bình luận, bình luận thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho kinh tế - xã hội, các hoạt động xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...

Cũng theo nhà báo, sinh viên cần tỉnh tảo khi sử dụng mạng xã hội, cần có những giới hạn trong bình luận, phát ngôn, chia sẻ vì tất cả những chia sẻ, hành vi dù trên mạng nhưng đều được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật, như Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự....

Tham gia bàn tròn talkshow, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc sử dụng mạng xã hội hiện nay là xu thế tất yếu, nhất là từ 10 năm nay nhằm phục vụ cho việc học tập, phát triển bản thân, giải trí.

Trước đây, sinh viên thường bị động vì phụ thuộc vào tài liệu từ thư viện, còn hiện nay sinh viên sử dụng mạng xã hội tìm kiếm tài liệu thường xuyên, ngay cả sử dụng ChatGPT cũng giúp có kết quả ngay khi giảng viên đưa ra vấn đề.
Tuy nhiên, mặt hạn chế của mạng xã hội khiến sinh viên không kiểm soát thời gian, bị sa đà vào thế giới ảo. Ví dụ đăng một status lên mạng chỉ mất một phút nhưng phải mất cả mấy ngày, thậm chí cả tuần để theo dõi và bị ảnh hưởng tâm trạng theo những bình luận sau đó. Hoặc sinh viên dùng mạng xã hội để xem phim, bị cuốn vào những thông tin không chính xác và rất dễ vi phạm pháp luật.

Do đó, để hỗ trợ các sinh viên, PGS.TS Anh Tuấn cho biết trường lập nhiều kênh thông tin, như trên Fanpage, Zalo…. Việc này vừa để trường cung cấp thông tin chính thống của trường vừa truyền tải thông tin tích cực đến sinh viên, đồng thời để nắm bắt tâm tư, suy nghĩ từ sinh viên để hiểu các vấn đề sinh viên đang gặp phải.

Từ đó, trường có những cảnh báo, giáo dục, hỗ trợ xử lý cho các sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội, kinh doanh đa cấp… Nếu có các vấn đề vượt quá khả năng giải quyết, trường sẽ liên hệ các đơn vị chức năng để hỗ trợ.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Đỗ Thiện cho biết vấn đề đau đầu nhất hiện nay cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới là tin giả. Mặc dù nhiều nước như Mỹ, Singapore... đưa ra những mức phạt nặng cho tin giả như cải chính, phạt tù và phạt tiền rất lớn nhưng vẫn khó ngăn chặn được.

Vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thiện, giải pháp tốt nhất là giáo dục, cảnh báo, nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội.

"Tốt nhất là trước khi các bạn đăng gì, viết gì tiêu cực thì nên đặt câu hỏi “cái này có ảnh hưởng đến ai không?”. Tốt nhất sinh viên không nên chia sẻ nếu không biết thông tin đó ở đâu, có thật hay không… để tránh gặp những sự cố đáng tiếc" - nhà báo Đỗ Thiện khuyên. (Pháp luật TPHCM Online 11/6/2024)

Xem tiếp: Bản tin tháng 5-2024