Bản tin cuối tháng 6-2024

transformation

MediaTek hợp tác thiết kế chip

https://vnexpress.net/mediatek-hop-tac-thiet-ke-chip-make-in-vietnam-4762619.html

Hà Nội: các ngành nghề tăng trưởng ổn định, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được đẩy mạnh

https://nguoihanoi.vn/ha-noi-cac-nganh-nghe-tang-truong-on-dinh-cai-cach-hanh-chinh-gan-

voi-chuyen-doi-so-duoc-day-manh-85364.html Ra mắt nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử Hà Nội

https://baotintuc.vn/y-te/ngay-286-ra-mat-nen-tang-ho-so-suc-khoe-dien-tu-ha-noi-20240626121439191.htm

25/6: sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, viễn thông

Kết thúc phiên giao dịch hôm 25/6, VN-Index tăng 2,44 điểm, ở mức 1.256,56 điểm. HNX-Index cũng duy trì sắc xanh với tăng 0,45 điểm, giao dịch quanh mức 240 điểm trong khi UPCoM-Index lại đảo chiều giảm 0,23 điểm, tương ứng 98,83 điểm.

Sau cú sụt điểm phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục có dấu hiệu đi xuống trong đó rõ nét nhất là ở nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, viễn thông. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 2,44 điểm, ở mức 1.256,56 điểm. HNX-Index cũng duy trì sắc xanh với tăng 0,45 điểm, giao dịch quanh mức 240 điểm trong khi UPCoM-Index lại đảo chiều giảm 0,23 điểm, tương ứng 98,83 điểm.

Trở lại giao dịch sau cú sụt phiên thứ Hai đầu tuần, chứng khoán đang tạm giữ sắc xanh ở 2 sàn niêm yết. VN-Index và HNX-Index có nhịp biến động khá mạnh trên mốc tham chiếu. Tính đến 9h40, chỉ số VN-Index và HNX-Index đang loanh quanh ở vùng tham chiếu.

Sắc đỏ đang bao trùm ở nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, viễn thông. FPT dẫn đầu với mức giảm 2%, CMG, VGI, CTR, FOX đều giảm trên dưới 2%. FPT vẫn tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh. VCB đang là trụ chính của sàn HOSE với mức đóng góp hơn 1 điểm tăng cho VN-Index.

Lực mua cũng đang phổ biến ở nhóm bất động sản, cùng với VRE, hai mã họ Vingroup là VHM, VIC cũng đang tăng trên 1%. Nhóm bất động sản ghi nhận 40/82 mã tăng giá.

Sắc xanh đang phổ biến ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán VPB, HDB, EIB đang dẫn đầu đà tăng của nhóm ngân hàng. Đối với nhóm chứng khoán, 2/3 cổ phiếu trong nhóm đang tăng giá. VCI, VND, HCM, SHS, MBS, FTS… đang dẫn đầu thanh khoản của nhóm.

Ở chiều ngược lại, VCB cũng bộ ba họ Vingroup đang hỗ trợ thị trường. Trong đó, VRE vẫn đang giữ được sắc xanh cận trần. Nhờ lực kéo từ họ Vingroup, nhóm bất động sản vẫn đang duy trì được sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu vận tải có diễn biến tích cực trong phiên chiều. HAH tăng trần. Trong khi đó, HVN ghi nhận mức tăng hơn 3%. Có vẻ phiên giảm hôm qua chưa làm suy yếu đà tăng ở mã này.

Thanh khoản sàn HOSE tiếp tục yếu chỉ bằng 70% so với mức bình quân 5 phiên gần nhất, đạt 13 ngàn tỷ đồng.

Rổ VN30 giảm 1,05 điểm, ở mức 1.288,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 254.200 triệu đơn vị, tương ứng hơn 8,7 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 14 mã tăng, 7 mã đứng giá và 9 mã giảm.

HNX-Index tăng 0,45 điểm, ở mức 240,19 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 50.931 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 85 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 86 mã giảm giá.

Upcom giảm 0,23 điểm, tương ứng mức 98,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 69.090 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 137 mã tăng giá, 84 mã đứng giá và 166 mã giảm giá. (Pháp luật & Xã hội 25/6/2024)

VNG dồn lực phát triển trí tuệ nhân tạo

Ngày 21/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần VNG đã thông qua những mục tiêu và định hướng kinh doanh quan trọng của năm 2024. Đáng chú ý, mảng kinh doanh mang tính chiến lược AI đã bắt đầu ghi nhận doanh thu thực tế từ thị trường nước ngoài.
Với đội ngũ hơn 300 kỹ sư và chuyên gia AI, VNG xác định trí tuệ nhân tạo là trọng tâm phát triển, có thể tạo ra đà tăng trưởng mới trong những năm tới cho công ty. VNG hiện là một trong những doanh nghiệp đón bắt làn sóng AI nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đi đầu cả về đầu tư, nghiên cứu, triển khai, và thương mại hóa, tạo ra doanh thu từ AI.

Hiện tại, Công ty đang ứng dụng AI để phát triển 3 lớp khác nhau: Cơ sở hạ tầng, nền tảng và ứng dụng. Về hạ tầng, VNG là doanh nghiệp Việt Nam sở hữu hạ tầng AI Cloud lớn nhất hiện nay, phục vụ đồng thời khách hàng cả trong và ngoài nước.

VNG hiện là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạo được tăng trưởng đột phá tại thị trường quốc tế, từ cả những mảng kinh doanh lõi như game cho đến các mảng kinh doanh hoàn toàn mới như AI. Năm 2023, doanh thu cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài của công ty đạt 1.744 tỷ đồng, tăng tới 35% so với 2022.

Ngoài khối game, các khối kinh doanh chủ lực khác của VNG cũng đang đẩy mạnh mục tiêu "Go Global." GreenNode, thành viên mới của VNG Digital Business đã trở thành đối tác chính thức về dịch vụ đám mây của Nvidia (NCP - Nvidia Cloud Partner), được quyền ưu tiên tiếp cận với nhà máy mô hình AI (AI Factory) và các thế hệ chip AI (GPU) hàng đầu của Nvidia.

So với các mục tiêu kinh doanh đã được Đại hội cổ đông năm 2023 thông qua, các mục tiêu kế hoạch 2024 của VNG đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Trong 3 năm tới, VNG đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối Trò chơi trực tuyến sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn doanh thu trong nước. Xa hơn nữa, VNG đặt mục tiêu tất cả các sản phẩm, dịch vụ đều có thể cung cấp cho các khách hàng trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là với dịch vụ AI sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam lẫn thị trường khu vực. (Vietnam+ 21/6/2024)

Việt Nam đứng thứ 3 khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền

Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức gồm 5 phiên thảo luận, khép lại vào trưa 21/6. Ngoài các chuyên gia trong nước, 70 chuyên gia đến từ 15 quốc gia tại các khu vực Đông Nam Á, châu Phi, Ả Rập và châu Mỹ La tinh đóng góp nhiều kinh nghiệm về ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực, ngành nghề đều tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội để tận dụng đột phá, trong đó bao gồm cả lĩnh vực sáng tạo nội dung số.

Hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, đối với hoạt động xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hiện nay trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website cung cấp nội dung có dấu hiệu vi phạm bản quyền về phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có giao diện tiếng Việt. Một số dạng vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến phim số, truyện số, nhạc số, phát chiếu trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn…

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khởi tố 4 vụ án hình sự, trong đó có 2 vụ án xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan qua website phát chiếu phim là www.phimmoi.net, www.bilutv.net.

Tuy nhiên, nguồn nội dung số có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng rất khổng lồ, phong phú và xuyên biên giới. Phần lớn các chủ thể quyền ở nước ngoài, vì thế việc đánh giá thiệt hại từ hành vi vi phạm bản quyền nội dung gặp nhiều khó khăn, hình phạt phần lớn là xử phạt hành chính (phạt tiền), chưa tương xứng thiệt hại thực tế mà các đối tượng gây ra.

Việt Nam đã gia nhập 7/8 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan được đánh giá tương đối đồng bộ.

Dù vậy, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nêu quan điểm, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trên môi trường số nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số tác giả chưa nắm vững các quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 350 triệu USD do vi phạm bản quyền. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu.

Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó chú trọng đến quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập. Đây là hướng đi mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Bà Oanh cho rằng, cần phát huy vai trò, tính chủ động của các hội, hiệp hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong việc thực thi, bảo vệ quyền trên môi trường số. Các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả.

“Để chống xâm phạm bản quyền, bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền”, bà Phạm Thị Kim Oanh nói.

Ông Soyeong Ahn, Phó trưởng phòng Hợp tác và Thương mại Văn hóa (Cục Bản quyền, Bộ VHTTDL Hàn Quốc) đề xuất, mỗi quốc gia cần có kế hoạch phối hợp toàn diện nhằm xóa bỏ việc phân phối nội dung bất hợp pháp trên môi trường số. Kế hoạch có thể xây dựng dựa trên 4 chiến lược cụ thể bao gồm tốc độ, tính nghiêm ngặt, sự hợp tác, khoa học và sự thay đổi.

Chuyên gia đến từ Hàn Quốc đề xuất Việt Nam xây dựng hệ thống tự động phát hiện, ngăn chặn các trang web bất hợp pháp, đồng thời nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền. (Tiền Phong Online 21/6/2024)

Trẻ mắc bệnh nghiện mạng xã hội

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện là trạng thái phụ thuộc định kỳ hoặc mãn tính vào các chất hoặc hành vi. Đặc trưng của trạng thái này là việc không thể kiểm soát hành vi nhiều lần, bất chấp những tác động và hậu quả tiêu cực, nhằm đạt mục đích giữ cho con người ở trạng thái vui vẻ ngay lập tức, hoặc giảm cảm giác khó chịu.

Nghiện mạng xã hội được biểu hiện bằng việc luôn bận tâm và liên tục sử dụng internet; nhu cầu dùng ngày càng tăng, "không thể chịu đựng nếu không vào mạng"; buồn, ủ rũ chán nản khi không được dùng; sử dụng mạng như một biện pháp để thoát khỏi các vấn đề bản thân...

Tại Việt Nam, tình trạng lệ thuộc mạng xã hội được các chuyên gia đánh giá là rất phổ biến. Báo cáo Digital 2021 cho thấy mỗi ngày, người Việt dùng Internet trung bình 6 tiếng 47 phút, trong đó 2 tiếng 21 phút dành riêng cho mạng xã hội. Hiện chưa có thống kê về số trẻ vị thành niên nghiện mạng xã hội. Song tỷ lệ học sinh mắc các chứng rối loạn tâm thần ngày càng tăng, và mạng xã hội là một trong nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Mới đây, trên tờ NYtimes, Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về những tác động tiêu cực của việc sử dụng mạng xã hội quá mức, đặc biệt với giới trẻ. Ông Murthy chỉ ra một loạt nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa việc sử dụng mạng xã hội với các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm.

Nghiên cứu đăng trên American Journal of Preventive Medicine cho thấy, thanh thiếu niên 12-15 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày, có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp đôi so với những người không sử dụng.

Công trình khác đăng trên Nature Communications, do nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge (Anh) thực hiện, cho thấy nữ giới 11-13 tuổi và nam giới 14-15 tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi mạng xã hội.

Theo các chuyên gia, việc trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội quá nhiều sẽ thay thế các hoạt động quan trọng giúp phát triển bộ não như ngủ, tập thể dục, gặp gỡ người thân, bạn bè. Các nền tảng mạng xã hội tràn ngập nội dung cực đoan, có hại, gồm cả những nội dung nguy hiểm nhưng được "bình thường hóa", như hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống, tự sát...

Không những vậy, người dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội thường so sánh bản thân với người khác, cảm thấy thua kém, dễ dẫn đến thất vọng, trầm cảm. Áp lực trước những hình ảnh đẹp đẽ, hào nhoáng trên mạng xã hội, cũng như áp lực từ lượt thích (like) và bình luận khiến người trẻ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, điển hình là chứng rối loạn lo âu.

Ngoài ra, sự tập trung quá mức vào mạng xã hội của người trẻ ngăn cản họ hình thành những mối quan hệ thực tế. Nghiện mạng xã hội khiến họ không còn dành thời gian để suy nghĩ về những mục tiêu trong cuộc sống, gây mất động lực, đồng thời kích thích những suy nghĩ tiêu cực. Thể chất của trẻ cũng gặp vấn đề như cận thị, đau cổ, thoái hóa cột sống cổ, hội chứng co cứng cơ cột sống, rối loạn giấc ngủ...

Để phòng ngừa, thạc sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, cho biết việc giáo dục và truyền thông những tác hại của mạng xã hội cần được đẩy mạnh trong gia đình cũng như nhà trường.

Những kỹ năng về cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng cần được chú trọng như một kỹ năng sống cho học sinh trong thời hiện đại. Ngoài ra, những bộ câu hỏi đánh giá nguy cơ nghiện internet cũng cần được các chuyên gia tâm lý xây dựng để giúp thầy cô nhận diện được các học sinh có vấn đề.

Một trong những cách thức cơ bản mà phụ huynh có thể áp dụng là hãy chấp nhận và khen ngợi những điểm tích cực ở con. Đừng so sánh trẻ với "con nhà người ta" hoặc các chuẩn mực mà ba mẹ muốn hướng đến.

Thực tế, mối quan hệ gia đình vẫn là nền tảng cho việc phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em. Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử có thể giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn. "Đó cũng là cách cha mẹ dạy cho con cái hiểu về những giá trị tốt đẹp thực tế bên ngoài không gian ảo", thạc sĩ Thiện nói. (VnExpress 21/6/2024)

Báo in trong cuộc chạy đua với TikTok

Một câu hỏi đặt ra, báo chí đang ở vị trí nào trong cuộc chạy đua với mạng xã hội, cụ thể là TikTok - ứng dụng phổ biến tại Việt Nam khoảng hơn 5 năm trở lại đây?

Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự hiện đại và phổ biến của các thiết bị thông minh như điện thoại, iPad, laptop... đã tạo điều kiện cho con người, nhất là giới trẻ tiếp xúc với những nguồn thông tin mới, tham gia các ứng dụng mạng xã hội mới để nâng cao trình độ, kiến thức, sự hiểu biết. Bên cạnh các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp, X, YouTube... thì TikTok là ứng dụng được người Việt Nam ưa chuộng trong những năm gần đây. Ban đầu, TikTok phổ biến trong đời sống của người trẻ, sau có độ lan tỏa rộng hơn, không chỉ ở thành thị mà còn nông thôn, không chỉ người trẻ mà còn với những người lớn tuổi, kể cả trẻ con đang học lớp vỡ lòng. Trong đó, người trẻ là đối tượng ưu ái và dành nhiều thời gian trong quỹ thời gian của mình cho TikTok. “Lướt TikTok quá 180 phút” - câu nói được lan truyền trên các trang mạng xã hội tưởng chỉ nhằm mục đích đùa cợt, thực chất phản ánh một thực trạng đáng báo động: Người trẻ đang hoang phí thời gian của mình vào TikTok.

Điều gì khiến người trẻ ưu ái TikTok đến thế? Trước hết, phải khẳng định sức hấp dẫn và lôi cuốn của TikTok khi mỗi ngày có hàng loạt video ngắn, nội dung phong phú, những thước phim sống động về cuộc sống xung quanh, trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phải kể đến các “trend” - một “thuật ngữ” của giới trẻ nhằm chỉ một hoạt động, xu hướng mới nào đó được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, và tất nhiên nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho “new trend” ra đời. Mặt khác, TikTok cũng là không gian rộng để người trẻ có thể thể hiện phong cách cá nhân, cá tính, quan điểm sống của bản thân qua việc sáng tạo những video ghi lại cuộc sống, hành trình, trải nghiệm của riêng mình. Đó là chưa kể đến TikTok còn là một hình thức “kinh doanh”, đem lại nguồn thu nhập nhất định cho những tài khoản có độ lan tỏa mạnh mẽ.

So với báo in, có vẻ như tốc độ đưa tin trên trang mạng xã hội TikTok nhanh chóng hơn rất nhiều. Cùng một sự kiện, TikTok có lợi thế hơn báo in ở chỗ kết hợp được hình ảnh, âm thanh mà vẫn đảm bảo được tính ngắn gọn, cô đọng của sự kiện, câu chuyện. Khi TikTok phổ biến, trong nhiều sự kiện (đặc biệt là sự kiện giải trí), các TikToker (người sáng tạo nội dung trên TikTok) cũng được ưu ái ngang với nhà báo. Đối tượng tiếp nhận thông tin, thay vì đợi đến khi báo in phát hành thì chỉ việc lướt mạng xã hội TikTok, tìm kiếm từ khóa liên quan đến sự kiện là hàng loạt video xuất hiện. Họ có thể nắm bắt tin tức ngay lập tức. Nhanh, gọn vẫn luôn là tính chất cần thiết trong đời sống người trẻ.

Không thể phủ nhận những ưu điểm lớn của TikTok, song trang mạng xã hội này vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế. Không khó để bắt gặp các thông tin sai sự thật, bị cắt ghép, bóp méo... lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do các TikToker vội vã trong việc đưa tin chưa được kiểm chứng; tham vọng “câu view”; người đưa tin thiếu hiểu biết, trình độ; “bẻ lái” dư luận với mục đích xấu... Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để siết chặt TikTok, tránh để những thông tin sai sự thật bị lan truyền, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Về độ chính xác, đáng tin cậy của tin tức, rõ ràng báo chí làm tốt hơn, thông tin được kiểm chứng xác đáng hơn.

Báo in đang ở đâu trong cuộc chạy đua với TikTok? Chúng ta có thể mạnh mẽ khẳng định: Báo in vẫn làm tốt sứ mệnh và được công chúng tin cậy, đón nhận. Không phủ nhận TikTok mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời cho con người, nhất là những video mang tính giải trí cao, có chất lượng, cung cấp tri thức, tin tức chính xác... nhưng không vì thế mà TikTok có thể lấn lướt báo chí - một lĩnh vực đã có lịch sử hình thành lâu đời ở nước ta.

Hòa cùng không khí đổi mới, sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, truyền thông..., báo chí đã và đang thực hiện tốt vấn đề chuyển đổi số (sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại) với mục đích vươn lên tầm cao mới, giữ vững vai trò của báo chí trong đời sống nhân dân. Ngay trên mạng xã hội TikTok, bên cạnh những nguồn tin không được kiểm chứng của một bộ phận TikToker, vẫn có những tài khoản mà cơ quan chủ quản là các tòa soạn, cơ quan báo, đài... Đó là một trong những phương thức chuyển đổi số, góp phần đưa báo chí - truyền thông gần hơn với công chúng.

Truyền thông, mạng xã hội phát triển như vũ bão, báo in vô tình trở thành một sản phẩm đặc thù, hình thức truyền tin dưới dạng vật chất. Sự phát triển của khoa học - công nghệ đòi hỏi báo in phải có sự đầu tư cao, thông tin chính xác và hấp dẫn, trình bày khoa học, sang trọng và đẳng cấp hơn. Nhiều cơ quan báo chí đã tiến hành chuyển đổi báo in (dạng vật chất) sang “E - paper” (dạng điện tử) như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, một số tờ báo Đảng của các tỉnh, thành phố... để công chúng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận tin tức chính xác mà không phải mất thời gian tìm đến các sạp báo để được cầm trên tay những số báo mới nhất mỗi ngày.

Thực tế đã chứng minh, báo chí (trong đó có loại hình báo in) đã tồn tại gần hai thế kỷ, trong khi TikTok chỉ mới xuất hiện vài năm và đang có xu hướng suy giảm. Chắc chắn rằng, chỉ trong vài năm tới đây, “cơn bão” TikTok sẽ không còn, báo in vẫn sẽ tiếp tục giữ vững “ngôi báu” của mình. (Giáo dục & Thời đại 20/6/2024)

Việt Nam là trung tâm sản xuất điện tử nhưng vẫn ở đáy?

Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử với sự góp mặt của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Intel… Tuy nhiên, điều đáng nói, Việt Nam vẫn nằm ở đáy của “đường cong nụ cười” do chủ yếu làm lắp ráp, gia công nên giá trị gia tăng thấp.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 2 về nước xuất khẩu điện thoại không dây, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính. "Con số ấn tượng, tự hào, nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ. Nhiều lần tôi sang Ấn Độ làm việc với họ đều thấy rằng họ rất ngưỡng mộ Việt Nam, nhiều chính sách về phát triển điện tử của Việt Nam cũng được Ấn Độ học tập", bà Hương nói.

Tuy vậy, đại diện Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng Việt Nam vẫn ở đáy "đường cong nụ cười" trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như R&D, thiết kế, phân phối..., nhưng doanh nghiệp Việt chưa tham gia được. Doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp.

Trong khi đó, theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các ông lớn đầu chuỗi, những năm kế tiếp sau đó, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện/cụm linh kiện gia tăng đáng kể.

Cụ thể, những năm 2013-2014, ghi nhận số vốn đầu tư vào hạng mục gia công lắp ráp thì giai đoạn 2015 - 2017, Việt Nam thu hút được nhiều dự án quy mô lớn ở hạng mục này. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở giai đoạn 2019 đến nay khi số lượng dự án quy mô vốn gia tăng, ấn tượng với những dự án lớn như Foxconn đầu tư 435 triệu USD sản xuất, lắp ráp máy tính bảng; tiếp đó công ty con của Foxconn cũng đầu tư dự án 621 triệu USD để sản xuất linh kiện, điện tử. ..

"Hy vọng trong tương lai không xa, công nghiệp điện tử bứt phá có giá trị cao hơn chuỗi cung ứng như thiết kế, marketing, nhích dần lên đường cong nụ cười", bà Hương kỳ vọng.

Nguyên nhân theo bà Hương là do các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ nên năng lực còn hạn chế. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp điện tử ngấm đòn vì tác động của đại dịch COVID-19 và biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dẫn tới, CEO của một số doanh nghiệp có suy nghĩ tiêu cực, chán nản, giải tán hàng loạt bộ phận sản xuất truyền thống.

Trước thực trạng trên, bà Hương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn thấu cơ hội, suy nghĩ tích cực. “Các doanh nghiệp trong nước cần bắt tay hợp tác với nhau để tìm kiếm cơ hội về đơn hàng, nỗ lực chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử khuyến nghị.

Nhấn mạnh về trọng tâm phát triển nguồn nhân lực, lãnh đạo Electronics Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên quan tâm hỗ trợ các kỹ sư trẻ, đặc biệt nên hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học. Vị lãnh đạo này phủ nhận thông tin rằng: “Nhiều ý kiến nói doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chia sẻ đầy đủ về công nghệ là không đúng. Nếu các kỹ sư Việt Nam hiểu đầy đủ, họ có thể dễ dàng tiếp nhận và nắm bắt chuyển giao công nghệ hơn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ này nhưng không nhiều kỹ sư có năng lực có thể đảm nhận”. (VnBusiness 19/6/2024)

Euro 2024 và các website cá độ bóng đá với mánh khoé tinh vi

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT), hiện nay, các tổ chức cờ bạc đã lợi dụng không gian mạng để lập nhiều website cá độ bóng đá với hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài, đồng thời ra sức quảng cáo, lôi kéo dụ dỗ người chơi mở tài khoản tham gia cá độ bóng đá.

Khi gõ từ khóa “trực tiếp bóng đá”, bên cạnh những kết quả như: VTV, FPT Play, hàng loạt các địa chỉ như xoilac, socolive, vebo… xuất hiện ngay ở kết quả đầu tiên. Các nội dung được lấy từ nguồn nước ngoài, sau đó chèn logo của trang cũng như hình ảnh quảng cáo cho các dịch vụ cá cược bóng đá. Một điểm chung của các trang web này đều có các banner quảng cáo cá độ bóng đá trực tuyến và một số trò chơi cờ bạc đỏ đen khác. Đáng chú ý, để “né” lực lượng chức năng, những website này cũng liên tục đổi tên miền mới.

Tại các website “lậu” này việc quảng cáo website cá cược bóng đá diễn ra liên tục trong suốt trận đấu bằng cả hình thức đọc và chèn logo. Đơn cử như khi truy cập vào website xoilacz25.live các quảng cáo về “cược 8XBET” liên tục xuất hiện. Một số website cá cược còn thu hút người chơi bằng cách tặng thêm tiền khi lập tài khoản và tham gia nạp tiền như tặng 100% tối đa 10 triệu đồng cho lần nạp tiền đầu tiên; tặng 30% tối đa 15 triệu cho lần thứ 2 trở đi...

Việc quảng cáo các website cá độ bóng đá diễn ra trên nhiều nền tảng mạng xã hội Zalo, Telegram, Facebook. Các tài khoản lạ liên hệ rồi giới thiệu về các trang cá độ bóng đá. Hầu hết các website cá cược này đều có tên miền khá ngắn gọn gồm một vài chữ cái và một vài con số.

Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn TP. Hà Nội cũng liên tục phản ánh về tình trạng ghế đá tại các công viên quanh hồ Ngọc Khánh, Thành Công … bị phun Sơn quảng caó Website cá cược bóng đá với các tên miền như: SV66, SV88… để lôi kéo người dân tham gia. Tình trạng này cũng diễn ra trên các bức tường ở hàng loạt các ngõ, phố trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, nguyên nhân của việc xuất hiện tràn lan các trang website này là do không được quản lý, các trang này tồn tại nhiều vấn đề tương tự các web "đen", như quảng cáo cờ bạc, dịch vụ phạm pháp, hoặc dụ người dùng tải phần mềm chứa mã độc. Quảng cáo thường được đặt dày đặc, thậm chí khung pop-up hiện ra trong quá trình xem, yêu cầu người dùng click vào nếu muốn xem tiếp. Như kênh Xoilac từng đặt một quảng cáo cho trang “Worldcup 20”, dụ người dùng truy cập, nhưng thực chất là trang phát tán mã độc.

Trước thềm Euro 2024, trong thông tin cập nhật về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an) nêu rõ: Thời gian gần đây, hoạt động của loại tội phạm này ngày một tinh vi, liên tục thay đổi tên miền truy cập, sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài để tránh sự phát hiện, truy vết, ngăn chặn của cơ quan chức năng.

A05 cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan chức năng của Bộ TTTT và người dân để đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm, đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng dưới mọi hình thức; phối hợp với các ngành chức năng đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật đối với các đối tượng vi phạm. (Công Thương 18/6/2024)

Trí tuệ nhân tạo tác động đến người làm báo như thế nào?

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, không ít người làm báo và cơ quan báo chí lo ngại về sự "xâm lược" của nó, khiến tác phẩm báo chí của họ có thể bị dùng (không được sự cho phép) để làm nguồn xây dựng nội dung hoặc làm công cụ hỗ trợ người dùng mạng xã hội dẫn dắt dư luận.

Dù thích hay không thì AI vẫn tiếp tục tồn tại và dần được tích hợp vào công việc và cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dẫu vậy, cơ quan báo chí vẫn là nguồn tin chính thống và đáng tin cậy ngay cả khi công nghệ AI được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành.

AI phát triển có thể đi kèm với những mối nguy hiểm tiềm tàng nhưng cũng đem đến cơ hội để các cơ quan báo chí và phóng viên "làm mới mình" trong kỷ nguyên số hiện nay.

Xoay quanh vấn đề này, giảng viên cấp cao Đại học RMIT Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long đã có những phân tích cụ thể về vấn đề này.

Theo Tiến sĩ Long, các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ AI để phân tích dữ liệu nội dung truyền thông, thu thập thông tin nền, đồng thời đề xuất giá trị và góc độ cho tin tức.

Họ có thể đẩy mạnh ứng dụng phân tích dữ liệu và các công cụ AI nhằm nắm bắt thị hiếu khán, thính và độc giả, và đề xuất nội dung được cá nhân hóa. Từ việc khai phá dữ liệu bằng AI, các cơ quan báo chí có thể phân tích bộ dữ liệu nội bộ khổng lồ, cũng như ý kiến công chúng về các chủ đề khác nhau ở các bài đăng và bình luận trên mạng xã hội.

Các nhãn hàng đã và đang dùng việc khai phá dữ liệu bằng AI để thấu hiểu khách hàng, từ thị hiếu đến thời gian và dịp tiêu dùng, rồi nội dung mà họ tiêu thụ. Nếu áp dụng điều này vào một tờ báo điện tử chẳng hạn, với lượng dữ liệu khổng lồ mà tòa soạn thu thập được, họ có thể thấu hiểu sở thích của bạn đọc. Ví dụ: độc giả thích đọc báo vào thời gian nào trong ngày và đọc trong bao lâu, họ thích đọc chuyên mục nào (chính trị, đời sống, thể thao, văn hóa, pháp luật…), họ muốn đọc những bài viết nào, họ ưa thích định dạng gì (bài viết, video, podcast).

Phân tích dữ liệu bằng AI có thể giúp tòa soạn xác định xu hướng và đặc điểm của độc giả để tùy chỉnh tin tức hiển thị cũng như thông báo đẩy với các tin nóng, podcast hoặc video mà độc giả quan tâm.

"Đối với phóng viên muốn đưa tin về những chủ đề mới hoặc những chủ đề nặng về dữ liệu mà họ chưa có thông tin cập nhật (ví dụ: tài chính, thể thao, phát triển bền vững, thành phố thông minh), AI có thể trích xuất tin tức và cung cấp thông tin tham khảo với các nguồn đáng tin cậy, giúp phóng viên có cơ sở để bắt đầu viết bài.

AI có thể phát hiện những thông tin chưa chính xác, cũng như xác minh lời bình luận, tin đồn hoặc tin tức, hoặc cung cấp nguồn để kiểm tra tính xác thực. Điều này có thể giúp đảm bảo tính chính xác của bài viết. AI cũng có thể đề xuất những ý tưởng, góc độ tin tức và giá trị tin tức mới", Tiến sĩ Long nói thêm.

Tiến sĩ Long cho rằng, dựa vào các nghiên cứu hiện có trên thế giới, có thể ước tính, các công cụ AI giúp giải phóng 40-60% khối lượng công việc của người làm báo.

"Nếu AI giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian như vậy thì đóng góp của con người trong kỷ nguyên mới này là gì? Câu trả lời là họ có thể tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng mềm như tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng thích ứng, đưa ra quyết định có đạo đức và xây dựng mối quan hệ giữa người và người", Tiến sĩ Long nói.

Theo Tiến sĩ Long, AI có thể tạo ra nội dung chủ yếu từ các bộ dữ liệu hiện có, nhưng nó vẫn chưa có khả năng sáng tạo và kể chuyện như con người. Đối với những câu chuyện giàu cảm xúc và đòi hỏi sự sáng tạo, người làm báo có thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khán, thính và độc giả của mình. Họ thành thạo hơn trong việc khai thác các vấn đề/tin tức phức tạp cho từng đối tượng. Chẳng hạn, các bài báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người, nơi làm việc và xã hội.

AI có thể thu thập và xử lý lượng thông tin khổng lồ, nhưng người làm báo phải giữ vai trò giám sát. Họ có thể phân tích thông tin với tư duy phản biện, đánh giá dữ liệu do AI phân tích, cũng như thiên kiến và khuyến nghị mà AI đưa ra. Người làm báo cần đảm bảo tính hiệu quả và chính xác của tin tức được biên soạn với sự trợ giúp của AI.

"Vai trò của người làm báo giờ đây giống như bếp trưởng một nhà hàng 5 sao. Bếp trưởng thường không tự mình nấu tất cả các món. Thay vào đó, khâu sơ chế và nấu chính thường do một nhóm đầu bếp với chuyên môn và trách nhiệm riêng đảm trách. Bếp trưởng sẽ hoàn thiện những khâu cuối cùng để tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho món ăn, mà vẫn đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của món ăn", Tiến sĩ Long chia sẻ.

Do nguyên tắc phân tích dữ liệu "Garbage In, Garbage Out" (nếu dữ liệu đầu vào có chất lượng kém thì đầu ra cũng sẽ kém), nội dung do AI tạo ra đôi khi bị thiên kiến và phi đạo đức. Người làm báo phải xác định các vấn đề đạo đức trong bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị của từng quốc gia, cộng đồng và đối tượng độc giả mà họ phục vụ. Bên cạnh đó, họ vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc báo chí.

Điều khiến người làm báo là bản thể độc đáo và không thể thay thế là khả năng xây dựng mối quan hệ để tiếp cận các nguồn tin (con người) đáng tin cậy, để điều tra các vấn đề mới nổi, để thu thập những hiểu biết hoặc ý tưởng mới và để sản xuất tin tức chính thống. Với kỹ năng giao tiếp, sự tiếp cận và đồng cảm, người làm báo có thể kết nối với nguồn tin và các bên liên quan, tạo dựng được niềm tin và bồi đắp mối quan hệ sâu sắc với các đối tượng này.

Bằng cách kết hợp năng lực AI với các kỹ năng mềm và chuyên môn của con người, các cơ quan báo chí và người làm báo có thể nâng cao tính chuyên nghiệp, trong khi vẫn duy trì các giá trị như tính chính trực, minh bạch và các kết nối có ý nghĩa. Cũng phải nói rằng, người làm báo phải trung thực khi sử dụng các công cụ AI và duy trì tính chân thực của tin tức họ đưa ra. (Dân Việt 20/6/2024)

Xem tiếp: Bản tin đầu tháng 6-2024