Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Giáo dục > Căn bản > CHỮ NHO – CHỮ TA – CHỮ VIỆT NAM

Nguyễn Hải Hoành

CHỮ NHO – CHỮ TA – CHỮ VIỆT NAM

Thứ Năm 26, Tháng Mười Hai 2024, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Năm 1918, trong bài “Chữ Nho với văn quốc ngữ” đăng trên tạp chí Nam Phong, học giả Phạm Quỳnh viết: “ Thử về chốn nhà quê mà đưa cho ông già hay đứa trẻ con tờ giấy chữ Nho hỏi là chữ gì, tất ai cũng đáp là ‘chữ Việt Nam’. Mười năm, hai mươi năm về trước có ai nghĩ cái chữ mình học là chữ của người ngoại quốc đâu?” Đúng thế thật. Ngày xưa ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, hầu như làng xã nào cũng có các lớp dạy chữ Nho; gia đình nào có chút máu mặt đều cho con trai đi học “chữ ta” ở nhà các thầy đồ Nho trong làng hoặc trên phố. Ví dụ bà nội tôi làm ruộng nuôi ông nội đi học chữ Nho ở lớp học của cụ Phó bảng Dương Danh Lập người Bắc Ninh, nguyên Đốc học Hà Nội đã nghỉ hưu. Về sau ông tôi đỗ cử nhân khóa thi năm Bính Ngọ (1906). Khi về già, ông dạy các cháu lớn học chữ Nho, cháu nhỏ học chữ Quốc ngữ, coi cả hai thứ chữ ấy là “chữ ta”, ai cũng phải học.

Chữ Hán chính thức vào Việt Nam sau khi phong kiến Trung Quốc thôn tính rồi cai trị nước ta trong hơn 1000 năm Bắc thuộc. Thông thường kẻ xâm lược đều muốn đồng hóa kẻ bị xâm lược, trước hết đồng hóa về ngôn ngữ. Trong thời Bắc thuộc, nhằm Hán hóa tiếng Việt, nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục mở lớp dạy người Việt học chữ Hán – việc này có ghi trong sách “Việt giám thông khảo tổng luận” và “Đại Việt sử ký toàn thư”. Thái thú Sĩ Nhiếp do mở rộng việc dạy chữ Hán được dân ta kính trọng gọi là “Sĩ vương”; điều đó đó chứng tỏ dân ta tán thành học chữ Hán, hiểu rằng có chữ viết thì nước ta mới thoát khỏi cảnh lạc hậu.

Thế nhưng việc học chữ Hán có nhiều khó khăn. Chữ Hán cấu tạo phức tạp, khó nhớ, khó viết, khó phát âm, nhìn chữ không đọc được âm, lại có quá nhiều chữ. Hơn nữa do người Trung Quốc vùng nào nói phương ngữ vùng ấy nên chữ Hán không có một âm đọc tiêu chuẩn thống nhất cả nước, cùng một chữ Hán có nhiều âm đọc khác nhau, dân ta không biết đọc theo âm nào. Cũng vì nói phương ngữ mà nghe không hiểu nhau nên người Trung Quốc chủ yếu giao tiếp với nhau bằng bút đàm; chữ viết trở nên quan trọng hơn tiếng nói.

Trước tình hình đó, tổ tiên ta hiểu rằng muốn học chữ Hán, trước hết phải xác định được âm đọc tiêu chuẩn cho chữ Hán. Do không biết tiếng Hán, họ đã dùng tiếng Việt để làm việc đó. Cụ thể đã quy định mỗi chữ Hán được đọc bằng âm của một từ tiếng Việt. Ví dụ quy định chữ 家có âm đọc tiếng Việt là “gia”, là âm đọc mô phỏng âm tiếng Hán “chi-a” của 家; nghĩa là mỗi chữ Hán ứng với một từ Việt có gốc Hán – về sau gọi là từ Hán-Việt, ví dụ chữ 家 có từ Hán-Việt là “gia”. Theo quy định, toàn bộ chữ Hán được đọc bằng từ Hán-Việt; mỗi chữ Hán có một âm đọc tiếng Việt, người Việt dựa vào đó để đọc chữ Hán theo một bộ âm đọc tiêu chuẩn thống nhất cả nước. Như vậy khi đọc chữ Hán bằng từ Hán-Việt thì không cần đọc chữ Hán bằng tiếng Hán – suy ra suốt thời Bắc thuộc dân ta không ai nói tiếng Hán. Kết quả là sau hơn 1000 năm buộc phải học và dùng chữ Hán, tiếng Việt vẫn giữ được nguyên vẹn như cũ, không bị tiếng Hán chèn ép, đồng hóa. Nói cách khác, chữ Hán đọc bằng từ Hán-Việt đã ngăn chặn chính quyền phong kiến Trung Quốc thực hiện dã tâm đồng hóa dân tộc ta. Vì thế dĩ nhiên người Trung Quốc không có động cơ nghĩ ra từ Hán-Việt, tức biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt. Ở đây cần nhấn mạnh điều này bởi lẽ có quan điểm cho rằng từ Hán-Việt là do người Trung Quốc nghĩ ra, là tiếng Hán cổ đại mà người Việt bắt chước đọc.

Về sau dân ta gọi chữ Hán đọc bằng tiếng Việt là chữ Nho, tức chữ Hán đã Việt Nam hóa phần ngữ âm. Chữ Nho chỉ khác chữ Hán ở âm đọc, còn lại hoàn toàn như chữ Hán. Chữ Hán là chữ biểu ý, có thể đọc nó bằng mọi thứ tiếng, khi đọc bằng tiếng Việt thì sinh ra từ Hán-Việt. Người Trung Quốc nghe đọc chữ Nho thì không hiểu, nhưng nhìn chữ thì hiểu. Họ không biết “chữ Nho” là gì, vì tiếng Hán không có từ “Nho tự”; các từ điển Hán-Hán đều không có từ này. Chữ Nho là ký tự ghi được một bộ phận tiếng Việt; ví dụ chữ 家 ghi được từ tiếng Việt “gia”. Nhưng chữ Nho chỉ ghi được từ Hán-Việt, không ghi được từ thuần Việt; tuy thế cũng đủ để tầng lớp trên người Việt có chữ làm các việc ghi chép, giao tiếp đối nội đối ngoại, phát triển văn hóa giáo dục, tiếp nhận văn minh Trung Hoa, xây dựng nền văn minh Việt và nền văn học chữ Hán. Sau khi nước ta giành độc lập, người Việt dựa trên nền tảng chữ Nho thành công làm ra chữ Nôm, là loại chữ biểu ý kiêm biểu âm, ghi được từ thuần Việt và từ Hán-Việt. Nhờ đó xây dựng được nền văn học bình dân với các tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng, hơn hẳn văn học chữ Nho.

Sau nhiều thế kỷ học và dùng chữ Nho, dân ta coi thứ chữ này là chữ của nước ta, không phải chữ nước ngoài. Lý do: chữ đọc bằng tiếng ta thì rõ ràng là chữ ta rồi; nếu là chữ ngoại quốc thì phải đọc bằng tiếng nước ngoài chứ! Thực chất từ Hán-Việt là từ tiếng Việt phiên âm chữ Hán. Đó là do tiếng Việt giàu ngữ âm, có thể phiên âm mọi ngôn ngữ. Theo thống kê, lượng âm đọc của tiếng Việt nhiều gấp 15 lần lượng âm đọc của tiếng Hán (19520 so với 1300). Đồng thời còn do chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph); các chữ viết còn lại đều là chữ biểu âm (phonograph). Chữ biểu ý nhìn chữ không đọc được âm, vì thế có thể đọc nó bằng mọi thứ tiếng. Do chữ Hán biểu ý nên từ phiên âm của nó có nghĩa của chữ mà nó phiên âm; như “gia” có nghĩa của chữ Hán 家, từ điển tiếng Việt có từ “gia”. Từ Hán-Việt là từ tiếng Việt, đọc chữ Hán bằng từ Hán-Việt thì không đọc bằng tiếng Hán, vì thế tiếng Việt giữ được nguyên vẹn không bị Hán hóa.

Nhưng việc phiên âm chữ biểu âm thì không tạo ra từ tiếng Việt; vì thế không có tác dụng giữ được tiếng Việt nguyên vẹn như khi phiên âm chữ biểu ý. Ví dụ từ tiếng Pháp “étude”, phiên âm tiếng Việt là “ê tuyt đơ”, từ phiên âm này không có ý nghĩa gì, không phải là từ tiếng Việt, không có trong từ điển tiếng Việt. Dù có đọc “bồi” hay đọc chuẩn đi nữa thì từ phiên âm tiếng Pháp vẫn không phải là tiếng ta, vì thế dù dân ta nói tiếng Pháp thế nào thì tiếng Việt sẽ vẫn bị Pháp hóa! Nhưng chữ Hán đọc tiếng Việt thì dù thế nào vẫn là tiếng ta, không thể bị Hán hóa – bởi lẽ chữ Hán là chữ biểu ý.

Ngày xưa dân tộc ta chưa có chữ viết, vì thế tuy tiếng Việt rất phong phú nhưng nước ta vẫn ở thời tiền sử mông muội, chẳng để lại ghi chép gì. Làm chữ viết cần thời gian cực lâu dài. Loài người xuất hiện đã hơn triệu năm nhưng 5000 năm gần đây mới có chữ viết. Nhiều dân tộc hiện vẫn chưa có chữ viết. Tiếng Việt quá giàu ngữ âm, vì thế càng khó làm được chữ. Trong tình hình đó chủ trương mượn dùng chữ Hán là rất hợp lý.

Ban đầu tiếng Việt chỉ có từ thuần Việt, là loại từ cơ bản có từ thời nguyên thủy, số lượng ổn định ít thay đổi. Nhiều nghìn năm sau, xã hội ta tiếp xúc với chữ Hán là đại diện của văn hóa Trung Quốc, từ đó sinh ra từ Hán-Việt, thuộc lớp từ văn hóa phản ánh nền văn hóa Trung Quốc thâm sâu rộng lớn, vì thế tất nhiên từ Hán-Việt có lượng từ vựng rất lớn, được dùng nhiều nhất trong đời sống ngôn ngữ Việt; không có từ Hán-Việt thì ta không thể nói hoặc viết về các vấn đề văn hóa xã hội. Ví dụ 90% số từ vựng trong “Hiến pháp Việt Nam 2013” là từ Hán-Việt. GS Cao Xuân Hạo nói từ Hán-Việt chiếm khoảng 70% tổng lượng từ vựng tiếng Việt cuối thế kỷ XX. Thực ra vì từ Hán-Việt liên tục tăng nên không thể xác định chính xác tỷ lệ đó.

Theo phỏng đoán, hệ thống từ Hán-Việt được tổ tiên ta hoàn thành vào thời điểm không muộn quá một thế kỷ sau khi chữ Hán vào nước ta. Nếu muộn hơn thì người Việt đã đọc chữ Hán bằng tiếng Hán quá lâu, tiếng Hán sẽ đồng hóa tiếng Việt. Dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc khoảng 100 năm, do chịu ảnh hưởng của Hán ngữ mà tiếng Mãn bị Hán hóa đến mức người Mãn không nói tiếng Mãn nữa.

Việc phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt không nhằm cung cấp âm đọc tiếng Hán chính xác của chữ Hán mà chỉ cung cấp âm đọc tiếng Việt quy ước cho chữ Hán. Nhiều từ Hán-Việt có âm đọc khác xa âm Hán; như chữ 乙 âm Hán đọc “yi” mà âm Hán-Việt đọc “ất”. Trong các tự điển Hán-Việt hiện nay, mỗi chữ Hán đều có ghi chú phiên âm Hán ngữ (Hanyu Pinyin), và phiên âm tiếng Việt (tức từ Hán-Việt) của chữ Hán đó. Ví dụ chữ 合 viết: “合 hé HỢP”; “hé” là từ phiên âm Hán ngữ, HỢP là từ phiên âm tiếng Việt của 合. Vì chữ Hán có tính biểu ý nên từ phiên âm tiếng Việt của nó là từ tiếng Việt có ý nghĩa, có thể ghép với từ khác làm thành từ mới. Như “hợp” có ý nghĩa của合, có thể làm thành nhiều từ mới như hợp tác, hợp chất, hợp đồng. Nghĩa là từ Hán-Việt có năng lực làm tăng số lượng từ tiếng Việt. Nhưng từ phiên âm chữ biểu âm thì không phải là từ tiếng Việt cho nên không làm được như vậy.

Tóm lại, chữ Hán đọc bằng tiếng Việt đã mang lại cho dân tộc ta các lợi ích:

  • 1- Làm ra từ Hán-Việt, là từ phiên âm tiếng Việt của chữ Hán, xác định được âm đọc chuẩn tiếng Việt cho chữ Hán; hình thành nguồn từ ngữ để người Việt nói hoặc viết về các vấn đề văn hóa, xã hội, tạo tiềm năng phát triển từ vựng tiếng Việt.
  • 2- Mượn chữ Hán để xây dựng nền văn minh Việt; tạo nền tảng chữ viết để làm ra chữ Nôm ghi âm được toàn bộ tiếng Việt, tạo dựng nền văn học bình dân.
  • 3- Thực hiện học và dùng chữ Hán mà không nói tiếng Hán, nhờ đó dân tộc ta không bị văn hóa Hán đồng hóa.

Với những cống hiến như vậy, chữ Hán đọc bằng tiếng Việt, tức chữ Nho xứng đáng được gọi là Chữ ta, Chữ của Việt Nam. Nhà cầm quyền phong kiến Trung Quốc thôn tính nước ta, bắt người Việt học chữ Hán với mưu đồ Hán hóa dân tộc này, ai ngờ do tổ tiên ta khôn khéo áp dụng cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt nên đã làm mưu đồ ấy hoàn toàn thất bại./.


Nguyễn Hải Hoành