Điện Biên Phủ

Tên một đơn vị hành chính cấp phủ (trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh) và địa danh được thành lập từ 1841, thuộc tỉnh Hưng Hóa (nay là tp Điện Biên Phủ, thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên). Nơi đây cũng chính là bãi chiến trường chôn vùi sức mạnh chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam. Ngày 7/5/1954, QĐNDVN đã tiêu diệt và bắt làm tù binh (xem ảnh bên trái) 16.000 quân Pháp và tay sai, bắt sống viên tướng chỉ huy De Castries.

Đánh chắc, thắng chắc

Từng là quyền Chính ủy Trung đoàn sơn pháo 675, trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch này. Trung tướng Nguyễn Đình Ước nhớ lại: “Tháng 2/1954, tại Hội nghị phổ biến kế hoạch đánh Điện Biên Phủ, mọi người đều nhất trí với kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh trong vòng hai ngày, ba đêm. Bởi lẽ, lúc đó, quân Pháp mới có 11 tiểu đoàn, công sự dã chiến, trong khi ta lại có một trung đoàn pháo 105mm và một trung đoàn pháo cao xạ 37mm do Trung Quốc giúp đỡ. Thời điểm tiến công được xác định là ngày 25/3/1954”.

Tuy nhiên, khi chiến dịch sắp mở màn, đồng chí Phạm Kiệt, Cục trưởng Cục Bảo vệ đi kiểm tra và về báo cáo lại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là còn 3 khẩu pháo nữa vẫn chưa được kéo vào trận địa. Trong lúc đó, Pháp tăng quân lên 21 tiểu đoàn tinh nhuệ, với 16 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 bọc thép và xe tăng, 10 máy bay thường trực. Chúng rào dây thép gai, đào hầm ngầm, củng cố công sự.

“Trước đây, đánh từng cứ điểm đã khó, nay phải đánh cả tập đoàn với 39 cứ điểm kiên cố thì quả là ghê gớm. Năm 1952, ta đánh một cứ điểm Nà Sản mà đã hy sinh 300 người”, Trung tướng Nguyễn Đình Ước nói. Ông kể lại: Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất mấy đêm không ngủ và có một quyết định khó khăn nhất trong đời mình. Đại tướng đã đề nghị thay đổi cách đánh, vì đánh nhanh thắng nhanh không đảm bảo thắng lợi. Nhưng nếu đánh kéo dài, lấy gạo đâu ra mà ăn, trong khi địch tăng quân và củng cố cứ điểm như thế? Tuy nhiên, khi đưa ra Đảng ủy Mặt trận thảo luận và phân tích kỹ, mọi người đều nhất trí.

Khi quyết định thay đổi cách đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ: “Anh Vũ, không giải thích, bây giờ tôi ra lệnh cho anh đưa sư đoàn quay trở ra, sang Thượng Lào tìm địch mà đánh. Chưa có gạo thì vận động nhân dân, vừa đi vừa chuẩn bị”. Lúc ấy, Đại đoàn 308 đang bao vây và chỉ chờ lệnh là đánh vào trung tâm. Bây giờ lại bảo quay ra thì gạo đâu. Thế nhưng, Đại Đoàn trưởng Vương Thừa Vũ trả lời: “Thưa Đại tướng, tôi kiên quyết chấp hành mệnh lệnh”. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét đó là tinh thần chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện, không mặc cả, đòi điều kiện với cấp trên bao giờ. Tấm gương như thế thành truyền thống.

Khi Đại đoàn 308 quay ra, Pháp tưởng quân ta bỏ trận địa nên rải truyền đơn khiêu khích, thách Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghênh chiến ở Điện Biên Phủ. Chúng rêu rao rằng Điện Biên Phủ sẽ là cái cối “nghiền thịt” Việt Minh. Chỉ huy pháo binh của địch còn huênh hoang tuyên bố: “Tôi sẽ làm cho pháo binh Việt Minh câm họng tại Điện Biên Phủ”. Nhưng rồi sau đó, viên chỉ huy này phải tự sát vì thất bại trước pháo binh của ta.

Trung Quốc giúp ta đào các giao thông hào thành một trận địa đi dưới lòng đất với chiều dài 600km, gần ôm hết Điện Biên Phủ. Giao thông hào đi vào giữa, cắt đôi sân bay của địch. Quân Pháp không tiếp tế được, mất liên lạc, không chở được thương binh; không thả dù xuống được mà phần lớn dù rơi vào trận địa của ta. Ta càng bao vây chặt, địch thả dù càng mất nhiều.

Bốn “pháp bảo” làm nên chiến thắng

Để chuẩn bị cho một chiến dịch dài ngày, khó khăn lớn nhất của bộ đội ta là phải kéo pháo ra, rồi sau đó làm đường để kéo pháo lên núi, lúc đầu là 31 km, sau lên tới 60km. Để đủ gạo ăn cho bộ đội, đã có sáng kiến phá thác sông Đà để sông thông suốt, giúp các bè chở gạo đến được với quân ta, giúp tiết kiệm sức dân công. Vì một dân công thồ 20 kg gạo đến Điện Biên thì ăn dọc đường đã hết 16 kg.

“Núi cao như thế nhưng vẫn kéo được pháo qua, thác sông Đà hiểm trở vậy nhưng bộ đội vẫn đủ gạo ăn. Hình ảnh anh hùng “bắt sông uốn khúc, bắt núi cúi đầu” ra đời chính trong hoàn cảnh này”, vị tướng già giải thích.

Từ góc độ một nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Đình Ước đưa ra một nhận định có thể khiến không ít người bất ngờ: “Chiến thắng lịch sử Điện Phủ chính là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là chiến thắng đầu tiên trước đế quốc Mỹ. Bởi lẽ, 78% sức mạnh của thực dân Pháp lúc đó là do Mỹ giúp. Ta thắng thực dân Pháp cũng có nghĩa ta thắng luôn cả đế quốc Mỹ. Đó chính là niềm tin, nghị lực để chúng ta đi đến thắng lợi mùa xuân năm 1975”.

Trung tướng Nguyễn Đình Ước nói: "Nếu nói đến Điện Biên Phủ mà không nói đến chiến tranh toàn quốc là thiếu sót. Điều thứ hai là các nước anh em giúp đỡ ta lớn lắm, trong đó phải kể đến Liên Xô, Trung Quốc... Điều thứ ba, tôi muốn nhấn mạnh: Trận Điện Biên Phủ là trận đầu tiên hội nhập toàn cầu, chấn động địa cầu chứ không phải đến bây giờ ta mới hội nhập. Trận Điện Biên Phủ đã đánh sập ý chí kéo dài chiến tranh của thực dân Pháp, và là đòn quyết định làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Qua trận này, thế giới hiểu Việt Nam hơn; phong trào giải phóng dân tộc lên cao hơn, người ta biết về Việt Nam hơn. Đấy là ta đã hội nhập bằng một trận chấn động địa cầu, chứ không phải đến bây giờ mới hội nhập. Sau Điện Biên Phủ, người ta nhắc đến Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ".

Trần Ngọc Trung (ĐV)