King Ngo Quyen

Ngô Quyền (898–944)

Roi Ngo Quyen

Ngô Quyền 吳權 là một vị vua anh hùng của Việt Nam. Năm 938 ngài đã chỉ huy đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, chấm dứt giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc. Mùa xuân năm 939 ngài tự xưng là Ngô vương, lập triều đình riêng và đóng đô ở Cổ Loa (ngày nay thuộc TP Hà Nội).

Tượng Ngô Quyền

Tiểu sử

Ngô Quyền sinh năm 898 trong gia đình của Ngô Mân, một quan mục ở Đường Lâm. Từ giữa thế kỷ 19 nhiều sử gia và dân chúng tin rằng đất đó thuộc Sơn Tây dù chưa đủ bằng chứng [1]. Miền Bắc nước ta thời ấy gọi là Tĩnh Hải quân. Ngô Quyền lớn lên trở thành bộ tướng và con rể của Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Dương Đình Nghệ (931-937), được giao cai quản Ái Châu (Thanh Hóa bây giờ).

Tại miền Nam Trung Hoa, năm 911 Nam Bình Vương của nhà Hậu Lương là Lưu Cung kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải quân, có ý đánh chiếm phương Nam. Được ít lâu Lưu Cung tách ra tự xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đến năm Đinh Sửu (917) đổi quốc hiệu là Nam Hán.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm Quí Mùi (923) [2] Lưu Cung sai tướng Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ (khi đó làm Tiết độ sứ của nhà Hậu Lương tại Tĩnh Hải quân và không thần phục nhà Nam Hán). Lưu Cung cho Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính đóng tại thành Đại La để giữ xứ này.

Năm Tân Mão (931) Dương Đình Nghệ vốn là tướng cũ của Tiết độ sứ Khúc Hạo (trị vì 907-917, cha của Khúc Thừa Mỹ) nổi lên đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản giết hại và cướp quyền.

Năm 938 Ngô Quyền từ Ái Châu tiến binh ra Bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Sau đó ngài chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng, đánh bại quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy, giết chết Hoằng Tháo. Mùa xuân năm 939 ngài tự xưng là Ngô vương, lập triều đình riêng và đóng đô ở Cổ Loa (thuộc TP Hà Nội ngày nay).

Năm 944 ngài mất, thọ 47 tuổi, ở ngôi vua được 5 năm, sử sách ghi danh là Tiền Ngô vương. Theo cách viết trong cuốn Thiền Uyển tập anh, nhiều người về sau còn gọi ngài là Ngô Thuận Đế để tôn vinh, mặc dù đương thời ngài chưa từng xưng đế.

Lăng Ngô Quyền

Nhận định

Các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam thời phong kiến như Lê Văn Hưu (tác giả Đại Việt sử ký), Phan Phu Tiên (tác giả Đại Việt sử ký tục biên) và Ngô Sĩ Liên đều đánh giá rất cao công trạng của Ngô Quyền. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 5, tác giả Ngô Sĩ Liên đã chép lại lời bình của Lê Văn Hưu về ngài như sau:

"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được."

Thời kỳ hỗn loạn "Ngũ đại Thập quốc" [3] kéo dài hơn nửa thế kỷ (907-960) là cơ hội lớn cho Tĩnh Hải quân thoát khỏi tay phong kiến Trung nguyên. Phương Bắc bị chia năm xẻ bảy, không đủ sức mạnh duy trì một cuộc chiến tranh tổng lực với phương Nam. Trước Ngô Quyền, dù cho các chính quyền thực tế của họ Khúc và Dương Đình Nghệ đã xây dựng nền tự chủ nhưng trên danh nghĩa thì Tiết độ sứ vẫn hàm ý là một chức quan cai trị phiên trấn của phương Bắc, và dù cho Tĩnh Hải quân không thuộc về Nam Hán liền kề nhưng trên danh nghĩa vẫn nằm trong tay các triều đình "Ngũ đại" ở Trung nguyên.

Thất bại lần thứ hai khiến Nam Hán phải bỏ hẳn ý định xâm chiếm Tĩnh Hải quân. Sau trận Bạch Đằng, Ngô Quyền tự mình xưng vương, mở ra một triều đại mới có đủ mọi quan chức triều đình, chính thức xác lập nền độc lập. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nước ta, cho nên sau này các nhà sử học vẫn gọi ngài là "ông tổ phục hưng" sự độc lập tự chủ của Việt Nam.

BTV Đông Tỉnh NCCong

[1Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên ‘xã Đường Lâm’ tại Sơn Tây chỉ xuất hiện từ ngày 21-11-1964.

[2Nhiều sách khác cho là năm 930.

[3Từ cuối thời Đường đến đầu thời Tống có đến 10 quốc hiệu gọi là Thập quốc và ờ Trung nguyên có 5 triều đại liên tiếp thay nhau gọi là Ngũ đại: Hậu Lương 907-923, Hậu Đường 923-936, Hậu Tấn 936-947, Hậu Hán 947-950, Hậu Chu 950-960.