Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Lý Thái Tổ (974-1028)

Lý Thái Tổ (974-1028)

Chủ Nhật 28, Tháng Giêng 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

Ảnh: bàn thờ Lý Thái Tổ, Miếu hiệu của vị vua khai sáng nhà Lý (1009-1225) và thành Thăng Long.

Vua sinh năm 974 (Giáp Tuất), người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông tên thật là Lý Công Uẩn, cha là ai không biết. Lên 3 tuổi ông được nhận làm con nuôi của sư Lý Khánh Văn. Sau theo học với sư Vạn Hạnh, tỏ rõ thông minh khác người, có tài văn võ. Đại Việt sử ký toàn thư chép thái độ của Lý Công Uẩn sau khi được sư Vạn Hạnh nói về sấm truyền họ Lý sẽ làm vua như sau:

"Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh em đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Song từ đấy cũng lấy thế tự phụ, mới nảy lòng ngấp nghé ngôi vua".

Ảnh: tượng Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh và Hà Nội

Đến tuổi trưởng thành Lý Công Uẩn làm quan lên chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ của nhà Tiền Lê. Khi nhà Tiền Lê suy vi do Lê Long Đĩnh mất sớm, các đại thần bèn phò ông thay ngôi vua, lấy hiệu là Thuận Thiên.

Cái chết của Lê Long Đĩnh đã nêu ra một nghi vấn. Các sử gia viết Lê Long Đĩnh chết trong cung do sống trác táng. Riêng trong Đại Việt sử ký tiền biên, trang 185, Ngô Thì Sĩ viết như sau:

"Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương (Lê Long Đĩnh), nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó, nên sử không được chép."

Vua lên ngôi, thấy thế cuộc Kinh đô Hoa Lư chật hẹp, năm sau, 1010, xuống Chiếu cho dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (sau đổi tên là Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay), gần quê nhà. Vua sửa sang chính trị, trọng dụng người tài, đãi trọng tăng sĩ, xây dựng nhiều chùa chiền và đúc tượng thờ Phật, năm 1018 cho người đi thỉnh kinh Đại Tạng; đạo Phật dưới thời ông là Quốc giáo. Lý Thái Tổ tỏ rõ một vị minh quân ưu tú.

Vua mất ngày 31/3/1028 (Mậu Thìn), hưởng thọ 54 tuổi, ở ngôi được 19 năm. Ông còn để lại các tác phẩm chính: Thiên Đô Chiếu [1], Hoàng triều ngọc văn, Tức sự.

Chiếu dời đô

Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh [2] năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương [3] cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại [4] theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây [5] khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời.

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương [6] ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào ?

(Bản dịch Nguyễn Đức Vân)


Xem online : Việt Nam niên biểu


[1Tức Chiếu dời Đô có bản dịch kèm đây. Phiên âm nguyên văn:

Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phu. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tín hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.

Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà ?

[2Bàn Canh: vua thứ 17 nhà Thương, thời cổ Trung hoa, cùng các vua trước đã năm lần dời đô từ đất Bặc (Thương Khâu, Hà Nam) sang đất Hiêu (Huỳnh Trạch, Hà Nam), đất Tương (An Dương, Hà Nam), đất Cảnh (Hà Tân, Sơn Tây), đất Hình (Hình Đài, Hà Bắc), rồi đất Ân (Yển Sư, Hà Nam).

[3Thành Vương: vua thứ 3 nhà Chu, triều đại thay nhà Thương. Chu Văn Vương dựng nghiệp ở đất Kỳ (Thiểm Tây), Chu Vũ Vương dời đô đến Trường Yên (cũng Thiểm Tây), và Chu Thành Vương lại dời đô sang Lạc Ấp (Hà Nam). Như vậy chỉ có hai lần dời đô !

[4Tam Đại: tên chung chỉ ba triều đại cổ ở Trung Quốc. Nhà Hạ do Vũ sáng lập, nhà Thương do Thành Thang dựng lên, và nhà Chu do Chu Văn Vương khởi thủy.

[5tức Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập và nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập. Lúc Lý Công Uẩn mới lên ngôi, kinh đô của nhà Lý vẫn còn ở đó.

[6Cao Vương: quan nhà Đường là Cao Biền, tên tự Thiên Lý, làm đô hộ sứ châu Giao từ 864 đến 875, xây thành Đại La khoảng năm 866. Tương truyền Cao Biền giỏi địa lý, tướng số, có tài ủ đậu thành binh và biết trấn yểm các long mạch.