MARGUERITE DURAS (1914-1996)

Nguyễn Hải Hoành

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả của hơn 60 tác phẩm, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant) xuất bản năm bà 70 tuổi, đoạt giải Goncourt 1984 và đã được dựng thành phim.

Marguerite Duras sinh ngày 4/4/1914 tại Gia Định, cha mẹ đều là giáo viên dạy tiểu học ở miền Nam Việt Nam. Tên khai sinh là Marguerite Donnadieu, khi bắt đầu viết văn (1943) bà lấy tên là Duras – một địa danh ngoại ô Paris, nơi cha bà dưỡng bệnh những ngày cuối đời rồi chết (1918).

Mẹ Duras là bà Marie Legrand khi ấy đã dùng toàn bộ tiền dành dụm tậu một khu đất tại Cam-pu-chia định lập đồn điền kinh doanh. Về sau bà mới biết mình đã nhầm vì mảnh đất này hàng năm bị ngập nước 6 tháng liền. Phá sản, cuộc sống gia đình khó khăn hơn bao giờ hết – kết cục bi thảm ấy đã ảnh hưởng đến Marie và các con.

Gia đình bà hiệu trưởng Marie Donnadieu và bé gái Marguerite

Sau 17 năm ở Việt Nam, Duras về Paris đi học rồi tốt nghiệp khoa luật và chính trị trường đại học Sorbon. Từ năm 1935 đến 1941 bà làm thư ký cho Bộ Thuộc địa Pháp. Tại đây bà quen rồi lấy ông Rober Antelme (năm 1939), người quản lý Phòng Tư liệu tình báo thuộc địa. Tám năm sau họ ly dị.

Thực ra thì từ năm 1942, Duras đã đi lại với bạn chồng là ông Dionys Mascolo. Ba năm sau hai vợ chồng bà cùng Dionys gia nhập đảng Cộng sản Pháp, nhưng về sau cả ba đều bị khai trừ đảng. Có người nói đó là vì Duras “sống chung với hai người đàn ông”, có người nói vì vấn đề chính trị. Dionys hiện còn khỏe mạnh. Ông nói: “Trong thời gian sống với chồng, Marguerite có một vài tình nhân, còn ông Robert cũng đi lại với mấy phụ nữ khác; cho nên tôi đâu có lừa dối gì ông ấy.”

Duras bắt đầu viết văn từ năm 1943, với tiểu thuyết đầu tay “Lũ trâng tráo”. Cuốn “Đập chắn Thái Bình Dương” (1950) phản ánh cuộc sống nghèo khổ thời thơ ấu của bà ở Việt Nam. Nhiều tiểu thuyết khác lấy đề tài là thực tế xã hội Đông Dương. “Thủy thủ từ Gibraltar” (1952) và các tác phẩm khác của bà chứa nhiều hình ảnh và đối thoại, về sau đều được cải biên thành kịch bản phim. Duras được coi là nhà văn trường phái tiểu thuyết mới, vì trong các tiểu thuyết như “Con ngựa nhỏ Tarquinia” (1953), “Giai điệu êm dịu (Moderato Cantabile)” (1958), … bà đã mạnh dạn bỏ lối văn kể chuyện truyền thống mà hòa trộn hiện thực với hư cấu làm một. Tác phẩm của bà thường phản ánh sự đối lập giữa giàu với nghèo, nói lên các khát vọng của con người.

Duras gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực kịch bản sân khấu và điện ảnh, từng xuất bản 3 kịch bản vào các năm 1965, 1968, 1984, và được tặng giải thưởng lớn về sân khấu của Viện Hàn lâm Pháp. Các kịch bản điện ảnh xuất sắc như “Mối tình Hiroshima” (1960), “Biệt ly” (1961) đem lại cho bà tiếng vang lớn. Từ 1965, bà tự đạo diễn làm phim. Từ phim “Bài ca Ấn Độ” (1974) trở đi, năm nào bà cũng dàn dựng 1-2 bộ phim, một số phim từng được giải thưởng lớn quốc tế.

Tổng cộng Duras đã sáng tác được hơn 60 tác phẩm, nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Người tình” (L’Amant) xuất bản năm bà 70 tuổi. Cuốn sách nửa tự truyện này kể lại một cách vô cùng cởi mở hồi ức của Duras về mối tình đầu giữa một thiếu nữ Pháp 16 tuổi với một người đàn ông Trung Quốc khi họ cùng sống ở Nam Việt Nam. “L’Amant” nhanh chóng được dịch ra 43 ngôn ngữ, là sách tiếng Pháp bán chạy nhất năm đó (phát hành hơn 2,5 triệu bản) và được tặng giải văn học Goncourt 1984. Duras trở thành nhà văn viết tiếng Pháp nổi tiếng nhất đương thời.

Nghe nói sau khi được tin người bạn trai đầu tiên của mình qua đời, năm 1991 bà đã viết lại “Người tình” dưới cái tên mới “Người tình phương Bắc Trung Quốc” (L’Amant de la Chine du Nord), với ngòi bút tả thật khiến bạn đọc vô cùng ngạc nhiên. So với “Người tình” thì thiên truyện viết lại này mô tả rất chi tiết về mặt sinh lý của ông bạn người Hoa. Các đoạn đặc tả về hành vi loạn luân, luyến ái đồng tính trần trụi tới mức kinh khủng. Có điều, suốt cuốn tiểu thuyết chưa bao giờ bà để lộ họ tên các nhân vật chính, chỉ dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba chỉ nhân vật nữ, và dùng “người Hoa” để chỉ tình nhân của mình. Có lẽ bà muốn mãi mãi giấu bí mật này.

Một người Ý là Angelo Morino đã vén lên bức màn bí ẩn ấy: nhân vật người tình trong “L’Amant” thực ra không phải là bạn trai của Duras, mà là tình nhân của mẹ bà ! Trong mấy năm người chồng của Marie Legrand dưỡng bệnh ở Pháp rồi qua đời, thì bà Marie sống tại Gia Định đã quan hệ với một người Hoa. Mối tình ngang trái ấy đưa đến sự ra đời hai chị em: Duras và cậu em trai Paul. Sau này, khi trưởng thành, hai chị em ấy lại quan hệ loạn luân với nhau. Chứng cớ có sức thuyết phục nhất do Morino đưa ra là khi về già, Duras càng ngày càng có nét mặt của một người Âu lai Á, tức giống nhân vật chính người Hoa trong “L’Amant”. Theo Morino, chính mẹ Duras đã bắt cô con gái 16 tuổi của bà bán trinh cho người tình nhiều tuổi của bà để lấy tiền làm lộ phí đưa bốn mẹ con trở về Pháp !

Nhưng một nhân vật từng nghiên cứu kỹ hồ sơ cá nhân của Duras là ông Adlai lại nói mẹ Duras làm việc ấy là để lấy tiền mua ma túy cho người con trai cả của bà ! Có thể nhận thấy sự thật đau lòng này qua những dòng viết trong “L’Amant”, cũng như các bức ảnh và cuốn phim của Duras. Từ đó người ta hiểu được tại sao Duras lại thân thiết với em trai mình như thế, thậm chí tới mức có hành vi loạn luân với nhau; trong khi đó cả hai chị em lại vô cùng căm ghét người anh cả cùng mẹ khác cha của họ. Với việc viết lại “Người tình”, Duras muốn trả thù mẹ mình. Qua đây ta thấy Marguerite Duras có cuộc sống nội tâm vô cùng cô đơn. Để giải sầu, mỗi ngày bà uống tới 5 lít vang đỏ, uyt-ki cùng các loại rượu mạnh khác, nhiều lần rượu làm bà hôn mê và liệt chân tay. Quãng đời thơ ấu buồn thảm và việc bà mẹ bắt mình bán trinh khiến Duras luôn luôn cảm thấy mình bị kẻ khác bóc lột và lừa dối. Suốt đời bà so bì tị nạnh từng tý một, tằn tiện đến mức khó hiểu, kể cả khi đã giàu có.

Cuối thập niên 50, Duras dùng tiền thù lao cải biên thành phim tiểu thuyết “Đập chắn Thái Bình Dương” tậu một tòa nhà cũ tại ngoại ô Paris rồi ở đây cho tới ngày qua đời (3/3/1996). Mấy năm cuối, bà sống chung với Andrea, một người đàn ông kém bà 39 tuổi. Ông này biến mất ngay sau tang lễ Duras. Tòa nhà ấy hiện do con trai bà là Jean sở hữu, nhưng vẫn giữ nguyên trạng như khi Duras còn sống.

Sau khi Duras qua đời, nhiều tác phẩm của bà vẫn tiếp tục được xuất bản. Những tập bản thảo, thư tín và tài liệu, cùng hàng trăm ấn bản tiếng nước ngoài tác phẩm của bà xếp đầy trong phòng khách, phòng ăn. Các phát biểu của bà trên đài phát thanh truyền hình qua chỉnh lý được ghi vào đĩa CD dài tới 5 giờ đồng hồ.

Jean là con trai duy nhất của Duras, hai mẹ con cùng sống bên nhau 49 năm, tình cảm rất sâu sắc. Jean nói, mẹ ông để lại cho ông một tài sản quan trọng nhất, đó là tính cách không chịu khuất phục; bà đã dạy con lòng yêu tự do, không bao giờ để mất niềm tin. Đúng thế, không ai có thể làm Duras thay đổi ý kiến. Trong suốt 20 năm liền từ khi bà bắt đầu sáng tác văn học (1943), chưa ai coi bà là nhà văn, mỗi tác phẩm của Duras chỉ được in vài trăm bản. Thế nhưng bà chưa bao giờ ngừng sáng tác, ngày nào cũng viết chừng 4-5 giờ đồng hồ, coi đó là một sở thích. Mãi 40 năm sau, khi cuốn “Người tình” nhận giải Goncourt, bà mới trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Pháp và thế giới.

Có nhiều tiền nhưng Duras vẫn tằn tiện. Có người chê bà bần tiện gàn dở, chỉ vì tiền mà viết đi viết lại một đề tài. Bà mặc rất giản dị: quanh năm vận một chiếc váy ống, đội mũ đen, đi đôi ủng ngắn mùa đông ! Có bộ quần áo bà mặc suốt 15 năm trời. Duras phân vua: “Thực ra chẳng cần khoác lên người những thứ quần áo đẹp làm gì, vì tôi suốt ngày chỉ vùi đầu vào viết lách thôi mà”. Thủa trẻ bà rất đẹp, nhưng sắc đẹp ấy bị nghèo túng làm cho xấu đi, về sau lại bị rượu giết chết.

Suốt đời Duras sống trong hồi ức, hoài niệm; khi ấy mọi thứ của quá khứ đều sống động như nước chảy trong dòng sông. Nhưng những hồi ức đẹp nhất thì bà lại chưa hề viết ra !

Nguyễn Hải Hoành