Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Lý Thường Kiệt (1019-1105)
Lý Thường Kiệt (1019-1105)
Thứ Tư 10, Tháng Giêng 2007
Lý Thường Kiệt văn võ song toàn và được trên dưới tín phục. Ông là vị tướng đánh Tống, bình Chiêm, có công rất lớn trong việc xây dựng đất nước.
Ông sinh năm 1019, vốn họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban họ vua thành Lý Thường Kiệt; năm 23 tuổi đã được bổ làm Hoàng Môn Chi Hậu, sau thăng đến chức Thái Úy. Làm đại thần suốt ba triều vua Lý (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông: 1028 – 1128). Lý Nhân Tông từng ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ (em nuôi vua) nhưng phải hoạn để được vào cung cấm.
Theo sử cũ thì ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Còn theo bài văn khắc trên quả chuông chùa Bắc Biên gần Hà Nội và cuốn Tây Hồ Chí thì ông người làng An Xá cũ (nay là Đại Yên), thuộc huyện Quảng Đức ở phía Nam Hồ Tây, Thái Hòa chỉ là nơi ở sau khi đã giữ chức vụ trọng yếu trong triều.
Năm 1070 ông đã cắm mốc biên giới và sai vẽ địa đồ nước Nam lần đầu tiên ở phía Bắc sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị.
Từ 1069 tể tướng mới của Tống Thần Tông là Vương An Thạch đã chuẩn bị chiếm Đại Việt theo kế "đánh lấy nước yếu để dọa nước mạnh". Năm 1075, Từ Bá Tường ở Quảng Tây gửi mật thư cho vua Lý nói rằng: "Tống sửa soạn đánh Giao chỉ. Theo binh pháp: Trước khi người có bụng cướp mình chi bằng mình đánh trước. Lúc nào quân đại vương vào đánh, Bá Tường này xin làm nội ứng". Ngày 27-10 Lý Thường Kiệt đem quân tấn công Ung châu, Khâm châu và Liêm châu, diệt tan mưu giặc ngay trong trứng. Vương An Thạch phải từ chức.
Sử cũ viết:
"Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, việc đã lâu rồi, sau này vua Ngô Quyền đánh ở Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tông đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung, Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tàu không dám coi thường chúng ta nữa…
Đến như thư từ của nước ta đưa cho Trung Hoa chỉ dùng có hai tấm ván sơn đen, liệt tên vài vị đại thần dùng ấn tín Trung thư môn hạ mà đóng vào, thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm".
Ngày 9-3-1076 vua Tống cử Quách Quỳ làm An Nam đạo hành doanh mã bộ quân tổng quản chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, cầm quân mưu thôn tính Đại Việt. Tống Thần Tông còn xuống chiếu dặn rằng: "Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt châu huyện như nội địa", mặt khác sai sứ qua Chiêm Thành, Chân Lạp xúi giục các nước này đánh biên thùy phía Nam nước ta. Tháng 8 thủy lục quân Tống vượt biên giới, rồi giặc dần chiếm được Vĩnh An (Móng Cái), Quảng Nguyên (Cao Bằng), Quang Lang, Môn Châu, Tô Mậu, Tư Lang. Tháng 1-1077 Lý Thường Kiệt chỉ huy đánh chặn giặc trên suốt dọc phòng tuyến sông Cầu. Tương truyền, hàng đêm ông sai người tâm phúc lẻn vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát nằm trong trận địa bên sông Như Nguyệt (tức khúc sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong, lộ Bắc Giang) đọc vang bài thơ sau:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bài thơ có lẽ là một bản "Tuyên ngôn" của dân tộc Việt Nam được ghi lại lần đầu tiên thành văn. Dù chưa biết đích xác tác giả bài Thơ Thần, song đến nay lịch sử vẫn công nhận ông là người đã dùng bài thơ làm vũ khí tuyên truyền chống ngoại xâm thành công.
Tháng 3-1077 quân ta vượt sông đánh quân Tống đại bại rồi mở đường giảng hòa để giặc giữ thể diện lui về nước ngay, chỉ còn giữ châu Quảng Nguyên (đến tháng 11-1079 cũng phải giao trả nốt). Từ đó về sau, trong khoảng 200 năm, TQ không dám đụng đến đất nước ta.
Ông mất tháng sáu năm Ất Dậu (tức trong khoảng từ 13-7 đến 11-8-1105), thọ 86 tuổi, được truy tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt Quốc Công. Nhiều nơi đã lập đền thờ, dựng bia ghi công lao của ông, tiêu biểu nhất là bài văn bia chùa Linh Xứng ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá:
Lý công nước Việt
Noi dấu tiền nhân.
Cầm quân tất thắng,
Trị nước yên dân.
Danh lừng Trung Hạ,
Tiếng nức xa gần.
Vun trồng phúc đức,
Đạo Phật sùng tin.
Tác phẩm của ông hiện chỉ còn một bài thơ thất tuyệt, một bài Lộ Bố Văn (thông cáo sau khi chiếm Ung Châu), và một lời cầu xin vua cho cầm quân đi đánh Lý Giác.
Tham khảo: Việt Điện U Linh (Lý Tế Xuyên), Lý Thường Kiệt (Hoàng Xuân Hãn), Lịch Sử Việt Nam tập I (Viện KHXH)
Xem online : Việt Nam niên biểu