Nghệ thuật hạ màn

Đời người có thể ví như một vở kịch, diễn mãi rồi cũng có lúc phải hạ màn - vì có ai tránh được cái chết đâu ! Hạ màn là cả một nghệ thuật. Khi ấy lời trăn trối cuối cùng trước lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ là “đài từ” (lời diễn trên sân khấu) phút hạ màn. Dĩ nhiên, “đài từ” có thể là một giai điệu nhạc, như đoạn kết của phim Titanic, hoặc đơn giản là cái phẩy tay, ngáp dài …

Octavio Paz người Mexico đoạt giải Nobel văn học 1990 có một danh ngôn: “Cái chết thắp sáng cuộc sống.” Ông nói: “Hãy cho tôi biết bạn sẽ chết ra sao, thì tôi sẽ có thể nói cho bạn biết bạn từng là một người như thế nào.” Nhà tư tưởng Pháp Michel Eyquem de Montaigne (1533-1592) diễn tả một cách cực đoan hơn: “Học triết học là học cách chết.” Mạnh Tử nói : “Tử sinh diệc đại hĩ !” (Sống chết cũng là việc lớn vậy !) Đúng thế, sự hạ màn của một người thể hiện một cách đầy đủ nhất “diễn xuất” của người đó. Cũng vậy, lời trăn trối “đài từ” có thể khái quát một cách cô đọng nhất tâm nguyện suốt đời của một con người.

“Người sắp chết bao giờ cũng nói điều thiện”. Nội dung lời hạ màn sẽ được thiên hạ dùng để đánh giá người ra đi. “Cái quan luận định” (người chết rồi mới có thể nhận định về công tội của người đó) thường được coi là sự đánh giá đúng về con người. Như vậy câu hạ màn là lời quan trọng nhất trước khi đi vào bóng tối vĩnh cửu.

François Rabelais (1483-1533), giáo sĩ kiêm thày thuốc kiêm nhà văn nổi tiếng người Pháp mỉm cười thốt ra câu đài từ cuối cùng của ông: “Hạ màn thôi, vở kịch này đã đến hồi kết rồi !” Cuộc đời ông thật lận đận : bị giáo hội chê trách vì phạm giới luật, bị bỏ tù vì dám làm phẫu thuật cho bệnh nhân, tác phẩm lớn của ông “Truyện người khổng lồ Pantagruel” bị vùi dập do phạm lỗi ngữ pháp.

Triết gia người Anh Thomas Hobbes (1583-1679) khi từ trần nói: “Bây giờ tôi làm chuyến du lịch cuối cùng - đi vào bóng tối.”

Nhà văn Anh Gilbert Keith Chesterton (1874-1936) khi hấp hối phát hiện: “Chuyện này rất đơn giản, không sáng thì tức là tối, ai cũng phải quyết định mình sẽ đứng về phía nào.”

Nhà văn Mỹ O.Henry (1862-1910) “hạ màn” với câu nói: “Xin hãy bật đèn lên. Tôi không muốn ra đi trong bóng tối.” Có lẽ đây là câu đài từ chung của những ai thích hướng về nơi sáng sủa.

Rudolph Valentino (1895-1926), huyền thoại diễn viên phim câm người Mỹ trước khi chết nói với thày thuốc: “Làm ơn kéo rèm cửa lên. Tôi muốn cảm nhận ánh mặt trời.” Hôm đưa tang ông, cả trăm ngàn người hâm mộ đứng chật kín đường phố New York để được chiêm ngưỡng ông lần cuối cùng.

Có người còn sống sờ sờ ra đấy mà đã biểu diễn cảnh hấp hối, thậm chí cảnh sau khi chết. “Tôi rất thích nói khi đã nằm trong quan tài.” Nhà văn Pháp Chateaubriand (1768-1848) lúc sức lực sung mãn nhất đã bắt đầu biểu diễn bằng “Lời người nằm dưới mồ”. Đoạn kết cuốn tiểu thuyết ấy có câu: “Tôi viết những dòng cuối cùng này vào ngày 16 tháng 11 năm 1841. Cửa sổ vẫn mở. Bây giờ là 6 giờ sáng. Tôi nhìn thấy vầng trăng nhợt nhạt to tướng đang tỏa ánh sáng xuống cái nóc nhọn của tòa nhà Invalides [1]. Cái nóc nhọn ấy lúc ẩn lúc hiện tựa như thế giới cũ đang kết thúc, thế giới mới đang bắt đầu. Tôi nhìn thấy vầng sáng phản chiếu của ánh nắng ban mai song tôi không còn nhìn thấy mặt trời nhô lên nữa. Điều tôi còn có thể làm bây giờ là ngồi xuống bên huyệt mộ của mình rồi dũng cảm nhảy vào đấy, tay cầm thánh giá đi tới cõi vĩnh hằng.”

Nhà thiên văn người Ý Giordano Bruno (1548-1600) bị tòa án giáo hội kết án rồi đem thiêu sống trên quảng trường thành La mã. Nhìn đống lửa cháy đùng đùng, ông ung dung nói: “Tôi hy sinh vì niềm tin của mình. Linh hồn tôi sẽ theo làn khói bay lên thiên đường.”

Hạ màn không có gì đáng sợ cả. Chính vì thế mà nhà phát minh đại tài Thomas Alva Edison (1847-1931) khi hấp hối đã nhìn về phía xa với ánh mắt vui vẻ và nói: “Ôi, đằng kia đẹp quá !”

10 giờ sáng ngày 2 tháng 7 năm 1778, nhà tư tưởng lớn người Pháp Jean Jacques Rousseau cảm thấy đại hạn của mình đã tới. Ông bảo vợ: “Đứng quá đau buồn, em ạ. Hãy nhìn kìa, bầu trời trong sáng biết bao. Thôi nhé, bây giờ anh đi tới nơi ấy đây …” Nói đoạn ông không bao giờ tỉnh lại nữa.

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Cù Thu Bạch (1899-1935) trên đường ra pháp trường khẽ hát Quốc tế ca và hô “Chủ nghĩa cộng sản muôn năm !” Viên sĩ quan Quốc dân đảng Tưởng Tiên Khải trước từng học ở Liên Xô, hôm ấy làm nhiệm vụ giám sát cuộc hành hình, kể lại đã nghe thấy Cù Thu Bạch hát bằng tiếng Nga “In-ter-na-ti-o-nal … sẽ là xã hội tương lai”. Năm ấy ông Cù mới 36 tuổi !

Nghe nói nhà thơ Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) có 3 kịch bản đài từ khi hạ màn, trong đó có lẽ chỉ có thể tin được câu : “Ánh sáng …Hãy thêm một chút ánh sáng nữa đi !” Câu này rất có phong cách Goethe, cho nên được hậu thế coi là di ngôn lúc lâm chung của ông. Về sau có người chứng minh đấy chưa phải là câu nói cuối cùng của Goethe. Khi hấp hối, ông nắm chặt tay cô con dâu và khẽ nói: “Con của ta, hãy để ta cầm bàn tay bé nhỏ mềm mại của con nhé !” 11 giờ 30 phút sáng hôm ấy Goethe buông bàn tay con dâu, đi về cõi vĩnh hằng. Có lẽ ông coi bàn tay nho nhỏ ấy là ánh sáng trong lòng thi sĩ. Tám năm trước, Goethe từng nói với Eckermann khi hai người ngắm cảnh mặt trời lặn: “Sự sống cũng như vầng mặt trời, chúng ta tưởng là đã lặn mất rồi, nhưng thực ra nó không mất đi mà vẫn đang tiếp tục tỏa sáng.”

Đúng vậy, chỉ có sự hạ màn đã nghệ thuật hóa mới có thể đi vào cõi vĩnh hằng mà vẫn chinh phục được bóng tối. Khi đài từ của ta có chiều sâu và bề dày bề nặng của sự hạ màn thì đài từ của vở kịch sẽ trở thành những câu thơ. Khi ấy quỹ tích của nghệ thuật sân khấu trùng hợp một cách thần kỳ với quỹ tích của đời người.

Nguyên Hải phỏng dịch theo bài của Tống Lập Dân, báo “Hý kịch văn học” Trung Quốc (các ghi chú trong ngoặc đơn là của người dịch)

[1"Viện chăm sóc người tàn phế", sau là nơi chôn cất Hoàng đế Pháp Napoléon (chú thích BBT)