Lý Nam Đế (503-548)

Miếu hiệu của Lý Bôn, anh hùng dân tộc, còn có tên Lý Bí, Lý Phần, quê gốc ở ấp Thái Bình (có nhiều sách ghi là tỉnh Thái Bình), thuộc châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc xưa, nay là xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.Ảnh: Phố Lý Nam Đế ở Hà NộiÔng sinh năm Quý Mùi từ một gia đình khá giả, cha là Lý Toàn làm trưởng bộ lạc trong vùng. Ông có tài văn võ, làm quan thời nhà Lương đô hộ nước ta, được ít lâu thấy cảnh tàn bạo của kẻ xâm lược, ông từ quan về quê nuôi chí đánh đuổi giặc. Nhân tên Thứ sử Giao Châu quá ác, ông liền dấy binh đánh đuổi quân nhà Lương, giành lại đất đai giải phóng lãnh thổ, đóng đô ở Long Biên, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức. Năm sau tiến đánh Lâm ấp, chiêu an dân chúng. Dưới triều của ông có nhiều người tài như Tinh Thiều, Triệu Túc coi chính trị, Lý Đại Quyền, Lý Phổ Đỉnh, Triệu Quang Phục coi việc quân sự. Sau trận đại bại, nhà Lương lại sai tướng Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang xâm lược. Ông cùng các tướng chiến đấu gan dạ, nhưng quân Lương quá mạnh nên ông phải rút chạy lên Hưng Hóa. ít lâu sau, ông mắc bệnh rồi mất trong doanh trại ở động Khuất Liêu vào năm Mậu Thìn (548). Lý Nam Đế là người lập nên nhà Tiền Lý, là ông vua Việt Nam đầu tiên "xưng đế" đối diện với phương Bắc, là người đầu tiên xây dựng cung Vạn Thọ làm nơi triều hội. Tại ấp Thái Hà xưa, nay vẫn còn những dấu tích như: gò Bút, gò Nghiên, núi Chương, núi Chùa, bãi Quần Ngựa là nơi luyện quân của ông. Ngôi đền thờ ông ở làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Tây) hiện lưu giữ nhiều tư liệu Hán - Nôm cho biết chính ông đã chọn ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (10/4/542) là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.