Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Tư duy > Huyền thoại > An dân hưng quốc với Kim Định

An dân hưng quốc với Kim Định

Hà Văn Thùy

Thứ Hai 6, Tháng Tám 2007

I. THỬ ĐÁNH GIÁ SỰ NGHIỆP KIM ĐỊNH.

Đến nay, Kim Định cùng học trò của ông đã cho xuất bản 42 tác phẩm do ông sáng tác, ước chừng 8000 trang in. Đấy quả là cả một rừng chữ. Không viết theo lối hàn lâm, Kim Định có cách viết riêng của mình. Ông viết trên những mảnh giấy ¼ khổ A4, dùng làm bài giảng cho sinh viên, sau đó cho in thành sách. Do cách viết như vậy mà những ý tưởng của ông thường không giải quyết dứt điểm ở từng tác phẩm mà như dòng chảy, chúng xuất hiện hết cuốn này sang cuốn khác với độ đậm nhạt khác nhau, ngày càng sáng rõ hơn. Cách viết này lại được thể hiện bằng văn phong ông già kể chuyện xưa khi uyên bác, lúc bình dân điểm xuyết bằng những dòng trửng giỡn giầu chất uy-mua. Vì vậy đọc sách của ông, người đọc không cảm thấy cái nặng nề thường có ở sách khảo cứu mà bị cuốn theo cách kể chuyện rất có duyên của một bậc thầy. Nhưng cũng do cách viết này, người đọc không dễ gì lĩnh hội ngay một lúc ý tưởng của ông. Có lẽ ông cũng muốn vậy, muốn sách của mình không phải một thức ăn nhanh mà chỉ có thể tiêu hóa từ từ, như mưa dầm thấm lâu, qua từng trang sách, qua từng ngày tháng, qua sự trải nghiệm cuộc đời.

Tôi biết đến Kim Định khá muộn. Nhưng Việt lý tố nguyên của ông đã gây ra nơi tôi cơn chấn động, một cú sốc trí tuệ chưa từng có. Đó là cú sốc hạnh phúc: dưới chân tôi bao tạp niệm sụp đổ, trên đó bay vút lên con chim Lạc kỳ vĩ dang rộng đôi cánh Việt Nho và An Vi.

Có lẽ phải đến một tuần lễ tôi ngất ngư trong trạng thái say sóng: bâng khuâng chia tay những tín điều xưa cũ từng là “của quý” trong mớ hành trang trí tuệ nghèo nàn của mình đồng thời chênh vênh tiếp nhận tri thức mới. Có quá nhiều điều tôi chưa hiểu và cũng không ít lý giải của ông chưa đủ thuyết phục… Nhưng tôi nhận ra ông là một thiên tài dũng cảm đơn thương độc mã xung trận đòi lại cho tộc Việt nền văn hóa vĩ đại bị chiếm đoạt. Giữa mê hồn trận những Khổng giáo, Nho giáo, Hán nho, Tống, Minh, Thanh nho… ông lọc ra Việt Nho cội nguồn nhân chi sơ của Á Đông! Hai tiếng Việt Nho làm bừng tỉnh tâm trí tôi một sự giác ngộ: Từ xa xưa chúng ta có nền văn hóa Việt thuần khiết đầy trí tuệ và nhân bản…Tôi đã run rẩy sung sướng như kẻ lạc loài tìm lại được căn nhà xưa ấm êm và vững chãi của tiên tổ và tin rằng dân tộc ta không phải phường trôi sông lạc chợ mà có căn cơ, có một nền văn hóa đáng để học, đề thờ… Chính nhờ thấm đẫm văn hóa Việt với Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh mà giữa hai bờ cực đoan hữu vi và vô vi, ông tìm ra bản chất An Vi của Đạo Việt.

Ngoài hai phát kiến lớn là Việt Nho và An Vi, Kim Định còn có công dạy cho chúng ta biết thực sự thế nào là triết học. Từ đó giúp chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng giam hãm của thói sùng bái triết Tây vô hướng vô hồn. Ông giúp chúng ta nhìn về một Đạo trường chung cho Đông Nam Á, tìm lại cái nôi văn hóa tâm linh của dòng giống. Và hơn hết, ông giúp ta nhận lại cội nguồn để từ đó có niềm tự hào chính đáng về nguồn cội, để mà yêu nước mình, yêu dân tộc mình, để mà vững tin vươn lên trong những thời khắc nghiệt ngã của lịch sử…

Có thể nói, Kim Định đã dâng dân Việt một lâu đài văn hóa, triết học, tinh thần, tâm linh kỳ vĩ, hoành tráng và rực rỡ. Nhưng đáng tiếc, với nhiều người, quá nhiều nguời, đấy chỉ là ảo ảnh vì nó không được xây dựng trên cơ sở thực sự khoa học! Nói đúng hơn, bằng cứ khoa học của nó quá mong manh. Đó là một câu trong cuốn sử Trung Hoa: “Trước khi người Hán vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt thì dân Bách Việt đã tràn khắp 18 tỉnh của Trung Quốc” cùng mấy cái chõ tam biên và vài dụng cụ đồ đá phát hiện ở di chỉ Ngưỡng Thiều!

Nhiều người cho rằng Kim Định hoang tưởng, duy tâm. Trong cuốn Phê bình, phản phê bình in năm 1996, qua Trần Ngọc Thêm để phê phán Kim Định, Trần Mạnh Hảo viết: “Đó là phương pháp luận phi khoa học mà chúng tôi gọi là phương pháp truyền thuyết luận, thần thọai luận, ngữ nghĩa luận, linh cảm luận được góp chung trong cái rọ phiếm luận” (Trang 272). Chân tình hơn, thì trong diễn văn tưởng niệm Kim Định, giáo sư Trần Văn Đoàn của Đại học Đài Loan cũng nói: “Song chắc là cụ không vui vì bài "Việt Triết Khả Khử Khả Tùng?" (1993), trong đó tôi tuy khẳng định triết học của cụ, song cũng phê bình tính chất thiếu nghiêm túc và quá lãng mạn trong nền triết học An Vi của cụ.”

Cho đến nay, gần 40 năm sau Việt lý tố nguyên ra đời và 10 năm sau khi Kim Định mất, học thuyết của ông vẫn chưa có được căn bản cơ sở khoa học vững chắc. Điều này khiến cho nhửng tư tưởng lớn của Kim Định chưa được giới khoa học trong nước và quốc tế công nhận. Do đó, học thuyết vô cùng nhân bản nhằm an dân, hưng quốc của ông chưa thực sự đi vào cuộc sống. Vì vậy, việc xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết của Kim Định là nhu cầu bức xúc hiện nay.

II. XÁC LẬP CƠ SỞ KHOA HỌC CHO HỌC THUYẾT KIM ĐỊNH

Không biết có phải do nhân duyên nào đó không mà ngay sau khi đọc Việt lý tố nguyên, tôi hoàn toàn tin vào Việt nho và An vi của Kim Định. Tôi biết mình không phải kẻ dễ tin, càng không phải kẻ mê tín mù quáng. Có lẽ cái cơ sở khoa học thuyết phục tôi nhất lúc đó là những dòng ông trích từ sử Trung Hoa: “Trước khi người Hán vào Trung Nguyên thì người Bách Việt đã tràn khắp 18 tỉnh của Trung Hoa.” Một tư duy logic đơn giản: đã là đất của người Việt thì nền văn hóa nhân chi sơ sinh ra trên mảnh đất đó phải là của người Việt. Đó chính là Việt nho. Còn An vi ư? Chả bàng bạc chứa chan khắp cuộc đời bên ta sao? Trong lối sống, đạo sống thuần lương của người dân quê Việt ở chỗ nào chẳng có An vi?

Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn cho rằng, để thuyết phục nhiều người hơn, nhất là giới trẻ có học và ngày càng duy lý, cần phải xác lập cơ sở khoa học vững chãi cho học thuyết lớn nhất của dòng giống Việt mà Kim Định có công khai quật.

Một cơ sở khoa học như vậy ít nhất phải giải đáp được hai vấn đề:

1/ Về nhân chủng học, xác định rõ: người Bách Việt là ai? Người Việt Nam là ai? Người Hán là ai? Quan hệ giữa họ thế nào?

2/ Những chủng người trên có vai trò lịch sử, văn hóa thế nào ở khu vực?

Trả lời được những câu hỏi trên không dễ dàng gì!

Nhưng may mắn đã tới.

Giữa năm 2004, khi tôi lên mạng tìm tư liệu cho tiểu thuyết về Triệu Võ đế thì phát hiện ra công trình của Y. Chu, Jin Li, những nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa nghiên cứu trong Dự án Đa dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Diversity Project) công bố ngày 29 tháng 9 năm 1998 mà những dòng chữ quý giá sau đã gây chấn động giới khoa học tại Mỹ: " Công trình của chúng tôi cho thấy con người hiện đại trước hết đã đến Ðông Nam Á sau đó đi lên Bắc Trung Hoa." "Từ Trung Ðông men theo bờ Ấn Ðộ Dương, ngang qua Ấn Ðộ đến Ðông Nam Á. Sau đó họ đi lên Bắc Trung Hoa, Siberia và cuối cùng là châu Mỹ." ["Our work shows that modern humans first came to Southeast Asia and then move late to Northern China." "...from Middle East, following the Indian Ocean coatline across India to Southeast Asia. Later, they moved northern China, Siberia and eventually the Americas" (Los Angeles Times 29.9.1998)]. Những dòng chữ ngắn ngủi trên do nhà báo Hoài Thanh của báo Đại Chúng gửi cho khiến tôi vui đến nghẹt thở vì hiểu rằng đó là chìa khóa mở ra tất cả! Từ dấu vết ban đầu này, tôi tìm tiếp và may mắn đọc được nhiều bài viết của Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đức Hiệp, Cung Đình Thanh ...

Từ nhiều nguồn tư liệu thu thập được, có thể khẳng định:

a/ Về nhân chủng

Người Bách Việt:

Khoảng 70.000 năm trước, hai đại chủng Mongoloid và Australoid từ Trung Đông theo con đường Nam Á tới Việt Nam. Tại đây họ hòa thuyết sinh ra hai chủng Indonesien và Melanesien. Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Nam Á đi lên khai thác Trung Hoa.

Cho tới thiên niên kỷ 4 TCN, người Đông Nam Á sống ở duyên hải Á Đông có nhân số chiếm 54% nhân loại và xây dựng nền văn minh lúa nước tiên tiến nhất thế giới. Sau này lịch sử gọi là người Bách Việt. Trong gia đình trăm tộc Việt, chủng Lạc Việt có số dân đông nhất, chiếm tới 15-20% và giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Chủng Lạc Việt có quyền và có trách nhiệm đại diện cho Bách Việt về lịch sử và văn hóa.

Người Mông Cổ:

Trong cuộc di cư về phương Đông, có những nhóm Mongoloid riêng rẽ đi tới vùng Tây Bắc Đông Nam Á. Khi băng hà tan, cũng theo cách đó, họ lên tới vùng tây bắc Trung Quốc, định cư ở đây, chuyển dần từ săn bắt sang phương thức du mục. Họ là tổ tiên chủng Mongoloid phương Bắc sau này.

Người Hán:

Khoảng 2600 TCN, người Mongoloid phương Bắc tràn qua Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Do sống chung đụng nên có sự hòa huyết giữa người Mông Cổ và người Bách Việt bản địa, một chủng người mới là Mongoloid phương Nam được sinh ra. Đó là người Hoa Hạ, về sau được gọi là người Hán. Như vậy, người Hán được đời từ khoảng 2600 năm TCN và là con lai giữa người Mông Cổ phương Bắc và người Bách Việt.

Người Việt hiện đại:

Cũng như người Hán, người Việt hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Lịch sử hình thành của người Việt như sau: Trận Trác Lộc nổ ra vào năm 2600 TCN, Đế Lai tử trận, một bộ phận quân dân Lạc Việt theo Lạc Long Quân dong thuyền xuôi Hoàng Hà ra biển, xuống phía nam, trở lại quê gốc là vùng Nghệ Tĩnh lập nước Văn Lang. Chuyến đi này toàn là người Lạc Việt. Nhưng những chuyến tị nạn về sau ngày càng có thêm những phụ nữ bị hãm hiếp cùng những đứa con lai do họ sinh ra, cũng có thể có những tù binh người Mông Cổ… Những người mang dòng máu Mongoloid này là nhân tố tạo ra sự hòa huyết làm thay đổi cơ cấu dân cư Việt Nam: hai chủng Indonesien và Melanesien chuyển hóa dần thành Mongoloid phương Nam. Khoảng 2000 năm TCN, chủng Mongoloid phương Nam trở nên thành phần chủ thể cùa dân cư Việt Nam. So với toàn bộ cư dân Á Đông, người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền học cao hơn, có nghĩa là người Việt Nam cổ nhất ở Đông Á.

Như vậy là, nhờ công nghệ gene, thế giới biết được rằng, không phải bằng con đường phương Tây như quan niệm cũ, người hiện đại đã theo đường Nam Á đặt chân tới Việt Nam đầu tiên. Trong cái nôi này, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hòa huyết thành hai chủng Indonesien, Melanesien sinh sôi tràn lan khắp Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, người Việt mang theo chiếc “việt”, công cụ đá mới tiên tiến bậc nhất của nhân loại thời đó lên khai thác đất nước Trung Hoa. Thời kỳ này chữ Việt trong danh xưng Việt tộc được viết với bộ Qua. Sau đó từ Trung Hoa, người Việt đi lên Siberia rồi vượt qua eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ.

Khoảng 15.000 năm trước, nhờ sự tiến bộ của văn hóa Hòa Bình, người Việt đã mang theo giống lúa, giống gà, giống chó… lên tạo dựng nền văn minh nông nghiệp lúa nước trên đất Trung Hoa. Nhờ thành tựu xuất sắc này mà danh xưng của tộc Việt được viết với bộ Mễ.

Cho đến thiên niên kỷ thứ 4 TCN, đại tộc Bách Việt do người Lạc Việt Indonesien lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ sống ở duyên hải Á Đông đã chiếm 54% nhân số thế giới và sáng tạo nền văn minh nông nghiệp tiên tiến của nhân loại.

Khoảng 2600 năm TCN, do sự xâm lấn của tộc Mông Cổ, một bộ phận người Lạc Việt trở lại quê xưa là đất Việt Nam lập nhà nước Văn Lang. Những dòng Việt khác cũng trở lại các đất gốc gốc của mình lập nên những quốc gia Đông Nam Á khác. Trong quá trình này, đại bộ phận dân số Đông Nam Á chuyển hóa thành chủng Mongoloid phương Nam. Đây là thời kỳ bi thương trong lịch sử dòng Bách Việt: phải chạy dài ra khỏi đất Trung Hoa. Tên của tộc Việt lúc này được kẻ chiến thắng viết với bộ Tẩu. Việt-tẩu nghĩa là chạy. Nhưng Việt cũng có nghĩa là ưu việt, tùy cách hiểu của mỗi người! (xin xem: Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa)

Thời gian dài giới sử học, trong đó có Kim Định cho rằng rằng người Hán vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Việt. Đấy là lầm lẫn lớn. Công nghệ gene cho thấy, chíếm đất của người Việt là tộc Mông Cổ phương Bắc. Người Hán chỉ được sinh ra từ cuộc xâm lăng này, là con lai giữa tộc Mông Cổ du mục và Bách Việt nông nghiệp. Vì vậy, những thành tựu văn hóa xuất hiện trên đất Trung Hoa trước 2600 TCN đều là sản phẩm của người Việt.(xin xem: Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu)

b/ Về văn hóa:

Do sống và làm chủ đất Trung Hoa thời gian dài như vậy nên người Bách Việt đã để lại ở đây nhiều dấu vết huy hoàng

- 12000 năm trước, người Lạc Việt sáng tạo ra chữ viết mà bằng chứng là văn bản khắc trên bình cổ Bán Pha 2. (Bản thông điệp 12000 năm của tổ tiên người Việt)

- 9000 năm trước, chữ Việt cổ được khắc trên vỏ rùa. Người Việt biết chế sáo bằng xương chim hạc, biết chế rượu bằng gạo, mật ong và táo gai. (Đầu năm hầu rượu tổ tiên)

- Ít nhất khoảng 2800 TCN, vào thời Phục Hy, khi người Hán chưa ra đời, người Việt đã sáng tạo ra Bát quái, trùng quái, Hà đồ, Lạc thư… những công cụ khám phá vũ trụ và bói toán. (Viết lại lịch sử hình thành kinh Dịch)

Từ bức tranh hình thành nhân chủng và văn hóa trên, ta thấy, cho đến năm 2600 TCN, lịch sử đất Trung Hoa là lịch sử của người Bách Việt. Lúc này người Hán chưa sinh còn người Mông Cổ sống với văn hóa du mục ở phía bắc.

Từ sau năm 2600 TCN, người Bách Việt bị mất đất, mất chủ quyền chính trị nhưng do số dân đông và văn hóa cao nên văn hóa Việt giữ vai trò chủ đạo trong văn hóa Trung Nguyên. Nhờ đấy tạo nên thời Hoàng kim trong lịch sử Trung Hoa. Ở thời đại này, tiếng Việt hòa nhập với tiếng nói của chủng Mông Cổ và là chủ thể của ngôn ngữ Trung Hoa (Tiếng Việt- chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán). Trí thức Việt-Mông kế thừa văn hóa của Bách Việt, sáng tạo ra nền văn hóa Trung Hoa rực rỡ. Trong vai trò lãnh đạo xã hội, người Hán-Mông Cổ khai thác và phát triển văn hóa của người Việt lên tầm cao mới nhưng cũng dần dần lái nó sang tinh thần du mục.

Những ý tưởng trên tôi đã tập hợp thành cuốn Tìm lại cội nguồn và văn hóa của người Việt và Hành trình tìm lại cội nguồn sẽ xuất bản trong thời gian tới.

Tuy mới là cố gắng bước đầu nhưng thiển nghĩ, về cơ bản, đã xác lập được cơ sở khoa học vững chãi cho học thuyết của triết gia Kim Định.

III/ KẾT LUẬN

Hơn 30 năm qua cho tới nay, nhiều người cho rằng, cái yếu nhất của học thuyết Kim Định là thiếu cơ sở khoa học. Nhưng tôi trộm nghĩ, chính sự thiếu cơ sở khoa học này đã thể hiện dự cảm thiên tài của ông. Lẽ thường thì từ bột gột nên hồ nhưng có thể nói Kim Định đã từ nước lã mà gột nên hồ. Trong thời gian của ông, tri thức nhân loại về văn hóa Á Đông còn rất thiếu thốn, cuốn sách quan trọng Eden in the East chưa ra đời, nguồn gốc và sự di cư của người hiện đại Homo sapiens chưa được xác định. Nhất là con đường Nam Á trong cuộc hành trình định mệnh về phương Đông chưa được phát hiện. Lịch sử Á Đông còn phủ trong vòng bao trùm của lý thuyết A. Aymonier cho rằng người Á Đông là từ phía Tây đi tới và chủ nghĩa Hoa tâm vẫn bao trùm trí tuệ nhân loại… Nhưng bằng dự cảm thiên tài của mình, ông đã phát hiện ra văn hóa Việt nho cội nguồn cùa người Việt và bằng con đường “phiêu lưu” giải mã những truyền thuyết, huyền sử, ông tìm ra cốt lõi An Vi của đạo Việt! Là người tiên phong trong học thuật và tư tưởng, ông đã vượt qua những trí tuệ sáng láng nhất của người Việt và nhân loại hơn một cái đầu. Chính vì thế, ông trở thành người độc hành lạc lõng.

Nhưng đến nay, với những phát kiến mới của công nghệ gene, trang sử chân chính của các quốc gia và các chủng tộc Á Đông được mở ra: người ta gặp trong đó những tư tưởng thiên tài Kim Đinh. Khoa học thực nghiệm chính xác của nhân loại chứng minh sự đúng đắn của ông.

Điều đáng mừng là sau khi Kim Định qua đời, các học trò của ông ráng sức xiển dương học thuyết của ông. Đây là việc không dễ dàng gì vì chỉ là công việc tự nguyện của từng cá nhân hay nhóm nhỏ lực bất tòng tâm. Việc càng khó hơn khi tư tưởng Kim Định bàng bạc trong cả một rừng chữ: ai có đủ tâm, trí, bản lĩnh để thâu tóm, san định Kim Định như Khổng Tử từng làm khi xưa với sách của thánh hiền?

Dường như có một nguy cơ: đáng lẽ cần cô đặc Kim Định lại theo từng luận điểm và cung ứng cho từng luận điểm đó những chứng cừ khoa học xác thực thì một số vị tuy nhiệt tình không nhỏ nhưng lại đem pha loãng hay nhại lại một cách nhạt nhẽo Kim Đinh. Đó là cách làm nguy hiểm, dễ khiến bạn đọc trẻ là những người của thời duy lý có phản ứng ngán ngại rời xa Kim Định.

Trong tình hình hiện nay của đất nước cũng như thế giới, việc xiển dương học thuyết Việt Nho và An vi là điều cần làm tới mức bức thiết. Có nhiều cách làm, nhưng thiển nghĩ, cần phải có công trình nghiêm cẩn cô đọng học thuyết Kim Định trong 4-5 cuốn sách, trong đó không chỉ nêu tư tưởng Kim Định mà cần đưa vào đó những dẫn chứng khoa học thích đáng – cái mà sinh thời triết gia chưa làm được. Tiếp đó dịch ra tiếng Anh để giới thiệu rộng rãi với thế giới Anh ngữ. Sinh thời Kim Định đã nghĩ tới việc này, ông đã nhờ thân hữu lo cho ông. Nhưng chắc là công việc quá khó nên sở nguyện của ông chưa thực hiện được.

Nhưng đấy là việc không thể không làm.

Hà Văn Thùy, tháng 3 .2007

Nguồn: http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?