Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Phùng Hưng (761-802)
Bố Cái Đại Vương
Phùng Hưng (761-802)
Thứ Tư 31, Tháng Giêng 2007, bởi
Phùng Hưng 馮興 tên chữ Công Phấn 功奮 là một vị anh hùng dân tộc của Việt Nam ở thế kỷ 8
Xuất thân
Các thông tin về quê hương, ngày sinh và ngày mất của Ngài hiện vẫn còn chưa thống nhất [1]. Trong chính sử, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngài là người làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu; vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ. Ngày nay quê Ngài được xem là ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, TP Hà Nội [2].
Theo dã sử, Ngài sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 5-1-761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13-9-802). Ngài xuất thân từ một gia đình gốc Hoa có địa vị cao trong thời kỳ Bắc thuộc, sang Giao Châu định cư từ bảy đời. Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ. Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, trở về quê chăm việc điền viên, dần dần trở nên giàu có, trong nhà có đến hàng nghìn nô tỳ.
Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử, sinh được ba con trai khôi ngô, lớn lên ai cũng có sức khỏe khác thường. Anh cả tên Phùng Hưng, em thứ hai Phùng Hải (tự Tư Hào) và em út Phùng Dĩnh (tự Danh Đạt). Đến năm 18 tuổi thì cha mẹ đều mất, Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm.
Sự nghiệp
Đất nước ta thời thuộc Đường bị gọi là An Nam đô hộ phủ. Cao Chính Bình, Hiệu úy châu Vũ Định, từng giúp Kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại quân xâm lược Chà Và ở Chu Diên, sau đó được cử làm quan đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.
Sách Việt điện u linh chép rằng: Giữa niên hiệu Đại Lịch nhà Đường (766–779), nhân An Nam có loạn, anh em Phùng Hưng đem quân đi tuần các ấp lân cận, đánh đâu được đấy. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, hiệu Đô Quân, Phùng Hải đổi tên là Cự Lực, hiệu Đô Bảo. Phùng Hưng dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Hàn đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong, tất cả đều quy thuận, uy danh chấn động, muốn đánh lấy Đô hộ phủ.
Đại Việt Sử Ký toàn thư viết: Phùng Hưng đem quân đánh với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Phùng Hưng dùng kế của Đỗ Anh Hàn, đặt đại bản doanh ở làng Triều Khúc, Thanh Trì đem quân vây phủ. Phần lớn các dã sử thì kể rằng: Phùng Hưng tự thấy chưa thật đủ mạnh để đè bẹp địch, ông bèn cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho ba người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác.
Năm 791, Cao Chính Bình phá vây mãi không được, phát bệnh vàng da rồi chết. Phùng Hưng vào Đô hộ phủ nắm quyền được 1 năm [3]. Rồi Ngài bỗng dưng lâm bệnh và mất. Con trai là Phùng An kế vị, tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đến nơi, người An Nam đều yên lặng. Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. Phùng An đem quân đầu hàng
Sách Việt điện u linh chép: Phùng Hưng chết rồi, phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc, sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo, lập con Phùng Hưng là Phùng An, đem quân chống Phùng Hải. Phùng Hải tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau không biết ra sao nữa
Thờ phụng
Sau khi Phùng Hưng qua đời, nhân dân ghi nhớ công lao to lớn của Ngài và đã dựng nhiều ngôi đền riêng hoặc thờ như thành hoàng làng tại các ngôi đình. Nổi tiếng nhất trên địa bàn của TP Hà Nội bây giờ là các ngôi đình: Triều Khúc, Đại Áng, Kim Mã, Hoàng Cầu, v.v. cho đến nay dân ở đó vẫn tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng niệm Ngài và các tuỳ tướng.
Những triều đại vua chúa sau này cũng cho lập đền thờ và truy phong tôn thụy Ngài là Bố Cái Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Đại Vương. Hiện nay ngoài đền thờ ở cạnh Bến xe Kim Mã (TP Hà Nội) còn có một ngôi đền to lớn toạ lạc gần đền thờ Ngô Quyền ở quê hương Ngài, tức làng Đường Lâm, nơi vẫn lưu giữ được các khí tự và bia đá cổ.
Xem online : Việt Nam niên biểu
[1] Theo sách Việt điện u linh, Phùng Hưng thừa hưởng từ cha chức tù trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lặng. Ngài xuất thân gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu. Người em tên Hải cũng có sức mạnh kì dị. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: Đại Vương họ Phùng, tên Hưng, người xã Đường Lâm, Giao Châu, làm Tù trưởng dân Man, hiệu là Lý Lang, giàu có, người rất khỏe mạnh, có thể bẻ sừng trâu, đánh nhau với cọp dữ. Còn theo sách Việt sử tiêu án, Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm, thuộc Phong Châu, con nhà hào phú, có sức vật trâu đánh hổ.
[2] Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên ‘xã Đường Lâm’ tại Sơn Tây mới xuất hiện từ ngày 21-11-1964.
[3] Theo Việt điện u linh là bảy năm