Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Ngọc Trục
Làng Ngọc Trục
Thứ Hai 27, Tháng Tám 2007
Làng Ngọc Trục tên Nôm là làng Dộc, gồm hai cụm dân cư, lúc đầu là một khối thống nhât, về sau chia thành hai thôn như là những làng độc lập là làng Dộc Cả (tên chữ là Thượng Thư, đầu thời Nguyễn đổi thành Thượng Văn) và Dộc Bé (tên chữ là Trung Văn). Hai làng cùng nằm trong xã Ngọc Trục, đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831, huyện Từ Liêm được cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (từ năm 1902 đổi làm tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, làng Thượng Văn lập chính quyền lâm thời riêng và đổi tên thành Ngọc Trục; sau đó nhập với làng Đại Mỗ, Giao Quang thành xã Đại Mỗ. Đến tháng 12 - 1948, xã này nhập xã Tây Mỗ (gồm các làng Tây Mỗ, Phú Thứ) thành xã Hữu Hưng thuộc huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông.
Hòa bình lập lại, xã Hữu Hưng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ tháng 5 - 1961, xã được cắt về huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tháng 12 - 1964, xã Hữu Hưng được chia thành hai xã Đại Mỗ và Tây Mỗ. Làng Ngọc Trục thuộc xã Đại Mỗ, nay ở phía Nam khu đô thị Mỹ Đình.
Dân làng Ngọc Trục trước đây sống bằng làm ruộng mùa, kết hợp với đan bồ, cót, vì thế, làng còn có tên là Dộc Bồ. Đất đai của làng khá rộng (Địa bạ Gia Long năm 1805 ghi làng có 320 mẫu ruộng).
Làng Ngọc Trục nằm ven sông Nhuệ, trên một gờ đất cao. Dân cư ở hai bên sườn gờ đất. Thế đất này gọi là đất “sống trâu”, thường rất ưu đãi các cô gái ở các nơi về làm dâu, trong khi trai các làng khác đến ở rể không thuận lợi, vì thế có câu “Làng Ngọc Trục đất sống trâu, đãi dâu không đãi rể”. Trong làng có họ Bạch là họ lớn, chiếm số đông trong làng. Năm 1928, cả hai làng Dộc có 1675 dân, trai đinh trong làng được chia thành bốn giáp.
Làng Ngọc Trục còn bảo lưu được một hệ thống các di tích. Trước hết là ngôi đình ở rìa làng về phía Đông xây theo kiểu chữ “Đinh”, gồm đại đình (năm gian hai dĩ) và hậu cung (bốn gian). Trước đại đình còn có tòa phương đình một gian. Đình thờ ả Lã Nàng Đê (vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng) và Thủy Hải Long vương.
Rìa phía Tây ở chính giữa làng có chùa Đại Bi và Văn chỉ của làng. Văn chỉ còn lưu bốn tấm bia cổ, cho biết Văn chỉ được dựng từ những năm đầu niên hiệu Vĩnh Trị (1676, 1677). Văn bia ghi việc hai ông Nguyễn Nhân Lân và Nguyễn Văn Lương hiến ruộng, tiền cho làng dựng Văn chỉ và tế lễ tại đây. Chùa Đại Bi có cổng xây theo kiểu ngũ môn, còn lưu giữ quả chuông lớn đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai (năm 1794).
Từ đầu đường 70 (từ thành phố Hà Đông đi Đại Mỗ) nhìn vào có hai ngôi đền ẩn dưới các hàng cây muỗm cổ thụ. Một ngôi thờ Tản Viên và hai anh em kết nghĩa Cảm Hóa đại vương và Minh Trạc đại vương. Chếch về phía Đông có ngôi Đền mới, thờ ả Lã Nàng Đê. Cách hai ngôi đền hai trăm mét về phía Đông có ngôi đền thờ một vị tướng thời Lê là Đào Thế Tiên - người làng, làm quan đến chức Đô đốc Thiêm sự, tước Quảng Quận công, lập được nhiều công lao trong các cuộc đánh nhau với quân chúa Nguyễn và tử trận tại Thiên Lộc (nay thuộc Hà Tĩnh) tháng Một năm Canh Tý niên hiệu Vĩnh Thọ - 1660), được truy tặng hàm quan là Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ, Đô đốc đồng tri, Thiếu bảo, cho dân xã Ngọc Trục lập đền thờ.
TS Bùi Xuân Đính (HNMĐT)