Trang nhà > Hà Nội > Phố cũ > Hồn phố cổ ở đâu ?*
Hồn phố cổ ở đâu ?*
Thứ Tư 22, Tháng Tám 2007
Từ nhiều năm nay, nhiều nhà nghiên cứu và khoa học đã chia Hà Nội ra làm ba phần: Khu phố cổ, khu phố cũ và khu phố mới. Đó chỉ là ước lệ, tạm thời. Cho đến ngày mùng 5 tháng 4 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin mới có quyết định số 14/2004 - BVBTT xếp hạng khu phố cổ Hà Nội là di tích quốc gia thì khái niệm này mới chính thức công nhận, và là một bước tiến mới đặc biệt để bảo tồn và tôn tạo khu vực di tích đó.
Lễ ăn hỏi
Nhưng thế nào một khu phố được gọi là cổ?
Di tích Mỹ Sơn ở miền Trung đã có hơn nghìn năm, là dấu ấn của tài hoa nước Việt. Nếu đi vào lòng sâu từng ngôi tháp cổ kính rêu phong đó, ta có thể thấy những gì, có khi nghe thấy những gì... vang vọng từ thời gian và lịch sử?
Khu phố cổ Hội An nữa chẳng hạn. Hội An mới có từ ba trăm năm đến bốn trăm năm, đây cũng là một di tích vô cùng quí báu, là tài sản vô giá của quốc gia. Nếu ai một lần qua đây hẳn sẽ lưu lại nơi đây những hình ảnh vừa trầm tư vừa rực rỡ đó suốt đời mình.
Hàng rong
Còn Hà Nội thì sao đây?
Có cả một khu vực rộng lớn hàng mấy chục con phố, hàng nghìn công trình kiến trúc đã tồn tại hàng trăm năm. Tôi nói trăm năm, không nói nghìn năm, bởi lẽ ngoài một số công trình như: đình đài, miếu mạo được xây dựng công phu bằng vật liệu bền chắc và theo một quy hoạch, hơn nữa thuộc về tâm linh, nên nó luôn được duy trì và bảo vệ đời này sang đời khác… thì khu vực “thị” vây quanh khu “thành” luôn biến động về mọi phương diện như dân số tăng giảm theo từng thời kỳ, kiến trúc cũng thay đổi theo yêu cầu trước mắt của từng tầng lớp người dân, do buôn bán, do nghề nghiệp, do tập tục của nhiều địa phương theo người dân chuyển đến kinh thành… nên khu vực ta gọi là khu phố cổ còn đến ngày nay có vẻ như không được quy hoạch, không có một bàn tay chỉ huy chung (là một kiến trúc sư chẳng hạn), có chỗ cong queo, có phố ngắn ngủi, có nhà thò ra, có nhà thụt vào, nhiều nhà chia lô trở thành nhà hình ống, ngoài là nơi hành nghề, trong là nhà ở...
Hơn nữa, tuy gọi là phố cổ, nhưng thực ra theo nhiều nhà chuyên môn thì các dãy phố, các ngôi nhà trong phố đó mới có tuổi khai sinh trên dưới một trăm năm mươi năm hoặc chỉ một trăm năm trở lại đây mà thôi.
Lý do bởi một thời kỳ dài, chính quyền nhà nước phong kiến không cho phép người dân xây nhà cao tầng, kể cả việc mở rộng các cửa sổ, để mỗi khi vua quan đi vi hành thì người dân không được đứng cao hơn đầu vua quan mà nhìn xuống. Còn cửa sổ chỉ là vài ba viên gạch xếp đứng, cách xa nhau chút ít cho thông gió và ánh sáng, chứ người dân không đủ thò đầu ra ngoài.
Một lý do nữa là xưa kia, nước ta nghèo, không có những vật liệu siêu bền, siêu cứng như sắt, thép, xi măng mà chỉ có gạch thô mái ngói, bền nhất mới chỉ có gỗ lim để làm rường và cột… mà tất cả những vật liệu này không đủ sức chống chọi với thời gian, nhất là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc.
Ngõ Phất Lộc. Click các mũi tên để xem panorama ©NCCong 2011
Vì những lý do đó mà những khu phố ngày nay quá chật chội, mật độ dân số có thể so với vài ba nơi đông nhất trên thế giới. Nhà cửa thì rất nhiều giột nát, người ta phải tự gia cố bằng sắt thép hoặc sửa sang lại bằng xi măng… đã làm méo mó nhiều hình ảnh nguyên có của các công trình từ xa xưa.
Đặt vấn đề bảo tồn, tôn tạo trước tình trạng này là một khó khăn, vô cùng to lớn. Lẽ ra việc trùng tu, tôn tạo này phải được tiến hành từ nhiều năm trước đây, khi dân số còn thưa hơn, khi việc tự ý sửa sang, phá vỡ hình hài xưa cũ… còn ít xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta phải trải qua cuộc chiến tranh ba mươi năm, nhiều việc muốn làm mà không thể hoặc biết nhưng đành hoãn lại. Đến nay việc tôn tạo trùng tu mới có thể làm được. Đó là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Bảo tồn, tôn tạo vốn quí nghìn năm, không chỉ là cái xác. Một phần quan trọng chính là bảo tồn lấy cái hồn của công trình. Cái xác của khu phố cổ chính là các công trình kiến trúc, dù to hay nhỏ. Còn cái hồn của khu phố cổ là một chiều sâu, vừa lộ ra hàng ngày, vừa chìm khuất mông lung bảng lảng trong mỗi kiến trúc đó, dù to hay nhỏ.
Hàng xén
Người ở xa về, trong nước hay ngoài nước, có thể ngắm cây cầu Long Biên, chụp ảnh Nhà hát lớn thành phố… nhưng ít ai lại không để thì giờ để thả bộ trong những con phố hẹp bề ngang, ngắn chiều dài… để mua một cái gì đó, nhỏ như cuộn chỉ thêu, đẹp như một tấm lụa may áo dài, để nếm một món ngon như bát bún bung, bún chả, để ăn một bát phở nóng toát mồ hôi lúc đêm khuya, hoặc là chỉ để ngắm một cửa hàng lỗng lẫy sắc màu, nhìn mà tấm tắc một cô gái Hà Nội gương mặt đẹp như một nàng Kiều, cổ tay trắng tròn như có thể ăn được. Cũng có khi chỉ là để nghe một giọng nói thánh thót như con chim oanh vàng, như một điệu nhạc bổng trầm uyển chuyển, rồi bước đi mà gật gù một mình rằng: “À, Hà Nội là thế đó!”...
“Hà Nội là thế đó!” chính là một nét văn hoá Hà Nội đã tồn tại bao đời, vẫn đang còn và cũng đang mất dần đi nhiều ít.
Khu phố cổ nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm, chỉ là một trong 12 quận huyện. Vậy số dân Hà Nội gốc, mang cốt cách hào hoa phong nhã, trí lự tài hoa, người dựng lên hồn phố cổ, ngày nay đang là bao nhiêu, có thích ứng với tỷ lệ 1/12 theo địa dư không?
Cắt tóc vỉa hè
Tôi đặt vấn đề như thế, vì ngẫm ra hơn ba triệu người Hà Nội ngày nay, trong đó một triệu rưỡi người sống trong nội thành, ai cũng đều Hà Nội cả, ai cũng có phần đóng góp ít nhiều cho Hà Nội. Nhưng muốn phát huy điều này thì không dễ. Có nhiều người luôn muốn làm một giọt dầu góp vào ngọn đèn Hà Nội để Hà Nội luôn toả sáng. Nhưng cũng có một số ít người vì sâu nặng với phong tục địa phương cũ của mình, đã mang theo nhiều nét làm xấu Hà Nội đi, ví dụ thói tham lam, vô trật tự, mất vệ sinh, thích phá phách, … những người này nếu ở trong khu phố cổ thì họ sẵn sàng làm theo ý riêng mình, phố cổ hay cái gì đối với họ cũng không quan trọng.
Để khắc phục tình trạng này, mọi người Hà Nội đều phải góp sức, nhưng theo tôi trước hết là trách nhiệm của Ban quản lý phố cổ.
Khu phố cổ, thực chất xưa kia là một khu buôn bán và các phố nghề. Ví dụ phố Hàng Đào chuyên bán tơ lụa và nhuộm các màu đỏ, son, hoa đào. Phố Hàng Ngang, nguyên tên là Hàng Lam, chuyên nhuộm các màu xanh, nhận hàng rồi đem thuê nhuộm các màu ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Phố Hàng Gai bán các dụng cụ đánh cá bằng sợi gai. Phố Hàng Đường buôn và làm mứt kẹo. Phố Hàng Trống vừa làm các loại trống, vừa làm nghề thêu và vẽ tranh dân gian. Năm mươi năm trước, phố Hàng Bồ còn rất nhiều nhà đan bồ, đan cót bằng tre nứa. Phố Hàng Da làm các nghề bằng da thuộc. Và ngày nay còn đến hơn 80 phố mang chữ Hàng ngay trước nó, chứng tỏ khu phố cổ thực chất là buôn bán và làm nghề phát triển từ băm sáu phố phường thuở xa xưa.
Đám cưới những năm 1950
Ngày nay, điểm lại, đã có bao nhiêu phố Hàng, phố thì còn, nhưng chữ hàng thì mất, nghề cũng mất theo. Hàng Điếu không còn một nhà nào làm và bán điếu. Hàng Bè gồm cả Hàng Cau không còn ai buôn bè và buôn cau như ngày xưa khi sông Hồng còn chảy sát vào đây nữa…
Những mảnh hồn Hà Nội cũ đó đi đâu? Làm sao ta có thể bảo tồn, hay chí ít là chỉ ra để nhắc nhở mọi người rằng một thời chưa xa, Hà Nội đã từng có những con người, những phố nghề, những nét văn hoá, những hào hoa, những sinh hoạt đầy chất đô thành như thế?
Hồn sâu Hà Nội không chỉ là buôn bán và làm một số nghề, dù có nghề chỉ Hà Nội mới làm một cách tinh xảo đến như thế (ví dụ nghề chạm bạc, nghề làm lọng...). Mà Hà Nội còn mang trong hồn nó còn bao nhiêu tài tử danh nhân, những con người làm ra văn hoá Thăng Long - Hà Nội.
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở đâu? Một ngôi trường phổ thông, dạy cho dân những điều hoàn toàn mới mẻ, kể cả chữ viết và khoa học, nhất là không ai phải đóng học phí, đến nỗi chỉ sau mấy tháng, thực dân Pháp đã thấy mối nguy hiểm, ra lệnh đóng cửa trường và bắt bớ tù đày những sĩ phu làm thày giáo ấy.
Một cuộc mít tinh năm 1946
Các nhà in đầu tiên ở Hà Nội nằm ở đâu nếu không nói Hàng Gai, Hàng Bông là cái nôi của nó? Cụ Từ Long Lê Đại, một thày giáo của Đông Kinh Nghĩa Thục sau khi bị đày Côn Đảo về, sống ở Hàng Mắm vui với thú chơi thư pháp, làm câu đối tặng bạn bè. Nhà văn Thạch Lam đã đi qua những phố nào để viết về hàng nước cô Dần cửa chợ Đồng Xuân và những phiên chợ rau đêm, xanh mát, xanh đến tận bây giờ ta còn cảm thấy mát rượi tâm hồn… Phố Hàng Đàn, còn ai là hậu duệ của những danh cầm làm ra cây đàn tranh, đàn đáy, đàn bầu mà ngày nay đã mất?...
Văn hoá mới là sự tồn tại đời đời, dù là văn hoá phi vật thể, nó hiện hữu rồi mờ dần, nhưng mờ mà không mất. Khu phố cổ chính là cái nôi của văn hoá phi vật thể ấy.
May thay chúng ta còn một hãng bánh cốm Nguyên Ninh ở 11 phố Hàng Than, nhưng món bún thang bà Ẩm trong chợ Đồng Xuân thì đã bay vào vô định. Tiếc thay một nét văn hoá ta không giữ gìn cho được.
Ngày nay chúng ta nhận thấy trong mỗi phố cổ đều mở ra những nhà hàng, những cửa hàng bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ hàng thủ công đến hàng công nghiệp, từ một gánh quà đến khách sạn. Nên để hay nên bỏ? Chúng ta giữ phố cổ hay bảo tồn cả chiều sâu ẩn tàng trong từng ngôi nhà trong phố cổ?
Quán ăn đêm
Có nên cứ 11-12 giờ đêm là xe cảnh sát đi tuần đuổi hết, đóng cửa hết các hàng quán, thậm chí phố ẩm thực đêm Tống Duy Tân cũng bị “dọn sạch”, để lại những con phố vắng lặng đìu hiu, Hà Nội biến thành làng quê âm u?
Mà phố cổ trước kia, nét sinh hoạt về đêm càng nhộn nhịp, là một trong những nét đáng yêu, điển hình của người thành thị, người dân phố cổ. 12 giờ khuya, một đêm đông nào đó, nghe gió rét lang thang, ta bỗng thèm đi cùng gió. Dưới chân một cột đèn kia, ngọn lửa than bập bùng theo tay chiếc quạt nan, mỗi viên than đỏ hồng là một thỏi vàng mười dưới cái bễ đạp chân của người thợ bạc. Hàng ngô nướng đấy. Cầm một bắp ngô non nướng, thứ ngô vừa bẻ chiều nay trên bãi sông Hồng, bây giờ ấm sực bàn tay, ngọt lự đầu lưỡi... đêm phố cổ không kiêu sa mà thân tình, nồng ấm, sẽ là kỷ niệm đời người, kể cả khách phương xa...
Văn hoá là đấy, hồn phố cổ Hà Nội là đấy chứ đâu?
Băng Sơn (HNM)