Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Nha
Làng Nha
Chủ Nhật 26, Tháng Tám 2007
Tên “làng Nha“ bắt nguồn từ chữ “Nha dinh”, tức dinh ở của các quan lại cao cấp. Theo lưu truyền dân gian địa phương thì thời Lê, vì làng Nha nằm kề cận con đường Thiên lý từ phía Bắc và phía Đông về Kinh đô Thăng Long nên là nơi các quan tập kết ở bờ Bắc sông Hồng trước khi qua sông để vào Thăng Long yết triều; vì thế, trước đây trong làng có 18 dinh quan nghè. Vết tích còn được lưu qua các địa danh “đường nghè”, “dinh quan nghè” ở xóm Tây.
Làng Nha nhỏ, trước tháng 8-1945 chỉ là một thôn của xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, thuộc tỉnh Bắc Ninh (tỉnh này trước năm 1831 gọi là trấn Kinh Bắc). Trong kháng chiến chống Pháp, làng Nha nằm trong xã Phi Trường huyện Gia Lâm, tỉnh Hưng Yên (từ năm 1949 lại cắt về tỉnh Bắc Ninh). Sau hòa bình lập lại, xã Phi Trường được đổi tên thành Long Biên (gồm các thôn, tức làng cũ) : Nha, Trạm, Tư Đình và Thạch Cầu – vốn là một bộ phận của làng Cầu Bây chuyển xuống) thuộc quận VIII ngoại thành Hà Nội. Tháng 5-1961, xã Long Biên được cắt về huyện Gia Lâm. Tháng 11-2003, xã Long Biên được chuyển thành phường, thuộc quận Long Biên mới được thành lập.
Làng Nha nằm ven sông Hồng. Đầu thế kỷ XX, sông chỉ cách làng chừng 500 mét, về sau, do phần đất bãi của làng luôn được bồi nên hiện nay sông cách làng từ 1,3-1,5 km. Làng Nha xưa nằm gọn ngoài bãi. Đoạn đê sông Hồng cũ, từ đầu cầu Long Biên về làng Lâm Du vòng sau các làng Ô Cách, Trạm, Tư Đình, Nha về Đông Dư-Thổ Khối, tức đê ở sau làng Nha hiện nay nên gọi là “Đê sau”. Đến năm 1925, sau một trận lụt lớn làm vỡ đê, đoạn đê này phải bỏ để đắp đê mới, chính là đoạn từ cầu Long Biên qua trước mặt các làng Trạm, Tư Đình, Nha về Thổ Khối-Bát Tràng hiện nay. Dân làng xưa kia chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và lúa lốc trên đất bãi, xa xưa có nghề dâu nuôi tằm. Mỗi trai đinh từ 18 tuổi trở lên trước đây được chia 5 sào đất bãi.
Làng Nha xưa có 4 xóm : lúc đầu có xóm Bắc, sau có các xóm : Đông, Tây, Nam phát triển ra xung quanh nên xóm Bắc ở chính giữa (nên còn gọi là xóm Giữa). Những đòng họ lớn trong làng là : Nguyễn, Lưu, Thẩm. Trai đinh trong làng xưa kia được chia thành 7 giáp, gồm 6 giáp Thân và 1 giáp Hào.
Làng Nha có ngôi đình ở ngay sát đê sông Hồng hiện nay. Đình nhìn hướng Tây Nam, được kết cấu theo kiểu chữ “Tam”, gồm đại đình, trung đình và hậu cung. Tục truyền, lúc đầu là đình lá; sau có người phụ nữ (là người làng), vợ một võ quan trong triều chuyển một ngôi nhà dinh thự của chồng từ Huế ra để làng dựng đình, lại cung tiến nhiều tiền của để làng hoàn thiện các công trình phụ. Câu đầu của đình ghi rõ thời điểm hoàn thành đình là ngày mồng một tháng Ba năm Nhâm Ngọ đời Vua Minh Mạng (năm 1822), đến năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân (năm 1914) đình được trùng tu lại. Đình thờ ba vị thần là : Linh Lang đại vương (con trai của Vua Lý Thánh Tông), có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1076); Đô Thống đại vương (là thiên thần) và Xương Hoa (hay Xuyên Hoa) công chúa (không rõ sự tích). Hội làng diễn ra từ mồng 10 đến 12 tháng Hai. Làng có ngôi chùa mang tên Cổ Linh tự, tục truyền do Nguyên phi Ỷ Lan cho dựng vào giữa thế kỷ XI. Quy mô, kiến trúc hiện nay của chùa được dựng vào năm Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái (năm 1897).
Xã Cổ Linh cũ có hai người đỗ đại khoa, có nhiều khả năng là người của thôn Nha vì chỉ có thôn này mới tập trung nhiều họ Nguyễn. Người đầu tiên là Nguyễn Quyền (1665-?), đỗ Hội nguyên, Đình nguyên - Hoàng giáp khoa Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa đời Vua Lê Hy Tông (năm 1697), làm quan đến Lễ khoa Cấp sự trung. Người thứ hai là Nguyễn Bá Lan (1757-?), đỗ Hội nguyên, Tiến sĩ khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng đời Vua Lê Hiển Tông (năm 1785), làm quan đến Thự Phủ doãn Phụng Thiên (như chức Quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hiện nay). Thời Nguyễn, làng có hai người đỗ Cử nhân là Thẩm Ổn, đỗ khoa Mậu Thân niên hiệu Tự Đức (năm 1848), con ông là Thẩm Lý Thản đỗ khoa Kỷ Mão cùng thời (năm 1879).
Làng Nha là làng có truyền thống cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến giữ nước, làng có 65 liệt sĩ, chiếm hơn một nửa số liệt sĩ của cả phường Long Biên. Làng Nha ngày nay đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ.
TS Bùi Xuân Đính