Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Kim Nỗ
Làng Kim Nỗ
Thứ Ba 14, Tháng Tám 2007
Làng Kim Nỗ còn gọi là Uy Nỗ Hạ, tên Nôm là làng Hạ, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Hải Bối, huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Sơn Tây). Năm Tự Đức thứ 28 (1876), tổng Hải Bối được nhập về huyện Đông Anh mới được thành lập, thuộc tỉnh Bắc Ninh (từ 1901 thuộc tỉnh Phù Lỗ, năm 1903 đổi thành tỉnh Phúc Yên). Xã Kim Nỗ thuộc tổng mới là Uy Nỗ.
Trong kháng chiến chống Pháp, Kim Nỗ nhập với các làng Cường Nỗ, Uy Nỗ, Phúc Lộc thành xã Hùng Sơn thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1961, xã Hùng Sơn cùng các xã khác trong huyện Đông Anh được chuyển về thành phố Hà Nội. Năm 1965, xã Hùng Sơn được đổi tên thành xã Uy Nỗ.
Kim Nỗ là một làng cổ. Thời An Dương Vương, Kim Nỗ cùng với làng Cường Nỗ là những điểm trong tuyến phòng thủ từ xa cho Kinh thành Cổ Loa của An Dương Vương (tên “Kim Nỗ” có nghĩa là “nỏ vàng”, “Cường Nỗ” là “nỏ mạnh”). Có ý kiến cho rằng, Kim Nỗ tách ra từ làng Uy Nỗ , gồm hai thôn Uy Nỗ Thượng và Uy Nỗ Hạ.
Kim Nỗ là một làng lớn (năm 1928, làng có đến 2232 nhân khẩu). Dân cư trong làng sinh sống trong 10 xóm, trai đinh được chia làm 12 giáp. Do dân đông, lại nhiều xóm nên về sau làng chia thành ba “thôn” để tiện việc quản lý, phân bổ các nghĩa vụ đóng góp là : thôn Đông có ba xóm (dân làng gọi là ba xóm Đông), thôn Bắc có bốn xóm (bốn xóm Bắc) và thôn Đoài có ba xóm (ba xóm Đoài). Trước đây, làng lập ba đội phiên tuần để bảo vệ an ninh (mỗi đội 8 người tuần và một trương tuần), ba điếm canh theo ba thôn. Các loại ruộng đất công cũng phân bổ theo ba thôn.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Kim Nỗ Hạ còn một bộ phận lớn ruộng đất công, trong đó có đến 46 mẫu để chia cho ba thôn (gồm ruộng khẩu phần, ruộng của các triều quan để lại, ruộng học điền…), 72 mẫu ruộng cho những người đi lính, 25 mẫu của các giáp; ngoài ra còn có các loại ruộng tế, ruộng cho các kỳ lễ tiêt thờ cúng trong năm.
Vị thần mà làng Kim Nỗ Hạ thờ là Vinh Hộ Hiển, vốn là một thiên thần hóa thân, giúp Hùng Tuấn Vương đánh lại nhà Thục. Thần có ngày sinh là 13 tháng Bảy và ngày hóa là 13 tháng Một.
Lệ tục làng Kim Nỗ trước Cách mạng rất nặng nề. Mỗi năm có đến hơn chục lễ tiết ở đình, lễ nào cũng phải có ít nhất một con lợn để tế. Riêng lễ sinh nhật thần phải có 3 con lợn, còn lễ hóa nhật phải có một con trâu và 2 con lợn; ngoài ra còn có các phụ phí khác. Tổng chi phí cho các kỳ lễ tiết trong năm lên đến 246 đồng (trị giá bằng 8 con trâu to, theo giá những năm 20 của thế kỷ trước. Phần lớn các chi phí này đều bổ vào trai đinh các giáp nên xưa kia nhiều người không thể thực hiện đủ nghĩa vụ với làng, phải bỏ làng ra đi. Về tang lễ, làng đặt ra ba lệ làm tang, mỗi lệ tang chủ phải nộp cho làng một số tiến (mức cao nhất số tiền trị giá bằng nửa con trâu) để được làng cắt cử số chấp hiệu và đô tùy phục vụ.
PGS.TS Bùi Xuân Đính