Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Đàn Nam Giao và đàn Xã tắc

Đàn Nam Giao và đàn Xã tắc

Thứ Ba 28, Tháng Tám 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

Ảnh bên: vị trí đàn Xã Tắc ở gần Ô Chợ Dừa ngày nay

Người xưa quan niệm tam tài là ba cõi Trời, Đất và Người, hợp thành vũ trụ. Trời là cõi mênh mang hình thành trên đầu, có những vị thần ngự trị, đủ ân uy với cõi người. Đất là cõi bao la, hình vuông, nơi con người tựa vào để làm ra của cải. Tế Trời và tế Đất không thể thiếu với người xưa.

Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương (LTHC), mục Lễ nghi chí, khảo cứu về lễ tế Trời Đất, viết: “Sách Chu Lễ chép: Ngày đông chí tế Trời ở đàn Viên Khâu (gò tròn), tế Đất ở đàn Phương Trạch (gò đất vuông), đấy là lễ của vương giả. Từ thời Hán Đường về sau, khi thì tế chung, khi thì tế riêng. Lễ tế giao ở nước Việt ta xưa kia còn thiếu sót, tên Viên Khâu đến đây mới thấy, còn lễ tế ở đàn Phương Trạch thì không thấy nói đến, không biết có phải là cúng theo lễ xưa tế tách riêng mà sử bỏ sót không chép, hay là hợp tế cả Trời Đất mà gọi chung là Viên Khâu. Bởi vậy không thể khảo cứu vào đâu được”.

Vị trí có thể của đàn Viên Khâu thời Lý

Do đó, thường là các triều đại đều cho dựng đàn Nam Giao để tế Trời, và đàn Xã Tắc để tế thần mùa màng và thần Đất.

Về quan hệ giữa Trời, Đất, Người, Kinh Thi nói “Trời cao lồng lộng, soi xuống đất rỡ ràng”. Lại nói: “Trời vẫn soi xét đến người, người chớ có ở hai lòng !”. Lễ thiêng liêng gắn bó giữa Trời, Đất, Người là như thế !.

Việc đắp đàn Trời, thờ và tế Trời, đắp đàn Đất, thờ và tế Đất, được các nhà nho xưa coi là việc không thể thiếu của các bậc vương giả. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long và cho xây Hoàng thành với các cung điện, nhưng chưa kịp lập đàn Nam Giao (Viên Khâu), đàn Xã Tắc (Phương Trạch). Bàn về việc này trong Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT), Lê Văn Hưu có ý trách: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm. Tôn miếu chưa dựng, Xã Tắc chưa lập mà trước đó đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức...”. Như vậy là đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc triều Lý phải đắp ở các đời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông sau đó !

Cũng trong LTHC, Phan Huy Chú cho biết về lễ tế Trời, Đất: “Trong sử nói: Theo lệ cũ cứ ba năm một lần đại lễ, hai năm làm trung lễ, hàng năm làm tiểu lễ, thời Trần chưa từng làm. Như thế là vì điển lễ thời Lý đại khái theo chế độ ba năm một lần tế giao của nhà Tống, còn gọi là trung lễ và tiểu lễ thì không biết là làm thế nào. Nhà Trần bỏ đi không làm, thế là trong khoảng 170 năm, việc lễ Giao tế Trời không nghe thấy nói đến. Bấy giờ gọi là đời văn minh, mà điển lễ lại bỏ mất như thế, có đáng phàn nàn không ?” (tập II, trang 30).

Đời Lê Thánh Tông, thời phong kiến thịnh trị nhất nước ta, đã đưa việc tế giao vào nền nếp quy củ, bởi nhà vua coi đó là việc không thể thiếu của một nước văn minh. Theo ĐVSKTT, Lê Thánh Tông, khoảng niên hiệu Quang Thuận năm thứ 2, làm lễ tế giao, ban dụ cho Đô ngự sử đài mà các trọng thần là Ngô Sĩ Liên và Nghiêu Nhân Thọ rằng: “Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo lệ cũ của Thánh Tổ, Thần Tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân, các người lại bảo Tổ Tông tế giao cũng không đủ thuật (phép tắc - NVP) thế là các người xem nước ta như nước Phiên (nước nhỏ, kém văn minh - NVP) kém thời cổ vậy !”. Nhân đó, Phan Huy Chú có bàn trong LTHC: Lễ tế giao đời cổ có hai nghĩa, một là tế để đón khí hòa, tức là như trong sách Chu Lễ nói: Đông chí tế Trời ở đàn Viên Khâu, hai là tế để cầu được mùa, tức như thiên “Nguyệt lệnh”, Kinh Lễ nói: ngày mồng một tháng giêng vua tế Trời để cầu được mùa. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên Khâu (Nam Giao) và đàn Phương Trạch (Xã Tắc) không làm nữa, chỉ có tế giao, hợp tế cả Trời, Đất. Khoảng năm Hồng Vũ nhà Minh (Trung Quốc), 1368-1398 định thành điển. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh làm lễ vào tháng giêng, hơn 300 năm sau vẫn theo, không đổi... Thế Tông, năm Quang Hưng thứ nhất (1578) thời Lê Trung Hưng, vua đặt hành tại (hành cung-NVP) tại Vạn Lại nên lập đàn Nam Giao ở đấy”. Đây là thời kì chúa Trịnh còn ở Thanh Hóa, chưa thắng được nhà Mạc. Do coi mình là chính thống, vua Lê, chúa Trịnh đắp đàn tế giao gồm tế cả Trời, Đất ở thôn Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, nay thuộc Thọ Xuân - Thanh Hóa.

Trong Kiến văn tiểu lục (KVTL), Lê Quý Đôn chép: “Từ thể chế thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), đàn Nam Giao gồm Chiêu sự điện (3 gian 2 chái), hai ngôi nhà cạnh phía đông, tây (1 gian 2 chái), hai nhà giải vũ mỗi dãy 7 gian. Nhà Trai cung (nơi vua ăn chay) 1 gian 2 chái và điện Canh y (nơi vua thay áo tế) 1 gian 2 chái...”.

Đàn Xã Tắc: Nền đàn, một khu Nội nghi môn 3 gian, cửa nhỏ 2 gian, bốn xung quanh đắp tường.

Cho đến năm Cảnh Trị thứ I, đời vua Lê Huyền Tôn (1663), theo Phan Huy Chú trong sách đã dẫn: “Làm điện Nam Giao. Trước kia lễ tế giao, mỗi năm đắp nền chính giữa để tế Trời, Đất, nền dài 15 thước (ta) cao 5 tấc; hai bên tả hữu thờ các vì sao đều đắp nền dài 16 thước, cao 3 tấc, bốn bên trồng cây, đằng trước mở ba cửa. Đến bấy giờ mới sai làm điện, giữa là điện Chiêu Sự, cột bốn góc làm bằng đá, nền và sân trong ngoài đều lát đá; xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng, có hai dãy hành lang tả hữu; bên ngoài là chỗ thay áo, đằng trước có ba tầng cửa. Quy mô chế thức rực rỡ, mới mẻ. Sai triều thần là bọn Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy...”. Phan Huy Chú chép đúng như Lê Quý Đôn trong KVTL, có điều nói rõ hơn.

Nơi khai quật khảo cổ di chỉ đàn Xã Tắc

Vậy là đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc, còn dấu tích ở Hà Nội hiện nay, có thể được đắp và xây dựng nhà, điện từ khoảng năm 1663. Đàn Nam Giao tọa lạc ở chỗ nhà Vincom nay, lối ngã tư Bà Triệu - Lê Đại Hành. Còn khu vực được cho là đàn Xã Tắc mới phát hiện năm 2006 ở đầu phố Xã Đàn gặp Nam Đồng, thành phố đang có phương án bảo tồn.

Đàn Nam Giao ở Hà Nội không còn, do nhà Nguyễn chọn đô ở Phú Xuân mà phá đi, xây lại thành Hà Nội. Nhưng để khắc một dấu tích lịch sử, chỗ cũ nên có tấm biển nhắc lại sự kiện vào đời Lê Trung Hưng. Đàn Xã Tắc cũng vậy, có mô hình theo lối xưa trang trí hoa cảnh vào. Thế cũng là để tỏ một hoài niệm đáng tự hào của người Thăng Long.

Ngô Văn Phú (HNM)

Có còn Đàn Nam Giao?

Tin báo Lao Động: Viện Khảo cổ học, ngày 18.6.2007 đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về kết quả thám sát và dự kiến hội thảo bàn kế hoạch kết thúc công tác nghiên cứu khảo cổ học tại địa điểm này.

TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội - cho biết: Qua 2 đợt khai quật, những di vật thu được đã chứng minh rằng đây là khu vực đàn Nam Giao, bao gồm: Một số hiện vật thời Lý, Trần, Lê, phát lộ một số dấu tích công trình kiến trúc và 11 bộ hài cốt.

Các dấu tích thu được có giá trị về kiến trúc như những con nghê, những đầu tượng... Đây là một phần kiến trúc đàn Nam Giao.

Tuy nhiên, việc đào các hố thám sát vừa qua chưa thu được kết quả nào cho thấy khu vực này là trung tâm đàn Nam Giao. Việc khai quật thấy những bộ hài cốt cũng gợi mở thêm rằng, đây không phải là trung tâm của đàn, mà chỉ là những dấu tích của đàn Nam Giao.

Theo TS Nguyễn Doãn Tuân, khu vực trung tâm có lẽ đã bị phá huỷ. Có thể nó lệch sang khu vực đường Thái Phiên - giáp ranh giữa đường Thái Phiên và Bùi Thị Xuân...