Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Phạm Đình Hổ (1768-1839)

Phạm Đình Hổ (1768-1839)

Thứ Ba 30, Tháng Giêng 2007

Tự là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu là Đông Dã Tiều, quê ở xã Đan Loan, huyện Đường Hào, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng chủ yếu sống ở phường Hà Khẩu, ven thành Thăng Long. Phạm Đình Hổ nổi tiếng đọc rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, lúc trẻ hoàn toàn theo Nho giáo. Bài Tự thuật của ông trong Vũ Trung tuỳ bút có đoạn ’’khi ta lên 6 tuổi, bà bảo mẫu hỏi rằng "Về sau có chí muốn gì không?". Ta nói: Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự của mình rồi, khỏi phải nói nữa. Sau này trưởng thành mà được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ, nhà kia, chí tôi chỉ muốn có thế mà thôi". Cuối đời được vua Minh Mạng cho triệu vào Kinh, bổ làm Hành tẩu Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc Tử giám (1821), năm sau mắc bệnh ông xin nghỉ việc. Lành bệnh, ông lại được bổ chức cũ, rồi thăng Thị Giảng học sĩ. Năm 1832, ông từ quan về quê rồi 7 năm sau thì mất, thọ 71 tuổi.

Hiện nay tại Đan Loan vẫn còn khu đất là nhà cũ của ông cùng với lầu bình thơ cạnh ao sen nhìn ra cánh đồng phía bắc làng.

Sau năm 1945, tên của Phạm Đình Hổ được đặt cho một con phố ở Hà Nội [1].

Tác phẩm

Phạm Đình Hổ để lại nhiều công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị thuôc đủ mọi lĩnh vực: văn học, triết học, lịch sử, địa lí,... tất cả đều bằng Hán-Nôm. Hiện còn 22 tác phẩm lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, trong đó có: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Càn Khôn nhất lãm, Ai Lao sứ trình, Đạt Man quốc địa đồ (tức Chân Lạp địa đồ), Hy kinh trắc lão, Nhật dụng thường đàm, Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục (hợp soạn với Nguyễn Án), Quốc sử tiểu học, Hành tại diện đối, Quốc thư tham khảo, Châu Phong tạp kho, Châu Phong thi tập.

Dưới đây xin giới thiệu bài thơ "Hữu Sở Cảm".

Nguyên văn chữ Hán

長 安 小 兒 女
纖 手 丱 丫 鬟
深 閨 不 知 苦
猶 掃 落 花 看

長 安 小 兒 女
眉 黛 月 雙 彎
為 愛 梅 花 潔
臨 風 不 覺 寒

長 安 小 兒 女
花 前 獨 倚 欄
只 怕 檀 郎 聽
橫 琴 笑 不 彈

Phiên âm

Trường An tiểu nhi nữ;
Tiêm thủ quán nha hoàn.
Thâm khuê bất tri khổ;
Do tảo lạc hoa khan.

Trường An tiểu nhi nữ;
Mi đại nguyệt song loan.
Vị ái mai hoa khiết;
Lâm phong bất giác hàn.

Trường An tiểu nhi nữ;
Hoa tiền độc ỷ lan.
Chỉ phạ đàn lang thính;
Hoành cầm tiếu bất đàn.

Dịch thơ

Trường An cô gái nhỏ;
Tay thon bện tóc dài.
Phòng khuê nào biết khổ;
Hoa rụng quét xem chơi.

Trường An cô gái nhỏ;
Trăng non – đôi mày cong.
Trước gió đứng quên lạnh;
Vì yêu mai trắng bông.

Trường An cô gái nhỏ;
Bên hoa tựa lan can.
Ôm đàn cười chẳng gảy,
Những ngại lọt tai chàng.
 [2]


Xem online : Thưởng trà


[1Con phố dài 220m chạy từ phố Tăng Bạt Hổ cắt ngang phố Hàng Chuối đến phố Lò Đúc, thuộc quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Sêông (Rue Chéon). Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nhân Chiêu, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Sau thôn Nhân Chiều hợp với một số thôn khác thành thôn Hương Viên và tổng Hậu Nghiêm đổi thành tổng Thanh Nhàn. (Trích Từ điển đường phố Hà Nội)

[2Theo bản dịch của Lỗ Công