Nguyễn Huy Thiệp
Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (2)
Nguyễn Huy Thiệp1. Vẻ đẹp của văn học
Trong các bộ môn nghệ thuật, văn học thường được đặt lên hàng đầu bởi những đặc thù riêng của nó. Thế nào là một tác phẩm văn học đẹp? Xưa nay, trong các thông báo giải thưởng cho một tác phẩm văn học, nếu chú ý - chúng ta đều thấy người ta thường rất lúng túng và thường gán cho tác phẩm ấy những ý nghĩa có khi ở ngoài văn học. Cái đẹp - sự hoàn hảo trong một tác phẩm văn học rất khó xác định. Thế nào là đẹp? Rất ít khi người ta tâm phục khẩu phục một cách tuyệt đối một tác phẩm văn học, vì thế trong dân gian đã từng có câu "văn vô đệ nhất" (khác với võ: "võ vô đệ nhị").
Leonardo de Vinci đã từng phát hiện ra tỷ lệ vàng trong quy ước về cái đẹp của con người (1:1,641). Nghiên cứu xã hội học về cái đẹp của phụ nữ người ta thường gắn với một loạt những tiêu chí như: khỏe mạnh, gợi tình, trẻ trung, thông minh v.v. Một tác phâm văn học đẹp có lẽ cũng phải có một số những quy định nào đấy về ngôn ngữ, cấu trúc câu, hình tượng, bố cục v.v. Ở ta, công việc của nhà nghiên cứu phê bình văn học chính là ở sự chỉ ra, hướng dẫn bạn đọc phát hiện ra cái đẹp trong những tác phẩm văn học liên quan rất mật thiết đến quan niệm thẩm mỹ của xã hội, của "không gian sống" đương thời, đến một yếu tố mà ta vẫn quen gọi là "hiện đại". Một hoa hậu của năm 2004 nhất thiết phải là một "cô gái chân dài" chứ không thể cứ lùn tịt như cô Thị Mịch của Vũ Trọng Phụng trong những năm 30 của thế kỷ trước. Một câu văn hay cũng khác, không thể biền ngẫu như là ngày xưa. Yếu tố mới lạ của ngôn ngữ được đưa vào tác phẩm hiện đại theo tôi phải là yếu tố số một cho việc đánh giá một tác phẩm văn học giá trị. Sự biến hóa của ngữ pháp, việc sáng tạo ra những cấu trúc phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của Việt Nam hiện đại cũng là một tiêu chí phải xem xét. Khi người ta hỏi Nit-sơ rằng ông tự hào gì về các giá trị tinh thần vật chất mà ông đã có trong đời ông thì ông nói rằng ông thích nhất bởi ông đã viết ra được những cuốn sách bằng thứ tiếng Đức hay nhất. Một nhà văn xoàng khi viết ra một câu văn anh ta chỉ có chừng "ba búa": hai, ba cách đặt câu để cho anh ta lựa chọn mà thôi. Một nhà văn ngoại hạng không chỉ có "ba búa": anh ta có tới hàng chục, hàng trăm phương án khác nhau. Việc tìm ra một câu văn cho phù hợp đòi hỏi một cường độ suy nghĩ, cân nhắc hơn người: đấy chính là thứ "lao động nhân văn" chết người, nhọc nhằn và gian khó không phải ai cũng làm được.
Gần đây, trên báo Thể Thao Văn Hóa số ra ngày 6.2.2004 có bài viết Vì sao tôi đọc tiểu thuyết của Đoàn Minh Hà. Là nhà văn, tôi thích bạn đọc có ý kiến như thế. Họ hiểu rằng nhà văn sinh ra là để "kể chuyện". Kể chuyện hay! Có thế thôi. Giống như cầu thủ đá bóng: sinh ra là để đá bóng giỏi. Chúng ta trong nhiều năm thiếu những bạn đọc "sans souci". Hiện nay khi xã hội phát triển, tôi rất mừng vì bạn đọc đã có văn hóa hơn, "tử tế" hơn. Có câu rằng: "Dân thế nào, vua thế ấy". Có thể suy thêm: có những bạn đọc thế nào sẽ có những nhà văn thế ấy. Giở lại lịch sử ngày xưa, thấy tại sao trong thời mới Thịnh Đường ở Trung Hoa nảy nòi ra Lý Bạch? Thơ Lý Bạch được khen là thơ tiên phong vì phong độ, cốt cách, chí khí cao ngất. Ở thời ấy, dân chúng ấm no, sung túc. Lý Thế Dân là ông vua cao minh giữ được ổn định chính trị. Dân như thế, vua như thế, thời thế như thế thì sẽ có một thứ văn học tuyệt vời như thế: cho đến bây giờ, thơ Đường với những tên tuổi lừng lẫy vẫn là những đỉnh cao ở trên bầu trời văn học Phương Đông và thế giới.
2. Doping văn học
Trong bài phê phán tôi, Bùi Việt Thắng có chỉ ra chi chít những nhầm lẫn của tôi. Tôi không sợ, vì đơn giản nếu tôi sợ thì tôi đã chẳng phải là nhà văn. Nhà văn không đưa ra những bài học luân lý. Nhà văn chỉ kể chuyện. Phật tổ đã nói: "Mở miệng là đã sai rồi". Chúng ta luôn luôn sống trong những sự nhầm lẫn đan cài nhau. Bản chất cuộc sống, chân lý rốt ráo trong cuộc sống chính là sự nhầm lẫn. Chúng ta chỉ có được những giây phút ngắn ngủi của sự ổn định ôn hòa tương đối mà thôi, đấy chính là lý do để cho ta sống, ta mong muốn, ta tiến lên, ta hoàn thiện mình, nó chính là vẻ đẹp của cuộc sống vậy. Song song với việc kiếm sống để tồn tại, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, loay hoay láng cháng với vài ba niềm vui nỗi buồn, vài vụ làm ăn, vài ba người tình, thấm thoắt năm, sáu chục xuân đã trôi qua, thế là hết một kiếp người "đứng đắn". Xét trên bình diện thời gian - đời người quả là phù du vô nghĩa. Trừ đầu trừ đuôi, thực ra đời sống tràn đầy sung mãn, sinh lực, trong sáng tuyệt với của con người ta có gì khác giò hoa thủy tiên trước mặt của tôi đây không: nở hoa thơm ngát được đôi ba ngày rồi tàn lụi, cái gì qua đi là qua vĩnh viễn, chẳng có cách chi lưu lại với đời. Sáng tạo văn học, nó cũng giống như bước nước rút trong các cuộc chơi thể thao. Trước đó người ta phải tập luyện, tích lũy. Chu trình đọc sách, "đi thực tế", suy nghĩ và viết lách đan cài nhau trong cuộc sống thường nhật như là thứ "lao động thường xuyên, thiếu nó sẽ không có cái thực sự vĩ đại" (A. Puskin). Khi ngồi vào bàn một vận động viên sung sức có đủ 100%, thậm chí 120% năng lực và phong độ. Nhà văn Lê Lựu đã từng ví việc viết văn như một ca sinh đẻ: người đẻ nhanh sao cho "mẹ tròn con vuông". Ý kiến đó đúng. Trong nhiều trường hợp, Lê Lựu vẫn luôn tỏ ra là một nhà văn không hào hoa lắm nhưng lại có những kinh nghiệm thực dụng không chê vào đâu được. Việc nhà văn chuẩn bị cho một tác phẩm mới ra đời là cả một chu trình lao động công phu đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Những nhà văn trẻ ít kinh nghiệm thường không coi trọng bước chuẩn bị này, họ chủ quan tin vào "cảm hứng". Cảm hứng chỉ có thể giúp cho nhà văn trẻ làm ra được một thứ sản phẩm đèm đẹp, một cái gì đó ngắm "lâng lâng". Việc xây dựng một tác phẩm lớn, độc đáo đòi hỏi dứt khoát phải có tính hệ thống, một tư duy tổng hợp và khoa học thế nào đấy, tôi đã từng nói đến việc "tổ chức viết văn" ở một nhà văn của thời bây giờ: nào là sắp xếp nhà cửa, công việc, chuẩn bị tiền nong, sức khỏe, chuẩn bị tư liệu, chuẩn bị cảm xúc và nhiều thứ linh tinh khác. Không phải tự dưng có nhiều người viết trẻ tìm đến sự trợ giúp từ rượu, thuốc lá, ái tình và thậm chí ma túy. Nó giống như "doping" trong văn học. Sự căng thẳng trong tình cảm và cảm xúc, cũng như sự tập trung cao độ trong quá trình viết lách ở nhà văn khiến cho họ mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải những chất "doping" ấy lúc nào cũng có kết quả. Theo quan sát của tôi - đa số nó phản tác dụng. Sự sáng tạo văn học thường không diễn ra giống như một cuộc thi đấu ngắn ngày như ở thi đấu thể thao. Sáng tạo văn học đòi hỏi cả một môi trường: nó là không gian sống, sự bình ổn nội tâm rất cao của người viết.
Gần như chẳng bao giờ có một không gian lý tưởng, có sẵn để cho nhà văn làm việc "như ý". Đa số nhà văn phải tự sáng tạo, tự dựng ra một không gian ảo giác cho mình để tiến hành công việc viết lách. Rất nhiều nhà văn đã làm việc một cách cô đơn, họ cố tình xa lánh những thứ rắc rối không cần thiết để tập trung vào công việc. Không phải tự dưng nhiều người vẫn coi nhà văn là những con sói cô độc khó gần. Sự khó hòa nhập với đám đông không có nghĩa là nhà văn không "nhập thế", không "ăn cùng nhân dân tôi, thở cùng nhân dân tôi", không hát bài ca của họ.
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, ở Việt Nam không có những nhà văn có phong độ, khí phách lớn. Đến ngay cả nỗi buồn cũng không phải là những nỗi buồn lớn. Thái độ hời hợt của xã hội với văn học, cách tiếp nhận của xã hội đối với các giá trị văn học cũng làm mất đi cảm hứng ở nhiều nhà văn nhiệt thành. Đấy là chưa kể đến sự tráo trở và lạnh lùng của cơ chế thị trường vẫn chẳng nể nang gì ai cả.
3. Văn học hiện nay thiếu gì?
Câu hỏi đó do một nhà báo trẻ đặt ra với tôi. Tôi thấy rất khó trả lời. Nó có vẻ như một câu hỏi dành cho Hội Nhà Văn nhiều hơn là cho một cá nhân nhà văn nào đó. Trên bình diện chung, hầu hết chúng ta đều thấy như văn học thiếu vắng những tham vọng to lớn. Năm ngoái, khi đến Thụy Điển, tham dự Hội chợ sách Goterborg, tôi hết sức ngạc nhiên trước không khí văn học hăng say ở đó. Thật hệt như một giấc mơ! Niềm yêu mến với sách, với văn học là không chối cãi. Không thấy thái độ hoài nghi, khinh bạc với văn học. Không thấy thái độ hoài nghi, khinh bạc với cuộc sống nói chung. Trước giờ phút công bố giải thưởng Nôben văn học, tất cả bầu không khí tựa như ngưng đọng. Hầu hết mọi người đều căng thẳng và cảm động. Rõ ràng ở đây văn học có một vị trí xứng đáng trong đời sống cộng đồng. Ở Việt Nam, mấy năm gần đây văn học bị đưa ra đùa rỡn nơi công cộng và xem thường. Nhà văn bị ngờ vực. Việc biểu dương một số nhà văn trẻ "trong tầm tay" có một cái gì giả tạo. Văn học luôn tránh né một vấn đề nan giải khó nói nhất trong xã hội: không phải khó khăn kinh tế, không phải sex, không phải là tình cảm chiến tranh… Nó là vấn đề nhân tính. Văn học Việt Nam gần đây mất đi khả năng tưởng tượng, lãng mạn, mơ mộng và nhiệt huyết sống. Nó trở nên thực dụng, ê chề, lọc lõi, oái oăm, đôi khi đểu cáng.
Để có một nhà văn có giá trị nhân đạo cao phải dựa trên rất nhiều yếu tố. Người ta vẫn quen nghĩ rằng đó là do những nỗ lực cá nhân và chỉ là những nỗ lực cá nhân mà thôi. "Văn hay do cùng". Lối nghĩ đó vẫn phổ biến trong xã hội. Nó là lối đi tự phát, rèn luyện mà thành, lập nghiệp từ không chuyên, ỷ nhiều vào "năng khiếu". Có lẽ đã đến lúc người ta phải nghĩ đến một "typ" nhà văn khác: lớp nhà văn trí thức của một xã hội phát triển. Họ viết văn có bài bản, có lý luận, lý lẽ chứ không mò mẫm. Trước đây, ở Việt Nam hầu như chưa có những điều kiện xã hội để xuất hiện "typ" nhà văn này.
Trước mặt tôi đây là giò hoa thủy tiên thơm ngát. Tôi biết rằng cả đời tôi, rồi cả hoa cũng chẳng còn mãi trên đời này. Thời gian trôi đi, giống như sóng biển kia vỗ bờ, giống như dã tràng kia xe cát, sự sống rồi cứ tiếp nối nhau không ngừng như thế đầy, vô cùng vô tận.
— Mặc kệ chuyện thị phi
Tết Giáp Thân 2004
Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 5, ra ngày 01.03.2004
BTV: Đông Tỉnh