Bạch Cư Dị (772-846) và Tỳ bà hành

Thi sĩ Bạch Cư Dị tên chữ là Lạc Thiên, quê quán ở Thiểm Tây, Trung Quốc, xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, là nhà thơ nổi tiếng thời Trung Đường, người ta chỉ xếp ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động. Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, Trương Tịch, Vương Kiến, ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức.

Bạch Cư Dị tự chia thơ mình thành bốn loại: phúng dụ, cảm thương, nhàn thích, tạp luật, trong đó giá trị nhất là thơ phúng dụ (nặng về phê phán các tệ nạn xã hội và các chính sách của triều đình) và thơ cảm thương (thiên về bộc lộ cảm xúc trước những cảnh đời thương tâm), tuy nhiên hai yếu tố này thường đan xen vào nhau và không phân rõ ranh giới. Bạch Cư Dị sớm hình thành tư tưởng tiến bộ, năm 802, ông đỗ tiến sĩ, năm 808, ông được giữ chức gián quan Tả thập di, đây là thời kỳ ông thu được thành tựu rực rỡ nhất về thơ.

Bạch Cư Dị cũng là một nhà lý luận, là một trong những người đề xướng phong trào sáng tác tiến bộ mang tên Tân Nhạc phủ, ông quan niệm văn chương bắt nguồn từ “sự vật”, song phải tác động trở lại đối với sự vật, phải góp phần “trị bệnh cứu người”, “sửa chữa thời cuộc”, tuyệt không phải “vì văn chương mà sáng tác”- Quan niệm về nguồn gốc và chức năng của văn chương như vậy so với đương thời đã là tiến bộ và góp phần thúc đẩy thơ ca hiện thực phát triển.

Bạch Cư Dị là nhà thơ sáng tác nhiều nhất thời Đường (hiện còn lưu giữ được trên 3000 bài).

Sáng tác

- Tần Trung ngâm
- Tân Nhạc phủ
- Nghị hôn
- Trường Hận ca (806)
- Bạch thị Trường Khánh
- Đỗ Lăng tẩu (Ông già Đỗ Lăng)
- Ký Nguyên Chẩn thư (Thư gửi Nguyên Chẩn)
- Tỳ bà hành (Bài hành về tiếng đàn tỳ bà)

Tỳ bà hành

1.

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.

5.

Say những luống ngại khi chia rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Đàn ai nghe vẳng bên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.

9.

Tìm tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Dừng dây tơ nấn ná làm thinh
Dời thuyền ghé lại thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.

13.

Mời mọc mãi, thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn mấy tiếng dạo qua,
Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng hay.

17.

Nghe não nuột mấy dây buồn bực,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu;
Mày chau tay gảy khúc sầu,
Dãi bày hết nỗi trước sau muôn vàn.

21.

Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt,
Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu,
Dây to dường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng.

25.

Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu,
Trong hoa oanh ríu rít nhau,
Nước tuôn róc rách, chảy mau xuống ghềnh.

29.

Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt,
Ngừng đứt nên phút bặt tiếng tơ;
Ôm sầu mang giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt, bây giờ càng hay.

33.

Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước,
Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao;
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.

37.

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông;
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giãi lời.

41.

Rằng: “Xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la;
Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất chỉ đà chép tên.

45.

Gã thiện tài so phen dừng khúc,
Ả thu nương ghen lúc điểm tô,
Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn.

49.

Vành lược bạc gãy tan dịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi;
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải trăng hoa chẳng đoái hoài xuân thu.

53.

Buồn em trảy, lại lo dì thác,
Sầu hôm mai đổi khác hình dong;
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết duyên cùng khách thương.

57.

Khách trọng lợi khinh đường li cách,
Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi;
Thuyền không, đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng giãi, nước trôi lạnh lùng.

61.

Đêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Chợt mơ màng dòng lệ đỏ hoen”.
Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời:

65.

“Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau,
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai.

69.

Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm:
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng, trúc võ, âm thầm quanh hiên.

73.

Tiếng chi đó nghe liền sớm tối:
Cuốc kêu sầu, vượn hót véo von;
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
Lần lần tay chuốc chén son ngập ngừng.

77.

Há chẳng có ca rừng, địch nội?
Giọng líu lo buồn nỗi khó nghe.
Tỳ bà nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.

81.

Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca”.
Đứng lâu dường cảm lời ta,
Lại ngồi lựa phím đàn đà kíp dây.

85.

Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi;
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh.

Người dịch: Phan Huy Vịnh

Nguồn: Thơ Đường (tập 1) - NXB Văn học, 1987