Trang nhà > Bạn đọc > Liên kết > Nguyễn Phước tộc
Nguyễn Phước tộc
Thứ Năm 27, Tháng Sáu 2019, bởi
Theo cụ Tôn Thất Hân, Phụ Chánh Thân Thần, thì họ Nguyễn-Phước là một nhánh của họ Nguyễn. Lúc trước, vào những năm 1400, đến lập nghiệp tại làng Gia-Miêu Ngoại-Trang 嘉苗外庄, huyện Tống-Sơn 宋山, phủ Hà-Trung 河中, tỉnh Thanh-Hoa (Hóa) 倩化, thì danh xưng họ Nguyễn-Phước là Nguyễn, như Nguyễn Biện 阮汴, Nguyễn Sừ 阮儲, hay đôi khi có thêm chữ lót giữa họ và tên, như Nguyễn Công Duẫn 阮公笋, Nguyễn Đức Trung 阮德忠, hay Nguyễn Văn, như Nguyễn Văn Lang 阮文郎, Nguyễn Văn Lưu 阮文溜, thân phụ của Triệu-Tổ Nguyễn-Kim 阮淦. (Bulletins des Amis du Vieux Huế - BAVH. Juillet-Septembre 1920, trang 296-299).
Năm Quý-Hợi (1563), khi Hy-Tông Nguyễn-Phước Nguyên 阮福源 (Chúa Sãi) ra đời, thì Thái-Tổ Nguyễn Hoàng 阮潢 (Chúa Tiên) mới đổi danh xưng họ Nguyễn ra Nguyễn-Phước 阮福. Đến năm Canh-Tý (1600), Nguyễn Hoàng có để lại người con thứ năm là Nguyễn Hải 阮海 và người cháu là Nguyễn Hắc 阮潶 (con trưởng của Nguyễn Hán 阮漢, Nguyễn Hán là con thứ hai của Thái-Tổ), làm con tin ở ngoài Bắc cho chúa Trịnh Tùng. Nguyễn Hải làm quan với nhà Lê tới chức Tả-Đô-Đốc, tước Cẩm Quận-Công; Nguyễn Hán cũng làm quan với nhà Lê tới chức Tả-Đô-Đốc, tước Lỵ Quận-Công.
Sau nầy, Thế-Tổ Nguyễn-Phước Ánh 阮福映 đổi danh xưng họ Nguyễn của con cháu hai ông Nguyễn Hải và Nguyễn Hán ra Nguyễn-Hựu 阮祐. Vậy họ Nguyễn ở làng Gia-Miêu Ngoại-Trang, huyện Tống-Sơn, tỉnh Thanh-Hóa, có hai danh xưng là Nguyễn-Phước và Nguyễn-Hựu.
Đến năm Quý-Mùi, Minh-Mạng thứ ba (1823), Thánh-Tổ Nguyễn-Phước Kiểu 阮福晈 mới phân biệt là Tông-Thất Nguyễn-Phước 宗室阮福 và Công-Tánh Nguyễn-Hựu 公姓阮祐, cùng phân chia ra Tiền-Hệ, Chánh-Hệ. Tiền-Hệ là các đời từ Triệu-Tổ Nguyễn Kim (1468- 1545) đến Thế-Tông Nguyễn-Phước Khoát 阮福 (Võ Vương, 1714-1765). Chánh-Hệ là các đời từ Thế-Tổ Nguyễn-Phước Ánh (1762-1820) cho đến sau nầy, và định mỗi hoàng-tử có con cháu thì lập ra một Phòng 房.
Ví dụ: Con cháu của Triệu-Tổ thuộc Đệ Nhất Tiền-Hệ. Con cháu của Thái-Tổ thuộc Đệ Nhị Tiền-Hệ, hệ nầy có 3 phòng, v.v...
Con cháu của Thế-Tổ thuộc Đệ Nhất Chánh-Hệ, hệ nầy có 9 phòng. Con cháu của Thánh-Tổ thuộc Đệ Nhị Chánh-Hệ, hệ nầy có 56 phòng. Con cháu của Hiến-Tổ thuộc Đệ Tam Chánh-Hệ, hệ nầy có 15 phòng, v.v...
Cũng nên nhắc là vì kỵ trọng húy của Hiến-Tổ Nguyễn-Phước Miên-Tông 阮福綿宗, nên đến năm Tân-Sửu, Thiệu-Trị nguyên niên (1841), chữ tông 宗 được đổi ra chữ tôn 尊, và Tông-Thất 宗室 đổi thành Tôn-Thất 尊室.
Việc kỵ húy, Hiến-Tổ đã nhiều lần dạy, tuy vì phong tục phải tôn kính vua, cha, thì chỉ nên tránh húy tên gọi, chứ không tránh húy tên tự, phải giảm bớt đi, đừng có câu nệ nhiều, để cho « văn tự kém nghèo nàn, để cho văn chương thêm sáng sủa ». Nhưng tục lệ đã có lâu đời, nên người xưa ít tuân thủ (Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Tập 8, quyển 121). Đến năm Giáp-Thân, Minh-Mạng thứ tư (1824), Thánh-Tổ lại ban các bài Phiên-Hệ Thi, bài Đế-Hệ Thi để phân biệt giữa con cháu của chính mình và con cháu của anh, em mình.
Ở đây cũng nên nói rõ âm Hán-Việt của chữ 福 là Phúc ở phía bắc Thanh-Hóa và Phước ở phía nam Thanh-Hóa, chứ không phải kỵ húy chữ Phúc trong nhóm chữ Nguyễn-Phúc mà phải đọc trại ra Nguyễn-Phước. Bằng chứng, bây giờ, trong Nam, có những âm phước, như Tống Phước Khải, Nguyễn Hữu Phước, phước lành, đầy ơn phước lạ..., nhưng hiện nay, một số người, ngay cả những người trong họ Nguyễn-Phước đã đổi họ mình ra Nguyễn-Phúc cho hợp thời, cho « đương đại », cho « thời thượng » chăng ?
GS Nguyễn Vĩnh Tráng