Trang nhà > Lịch sử > Trung đại > Quốc Tử Giám qua các triều đại (2)
Quốc Tử Giám qua các triều đại (2)
Thứ Năm 20, Tháng Chín 2007, bởi
I- Học quy
a- Trước thời Nguyễn
1429 Định chương trình học cho Tôn sinh. Bộ Lễ thấy Tôn sinh tọa Giám nhiều người tạ sự cáo nghỉ, tâu: "Từ trước đến nay phép dậy chưa có chuẩn tắc, nên định rõ quy thức :
* 1) Học sinh Tôn học mỗi quý (tháng cuối mỗi mùa) xét số người học nhiều hay ít cùng nghĩa lý học thuộc hay không, văn nghệ tập tành thông hay không, chia hạng ưu, bình, thứ, liệt, do quan Học chính làm danh sách tâu lên. Hạng ưu thì tăng một nửa nguyên bổng, hạng bình như thường, hạng thứ giảm một phần ba, hạng liệt giảm một nửa.
* 2) Định lại lệ xin nghỉ : Phàm gập ngày húy (giỗ) cha mẹ cho nghỉ 5 ngày, cha còn hay mẹ còn thì cho 3 ngày ; gập ngày húy ông bà, cụ kỵ mà cha mẹ mình đều mất cho nghỉ 3 ngày ; đau ốm nhẹ thì điều dưỡng trong phòng, nặng thì cho nghỉ 10 ngày, chưa khỏi lại gia một hạn. Nếu vô cớ thác bệnh không ở tại phòng thì bị đánh roi."
1483 Theo chế độ cũ, con cháu quan viên người nào thi Hương trúng ba kỳ được sung vào Hiệu sinh trường học trong phủ mình, trúng bốn kỳ sung Giám sinh trường Quốc học, còn quân và dân nếu ứng thi có trúng tuyển cũng không được dự.
* Nay ra sắc dụ : Quân và dân thi Hương trúng ba kỳ được sung vào Sinh đồ trong phủ mình, trúng bốn kỳ được sung Học sinh trong Tăng Quảng Đường ở Quốc Tử Giám. Giám sinh thi Hội trúng ba trường thì cho sung vào Thượng xá sinh, trúng hai trường thì sung Trung xá sinh, trúng một trường thì sung Hạ xá sinh. Mỗi xá là 100 người, cấp cho tiền lương ba xá mỗi người 9 tiền. Khi bổ dùng bộ Lại và quan ở Quốc Tử Giám bảo cử, chọn bổ ba xá không phân biệt.
* Bọn Phó Đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm tâu: "Tiền lương ba xá xin đổi . Thượng xá thêm một tiền cho đủ một quan, Trung xá giữ nguyên 9 tiền, Hạ xá giảm một tiền, còn 8. Khi bổ dùng thì cho Thượng xá sinh ba phần, Trung xá sinh hai phần, Hạ xá sinh một phần". Vua y.
1511 Điểm mục : Các Giám sinh, Nho sinh, Sinh đồ cứ đến ngày rầm, mồng một đều phải mũ áo đến điểm mục. Phải tuân theo học quy, tập học nghiệp cho thành tài, giúp ích cho nước. Ngưởi nào dám rong chơi đường xá, trễ bỏ việc học, thiếu điểm mục một lần thì phạt 20 tờ giấy trung chỉ, thiếu ba lần thì đánh 40 roi, thiếu 4 lần thì kiểm xét tâu lên, giao cho bộ Hình xét hỏi, thiếu 5 lần thì tâu lên bắt sung quân.
1721 Định rõ quy chế việc học, phép thi khảo tại các trường Quốc học và Hương học. Tế tửu, Tư nghiệp giảng dậy, con cháu các công thần và nho sĩ đều được học. Mỗi tháng Học quan ra một bài Tiểu tập thi khảo học trò đã được vào học đo các quan Giáo thụ và Học chính quản lĩnh ; bốn tháng trọng (tháng thứ nhì trong mùa) Giám khảo ra một bài Đại tập thi khảo các học sinh và Hương cống do quan ở Quốc Tử Giám chịu trách nhiệm. Ai bốn kỳ (nội khóa, 4 tháng trọng) đều trúng tuyển thì quan ở Quốc Tử Giám đứng ra bảo cử, bộ Lại sẽ theo thứ tự bổ dụng.
1728 Đặt viên quan kiêm giữ công việc Quốc Tử Giám để cho chức trách được long trọng : mùa Xuân, mùa Hạ khảo xét phương pháp, mưu lược và việc binh của quan võ ; mùa Thu, mùa Đông khảo xét việc thảo thiên từ chương, mệnh lệnh của quan văn.
* Tham tụng Nguyễn Công Hãng cho là lối văn Bát cổ thu được nhiều tài lạ, muốn biến đổi thể văn, thường dẫn quan văn vào Quốc Tử Giám luyện thể văn Bát cổ của nhà Thanh để mài giũa lấy nhiều sĩ tử. Định đến kỳ kinh nghĩa thi Hương, thi Hội sẽ dùng văn Bát cổ nhưng chưa kịp thi hành đã mất ngôi Tham tụng (22).
b- Thời Nguyễn
1823 Học sinh do địa phương cống cử đã được làm Giám sinh thì miễn thuế thân, cấp mũ văn tú tài bằng ô sa, áo dài vải đen viền bảo lam, cổ bằng lĩnh trắng, xiêm lụa lam.
Bộ Lễ bàn việc giảng dậy ở nhà Giám :
* 1- Hàng năm sau khi khai ấn đầu Xuân một ngày thi khai giảng. Giám thần mặc mũ áo thường triều đến Di luân đường làm lễ cáo tiên sư, các Giám sinh mũ áo bồi bái. Lễ xong Giám thần đến Giảng đường ngồi, các Giám sinh thay áo làm lễ lạy chào, lễ xong ngồi nghe giảng.
* 2- Ngày thường thì trước giảng Kinh Truyện để rõ nghĩa lý rồi giảng chính sử, tính lý. Ngày chẵn học Tứ thư, Ngũ kinh, ngày lẻ học sử, chư tử, tính lý. Đặc biệt nên chỉ bảo những mối vinh nhục và liêm sỉ, nêu rõ những nghĩa hiếu đễ, trung tín để chính tâm thuật.
* 3- Hàng tháng lấy những ngày mồng 3, 9, 17, 25 làm ngày tập văn bài. Đầu bài thì theo thể văn bốn trường hoặc tập xen lối văn thù phụng. Có yết bảng để khuyến khích.
Những người lười biếng thì phạt roi, tội nặng thì trình lên bộ Lễ để nghiêm trừng và ghi vào học bạ. Quá dốt có thể bị đuổi, còn những người giỏi được thưởng giấy bút .
* 4- Hàng năm những kỳ khảo hạch thì lấy bốn tháng trọng. Chấm phê cốt tinh tường, không thiên vị.
* 5- Giám sinh nếu có tệ rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, trai gái thì cho xét cử lên để cách đuổi. Kẻ nào tự tiện bỏ ra ngoài một, hai lần thì Giám thần tự trách mắng, ba lần cho xét cử lên.
* 6- Hàng năm ba tiết lớn (Vạn thọ, Chánh Đán, Đoan dương) các Giám sinh đều mũ áo vào sân điện Cần chính để chiêm bái.
* 7- Hàng năm cứ đến cuối tháng chạp, sau ngày cất ấn một ngày thì nghỉ học. Cũng tế lễ như ngày khai giảng.
Vua chuẩn y.
1826 Sắp thi Hội, gia ơn cho học trò mỗi người 10 quan. Sai Giám thần xét hạch ai trúng ưu, bình, thứ cho thi cùng với Hương cống, hạng liệt sung bổ thư lại nhập lưu ở các bộ, viện và tả hữu Thừa Ty các dinh trấn.
Đổi cấp mũ áo Giám sinh :
* 1 mũ Tú tài bằng the nam, đằng trước đính một hoa bạc
* 1 áo tràng vạt bằng the nam mầu xanh lót lụa trắng
* 1 xiêm lụa mầu lam
* Khăn, màng lưới (buộc tóc)
* Hia tất.
* 5 năm đổi một lần.
1827 Giám sinh tọa giám được thăng bổ hay có lỗi phải cách thì mũ áo thanh khâm nhà nước phát phải chiếu lệ nộp trả, người ốm chết thì cho đem theo.
1828 Vua phán: "Mùa đông năm nay giá rét, bọn Giám sinh sách đèn cần khổ lấy gì chống rét ?", ban cho mỗi người 10 quan.
1829 Việc giảng tập thì trước giảng Ngũ kinh, Tứ Truyện, rồi Chính sử và Tính lý. Tập bài mỗi tháng chia làm bốn kỳ : ngày 3, 9, 17, 25.
Sau lại cho con các quan văn hưu trí hay đã quá cố từ tứ phẩm trở lên mỗi viên được một người dự.
1835 Ban cho Quốc Tử Giám 50 bộ Tứ thư, Ngũ kinh, Tiểu học thông giám, Thi sách chế nghệ, Luật phú, Thi thiếp, Tiểu học thể chú để cấp phát cho Tôn snh, Ấm sinh, Sơ học sĩ nhân.
Lại sai khắc sách Tứ thư, Nhân vật bị khảo, Thi vạn tập yếu in 1000 bộ cấp thêm cho sĩ tử mượn về xem.
1836 Bộ Lễ tâu: "Nhà Di Luân đặt bài vị tiên sư để làm chỗ cho học sinh bái vọng. Hàng năm khai giảng, nghỉ giảng đều làm lễ triều bái ở đó, Tiến sĩ tân khoa làm lễ Thích điện (24) cũng tại đó. Văn Miếu ở bên tả Quốc Tử Giám, bái yết ở đó mới hợp nghi. Từ nay hễ học sinh vào nhà Giám, Giám thần mặc phẩm phục đem học sinh đến Văn Miếu làm lễ cáo yết xong lại về Giảng đường làm lễ tham yết. Khi các Tiến sĩ làm lễ Thích điện cũng xin cho làm ở sân miếu mới tỏ được trang trọng, kính cẩn. Còn chỗ bái vọng xin đừng đặt nữa". Vua y.
1837 Ấm sinh học Quốc Tử Giám được một năm trở lên, kỳ khảo khóa làm đủ văn thể ba trường nếu gập kỳ thi Hương thì cho được thi, không câu nệ phải đủ hạn hai năm.
* Tôn sinh ở Giám từ xấp xỉ 13, phải học thuộc lòng giảng tập, lấy chuyên cần hạn định ; 20 tuổi trở lên làm một bài Kinh, một bài Truyện và văn thể khoa trường, văn sách hỏi về việc đổi hoặc điều luật. Đến kỳ khảo khóa, bộ Lễ ủy người có khoa mục cùng sát hạch, người nào ở hạng kém thì người ấy và tư giáo phải tội như lệ cũng như Giám thần, Học chính và cha anh ngày thường không biết bảo thêm. Trong một năm và trong một hệ đuổi về Tôn tịch đến ba người thì Giám thần, Học chính, Tư giáo phải tội nặng hơn. Tư chất chậm, dốt, sức học không tiến, bẩm phủ rút về.
Tôn sinh như có việc, Tư giáo chuyển trình Giám thần, Học chính, gia hạn cho về thăm nhà, hết hạn không đến thì răn phạt mỗi ngày thêm một bậc, tội chỉ đến 50 roi, nếu vô cớ mà bỏ thiếu, Giám thần, Học chính và cha anh phải đem trừng trị, dung túng thì giao cho bộ nghiêm trị.
1854 Vua đến Di Luân Đường khảo xét và ban thưởng cho học trò.
1869 Định rõ chương trình Quốc Tử Giám :
* a- Tôn sinh chưa tập đủ thể văn, chưa phân biệt chấm câu, chấm ngắt, quan Học chính phải sớm chiều dậy bảo, hoặc đã tập đủ thể văn ba kỳ, sát hạch trúng hạng ưu,bình và đã thi Hương thì cho được cùng học với học sinh ở Giám chờ có tiến bộ, lại theo lệ cho làm Tôn sinh thượng hạng.
* b- Ấm sinh học ở Giám đã đỗ Tú tài thì cho hội đồng khảo hạch không câu nệ niên hạn.
Hàng năm 2 tháng trọng sát hạch học sinh, khi chấm xong đem suốt cả sách học tập nửa năm trước xét kỹ học lực chăm hay lười, cân nhắc tính khấu trừ định hạng.
* c- Giám sinh đã được xét bổ mà chưa có nơi khuyết, trừ người tình nguyện ở lại Giám thì cho học bổng, còn thì cho về quê chờ bổ.
Người mới vào Giám, tuổi 50 trở lên, chuẩn cho được chọn bổ giáo chức (25).
II- Khảo hạch
Khảo hạch ở Giám có nhiều loại khác nhau, tùy trình độ mà đặt câu hỏi khó hay dễ nhưng cũng không ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử, Bách gia chư tử v.v...
a) Thi để được vào học ở Quốc Tử Giám :
Các Học sinh / Cống sinh được tiến cử từ các phủ huyện hàng năm hay vài ba năm một lần, phải qua một kỳ thi do quan ở Giám sát hạch có đỗ mới được học. Kỳ thi này cũng để xét trình độ mỗi người mà cho vào học một trong ba xá sinh. Hạng ưu,bình dù không đỗ Hương thí cũng được vào học ở Quốc Tử Giám, hạng liệt bị đuổi về.
b) Kiểm soát
Những người đang học ở Quốc Tử Giám hàng năm vào bốn tháng trọng (tháng giữa mỗi mùa) phải thi để kiểm soát học lực có tiến bộ hay không. Kỳ thi này do bộ Lễ chủ trì, Giám thần và các quan Đô Giám viện khảo hạch. Sau mỗi kỳ thi đều có bản phúc trình lên vua.
1829 Bộ thần bàn: "Phàm người nào được bổ Học sinh thì do quan Giám thần xét lại. Bậc nhất kiêm thông văn thể ba, bốn trường ; bậc nhì thông văn thể một, hai trường ; bậc ba chưa thông văn thể. Cấp cho bậc nhất mỗi tháng 2 quan tiền, 2 phương gạo. Cấp mũ áo.
* Về đề mục thì bậc nhất theo đầu đề mà tập; bậc nhì và bậc ba thì Chế nghĩa 6 đề, tập 1 Kinh, 1 Truyện, thơ 1 bài, phú 6 vần, văn sách tập 1, 2 đoạn văn sử.
* Bậc nhất hạn học 2 năm, bậc nhì hạn 3 năm, bậc ba hạn 4 năm. Nếu mãn hạn mà chưa học đủ văn thể 4 trường, chưa thi chưa trúng kỳ khảo sau 3 năm mà không được 1 ưu, 1 bình thì đều cách. Học lười, nết xấu, thiện tiện dời bỏ nhà trường thì đánh đòn. Rượu chè, cờ bạc, trai gái bị cách đuổi."
Vua y. Lại cho con quan tứ phẩm trở lên hưu trí hay đã chết cho một con làm học sinh.
c- Thi lấy học bổng
Những kỳ thi lấy học bổng do Giám quan và quan Học chính phụ trách:
+ Tôn sinh:
Thi vào 4 tháng mạnh (tháng đầu mỗi mùa), được ưu hay ình thì tùy điểm mà cho học bổng, 3 lần bị liệt thì đuổi.
Học bổng hàng tháng của Tôn sinh là 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu thắp đèn. Sau khi thi :
* hạng ưu được tăng một nửa học bổng
* hạng thứ bị giám một phần ba học bổng
* hạng liệt truất ba tháng, 2 liệt thì truất 6 tháng, 3 liệt thì đuổi.
+ Ấm sinh:
Thi vào 4 tháng trọng (tháng giữa mỗi mùa), chia ra ba hạng, học 2 năm hay 3, 4 năm. Học xong thi cũng giống Giám sinh, được thi Hương, nếu không đủ khả năng làm văn thể trường thi thì bị đuổi.
Học bổng hàng tháng của mỗi hạng là :
* Hạng nhất (Ấm sinh thượng hạng / Thượng xá sinh) : 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu.
* Hạng nhì (Trung xá sinh) được 1,5 quan tiền, 1,5 vuông gạo, 2,5 dầu.
* Hạng ba (Hạ xá sinh) được 1 quan tiền, 1 vuông gạo, 2 cân dầu.
4 lần "thứ" thì đuổi.
Năm thứ 4 được học bổng như Giám sinh, thưởng phạt theo số điểm như nhau.
+ Học sinh:
Như Ấm sinh. Những người được ưu, bình, chưa đỗ thi Hương, được giữ lại học ở Quốc Tử Giám, điểm xấu thì đuổi. Học bổng hàng tháng là 2 quan tiền, 1 vuông gạo, 3 cân dầu. Sau khi thi :
* hạng ưu tăng lên 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu
* hạng bình được 2 quan tiền, 1,5 vuông gạo, 4 cân dầu
* hạng thứ được 1,5 quan tiền, 1 vuông gạo, 3 cân dầu ; 4 lần thứ thì đuổi.
+ Cử nhân:
Thi vào tháng trọng mỗi mùa. Được ưu hạng thì tăng học bổng, 4 lần "thứ" thì đuổi.
Học bổng hàng tháng của Cử nhân là 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu. Sau khi thi :
* hạng ưu được tăng 1 quan tiền
* hạng bình giảm 1 cân dầu
* hạng thứ giảm 1 quan tiền, 2 cân dầu, thứ bốn lần thì bị đuổi.
+ Giám sinh:
1826 Lệ cấp học bổng cho Giám sinh tọa Giám :
* hạng ưu mỗi tháng được 4 quan tiền tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu.
* hạng bình mỗi tháng được 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 4 cân dầu.
* hạng thứ mỗi tháng 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu (26).
d- Hạch thi Hương, thi Hội
Ba năm một lần sát hạch trước mỗi kỳ thi Hương, thi Hội để chọn người được phép đự thi. Sĩ nhân phải khai tên tuổi, quê quán... đệ trình lên bộ Lễ rồi qua một cuộc Đình khiêu (khiêu= chọn lựa) do quan trong triều chủ trì.
1830 Lệ khảo hạch thi Hội : Trước kia các Giám sinh do quan ở Giám sát hạch rồi cho thi. Nay danh sách do quan nhà Giám dâng lên, vua sai sát hạch lại : hạng ưu được cùng thi với các Cử nhân, hạng nhì ở lại nhà Giám học tập, hạng liệt bổ làm vị nhập lưu thư lại ở các bộ.
* Lệ này sau bãi bỏ, vua cho là quan ở Giám hiểu rõ trình độ học sinh hơn là khảo quan chỉ thi có một ngày, hễ Giám thần chọn là được đi thi, nếu có gì thì cứ Giám thần mà trách.
1837 Ấm sinh học ở Quốc Tử Giám một năm trở lên, kỳ khảo khóa làm đủ văn thể ba trường, nếu gập kỳ thi Hương thì cho được thi không câu nệ phải đủ hạn hai năm.
III- Bổ dụng
1509 Sắc chỉ : Quốc Tử Giám sinh ba xá sinh, người nào 30 tuổi trở lên thì bản quan mới được bảo cử bổ dụng.
1674 Giám sinh đã làm việc ở Giám 15 năm gọi là "thâm niên", đi thi nhiều lần, số vào đã đến thập trường (10 kỳ), nếu được quan ở Giám bảo cử, ở kinh thì được làm các chức Trưởng sử, Bạn độc, Tư nghị, Giảng dụ, Giám bạ, Tự ban, Cáp môn, Đô sự... ; ở ngoài thì làm Huyện úy, Tri châu, Huấn đạo. Sau khi nhậm chức mãn hạn hai tao ở kinh thì thăng Viên ngoại, Tự thừa, Lục sự, Huyện úy, Học chính... ; ở ngoài làm Tá mục, Đô quan... Viên nào trúng tam trường thi Hội, ở kinh thăng Lang trung, Thiếu khanh, Giáo thụ... ; ở ngoài làm Hiến phó. Nhiệm kỳ mãn hạn thăng Tham nghị.
1824 Chọn 10 Giám sinh giỏi giao bộ Lễ sát hạch, bộ Lại nghị bổ : quê từ Quảng-bình vào Nam làm Hàn lâm viện Kiểm thảo hay Điển bạ sung làm Hành tẩu văn phòng, quê từ Nghệ-an ra Bắc bổ Tư vụ 6 bộ.
1825 Kỳ khảo khóa tháng trọng Xuân sai Tham tri bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân , Ký lục Vũ Huy Đạt sung Chủ khảo, bọn Thiêm sự Trương Minh giảng 12 người làm Phân khảo, đến Di Luân đường họp các học sinh tọa Giám khảo hạch. 7 người đỗ hạng ưu bổ Hàn lâm viện Kiểm thảo ; hạng bình ở lại học tập ; hạng thứ đình lương một tháng ; hạng liệt cùng những người cáo ốm trốn hạch 52 người đều bị cách.
* Thự Tế tửu Trần Trọng Huyến và Thự Tư nghiệp Thân văn Quyền bị giáng chức : Giám sinh Lý Trần Trinh đến trước quan điển khảo tự trần rằng hạch 5 khóa y đều được ưu mà không được tuyển, những người được cử thì có người chỉ hạng bình, hạng thứ cùng là người mới bổ. Vua cho xét lại, giáng Huyến làm Chủ sự bộ Lễ, Quyền làm Chủ sự bộ Lại.
Ngoại hạng : 1841 Nguyễn Xuân Thưởng, ngoài 60 tuổi mà không dự hạng lấy đỗ (thi Hội). Vua xem danh sách, bảo Nội các: "Nhà nước dậy nuôi nhân tài muốn được kịp thời bổ dụng, sao nỡ để cho họ chìm mãi trong nhà Học, đọc sách đến bạc đầu ư ?". Truyền cho bộ Lại sát hạch, bổ làm Huấn đạo huyện Phú-xuyên.
(xem kỳ 1)
Châtenay-Malabry tháng 3, 2004
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Sửa lại tháng 12, 2005
Xem online : Văn miếu - Quốc tử giám