Đông Tác

Blog

Trang nhà > Nghệ thuật > J.G.Janitsch và J.V.A.Stamic

J.G.Janitsch và J.V.A.Stamic

Thứ Hai 19, Tháng Sáu 2023

Ngày 19/6 là sinh nhật của 2 nhạc sĩ:

  • Nhà soạn nhạc Đức thời baroque Johann Gottlieb Janitsch (19/6/1708 – ?/7/1763). Phong cách sáng tác của Janitsch là điển hình của phong cách trang nhã và Empfindsamer Stil của nửa đầu thế kỷ 18. Mặc dù sinh thời một số tác phẩm của Janitsch đã được Breitkopf xuất bản nhưng phần lớn tác phẩm còn sót lại của ông tồn tại ở dạng bản thảo.
  • Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ violin người Séc Jan Václav Antonín Stamic hay Johann Wenzel Anton Stamitz (19/6/1717 – 27/3/1757). Ông có những đóng góp quan trọng cho sự hình thành của thể loại giao hưởng với 58 giao hưởng và là người sáng lập ra trường phái Mannheim [1]. Phong cách âm nhạc của ông có tính chuyển tiếp giữa cổ điển và baroque. Hai người con của ông: Carl và Anton Stamitz là hai nhà soạn nhạc quan trọng nhất của trường phái Mannheim.

[1Tầm quan trọng của trường phái Mannheim trong lịch sử của giao hưởng không chỉ liên quan đến thể loại, mà còn liên quan đến sự phát triển của dàn nhạc, phương tiện chính của giao hưởng. Dàn nhạc của Mannheim giành được tiếng tăm nhờ tính linh hoạt và biến thiên cường độ tuyệt vời, họ đã thiết lập một tiêu chuẩn mới mà phần còn lại của châu Âu buộc phải cố gắng để theo kịp. Khả năng của dàn nhạc có thể thay đổi cường độ từ rất nhẹ sang rất mạnh đã được người đương thời đặt thành một thuật ngữ riêng là Mannheim Crescendo (Mạnh lên kiểu Mannheim) và nhiều nhà soạn nhạc sau đó đã nhận ra hiệu quả này và đưa nó vào các tác phẩm của họ. Bằng cách nâng cao chất lượng các buổi trình diễn của dàn nhạc, điều này đã khích lệ nhiều nhà soạn nhạc thử viết giao hưởng. Stamitz cũng góp phần vào sự phát triển của giao hưởng với tư cách là nhà soạn nhạc đầu tiên thường xuyên sáng tác giao hưởng 4 chương. Ông bổ sung thêm chương 3 là Minuet (hay Menuet ) và Trio (phần thứ 3 trong hình thức 2 đoạn trước khi kết) trước chương kết Presto. Stamitz cũng mở rộng quy mô của hình thức sonata trong các chương đầu tiên của các giao hưởng của mình và tạo ra sự tương phản lớn hơn giữa hai nhóm chủ đề được ấn định trong hìn thức sonata khi so sánh với các tiền bối của ông, có thể thấy điều này trong Giao hưởng E-flat Op.11 số 3 của ông: https://youtu.be/X9iC55nN_lI Ông cũng tăng quy mô của dàn nhạc bằng cách thêm nhiều nhạc cụ và nhạc cụ mới vào tác phẩm giao hưởng như oboe và horn(cor).