Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Felix Mendelssohn và 2 nhạc sĩ khác

Felix Mendelssohn và 2 nhạc sĩ khác

Thứ Sáu 3, Tháng Hai 2023

Ngày 3 tháng Hai là sinh nhật của 3 nhạc sĩ:

  • Nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc, nghệ sĩ piano và organ người Đức Felix Mendelssohn – tên đầy đủ là Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy (3/2/1809 – 4/11/1847). Ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của thời Lãng mạn với các giao hưởng, nhạc nền, nhạc cho piano và nổi bật là violin concerto https://youtu.be/ZwW4oruwyJU . Ngoài ra ông còn là người đánh dấu cho sự phục sinh âm nhạc của J. S. Bach với việc dàn dựng và trình diễn thành công vở Oratorio Mathew Passion của Bach vào ngày 11 tháng 3 năm 1829. Năm 1843 ông thành lập Nhạc viện Leipzig nay là Đại học âm nhạc và sân khấu Leipzig).
  • Nhà soạn nhạc người Áo Johann Georg Albrechtsberger (3/2/1736 – 7/3/1809). Ông là một trong những người thày của Beethoven và thân thiết với Haydn và Mozart. Lĩnh vực sáng tác của ông không được đánh giá cao như lĩnh vực lí luận sáng tác. Một học trò của ông là Anton Reicha đã trở thành Giáo sư đầu tiên của môn đối vị và Fugue tại Nhạc viện Paris từ năm 1818.
  • Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ organ người Pháp Jehan Ariste Alain (3/2/1911 – 20/6/1940). Sinh ra trong một gia đình nhạc sĩ, ông học đàn organ từ cha mình và một số giáo viên khác, trở thành nhà soạn nhạc năm 18 tuổi và sáng tác cho đến khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ 10 năm sau đó. Phong cách sáng tác của ông chịu ảnh hưởng từ Claude Debussy trước đó, và từ Olivier Messiaen cùng thời với ông. Ông cũng quan tâm đối với âm nhạc khiêu vũ và triết học viễn đông. Tham gia chiến tranh và ông đã tử trận trong trận Saumur. Các tác phẩm cho organ của ông

ĐT-TMC, theo classical.net và wikipedia

CUỘC PHỤC SINH VĨ ĐẠI

(Nhân ngày sinh của Felix Mendelssohn)

Sinh thời, nhà soạn nhạc vĩ đại J. S. Bach chỉ được biết đến như một nghệ sĩ organ có tài ngẫu hứng. Trong khi các đồng nghiệp sáng tác theo phong cách mới, sáng tác opera thì ông vẫn sáng tác theo phong cách cũ, đó là những bản prelude, fugue theo lối phức điệu và các oratorio (thanh xướng kịch tôn giáo). Ngay cả các con ông cũng chê cha mình lạc hậu dẫn đến nhiều bản thảo của ông suýt thất truyền. Oratorio tâm huyết nhất của ông là Matthaus Passion cũng chỉ được dựng vài trích đoạn vì không được sự ủng hộ của nhà thờ nơi ông làm việc. Sau khi qua đời vào năm 1750, các tác phẩm của ông bị chìm vào quên lãng.

Theo hồi ký của nghệ sĩ organ Đô lét, nhạc sĩ trong nhà thờ Thánh Phô ma, thiên tài Mozart đã từng đến dự lễ ở nhà thờ này vào năm 1788. Khi Đô lét chơi một bản Prelude của Buxtehude, Mozart đã lắng nghe một cách trang trọng. Sau đó, dàn đồng ca bắt đầu hát một bản Motet (Hợp xướng nhiều bè) của Bach. Mozart nghe chăm chú và hỏi người bên cạnh “Họ đang hát tác phẩm của ai vậy?”. Người kia bô bô “Nào ai biết. Tác phẩm cổ lỗ từ đời tám hoánh nào rồi”.

Đầu thế kỷ 19, chàng nhạc sĩ 20 tuổi Felix Mendelssohn đã gặp gỡ giáo sư Chenter, giám đốc Viện hàn lâm thanh nhạc Berlin và đại thi hào Goethe. Tuy khác xa nhau về tuổi tác nhưng họ lại có những điểm chung về âm nhạc. Cả hai ông già đều tán đồng ý kiến của chàng trai khi anh cho rằng âm nhạc của J. S. Bach “không hề cũ kỹ. thậm chí có những thủ pháp hoà âm, phối khí chưa từng thấy, ngay cả trong âm nhạc của Beethoven”. Sau đó, theo lời mời của Goethe, giáo sư Chenter và Mendelssohn đã đến chơi nhà thi sĩ ở Weima. Tại đây, chàng nhạc sĩ trẻ đã tiếp xúc với tổng phổ của vở Mathauss Passion.

Một tuần sau đó tại Berlin, chàng nhạc sĩ trẻ cùng với bạn của anh là ca sĩ Eduard Derien đã đến gặp giáo sư với với vẻ mặt kỳ lạ. Sau một lúc yên lặng, Derien hỏi bạn “Chúng ta bắt đầu chứ?”. Felix rút từ trong cặp tập nhạc Matthaus Passsion ra và ngập ngừng nói: “Thưa giáo sư, chúng tôi thấy cần phải trình diễn đầy đủ tác phẩm này”. Thoạt tiên, Chenter chưa hiểu ngay ý tưởng đó. Felix bình tĩnh trình bày ý định của mình. Nếu giáo sư cho phép, anh sẽ dàn dựng để biểu diễn kỷ niệm 100 năm ngày ra mắt đầu tiên của tác phẩm. Sau một lúc bị sốc vì ý tưởng quá táo bạo, giáo sư cũng đồng ý trước sự nhiệt huyết của hai chàng trai.

Felix quay lại Weima để nghiên cứu tổng phổ ở nhà Goethe. Goethe thực sự là người bạn lớn với Felix trong âm nhạc. Sau một đêm nghiên cứu tổng phổ, Goethe nói với Felix: ”Hình như tôi đã hiểu Bach đôi chút. Bach là người lành mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn". - Goethe chỉ vào tổng phổ - "Trong này toát ra tình thương dạt dào song ít đa cảm. Âm nhạc của Bach không phải được sáng tác trong lâu đài. Con người Bach đứng cao hơn thiên nhiên“.

Ngày 11 tháng Ba năm 1829, đúng 100 năm sau ngày dằn vặt của Bach, vở Matthaus Passion được công diễn trong phòng hoà nhạc Berlin dưới sự chỉ huy của Mendelssohn. Buổi diễn do 400 diễn viên tham gia, ngày Bach ra mắt tác phẩm chỉ có 60 diễn viên, và 2 dàn nhạc.

Giây phút bắt đầu đã đến. Felix nhìn chân dung Bach treo trên sân khấu và run run nói: ”Thưa bậc tiền bối, hôm nay Người tồn tại hay không - một phần phụ thuộc vào chúng con. Sự không hoàn thiện của chúng con chính chúng con sẽ hứng chịu. Người vẫn ở trên cao và toả sáng đời đời. Sớm hay muộn, lớp hậu thế cũng sẽ hồi sinh Người”.

TMC, theo "Xê-ba-stian Bắc" của Orjegovskaya – Hồ Mộ La dịch

Có nhắn tin hay bình luận gì không?

xét trước, đăng sau

Diễn đàn này được điều hợp trước: bài vở đóng góp sẽ xuất hiện sau khi được quản trị viên chấp thuận.

Chi tiết về bạn (không bắt buộc)
Votre message

(Để bắt đầu đoạn văn mới, bạn chỉ cần chừa hàng trống)