Có thật Kennedy là người đứng đằng sau cái chết của Ngô Đình Diệm?

Ảnh: Ngô Đình Diệm đón Hồng Y Agagianan tại Sài Gòn (1959).

Vài tuần trước đây, tờ Weekly Standard (một tạp chí của cánh hữu Cộng hòa và tân bảo thủ Mĩ) đăng một bài viết, mà trong đó tác giả cho rằng những cuốn băng thu âm mới được Thư viện LBJ công bố gần đây có một “tin động trời”, rằng “Chính Johnson tin những gì Richard Nixon từng nghi ngờ: đó là chính phủ Kennedy không những đơn thuần không chịu nổi hay khuyến khích việc ám sát Ngô Đình Diệm, mà còn tổ chức và thi hành cuộc ám sát.”

Có đúng thế không? Sau đây là ý kiến của một số nhà sử học người Mĩ về cái-gọi-là “tin động trời” trên đây:

Thomas Schwartz, tác giả cuốn “Lyndon Johnson and Europe: In the Shadow of Vietnam”:

Bài viết đó (ý nói bài viết trên tờ Weekly Standard) đưa ra một bản tin cũ, tức là ngay từ lúc nhậm chức tổng thống LBJ phàn nàn rằng quan chức trong chính phủ Kennedy là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng chính trị ở miền nam Việt Nam và dẫn đến sự sụp đổ của chế độ và cái chết của Ngô Đình Diệm. Trong một cuộc bàn thảo giữa Johnson và Donald Cook vào ngày 30/11/1963 (do Beschloss thu âm), LBJ oán trách rằng chúng ta cần một đại sứ mới để thay thế Henry Cabot Lodge, người không muốn “biến Việt Nam thành nước Mĩ trong một đêm” (Beschloss, trang 74). (Thời đó, những căm ghét của Johnson phần lớn là nhắm vào Lodge, có lẽ LBJ lo ngại Lodge có thể ra ứng cử tổng thống vào năm 1964). Tuy nhiên, tôi nghĩ Johnson cảm nhận khá chính xác, đó là Chính phủ Kennedy nên đoán trước cái chết của Diệm, nhất là Diệm đã từng sống sót qua vài lần đảo chính, và Diệm cũng từng nhiều lần trả thù kẻ thù ông ta. Có lẽ không đoán trước được viễn ảnh này, nên sau này Kennedy bị nhiều người tố cáo là chịu trách nhiệm về cái chết của Diệm. Nhưng, nói như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta tin rằng Kennedy ra lệnh giết Diệm. Điều mà chúng ta biết được là phản ứng sốc và hối tiếc của Kennedy (và phải công nhận khả năng diễn kịch rất hay của JFK lúc đó). Nhưng Kennedy cũng cảm thấy an tâm khi Diệm không còn nữa, và chúc mừng Lodge về sứ mệnh vừa hoàn thành của ông. Thành ra, câu chuyện hơi lẫn lộn như thế. Những cuốn băng mới từ Thư viện LBJ chỉ cho chúng ta thấy sự thất vọng của một người thừa kế một tình thế chính trị tai hại và nay bị những người như Robert Kennedy phê phán là ông phải có trách nhiệm trong cái chết của Diệm.

Thực ra, Richard Nixon còn trực tiếp hơn LBJ trong việc kết tội Kennedy. Trong một cuốn băng thu lại điện đàm giữa Nixon và Billy Graham vào ngày 9/4/1971, Nixon đơn giản nói “Kennedy giết Diệm”, và cho rằng Kennedy là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn độn mà ông ta phải giải quyết. Rõ ràng, bài báo của tờ Weekly Standard muốn chứng minh và kết tội Kenney về cái chết của Ngô Đình Diệm. Nhưng tôi cho rằng sự việc không đơn giản như thế.

David Kaiser, tác giả cuốn “American Tragedy: Kennedy, Johnson, and the Origins of the Vietnam War”:

“Nhiều nhà báo và giới “sử gia bình dân” không hiểu những nguyên tắc căn bản của sử học và cách sử dụng bằng chứng, và không chịu khó tìm tòi các tài liệu nghiêm túc có giá trị cao, mà lại viết lách lung tung. Đó là một sự thật rất buồn trong cuộc sống hiện đại.

Tôi đã dầy công nghiên cứu và tường trình về vai trò của chính phủ Kennedy trong vụ đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm trong cuốn sách của tôi, American Tragedy (được đề cập đến trong bài báo trên tờ Weekly Standard). Dùng các tài liệu đương thời và các cuốn băng thu thanh, tôi đã làm sáng tỏ hai điểm:

1. Kennedy chỉ đề cập đến sinh mạng của ông Diệm chỉ một lần duy nhất. Lúc đó, tức là vào tuần cuối của tháng 8 năm 1963, Kennedy quả có nói rằng Diệm nên lưu vong, và ngoài “hình phạt” lưu vong ra, không nên có hành động nào khác với ông.

2. Trong lần mít-tinh ngày 30 tháng 10 năm 1963, tức chỉ 2 ngày trước cuộc đảo chính, chính phủ Kennedy, quyết định rằng Mĩ không nên can thiệp vào cuộc đảo chính, nếu cuộc đảo chính sẽ xảy ra. Trong lần mít-tinh này, các giới chức trong chính phủ Kennedy nghi ngờ rằng chưa chắc cuộc đảo chính sẽ xảy ra. Khi cuộc đảo chính xảy ra, Conein chỉ được báo trước đó có 1 giờ.

Một điều mà hầu như ai cũng biết và biết rất lâu là Lyndon B. Johnson phản đối cuộc đảo chính ngay từ phút đầu, và ông cùng với Richard M. Nixon muốn đổ tội cuộc đảo chính cho chiến tranh. Bất cứ một người thông minh nào am hiểu Johnson cũng biết là ông ta là người nóng tính, hay thích thổi phồng nỗi tức tối, bực bội của mình trong các cuộc đàm luận. Ông ta (Johnson) đề cập đến quan điểm của Roger Hilsman và Averell Harriman cho rằng cần phải thay thế Diệm. (Cần nói thêm rằng chỉ vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống, Johnson hất cẳng Hilsman ra khỏi chính phủ ông, và hạ cấp công tác Harriman).

Một điều cần phải nhận thức là khi một người đã tiêu ra cả đời để nghiên cứu và tìm hiểu sự thật về một sự kiện lịch sử còn trong vòng tranh cãi, và khi các sự kiện còn trong vòng tranh cãi, chỉ có một thiểu số nhỏ người Mĩ quan tâm đến các sự thật đó.

Eric Bergerud, tác giả cuốn “Red Thunder, Tropic Lightning: The World of a Combat Division in Vietnam”:

Tôi quả thật thông cảm với tâm trạng chán chường của David Kaiser trước một bài báo loại “sử học bình dân” nhằm đánh trống lãng và làm tiêu hao biết bao nhiêu công trình nghiên cứu nghiêm túc. Song, tôi thấy hình như cái ý niệm cho rằng cuộc đảo chính Diệm được dàn xếp và bố trí từ Washington còn rất phổ biến trong giới viết sử ở các trường đại học Mĩ. Tôi từng nghe những quan điểm như thế khá nhiều lần. (Thực vậy, tôi nghĩ rằng phần lớn những cái gọi là "bằng chứng thật" về các sự liện lịch sử cận đại đều xuất phát từ các nhà sử học trong các trường đại học Mĩ, những người muốn trực tiếp truyền đi một loại giáo điều chính trị thay thế cho một diễn dịch khách quan).

Loại bóp méo lịch sử này không phải chỉ bắt đầu hay chấm dứt từ khi có cuộc đảo chính Diệm. Nếu tôi phải nêu lên một nhầm lẫn mà giới khoa bảng Mĩ hay phạm phải trong các vấn đề liên quan đến Chiến tranh Lạnh và các nước trong “Thế giới thứ Ba” là họ có khuynh hướng coi nhẹ các yếu tố địa phương ở các nước đó. Thường thường, cái luận điểm quen thuộc của họ là các sự kiện xảy ra trong các nước thuộc Thế giới thứ Ba là do chi phối từ Washington (thông thường nhất), Moscow, Bắc Kinh, London hay thậm chí Paris. Còn các yếu tố địa phương, thường rất cốt yếu, lại bị bỏ qua hay xem nhẹ. Cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm là một ví dụ tiêu biểu cho khuynh hướng này.

Ông bạn quá cố của tôi, Douglas Pike, mô tả những năm của chế độ Diệm là thời kì "Terry và cướp biển" của cuộc chiến Việt Nam. Ông bạn tôi đề cập đến sự lộn xộn và môi trường chính trị độc địa do các lực lượng cách mạng gây nên. Trước năm 1963, Diệm có rất nhiều kẻ thù. (Tương tự, người cộng sản cũng có nhiều kẻ thù). Tôi cho rằng người ta có thể lí giải rằng Diệm chuốc lấy hậu quả bởi vì ông ta không còn được người Mĩ ủng hộ. Nhưng, cho rằng Washington đã thất bại trong việc bảo vệ Diệm hoàn toàn khác với quan điểm cho rằng Washington ra lệnh giết Diệm, hay đồng tình với việc thảm sát Diệm.

Dù sao đi nữa, Diệm bị người Việt Nam lật đổ, vì các lí do Việt Nam. Nhưng phát biểu như thế không có nghĩa rằng các thế lực lớn quốc tế hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Thực vậy, chính những xích mích nội bộ một nước thường là lí do để các thế lực nước ngoài lấy lí do để can thiệp. Vấn đề là làm sao làm cho cái phương trình nội–ngoại cân đối.

Nguyễn Văn trích dịch từ bài viết “Was JFK Behind the Assassination of Diem?”