Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Kết nối > Web 2.0, 3.0... rồi gì nữa?

Web 2.0, 3.0... rồi gì nữa?

Thứ Ba 1, Tháng Giêng 2008, bởi CTV

Sau "bài học" từ sự phát triển và chiếm lĩnh người dùng của Web 2.0, chúng ta thấy trước điều gì với web thế hệ thứ 3? Ở đó có bao nhiêu cơ hội cho tôi và bạn?

Web 3.0 có gì?

Xét về mặt công nghệ, HTML cùng JavaScript chưa đi xuống bởi theo dự đoán, đỉnh điểm là WebOS chưa thấy bứt phá. Chúng còn chờ đợi một chút tiến bộ của phần cứng, mạng và phần mềm mà điển hình là trình duyệt để tạo thành một điểm sáng của Web 2.0. Thế nhưng, WebOS cũng không nhất thiết phải dùng đến HMTL, CSS, JavaScript mà có thể là một công nghệ, chuẩn, giải pháp mới mẻ nào đó chăng?

WebOS tương lai là một hệ, hệ này điều hành một cộng đồng người dùng cùng các phần mềm triển khai cho cộng đồng đó chứ không phải điều hành một máy tính cùng những phần mềm cài đặt. WebOS hướng đến người dùng đầu cuối cùng dữ liệu mà họ cung cấp chứ không hướng đến những xử lý phức tạp hay quản lý phần cứng cùng phần mềm. WebOS có thể đi lên từ mạng xã hội hoặc mạng cộng đồng (cộng đồng có tính đặc thù cao). Rất khó đoán trước và những thể nghiệm hiện tại của WebOS mới chỉ là giới hạn ở mức công nghệ đơn thuần. Để WebOS thành công, nó cần sự tham gia của người dùng như thành công của các dịch vụ Web 2.0.

Sau giai đoạn phát triển của WebOS là thời kỳ trở lại của mô hình điện toán chủ – trạm thay thế vai trò chủ đạo của điện toán cá nhân hiện nay. Điện toán chủ - trạm này có diện mạo mới do công nghệ và người dùng đầu cuối mang lại. Đó không đơn thuần gói gọn ở mô hình chủ – trạm cho một mạng nội bộ, diện rộng mà sẽ là mô hình máy chủ dịch vụ – máy tính cá nhân (máy trạm cá nhân) trên Internet.

Ở đó chúng ta sẽ chứng kiến sự thành công của SOA cùng Web Service, của mô hình điện toán lưới – Grid Computing, của những trung tâm dữ liệu khổng lồ,... Mỗi cá nhân tham gia Internet sẽ chỉ cần một ID và mỗi máy tính sẽ có một IP tĩnh tham gia vào mạng. Hệ điều hành sẽ không nằm chết trong trình duyệt mà lúc đó nó trở thành những hệ điều hành tương tác trên môi trường mạng.

Blog lúc này có thể giống như những quyển sổ gấp vào, mở ra. Dịch vụ chia sẻ ảnh thì giống như những album thực sự, mạng xã hội không ảo mà gắn kết nhiều hơn với xã hội thực. Khi đó chúng ta có thể khám sức khỏe định kỳ qua mạng, đăng ký thủ tục, học hành, kiện tụng, tư vấn,... trên mạng. Sẽ không có khái niệm Second Life mà chỉ có một cuộc sống thực duy nhất, nó gắn liền với mạng.

Những công nghệ đang khởi động?

XML chẳng thể thay thế nổi HTML như người ta tưởng. Applet chết mòn khi JavaScript và Flash sinh sôi. Bất cứ dịch vụ nào, nếu phức tạp, người ta sẽ từ bỏ ngay từ lần ghé thăm đầu tiên.

Điều đó nhắc nhở giới công nghệ rằng: nhanh, nhẹ, thân thiện, đơn giản là những nhân tố để đi đến thành công. PHP được viết nhiều hơn bởi tư duy Java [1] dù có mạnh đấy nhưng quá rắc rối và phức tạp. Với bất cứ phần mềm, hãy đừng hành là chính.

Tôi nói thì rất dễ. Bản thân tôi cũng mắc nhiều sai phạm dù trong tâm niệm mình luôn hướng đến sự đơn giản. Tư duy cần hướng đến sự đơn giản hóa. Trong công việc hằng ngày, tôi thường bắt gặp những lối tư duy quá phức tạp của các lập trình viên hay kỹ sư phần mềm. Đó là điểm yếu tạo thành bức rào cản khiến ứng dụng không thể phổ dụng. Sáng tạo quá nhiều tính năng mà người ta không bao giờ dùng sẽ làm nặng chương trình và tăng độ khó. Nghĩ đơn giản, làm giản đơn là bước đầu đưa đến thành công.

Điều đó đồng nghĩa rằng những công nghệ tương lai có thể mạnh nhưng sẽ cần gọn và dễ hiểu hơn. HTML sống được là bởi nó lỏng lẻo nhưng trong tương lai, tính lỏng lẻo đó sẽ giết chết nó. Thời đại Web 3.0 cần những xử lý, những tương tác mạnh hơn nên cần sự phát triển của HTML và Javascript hoặc một chuẩn, công nghệ, giải pháp thay thế.

Bởi ban đầu HTML chỉ được thiết kế cho việc định dạng tài liệu, sự phát triển đến thời Web 2.0 là do những chắp vá cùng scripting hỗ trợ trong trình duyệt để xử lý một phần nghiệp vụ, thao tác phía client. HTML đã có phiên bản mới để thỏa mãn những yêu cầu trong thời đại nhưng người ta cũng đang nghĩ đến giải pháp thay thế hoàn toàn HTML.

Những giải pháp này có thể chạy bên trong trình duyệt hoặc ngoài trình duyệt. Đó là những nhân tố góp phần làm thay đổi thiết kế ở mặt đồ họa của hệ điều hành tương lai dành cho thế hệ máy tính tương tác mạng. Nó phải đảm bảo được những phức tạp, tinh vi về giao diện bên cạnh sự đơn giản, nhẹ và khả năng tương tác cao hơn những gì mà HTML + JavaScript mang lại. Dĩ nhiên để có thể chạy được cả trong lẫn ngoài trình duyệt, chúng cần những bộ Runtime. Những bộ Runtime này đủ nhỏ để dễ dàng cài đặt chứ không to uỳnh như cái Reader của Acrobat.

Web 1.0 là document – văn bản chữ, Web 2.0 thì chắp vá nửa ứng dụng, nửa văn bản nhưng Web 3.0 sẽ là RIA - Rich Internet Application, những ứng dụng thực sự, có giao diện đồ họa hấp dẫn, nhanh và mạnh mẽ. Adobe là công ty tiên phong trên cơ sở những gì mà Flash của họ làm được. Đó là Flex/Appolo, một quá độ từ thời 2.0. Các công ty như Microsoft (Silverlight) và Sun (JavaFX) cũng đang phát triển để nền tảng công nghệ của họ nhanh chóng thích ứng với thời 3.0.

Bản thân HTML từ W3C cùng các tổ chức web như Mozilla đã thiết kế phiên bản mới của HTML và JavaScript. Khoảng thời gian gần, chúng ta chứng kiến những gì mà HTML 5 (WebForm 1.0) xuất hiện cùng phiên bản 2 của JavaScript với Mozilla Core 2.0. Bật mí từ Mozilla Core, nhân này sẽ giống như bộ máy ảo có thể hiểu được cú pháp của cả JavaScript, C/C++ hay Java. Liệu rằng chúng có đủ năng lực sống sót tới thời kỳ 3.0.

Ngoài giao diện, thế hệ Web kế tiếp hướng đến việc xử lý tốt nguồn dữ liệu đang lớn dần từ thời Web 2.0. Ngữ nghĩa là định hướng xử lý dữ liệu cho thế hệ Web 3.0. Không phải đến thời đại này thì Sematic Web mới được định nghĩa. Đây là một mô hình đã có từ thời 1.0 nhưng phải nhờ đến 2.0 rồi sang 3.0 thì mới có đất để sinh sôi nảy nở. Phải có dữ liệu, càng nhiều, càng tốt, và chúng ta đang sở hữu một nguồn dữ liệu khổng lồ từ 1.0 do trào lưu số hóa, từ 2.0 trong trào lưu mạng dịch vụ xã hội. Tổng hợp, phân tích, xử lý nguồn tài nguyên này là định hướng dữ liệu thời 3.0. Ở 1.0, người dùng là những cá nhân chủ động tiếp cận dữ liệu, sang thời 2.0 họ trở thành những người cung cấp dữ liệu và đến thời 3.0 họ có thể trở thành chuyên gia tổng hợp, phân tích dữ liệu chuyên nghiệp. Semantic Web chính là sự thông minh của Web.

Thế hệ Web kế tiếp đón nhận sự gia nhập của các thiết bị cá nhân khác vào Web ngoài computer. Những thiết bị như máy chơi game, nghe nhạc, điện thoại hay đơn giản là giấy chứng minh điện tử, hoặc điên rồ hơn là một cặp kính thông minh cũng có thể tham gia vào Web 3.0. Sự tham gia có phong trào này sẽ làm cho môi trường Web 3.0 trở nên sinh động và có sức ảnh hưởng lớn hơn so với các thời kỳ trước đó.

Trong những năm tới, thiết bị cá nhân có thể truy cập Internet và hiểu được Web sẽ là điểm nhấn tính năng trong các quảng cáo sản phẩm và nó trở thành một yêu cầu của khách hàng khi họ móc hầu bao. Kết nối không dây là cơ sở thúc đẩy trào lưu gia nhập đó giống như ADSL thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ cung cấp nội dung ở Web 2.0.

Nền kinh tế phát triển, thế giới bị san bằng. Lượng người tham gia vào Internet sẽ chỉ có tăng chứ không hề giảm. Công nghiệp sản xuất phần mềm dịch chuyển dần sang dịch vụ phần mềm. Tương lai là dịch vụ. Do đó, những máy chủ thời 3.0 không phải là những máy dịch vụ Web đơn lẻ. Đó sẽ là một mạng máy chủ dịch vụ với môi trường điện toán lưới (Grid Computing) và xử lý song song cùng các trung tâm dữ liệu khổng lồ. SOA và Web Service sẽ trưởng thành thực thụ. Mô hình kiến trúc hướng dịch vụ trở thành xương sống trong các hệ thống phần mềm.

Web Service là trợ thủ đắc lực cho dịch vụ Web 3.0. Chúng giúp trao đổi dữ liệu giữa máy khách với máy chủ thông qua giao diện đồ họa (không nhất thiết phải nằm trong trình duyệt). Máy chủ dịch vụ sẽ đón nhận luồng dữ liệu này rồi tiến hành xử lý. Những yêu cầu xử lý có thể lên đến hàng triệu trong một đơn vị thời gian nhỏ nên dù máy chủ có mạnh đến cỡ nào cũng không thể đảm đương hết. Chúng phải được phân tải với các máy chủ dịch vụ khác trong mạng. Mô hình Grid Computing được thực tế ứng dụng nhiều hơn để tiến hóa, đáp ứng những yêu cầu thời kỳ Web 3.0.

Rất khó để biết trước tương lai ngoài những dự đoán mang nhiều cảm tính nhưng Web thế hệ kế tiếp đang nhen nhóm rồi đấy. Hãy tư duy mà sáng tạo đi thôi.

Nhữ Đình Thuận (VNN)


[1Xem thêm Back from JavaOne 2007.