Cái uy của Nguyên Hồng

Trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, tới thăm Nguyễn Khải, tôi đã được nghe anh kể nhiều điều thú vị về các nhà văn. Tham gia nhiều khoá chấp hành, lại ở ngay Hà Nội, luôn gặp gỡ với đủ loại nhà văn nhà thơ, trong đó có nhiều cây đa cây đề, anh biết bao chuyện về các nhà văn lớn chê bai châm chọc khích bác nhau, nói khi vắng mặt cũng như nói đốp vào mặt nhau những câu chẳng ra làm sao một cách nửa đùa nửa thật. Gần như không chừa một ai. Thế nhưng không một người nào đụng đến Nguyên Hồng.

Nguyên Hồng có cái uy riêng. Nguyễn Khải nói với tôi như vậy. Tự nhận mình là đệ tử của Nguyên Hồng, tôi rất thú vị về điều ấy, về chuyện Nguyên Hồng có cái uy khiến ai cũng phải tôn trọng mà Nguyễn Khải nói cùng tôi.

Cái uy của Nguyên Hồng là gì nhỉ?

Chắc chắn cái uy ấy không phải toát ra từ vẻ mặt đôn hậu của anh, bộ quần áo nâu giản dị anh mang trên người cùng với toàn bộ dáng vẻ quê mùa chân chất của anh mà trong lần gặp đầu tiên, Pi-e A-bra-ham, chủ nhiệm tạp chí Europe đã gọi là Người-Của-Đất. Càng không thể là cái làn ràng ràng trong đó lủng củng chai lọ anh luôn xách theo như một thứ samsonite tuỳ thân của các thủ trưởng hôm nay, cũng không thể là thú vui ăn uống vỉa hè cổng chợ của anh. Tôi hiểu rằng người ta có thể không đánh giá cao sáng tác nào đó của anh, người ta có thể không thích cách sống xuề xoà tới mức luộm thuộm của anh, nhưng tất cả đều kính trọng nhân cách của anh, nhân cách nhà văn và nhân cách công dân. Anh chính là lương tâm văn học của tất cả, nhất là lớp trẻ chúng tôi. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn nói cùng nhau chuyện sau khi thôi giữ chức chủ bút tuần báo Văn, sau khi bị kiểm điểm lên xuống vì “tội” đã lãnh đạo báo Văn “đi trệch đường”, Nguyên Hồng xin nghỉ hưu và đưa cả gia đình từ Hà Nội về Yên Thế. Hành động treo ấn từ quan này chỉ có ở Nguyên Hồng, mà phải chờ đến gần nửa thế kỷ sau mới có một, hai quan chức đủ dũng khí, đủ tự trọng thực hiện.

Ngoài cuộc đời rất trong sạch của mình mà ai cũng phải kính nể, cái uy của Nguyên Hồng có lẽ còn ở chỗ anh đến với nghệ thuật như một tín đồ, với niềm si mê trong trẻo của mối tình mãi mãi là mối tình đầu. Không gì có thể làm vẩn đục được nó. Tiền bạc, chức vụ, danh vọng, nhà cao cửa rộng, sự tín nhiệm yêu mến của cấp trên, hay đơn giản chỉ là một chuyến đi nước ngoài mà bao người khao khát, tất cả không có chỗ trong sự suy nghĩ của anh. Anh đắng cay với nó, sung sướng với nó, khổ cực với nó. Anh vinh quang với nó và nhọc nhằn với nó. Tất cả đều coi anh là một bậc thánh tử vì đạo. Trong nghệ thuật anh chưa một lần dối trá. Có thể về cuối đời, sự dũng cảm, cái gan góc tự do kiểu ấy (chữ của Vương Trí Nhàn) trong anh ít dần đi, nhưng anh chưa một lần dối trá. Anh là nhà văn của những người cùng khổ. Hơn thế, toàn bộ sáng tác của anh còn trùng hợp với quan niệm của Elffriede Jelinek, nhà văn Áo, Nobel văn học 2004 “Văn học không đứng về phía kẻ mạnh.” Một bài thơ một câu của Dương Tường mang tên “Để ghi trên mộ chí sau này” có thể nói trọn châm ngôn sống và sáng tác của anh: Tôi đứng về phe nước mắt.

Nhiều lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi: Nếu Nguyên Hồng còn sống tới hôm nay thì anh sẽ viết gì nhỉ. Chắc chắn sẽ có một quyển hồi ký mà anh đã nói với nhà thơ Thanh Tùng và người anh con cô con cậu Vũ Quốc Phan. Thanh Tùng đã hỏi anh: Sao bố không viết Bỉ Vỏ tập hai đi? Xã hội bây giờ còn bỉ vỏ hơn ngày trước đấy. Và ông Vũ Quốc Phan, trong một lần từ Paris về đã nói với anh: Anh ngạc nhiên về sự im lặng của em. Trước khi anh ra đi sang Pháp em còn dám viết Bỉ Vỏ. Tình trạng hiện thời không thiếu Bỉ Vỏ mà em không viết gì cả. Và Nguyên Hồng đã trả lời với cả hai người rằng anh sẽ viết một quyển hồi ký, đến khi anh chết người ta sẽ biết anh. Quyển hồi ký chưa được viết ấy, tiếng hót của con chim khôn trước lúc lìa đời ấy, chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều điều thú vị, bởi khi sắp vào quan tài Nguyên Hồng mới viết, hẳn nó sẽ lại “đạt tới cái tầm chân thực mà chỉ các nhà văn Anh hay các nhà văn Nga mới đạt tới”để chúng tôi lại một lần nữa “sửng sốt về cái khả năng chân thực ghê gớm mà cũng là cái gan góc tự do kiểu ấy” của Nguyên Hồng như Vương Trí Nhàn đã viết về quyển hồi ký đầu tiên “Những ngày thơ ấu” của anh.
Nguyên Hồng đã nhìn thấy những Tám Bính, Năm Sài gòn thế hệ mới. Khi trả lời Thanh Tùng, anh đã khóc. Khóc vì thấy mình không còn là mình nữa, mình mắc nợ với họ, không làm tròn trách nhiệm nhà văn với họ.

*

Nguyên Hồng đã bước vào cõi vĩnh hằng, đã xa tất cả chúng ta, nhưng đọc anh, ta thấy trái tim Nguyên Hồng vẫn còn rên rỉ cùng ta. Chúng tôi, lớp con em anh tóc cũng đã bạc trắng đầu. Tôi đã nhiều lần làm tổng kết cuộc đời. Bản tổng kết nào cũng có những ngày may mắn được quen anh. Đó là những tháng năm vừa hạnh phúc vừa bất hạnh, vừa ngọt ngào vừa cay đắng, vừa hy vọng vừa thất vọng của tôi. Và vì tất cả đã thành quá khứ nên càng làm tôi xao xuyến.

Sinh thời Nguyên Hồng rất thương tôi. Tình thương ấy chưa một lần nói thành lời ngoại trừ mấy hàng chữ anh đề tặng trên tập Một tuổi thơ văn: Cho Bùi Ngọc Tấn rất thương. Mùa đông nhớ năm xưa. Và ba lần anh khóc ở nhà tôi. Chỉ chẩy nước mắt thôi. Không nói. Lần thứ nhất: Gặp lại tôi sau năm năm xa cách. Lần thứ hai khi tôi cho anh xem bộ quấn áo số của tôi. Và lần thứ ba khi anh tặng tôi tập hồi ký Một tuổi thơ văn.

Đã 23 năm Hải Phòng vắng bóng anh, và phỏng theo cách En-xa Tơ-ri-ô-lê khóc Mai-a, vắng Nguyên Hồng ở mọi nơi cần có Nguyên Hồng. Xã hội chúng ta đang sống đây nơi nào chẳng cần có Nguyên Hồng. Tôi thèm được đạp xe lang thang cùng anh tới Trại lính Cát dem, Sở thầu Tây cụt, Máy nước hai vòi, phố Sau nhà lốp… và càng khao khát biết bao được đưa anh tới phố Nguyên Hồng, một phố nhỏ, vắng, chỉ khoảng 60 số nhà, lam lũ, chẳng thể nào bì được với phố Văn Cao. Tôi chắc anh bằng lòng với cái phố nhỏ ấy. Anh đâu phải là người của những đại lộ. Phố Nguyên Hồng Hải Phòng một đầu nối với phố Lán Bè còn gọi là phố Bờ Sông, một phố mà thời bao cấp, gần như toàn bộ dân phố khi lĩnh tem phiếu đều đem bán hết để lấy vốn làm ăn buôn bán sinh nhai. Còn đầu kia thông ra đại lộ Tôn Đức Thắng, nơi những Tám Bính mới đứng ven đường chào khách.

Không chỉ dành cho anh một tên phố, Hải Phòng nơi khai sinh ra anh với tư cách nhà văn, còn dựng tượng Nguyên Hồng. Cho tới nay tôi vẫn giữ giấy mời buổi lễ xúc động ấy. Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Hải Phòng. Hai ngày trước Thiên Chúa giáng sinh. Cả trường tưng bừng trong ngày hội lớn. Tượng Nguyên Hồng dựng trong sân trường, dưới một tán lá, bên một gốc cây. Đèn đuốc sáng trưng. Các cháu ca hát, nhẩy múa. Sau buổi lễ, một bữa rượu được ghi trong chương trình: Dự tiệc rượu cùng cố nhà văn Nguyên Hồng. Một bữa rượu rất Nguyên Hồng được tổ chức ngay giữa sân trường. Chỉ có rượu trắng và thịt đựng trong đĩa lớn. Tất cả quây quần. Có thể dùng đũa hoặc bốc bằng tay. Tôi ngồi cùng bàn với Nguyễn Vũ Giang, con trai thứ hai của anh rất giống anh, sau khi về hưu, trở về ở hẳn Cầu Đen Yên Thế trông nom phần mộ hương khói cho bố mẹ. Và tiến sĩ tin học Bùi Quốc Tuấn, con rể anh, chồng Thanh Thư, cô con gái cũng mang rất nhiều nét Nguyên Hồng. Giang đem rượu từ Yên Thế xuống, thứ rượu gia truyền, sinh thời Nguyên Hồng vẫn uống. Chúng tôi đã uống cùng nhau thứ rượu này ở Cầu Đen trong ngày giỗ Nguyên Hồng hồi giữa năm, sau khi thắp hương trên mộ vợ chồng nhà văn.

Mắt tôi cay cay ngày giỗ anh đầu hè ấy và mắt tôi tràn đầy niềm vui đêm nay, đêm trước mùa lễ Giáng Sinh, khi anh đã có một hoá thân mới: Tượng đồng. Và tôi ngồi uống rượu với các con anh bên chân tượng. Sáng hôm sau ba anh em, tôi, Nguyễn Vũ Giang và Bùi Quốc Tuấn ngồi chung một chiếc xích lô tới phố Nguyên Hồng. Chúng tôi bước chậm dọc phố từ phía Lán Bè qua những hiệu tạp hoá nhỏ, những gánh quà rong, những cửa hàng bán tre nứa… và tôi cứ có cảm giác Nguyên Hồng ở đâu đó đang dõi nhìn những bước chúng tôi đi. Tới đầu phố phía đại lộ Tôn Đức Thắng, chúng tôi dừng ở một hàng nước chè chén vỉa hè. Ngồi xuống ghế. Giang giở bị bọc, lôi ra chai rượu chưa dùng đến tối qua. Và một túi lạc rang. Chúng tôi rót rượu mời mọi người. Mấy khách thanh niên đang ngồi liền bên hút thuốc, anh xe ôm cùng vài bác xích lô đón khách dưới gốc cây, ông chủ quán và cả hai ông già dáng vẻ hưu trí mải miết vào bàn cờ tướng chắc là rất gay go trên vỉa hè cạnh đó ngẩng cả đầu lên ngạc nhiên nhìn chúng tôi rót rượu ra các chén của ông hàng nước và mời tất cả. Để mọi người yên tâm vui vẻ uống, tôi giới thiệu Nguyễn Vũ Giang và Bùi Quốc Tuấn là ai. Và tại sao hai người lại có mặt ở đây. Một tiến “a” gần như đồng thanh. Sau đó là những nụ cười cởi mở. Không có gì là ngăn cách giữa những người vừa mới gặp nhau. Uống. Những người ở phố Nguyên Hồng uống rượu với các con của Nguyên Hồng ngay trên phố Nguyên Hồng, thứ rượu Nguyên Hồng vẫn uống mang từ Bắc Giang xuống. Uống và chuyện. Chuyện về việc dựng tượng Nguyên Hồng tối qua mà báo Hải Phòng và các hãng thông tấn vỉa hè đã loan đi. Chuyện về Nguyên Hồng. Tôi nghĩ trong số dự bữa rượu vỉa hè với chúng tôi hôm ấy có người chưa đọc Nguyên Hồng lấy một dòng. Nhưng tất cả đều biết anh. Đều nói tới anh với một vẻ yêu mến và kính trọng.

Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Nguyễn Khải về cái uy của Nguyên Hồng. Và tôi hiểu thêm một nét nữa trong cái uy ấy. Nó còn bắt nguồn từ tình cảm của tầng lớp đông đảo những người đang ngồi chung quanh tôi, trên một đầu phố Nguyên Hồng này.

B. N. T.